Đặc điểm tâm lý của phạm nhân trong quá trình thi hành án phạt tù

Ngày đăng 10/04/2023
329 Lượt xem

Tác giả

MỞ ĐẦU

Đặc điểm tâm lý của phạm nhân là một trong những chủ đề khá phức tạp và có chiều sâu trong ngành tâm lý học nói chung. Bởi vì, ở họ có những đặc điểm tâm lý riêng biệt của những người đã từng phạm tội và đây chính là chủ đề mà chúng ta cần khai thác để khám phá được bên trong tâm lý của mỗi phạm nhân, từ đó giúp họ hướng thiện và phát triển những phẩm chất tốt đẹp sẵn có, giúp họ có thể mau chóng tái hòa nhập với xã hội sau giai đoạn phải chấp hành, thi hành án. Nhằm hiểu rõ hơn về đặc điểm tâm lý của phạm nhân, sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu về tâm lý của họ trong một quá trình có khả năng gây tác động không nhỏ đến tinh thần, đời sống cá nhân của họ, đó là quá trình thi hành án phạt tù. Vì thế, đề tài mà sau đây chúng ta sẽ cùng nghiên cứu đó là: Đặc điểm tâm lý của phạm nhân trong quá trình thi hành án phạt tù.

NỘI DUNG

I. Khái quát về bản chất của hoạt động thi hành án phạt tù dưới góc độ tâm lý, giáo dục

Mục đích thi hành án phạt tù đối với phạm nhân là bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, trừng phạt những người phạm tội, tước bỏ các điều kiện tiếp tục gây nguy hại cho xã hội, đồng thời và chủ yếu là giáo dục để họ thay đổi tư tưởng, nhận thức, hành động trở thành công dân lương thiện sau này có thể tái hòa nhập với cộng đồng. Hoạt động thi hành án trong trại giam gồm hai nội dung: Quản lí, giam giữ và giáo dục, cải tạo.

Dưới góc độ giam giữ, phạm nhân bị luật pháp áp dụng hàng loạt các quy định chặt chẽ về ăn, ở, lao động, sinh hoạt, chữa bệnh… nhằm tước bỏ mọi khả năng gây án, phạm tội mới, trốn trại.

Dưới góc độ giáo dục, cải tạo, thời gian phạm nhân ở trại giam là một quá trình giáo dục, trong đó cơ quan thi hành án tiến hành các nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục nhằm làm cho phạm nhân chuyển biến tư tưởng, tình cảm, nhận rõ tội lỗi, sai lầm, khuyết điểm; có ý thức sửa chữa sai lầm; tôn trọng pháp luật, quy chế, nội quy trại giam; có ý thức, thói quen lao động; đồng thời biết một nghề nghiệp nào đó để sau khi ra khỏi trại giam có thể tìm kiếm việc làm, tái hòa nhập cộng đồng.

Như vậy, xét dưới góc độ tâm lý giáo dục, bản chất hoạt động thi hành án phạt tù là một quá trình giáo dục cho các phạm nhân với những đặc trưng cơ bản sau:

Thứ nhất, mục đích cũng như bản chất của hoạt động quản lí, giáo dục, cải tạo là giúp phạm nhân khắc phục, sửa chữa những thói quen và tâm lí tiêu cực; xây dựng, phát triển và hoàn thiện những phẩm chất tâm lí tích cực. Để thực hiện tốt điều này, các nhà giáo dục (Giám thị, Trưởng phân trại, quản giáo…)  cần có sự tìm hiểu, nghiên cứu về nhân cách phạm nhân, nắm được tổng hợp những phẩm chất, đặc điểm tâm lí của phạm nhân để từ đó lựa chọn sự tác động giáo dục thích hợp để đạt được mục đích quản lí, giáo dục. Vì vậy, các nhà giáo dục phải nắm được những điểm yếu và các mặt tiêu cực của phạm nhân để lựa chọn hình thức, phương pháp tác động đi đến hạn chế, triệt tiêu những phẩm chất xấu; đồng thời, phát hiện kịp thời và nhân lên những phẩm chất tốt đẹp của phạm nhân, dựa vào mặt tích cực để đẩy lùi các yếu tố tiêu cực trong mỗi phạm nhân.

Thứ hai, hoạt động giáo dục trong trại giam là quá trình tương tác giữa các nhà giáo dục (Giám thị, Trưởng phân trại, quản giáo…) và phạm nhân. Trong đó, các nhà giáo dục làm nhiệm vụ định hướng, tổ chức, điều khiển các loại hình hoạt động tác động giáo dục cụ thể, còn phạm nhân thì được tổ chức và tự giác, tích cực tham gia các hoạt động giáo dục, thông qua đó mà chuyển biến về tư tưởng, nhận thức, hành động. Trong quá trình tương tác với các phạm nhân, các nhà giáo dục cần có sự gần gũi, chia sẻ, từ đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tác động tâm lí thường xuyên để các phạm nhân có những suy nghĩ lành mạnh, tích cực, giúp họ biết phân tích, đánh giá nguyên nhân, hậu quả các hành vi phạm tội của mình; khi đó họ sẽ tự giác, tích cực tham gia các hoạt động giáo dục, thông qua đó mà chuyển biến về tư tưởng, nhận thức, hành động. 

Thứ ba, hoạt động giáo dục cho các phạm nhân được diễn ra trong môi trường đặc biệt. Phạm nhân bị cách li ra khỏi  xã hội, bị quản lí chặt chẽ và bị ràng buộc bởi nhiều hạn chế hoặc các quy định của pháp luật. Ở góc độ giáo dục, các hạn chế và quy định đã làm phát sinh nhiều tiêu cực không có lợi. Đối với con người tự do, thoải mái là một nhu cầu tất yếu và cần thiết. Tuy nhiên, với những chế độ, nội quy chặt chẽ đối với phạm nhân cũng có những ảnh hưởng và tác động tích cực, bắt buộc phạm nhân hình thành những suy nghĩ và thói quen, lối sống tích cực, từ bỏ những  nhu cầu, thói quen xấu và những phẩm chất nhân cách tiêu cực đã có sẵn khi còn ở ngoài xã hội. Vì vậy, các nhà giáo dục cần có sự thông cảm, chia sẻ với khát vọng tự do và các nhu cầu cá nhân của phạm nhân, đồng thời cần phải nghiêm minh để các phạm nhân phục tùng nội quy, quy định của pháp luật, giúp cho phạm nhân dần hình thành những suy nghĩ và lối sống tích cực, sau khi được trả tự do sẽ trở thành những con người lương thiện.

Thứ tư, quá trình giáo dục diễn ra trong tập thể phạm nhân, đó là nơi tập trung những con người có các phẩm chất tâm lí tiêu cực, nhiều thói hư, tật xấu, côn đồ, trộm cắp, lười lao động… Chính vì vậy, hơn bất kỳ môi trường nào khác, đòi hỏi Ban giám thị và các nhà giáo dục phải chuẩn bị và sử dụng các phương pháp tác động thường xuyên đến tập thể phạm nhân. Muốn cải tạo từng cá nhân riêng lẻ  phạm nhân, phải đồng thời tiến hành cải tạo tập thể phạm nhân khác. Vì vậy, đòi hỏi các nhà giáo dục cần có sự tỉ mỉ, và trách nhiệm, liên tục trong quá trình phạm nhân ở trại giam, thông qua đồng bộ các phương pháp, nắm được trạng thái, thuộc tính tâm lí của phạm nhân để có những phương pháp giáo dục hiệu quả đối với từng phạm nhân nói riêng và đối với cả tập thể phạm nhân.

Thứ năm, vai trò giáo dục của các tổ chức xã hội trong giáo dục, cải tạo phạm nhân bị hạn chế do điều kiện phạm nhân bị giam giữ trong trại giam. Phạm nhân không hoạt động trong xã hội, do đó họ không có kiến thức, hiểu biết xã hội một cách trực tiếp, vì vậy không nhận được những sự tác động tích cực đến xã hội của các tổ chức Đảng, chính quyền địa phương, cơ quan Nhà nước, đoàn thể quần chúng. Những tác động này rất cần thiết và có ý nghĩa tích cực đến việc hoàn thiện và phát triển nhân cách con người nói chung và các phạm nhân nói riêng. Đối với phạm nhân, sự thiếu hụt này đã làm hạn chế việc hình thành những phẩm chất quan trọng nhất của con người đó là tình cảm và nghĩa vụ công dân, ý thức cộng đồng, trách nhiệm trước xã hội. Do đó, các hoạt động giáo dục trong trại giam còn phải nhằm khắc phục sự lạc hậu, kém hiểu biết và những hụt hẫng do phạm nhân phải cách li với xã hội. Bên cạnh những định hướng, giáo dục về nhân cách, đạo đức, sự chấp hành kỷ luật của phạm nhân, các nhà giáo dục cần truyền tải và giúp họ nắm được các kiến thức, những sự thay đổi về đời sống, văn hóa, xã hội, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Có như vậy, phạm nhân mới có sự hoàn thiện nhân cách, có những kiến thức về xã hội, đất nước, con người, sau khi được trả tự do họ sẽ dễ dàng hòa nhập với cộng đồng trở thành người lương thiện, yêu lao động, có quyền và nghĩa vụ công dân, có trách nhiệm với gia đình và xã hội.

II. Đặc điểm tâm lý của phạm nhân trong quá trình thi hành án phạt tù

1. Các yếu tố ảnh hưởng đến tâm lí của phạm nhân

Có nhiều yếu tố có thể tác động đến tâm lý của phạm nhân với những mức độ ảnh hưởng khác nhau trong thời gian mà phạm nhân đó thi hành án phạt tù tại trại giam. Song, đó là những yếu tố nào và ảnh hưởng bao nhiêu thì vẫn chưa có một thống kê cụ thể. Sau đây ta sẽ đưa ra những yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý của những nhóm phạm nhân phổ biến như sau:

Thứ nhất, phạm nhân bị ảnh hưởng với các yếu tố trình độ học vấn, tiền án, tiền sự và hoàn cảnh gia đình. Trong nghiên cứu của Ph.R. Xundurov đã chỉ ra rằng nhóm các phạm nhân đã lập gia đình ít vi phạm nội quy, quy chế trại giam hơn là các phạm nhân độc thân hoặc đã ly hôn. Từ đó có thể đưa ra kết luận về vai trò của gia đình đã tác động không nhỏ đến quá trình cải tạo tích cực của phạm nhân.

Thứ hai, ta có thể căn cứ vào thái độ đối với hành vi phạm tội và mức án để phân loại phạm nhân. Kết quả nghiên cứu của A.V. Dulov cho thấy những phạm nhân nhận thức được hành vi phạm tội của mình, có thái độ ăn năn, hối cải, thường thích ứng nhanh với điều kiện giam giữ, cải tạo, tích cực lao động và học tập tốt, thực hiện đúng và đẩy đủ nội quy, quy chế trại giam. Trái lại, có nhiều phạm nhân cho rằng mình bị oan, hoặc họ cảm thấy bản án dành cho tội danh của họ là quá mức nghiêm khắc thì thường nảy sinh tâm lí nổi loạn, phản kháng, chống đối cán bộ trại giam, nhất là trong thời gian đầu mới nhập trại.

Thứ ba, ta phải kể đến những phạm nhân có khuynh hướng phạm tội bền vững. Đây là những phạm nhân phạm tội nhiều lần, có tính chuyên nghiệp. Mặc dù đã từng thi hành án phạt tù, họ vẫn có khả năng tái phạm cao sau khi được tự do. Tại trại giam, họ cũng ít khi quan tâm đến việc giáo dục, thay đổi bản thân hay suy nghĩ về một cách sống khác tốt đẹp hơn cho bản thân. Đây cũng chính là nhóm phạm nhân khó giáo dục, cải tạo nhất. Thực tiễn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm cho thấy, phổ biến trong nhóm này là những tội phạm về ma túy, mại dâm, họ cũng là đối tượng có khả năng tái phạm và tái phạm nguy hiểm cao cần phải được quan sát theo dõi.

2. Về trạng thái tâm lý của phạm nhân

Trong thời gian chấp hành án phạt tù, ở phạm nhân hay xuất hiện những trạng thái tâm lý đặc trưng như: trạng thái tâm lý bị ức chế, trạng thái trông chờ sự thay đổi, trạng thái bi quan, tuyệt vọng, trạng thái buồn, nhớ nhà, nhớ cuộc sống tự do,…

- Trạng thái tâm lý bị ức chế: Trạng thái này xuất hiện do những nhu cầu về vật chất hoặc tinh thần của phạm nhân không được đáp ứng hoặc đáp ứng không đầy đủ, làm tăng tính dễ bị kích thích, phản ứng của phạm nhân.

- Trạng thái trông chờ những thay đổi nhất định: Trong không ít trường hợp, sự trông mong, chờ đợi của phạm nhân tỏ ra thiếu cơ sở. Chẳng hạn, phạm nhân hy vọng do một tác động nào mà vụ án được đem ra xét xử lại và có những chuyển biến tích cực đối với phạm nhân đó. Trông mong, chờ đợi cũng chính là một trong những nỗi chịu đựng của con người. Khi phải chờ đợi trong một thời gian dài sẽ dễ khiến phạm nhân đó trở nên tuyệt vọng, nóng nảy, cáu gắt.

- Trạng thái bi quan, tuyệt vọng: Trạng thái này thường biểu hiện thành thái độ thờ ơ, bất cẩn, chán chường đối với mọi hoạt động cụ thể của thanh tra, gây khó khăn cho cán bộ trại giam trong quá trình cải tạo, giáo dục.

- Trạng thái buồn, nhớ nhà, nhớ người thân. Sự tương phản giữa giữa cuộc sống tự do trước kia và cuộc sống tù tội hiện tại sẽ gợi nhớ ở phạm nhân hình ảnh của cuộc sống ngày xưa, nhớ gia đình, người thân, bạn bè. Một số phạm nhân cứ đắm chìm trong sự nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ người thân, bạn bè. Điều này dẫn đế thái độ thờ ơ với tất cả, không quan tâm đến hoạt động ở trại cũng như hoạt động giáo dục của bản thân

Các trạng thái tâm lý nêu trên đều là những trạng thái tâm lý tiêu cực và có thể tác động đến phạm nhân vào bất cứ khoảng thời gian nào của giai đoạn chấp hánh án phạt tù nhưng thường xuyên nhất vẫn là ở giai đoạn mới nhập trại. Trong trường hợp duy trì lâu dài, những trạng thái này có thể trở thành những thuộc tính tâm lí tiêu cực bền vững. Đây cũng chính là một trong những mâu thuẫn cơ bản của công tác giáo dục tại trại giam. Do đó, một trong những nhiệm vụ của công tác giáo dục là phải tìm cách hạn chế, loại bỏ những trạng thái tâm lý tiêu cực của phạm nhân, tác động chúng trở thành những trạng thái tâm lý tích cực hơn nhằm giúp ích cho hoạt động cải tạo, giáo dục.

3. Về các quá trình nhận thức và cảm xúc

Những nghiên cứu về hai lĩnh vực này ở phạm nhân cho thấy, về cơ bản, các quá trình nhận thức và xúc cảm của phạm nhân không khác người bình thường. Tuy nhiên, lối sống thiếu văn hóa và phạm tội đã có ảnh hưởng sâu sắc đến họ:

+ Tư duy của phạm nhân thường bị hạn chế, đa số họ không biết nhìn xa trông rộng, thường đơn giản hóa đến mức thô thiển khi đánh giá hành vi, đặc biệt là hành vi của bản thân.

+ Tư duy thiếu độc lập, không biết suy nghĩ về giá trị của cuộc sống, của tương lai.

+ Trong thời gian phạm nhân ở trại thường sa vào trạng thái “đói” cảm giác. Do các kích thích đơn điệu, phạm nhân thường có xu hướng tăng cường phản ứng cảm xúc đối với những sự kiện không đáng kể.

+ Ở phạm nhân, các chuẩn mực xã hội của hành vi thường yếu, cho nên hành vi của họ thường mang tính kích động, thiếu kiềm chế, dễ bộc lộ sự tàn bạo, độc ác, ích kỉ.

4. Về quá trình chuyển biến tâm lý

Về mặt nguyên tắc, dưới tác động của hệ thống các biện pháp giáo dục tại trại giam, như là giáo dục thông qua chế độ sinh hoạt, lao động, học tập,..ở phạm nhân sẽ diễn ra những quá trình chuyển biến tâm lý theo hướng tích cực hơn, những tiêu cực được hạn chế, những mặt tích cực được phát triển, hoàn thiện. Qúa trình này, theo A.V.Đulov và V.V.Romanov gồm 4 giai đoạn như sau:

+ Giai đoạn thích ứng với điều kiện sống ở nơi giam giữ cải tạo: Đây là thời gian đầu của quá trình chấp hành án phạt tù. Ở giai đoạn này phạm nhân cảm nhận một cách sâu sắc những thay đổi trong lối sống và trở nên dễ phản ứng, dễ bị kích động. Từ đây có thể xuất hiện những vi phạm nội quy, quy chế tại trại giam. Biểu hiện dễ thấy ở họ là sự thất vọng, chán chường. Các tác động giáo dục ở giai đoạn này chủ yếu nhắm giúp cho phạm nhân sớm thích nghi được với điều kiện ở nơi giam giữ, cải tạo. Theo một số nhà tâm lý học, giai đoạn này có thể kéo dài từ 3 đến 4 tháng.

+ Giai đoạn xuất hiện sự quan tâm đối với các hoạt động ở trại: Cuối giai đoạn thích ứng, đa số phạm nhân đã dần dần chấp nhận cuộc sống thực tại của mình. Họ bắt đầu quan tâm đến mọi việc xung quanh, những công việc được giao. Họ dần đi vào nề nếp ở trại, tiếp nhận công việc được giao và lúc này, hoạt động giáo dục bắt đầu phát huy tính hiệu quả.

+ Giai đoạn kết hợp giữa các tác động giáo dục bên ngoài với quá trình tự giáo dục: Lúc này phạm nhân đã ý thức một các sâu sắc sự cần thiết phải thay đổi bản thân, thay đổi lối sống và cách suy nghĩ trước đây. Ngoài việc tự giác tham gia vào các hoạt động ở trại, phạm nhân còn nỗ lực để tự giáo dục mình. Vì vậy, các biện pháp giáo dục ở giai đoạn này thường đạt hiệu quả cao.

+ Giai đoạn trước khi mãn hạn tù: Sự trông mong mãn hạn tù làm cho những ngày tháng còn lại ở trại trở nên nặng nề với không ít phạm nhân. Họ băn khoăn về cuộc sống tương lai, e ngại thái độ của gia đình, người thân, bạn bè và phản ứng của xã hội. Do đó, tâm lý phạm nhân trở nên căng thẳng, phức tạp, tính kích động ngày càng lộ rõ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân của những hành động, những việc làm thiếu cân nhắc của phạm nhân khi đã chuyển sang giai đoạn cuối của chấp hành hình phạt.

Như vậy, nhìn chung mức độ thích ứng với các biện pháp giáo dục, cải tạo của phạm nhân nâng lên theo thời gian ở trại. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là chúng ta chỉ cần ngồi chờ thụ động sự thay đổi của phạm nhân, quá trình trên chỉ diễn ra dưới sự tác động thường xuyên, liên tục của cán bộ giáo dục và quản giáo trại giam.

III. Ví dụ về đặc điểm tâm lý và quá trình chuyển biến tâm lý của một phạm nhân cụ thể

Chuyện xảy ra vào sáng ngày 25-4-2017, khi vừa đến phòng làm việc thì chị Dung bị phạm nhân Phạm Minh Công (23 tuổi), quê huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, hiện đang chấp hành mức án 9 năm 10 tháng về các tội danh "Bắt, giữ người trái pháp luật", "Gây rối trật tự công cộng" và "Cố ý gây thương tích", bất ngờ lao đến, dùng nửa chiếc dao lam dí vào cổ khống chế, sau đó kéo đến trước cửa phòng nhà vệ sinh của bệnh xá để cố thủ và đòi yêu sách Ban Giám thị cho đổi trại giam. Lúc này, một số phạm nhân đang lao động ở gần đó nghe tiếng kêu cứu liền chạy đến giải cứu an toàn cho Trung úy Dung.

=> Đây là giai đoạn đầu khi phạm nhân Công mới đổi trại giam, chưa quen được với môi trường mới nên hắn bị ảnh hưởng tâm lý, dễ có những hành vi bộc phát, kích động.

Phạm nhân Công là phạm nhân có khuynh hướng phạm tội bền vững với nhiều tiền án, tiền sự, quá trình thụ án do có tư tưởng trốn trại hoặc khống chế cán bộ để đòi yêu sách nên thường xuyên bị xếp loại cải tạo yếu kém, phải chịu các hình thức kỷ luật của trại giam. Thậm chí, có một số phạm nhân đã phải chuyển qua 3 - 4 trại giam khác nhau, án chồng án nhưng bản tính vẫn không thay đổi khi tiếp tục gây rối tại nơi mới chuyển đến khiến công tác giáo dục, cải tạo và cảm hóa gặp không ít khó khăn.

Tuy nhiên, giai đoạn sau, các cán bộ trại giam do nắm bắt được tư tưởng, tâm lý của phạm nhân nên mọi biểu hiện chuẩn bị có hành vi tiêu cực xảy ra đều được Ban Giám thị nắm bắt kịp thời.

=> Điều này đã thể hiện rõ được hiệu quả của việc nắm bắt tâm lý phạm nhân đã giúp ích cho quá trình quản giáo.

Phạm nhân Phạm Minh Công sau khi được đưa về lại Trại giam thụ án, cán bộ quản giáo qua tìm hiểu được biết hoàn cảnh của Công cũng khá éo le khi bố mất sớm, gia cảnh khó khăn, mẹ già yếu nên đã thường xuyên quan tâm, hỏi han và động viên. Sự gần gũi, ân cần của cán bộ đã khiến phạm nhân Công lay động, hứa không tái phạm, đồng thời sẽ tu tâm cải tạo tốt để sớm được trở về với gia đình và xã hội.

=> Cán bộ quản giáo đã nắm bắt được đặc điểm tâm lý của phạm nhân Công và yếu tố tác động lên tâm lý của phạm nhân này, đó chính là gia đình, từ đó đưa ra được biện pháp giáo dục, cảm hóa nạn nhân, đã hạn chế và loại bỏ được những tâm lý tiêu cực trong phạm nhân và hướng phạm nhân cải tạo tốt.

Qua đó, ta thấy được hiệu quả của việc nắm bắt tâm lý phạm nhân và cách sử dụng các biện pháp tâm lý lên phạm nhân để mang lại những hiệu quả tích cực trong công tác cải tạo, giáo dục tại trại giam.

KẾT LUẬN

Qua những phân tích trên đây ta đã nắm bắt được cơ bản những đặc điểm tâm lý của phạm nhân trong quá trình thi hành án phạt tù, đồng thời hiểu được tác dụng của việc tìm hiểu, nắm bắt và sử dụng phương pháp tác đông tâm lý đã đạt hiệu quả cao trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân ở trại giam. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, em kiến nghị rằng những đặc điểm, yếu tố tâm lý của phạm nhân cần được quan tâm sâu sắc hơn nữa để mang lại những hiệu quả cao hơn cho công tác cải tạo, giáo dục tại mỗi trại giam nói chung.


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem