Phương pháp tác động tâm lý trong hỏi cung bị can

Ngày đăng 10/04/2023
302 Lượt xem

Tác giả

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong hoạt động hỏi cung các điều tra viên nên sử dụng tác động tâm lý đến bị can. Mục đích của việc sử dụng phương pháp này là điều tra viên tạo ra trạng thái tâm lý tích cực nhất để bị can có thể khai về các tình tiết của vụ án. 
Tuy nhiên trên thực tế, hoạt động này còn chưa đạt hiệu quả cao. Nhiều 
điều tra viên còn chưa có một hiểu một cách có hệ thống về các phương pháp 
này. Vì vậy, em xin chọn đề bài: “Phương pháp tác động tâm lý trong hỏi cung bị can”.

GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

Các khái niệm

Khái niệm hỏi cung bị can

Khi tiến hành giải quyết một vụ án hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành rất nhiều các hoạt động khác nhau. Trong đó, giai đoạn điều tra đóng vai trò quan trọng nhằm tìm kiếm chứng cứ, chứng minh tội phạm, mà hoạt động hỏi cung bị can là một biện pháp thu thập chứng cứ quan trọng. Hoạt động hỏi cung bị can có mục đích thu thập tin tức, tài liệu về vụ án, giúp cơ quan điều tra xác minh có hay không có sự kiện phạm tội, nếu có thì tính chất và mức độ như thế nào. 

Trong Từ điển Luật học, hỏi cung bị can được hiểu là hoạt động tố tụng do điều tra viên tiến hành khi có quyết định khởi tố bị can để lấy lời khai của người này về các tình tiết của các hành vi phạm tội.

Trong giáo trình Tâm lý học tư pháp do tác giả Đặng Thanh Nga chủ 
biên có viết: “Hoạt động hỏi cung bị can là một dạng hoạt động điều tra sử 
dụng các phương pháp tác động tâm lý đến tư duy, tình cảm, ý chí của bị can 
trong khuôn khổ pháp luật thông qua giao tiếp bằng ngôn ngữ và các phương 
tiện biểu cảm khác như ánh mắt, cử chỉ, nét mặt giữa điều tra viên với bị can 
nhằm thu thập chứng cứ do họ đưa ra góp phần giải quyết vụ án hình sự”.

Khái niệm tác động tâm lý trong hỏi cung bị can

Trong hoạt động hỏi cung bị can, việc huy động các nhân tố cần thiết để tác động tới bị can, giúp bị can vượt qua mọi trở ngại, khai báo đầy đủ, trung thực hành vi phạm tội của mình là nhiệm vụ cơ bản của các điều tra viên - được gọi là hoạt động tác động tâm lý bị can. 

Tuy nhiên, tác động tâm lý trong hoạt động hỏi cung bị can là một quá 
trình mà ở đó các điều tra viên đã lên kế hoạch, sử dụng đồng bộ các phương 
pháp, chiến thuật tác động tới bị can nhằm đạt được mục đích đã đề ra. Do đó, nó không phải là những hoạt động tự phát, đơn lẻ mà là một quá trình đồng bộ, có sự phối hợp giữa các phương pháp và thủ thuật. Khi tiến hành tác động tâm lý tới bị can, điều tra viên cần dựa vào hệ thống các kích thích và không có một khuôn mẫu chung nào cho từng bị can. 

Như vậy, tác động tâm lý trong hoạt động hỏi cung bị can là hệ thống các tác động theo kế hoạch của cơ quan điều tra đối với bị can nhằm làm chuyển biến và dẫn đến thay đổi những hiện tượng tâm lý nào đó ở bị can, giúp bị can khai báo trung thực, đầy đủ và chính xác về sự việc phạm tội.

Các phương pháp tác động tâm lý trong hoạt động hỏi cung bị can

Phương pháp thuyết phục

Phương pháp thuyết phục là dùng những lời lẽ để phân tích, giải thích cho bị can nhằm giúp họ nhận thức được đúng, sai, phải, trái, thiệt hơn về những vấn đề có liên quan đến họ. Từ đó, làm cho bị can thay đổi thái độ, hành vi phù hợp với yêu cầu của hoạt động hỏi cung. Đó là sự giải thích, khuyên nhủ bằng lí lẽ, lập luận bằng logic và trong một số trường hợp có thể lôi kéo đối tượng bị tác động vào khuôn khổ nhất định của sự tranh luận vấn đề đó.

Phương pháp thuyết phục được thực hiện chủ yếu thông qua ngôn ngữ của điều tra viên nhằm giải quyết tư tưởng của bị can, giúp họ thay đổi cách nhìn, thay đổi thái độ và hình thành cách nhìn mới phù hợp với yêu cầu của pháp luật tố tụng hình sự. Bởi vậy, phương pháp này được xác định là cơ bản và quán triệt với mọi trường hợp, với mọi bị can.

Tuy nhiên, để thay đổi bản chất cũng như thái độ của bị can là một việc làm không hề đơn giản. Nó là một cuộc tấn công tích cực, chủ động, có mục đích và có kế hoạch. Bởi vậy, khi sử dụng phương pháp thuyết phục, đòi hỏi điều tra viên phải đảm bảo các yêu cầu sau:

Tìm hiểu rõ các đặc điểm tâm lý của bị can, đặc biệt là những động cơ chi phối sự khai báo hoặc khai báo gian dối của bị can. Mỗi bị can đều có nét tâm lý riêng biệt được hình thành và chịu sự tác động của nhiều yếu tố như: Điều kiện và hoàn cảnh sống, điều kiện và hoàn cảnh phạm tội, tính chất và hậu quả của hành vi phạm tội… Thông thường, bị can từ chối khai báo là do một số nguyên nhân: Sợ mất uy tín, sợ đồng bọn trả thù, chưa tin vào chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước,….Vì vậy, việc thuyết phục bị can không nên tiến hành một cách máy móc, mà phải thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với đặc điểm tâm lý của từng bị can. Đồng thời, điều tra viên phải dùng nhiều cách, vừa công khai, vừa bí mật, có thăm dò thử thách hoặc dùng cách toạ đàm tự do để bị can bộc lộ tâm tư tình cảm của mình. Ngoài ra, điều tra viên phải phối hợp với các chủ thể khác trong việc giáo dục, cảm hoá bị can như cán bộ trại tạm giam hay người thân của bị can.

Ví dụ: Trong vụ án bị can Bình phạm tội cướp tài sản, các điều tra viên đã sử dụng phương pháp thuyết phục đến bố mẹ của bị can. Và việc sử dụng phương pháp này rất hiệu quả. Sau khi thực hiện xong hành vi phạm tội, Bình đã bỏ trốn lên Hà Nội. Vừa ráo riết tiến hành truy bắt, Công an huyện Kiến Xương đã sử dụng biện pháp tâm lý, tác động đến gia đình đối tượng. Bởi qua tìm hiểu, các anh được biết, bố mẹ Bình đều là những người nông dân chất phác, yêu thương con. Các anh đã đến phân tích cho họ thấy rằng, con đường tốt nhất dành cho con trai họ là ra đầu thú để hưởng khoan hồng của pháp luật. Lúc đầu, gia đình Bình im lặng. Sau đó, chính người mẹ nông dân luôn một nắng hai sương còng lưng nơi đồng ruộng ấy đã chủ động tìm đến cơ quan Công an để xin được cùng các anh lên Hà Nội tìm con trai. Từ sáng 8/11, tổ công tác của Công an huyện Kiến Xương cùng với mẹ của Bình đã lên Hà Nội thông qua một số bạn bè của Bình để tìm cậu ta. Đến đêm 8/11 thì mẹ Bình đã điện thoại được cho con. Nước mắt chan chứa trên gương mặt đang hằn những nếp nhăn của người mẹ nhưng bà vẫn tìm đủ các lý tình để khuyên con trở về đầu thú.

Thông tin dùng để thuyết phục bị can phải xuất phát từ đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như phải gắn với tình hình thực tế xã hội. Khi điều tra viên giải thích chính sách, pháp luật của Nhà nước phải chính xác, thuyết phục và không mâu thuẫn với thái độ xử sự của mình. Đồng thời, nội dung thuyết phục phải phù hợp với trình độ, nhận thức, kinh nghiệm của từng bị can, tương ứng với động cơ kìm hãm sự khai báo của bị can cũng như gợi được những suy nghĩ mới ở họ.

Điều tra viên phải là người có trình độ chuyên môn vững vàng, nắm vững đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước liên quan đến công tác điều tra và xử lý tội phạm, biết vận dụng sáng tạo nó khi hỏi cung bị can. Điều tra viên phải là người có trình độ học vấn cao, có vị trí nhất định trong xã hội, có khả năng lí giải, phân tích các vấn đề một cách logic, mạch lạc. Đồng thời, bị can phải là người biết lắng nghe, giải đáp các thắc mắc, các thông tin ngược chiều từ phía bị can.

Phương pháp truyền đạt thông tin

Phương pháp truyền đạt thông tin là phương pháp, mà điều tra viên đưa ra những thông tin có liên quan tới sự kiện phạm tội. Từ đó làm xuất hiện ở bị can những cảm xúc nhất định hoặc làm thay đổi động cơ, giúp bị can khai báo thành khẩn mọi chi tiết của sự việc phạm tội. Những thông tin mà điều tra viên sử dụng tác động tâm lý có thể là những dấu vết, vật chứng thu được ở hiện trường, các tài liệu do người bị hại cung cấp, hỏi cung đồng bọn hoặc sự tố giác của quần chúng nhân dân. Phương pháp truyền đạt thông tin được sử dụng trong các trường hợp sau:

Thay đổi hướng tư duy của bị can khi họ cung cấp những thông tin không đúng pháp luật;

Nhằm tăng sự hiểu biết, kiến thức của bị can;

Giúp bị can khôi phục lại trí nhớ về những sự kiện hoặc tình tiết mà bị can quên hoặc nhầm lẫn;

Làm thay đổi xúc cảm, tình cảm, trạng thái tâm lý của bị can. Trong trường hợp này, phương pháp truyền đạt thông tin được sử dụng kèm theo phương pháp thuyết phục. Việc điều tra viên cung cấp một số thông tin làm bị can mất tự tin, nghi ngờ lập trường của mình dễ bị thuyết phục.

Ví dụ: Trong vụ án giết người, cướp tài sản ngày 2/4/2006 xảy ra tại cửa hàng Biti’s, 25 phố Chùa Bộc, Hà Nội. Trong quá trình hỏi cung, bị can Trương Ngọc Hoa tỏ ra ngoan cố lì lợm. Chỉ đến khi chiếc điện thoại di động của anh Quảng (nạn nhân) được giơ trước mặt hắn, cùng hàng loạt chứng cứ trực tiếp khác hắn mới thừa nhận là kẻ giết anh Quảng rồi cướp tài sản

Để đảm bảo việc sử dụng phương pháp này có hiệu quả, cần đảm bảo các yêu cầu sau:

Điều tra viên cần phải hiểu được tâm lý bị can trước khi tác động, đặc biệt là các động cơ đang kìm hãm sự khai báo của bị can để lựa chọn những thông tin có sức công phá lớn sự ổn định trạng thái tâm lý của bị can. Khi bị can đang ở trạng thái liều lĩnh cao độ, đang phản ứng quyết liệt hoặc đang bi quan, chán nản thì không sử dụng phương pháp này. Nếu điều tra viên truyền đạt thông tin lúc này có thể bị can ngồi ỳ không đáp hoặc trả lời liều lĩnh: “Cái đó đúng thì đúng với các ông thôi còn tôi không biết”. Gặp những trường hợp này, tốt nhất điều tra viên nên nói chuyện thoải mái, giải thích thuyết phục đưa bị can trở lại cuộc sống hiện tại.

Thông tin tác động phải đảm bảo tính chính xác, có liên quan trực tiếp đến việc phạm tội và hành vi che giấu tội phạm của bị can, buộc bị can không thể thờ ơ mà phải suy nghĩ. Hoặc thông tin mà điều tra viên đưa ra phải làm cho bị can có những phản ứng cần thiết. Để làm được điều này, điều tra viên không được sử dụng thông tin giả để tác động, vì nó sẽ phá vỡ mối quan hệ tâm lý đang được xây dựng giữa điều tra viên và bị can, gây cho bị can sự nghi ngờ, không tin tưởng điều tra viên.

Đảm bảo tính bất ngờ trong truyền đạt thông tin cần thiết tới bị can, về thời điểm tác động cũng như nội dung tác động. Khi bị bất ngờ, bị can phải nhanh chóng đi đến quyết định hoặc là khai báo thành khẩn hoặc là khai báo gian dối. Nhưng vì bị can không đủ thời gian để nghĩ lời khai gian dối logic nên sẽ rất dễ bị điều tra viên phát hiện, khiến bị can phải khai báo trung thực. Ngược lại, nếu những thông tin mà điều tra viên dùng để tác động đã được bị can biết trước hoặc đoán được thì bị can sẽ có sự chủ động đối phó.

Những thông tin điều tra viên dùng để tác động phải đầy đủ về chất và lượng. Bởi vì, khi điều tra viên sử dụng những thông tin này sẽ làm bị can “giật mình”, bị can sẽ thay đổi thái độ mà khai báo thành khẩn.

Đồng thời, trong quá trình truyền đạt thông tin tới bị can, điều tra viên cần chú ý quan sát biểu hiện thái độ cảm xúc của bị can như nét mặt, cử chỉ, điệu bộ,… hoặc những biểu hiện bên ngoài của hệ thần kinh thực vật của bị can để đánh giá đúng tâm lý của họ. Trong trường hợp này, bên cạnh việc đưa ra những thông tin cần thiết, điều tra viên có thể kết hợp với việc thuyết phục bị can.

Phương pháp ám thị gián tiếp

Phương pháp ám thị gián tiếp là phương pháp tác động tâm lý mà trong đó điều tra viên đưa ra những thông tin về những sự kiện về đời tư, về những điều bí mật của bị can nhằm làm cho bị can ý thức được rằng: Những vấn đề đó mà điều tra viên còn biết thì những vấn đề liên quan tới vụ án, hành vi phạm tội của mình chắc chắn điều tra viên cũng sẽ biết được, tốt nhất là khai báo sự thực để hưởng lượng khoan hồng.

Trên thực tế, sau khi bị bắt vào trại tạm giam do chế độ quản lý của trại, bị can khó có thể biết được cơ quan điều tra đã thu thập được những thông tin gì có liên quan đến hành vi phạm tội của mình. Mặt khác, bị can nghĩ rằng, nếu những thông tin về đời tư của họ mà điều tra viên biết được thì cũng sẽ hiểu rõ hành vi phạm tội của mình, tốt nhất nên thành khẩn khai báo.

Khi sử dụng phương pháp ám thị gián tiếp, điều tra viên phải chú ý tới những yêu cầu sau:

Khi sử dụng những thông tin để ám thi gián tiếp, điều tra viên không nên sử dụng những thông tin có tính chất chế giễu, kích động hoặc động chạm đến lòng tự ái, tín ngưỡng,…của bị can. Bởi vì, những thông tin đó sẽ làm cho bị can có những phản ứng tiêu cực gây nên trở ngại cho việc thiết lập tâm lý giữa điều tra viên với bị can. Mặt khác, điều tra viên cũng không nên sử dụng những thông tin quá rõ ràng hoặc mới xảy ra. Việc sử dụng những thông tin thuộc dạng này của điều tra viên sẽ làm cho bị can nhận thấy sự hạn chế thông tin ở điều tra viên.

Trong quá trình sử dụng phương pháp này, điều tra viên phải tỏ thái độ tích cực, nhẹ nhàng nhưng cương quyết. Đồng thời, điều tra viên nên tỏ ra là biết hết về bí mất đời tư, cũng như hành vi phạm tội của bị can, khiến cho bị can nhận thấy được rằng điều tra viên đã có quá trình tìm hiểu rất kĩ về mình, và tốt nhất là bị can nên thành khẩn khai báo.

Phương pháp đặt và thay đổi vấn đề tư duy

Phương pháp đặt và thay đổi vấn đề tư duy là phương pháp tác động tâm lý hướng quá trình tư duy của bị can bằng cách điều tra viên đưa ra những nhiệm vụ, những câu hỏi không liên quan đến sự kiện phạm tội đã xảy ra, để khi giải quyết những nhiệm vụ này hoặc trả lời câu hỏi này bị can phải sử dụng những thông tin từ mô hình của các sự kiện, sự việc mà trước đây họ cố tình che giấu. Từ đó, bị can tự rút ra kết luận là không thể giấu diếm được điều tra viên mà cần phải thay đổi thái độ của mình và khai báo thành khẩn. Bản chất của phương pháp này là bằng việc nêu ra các câu hỏi và cách đặt câu hỏi buộc đối tượng khi trả lời sẽ phải liên hệ với các sự kiện thực tế, tức là hướng cho tư duy của bị can luôn phải định hướng tới sự thật, không thể đưa ra những lời khai gian dối, qua đó cũng làm cho họ nhận thấy rằng không thể cứ bám lấy cách suy nghĩ, khai báo như cũ. Nói cách khác, phương pháp này thể hiện ở việc đặt ra nhiệm vụ định hướng, phát triển các quá trình tư duy ở bị can. Từ đó, bị can dần dần bị dẫn dắt đến chỗ phải thừa nhận sự vô lý trong lời khai của mình, đồng thời giúp họ lựa chọn thái độ khai báo tích cực. Phương pháp đặt và thay đổi vấn đề tư duy bao gồm những dạng sau:

Dạng thứ nhất: Điều tra viên đặt ra một loạt câu hỏi cụ thể chi tiết để xác định sự thiếu rõ ràng về những thông tin mà bị can đã khai nhận về các sự kiện. Điều tra viên sẽ đặt ra các câu hỏi để hỏi sâu về những tình tiết cụ thể mà nếu các sự kiện đó không có thật thì bị can sẽ trở nên lúng túng và đưa ra những câu trả lời mâu thuẫn. Từ đó, bị can hiểu được sự khai báo gian dối là không lừa dối được điều tra viên.

Dạng thứ hai: Điều tra viên đưa ra câu hỏi cho bị can, buộc bị can khi trả lời những câu hỏi đó phải liên tưởng đến hành vi phạm tội hoặc hành vi che giấu tội phạm của mình. Từ đó, bị can cũng hiểu rằng cơ quan điều tra biết hết sự kiện tội phạm của mình.

Dạng thứ ba: Điều tra viên đưa ra những câu hỏi khác với sự chuẩn bị của bị can, khiến cho bị can trở nên lúng túng không thể sử dụng những câu hỏi giả tạo đã chuẩn bị trước.

Ví dụ: Trong vụ trộm cắp 12 viên kim cương của bà H ở quận 10, thành phố Hồ Chí Minh, hướng điều tra nhằm vào bà B là người giúp việc của bà H. Khi bắt đầu hỏi cung, điều tra viên không hỏi “Có phải chị đã lấy 12 viên kim cương đó không?” mà lại hỏi “Chắc 12 viên kim cương đó phải có giá mấy trăm triệu chứ chẳng ít”. Ngay lập tức bà B cãi “Làm gì đắt giữ vậy, cao lắm chỉ hơn một trăm triệu đồng là cùng”. Điều tra viên tiếp tục hỏi “Hơn một trăm triệu đồng không nhiều à? Liệu chị đã có số tiền ấy chưa?”, “Tôi đã từng có số tiền lớn như vậy” - bà B trả lời. Qua những câu trả lời này, điều tra viên thấy bà B quan tâm một cách bất bình thường đến giá cả của 12 viên kim cương. Từ đó, điều tra viên tiếp tục đấu tranh khai thác bà B buộc B phải nhận tội 

Các trường hợp thường được điều tra viên sử dụng phương pháp đặt và thay đổi vấn đề tư duy là:

Khi bị can quên một số tình tiết của vụ án;

Cần làm cho bị can thay đổi thái độ, lập trường để họ xem xét đánh giá, hành vị xử sự của bản thân;

Khi bị can khai báo gian dối, không đúng sự thật.

Tuy nhiên, khi sử dụng phương pháp này, điều tra viên cần phân biệt trường hợp bị can cố ý khai báo gian dối với trường hợp bị can có khả năng diễn đạt kém trong trạng thái tinh thần không bình tĩnh. Để việc áp dụng phương pháp này có hiệu quả, điều tra viên cần có kế hoạch trước. Tức là điều tra viên nên thiết kế một bảng câu hỏi chi tiết và có tính logic để dẫn dắt bị can tới sự thừa nhận lời khai của mình là không đúng sự thật.

Phương pháp giao tiếp tâm lý có điều khiển

Dưới góc độ tâm lý, hoạt động hỏi cung bị can là hoạt động giao tiếp hai chiều giữa điều tra viên và bị can. Hay là sự thể hiện quan hệ tương tác giữa điều tra viên với bị can của vụ án, trong đó điều tra viên tiếp xúc tác động, đấu trí với bị can, làm cho bị can khai báo.

Như vậy, trong mối quan hệ này, điều tra viên luôn giữ vai trò chủ đạo, phối hợp tác động và điều hành các cuộc tiếp xúc với bị can nhằm tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Ngược lại, bị can là đối tượng bị tác động, thực hiện các nghĩa vụ do điều tra viên đặt ra một cách thụ động. Do đó, để đạt được các mục đích của hoạt động hỏi cung, điều tra viên luôn phải điều khiển tâm lý giữa họ với bị can.

Khi sử dụng phương pháp này, điều tra viên phải quan sát biểu hiện bên ngoài của bị can (nét mặt, cử chỉ,..) để nắm bắt tâm lý của từng bị can và có phương pháp xét hỏi cho phù hợp.

Phương pháp giao tiếp tâm lý có điều khiển là phương pháp tác động tâm lý, nhưng đồng thời cũng là kỹ năng giao tiếp của điều tra viên trong hỏi cung bị can. Ngoài ra, phương pháp này còn đạt hiệu quả cao hơn nếu như được áp dụng cùng với các phương pháp tác động tâm lý khác.

Tiểu kết

Trên đây là những phương pháp cơ bản và phổ biến thường được sử dụng trong hoạt động hỏi cung bị can. Mỗi phương pháp có hoàn cảnh, điều kiện áp dụng cũng như những ưu điểm, nhược điểm riêng. Để sử dụng các phương pháp này một cách có hiệu quả khi hỏi cung bị can đòi hỏi điều tra viên nắm rõ những đặc điểm của từng phương pháp tác động. Đồng thời, trong quá trình thực hiện tác động, điều tra viên có thể sử dụng phối hợp nhiều phương pháp với nhau

 

KẾT LUẬN

Bằng những phân tích trên, ta có thể thấy để các phương pháp tác động tâm lý trong hoạt động hỏi cung bị can chỉ đạt hiệu quả cao khi điều tra viên nắm rõ kiến thức về trường hợp áp dụng từng phương pháp, thời gian áp dụng chúng, đặc điểm riêng của từng phương pháp. Do thiếu kiến thức thực tế nên bài làm của em còn nhiều thiếu sót, rất mong được thầy cô giáo đóng góp ý kiến.


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem