Nghệ Thuật Biến Trá - Phân Tích Lịch Sử (Kỳ 3)

Ngày đăng 07/09/2023
105 Lượt xem

Năm 1605, Miyamoto Musashi, một samurai vốn lừng danh kiếm sĩ từ khi 21 tuổi bị thách đấu tay đôi. Kẻ thách đấu là một thanh niên tên Matashichiro, xuất thân từ gia đình Yoshioka, một gia tộc nổi danh về kiếm thuật. Hồi đầu năm ấy Musashi đã đánh bại Genzaemon, cha của Matashichiro, trong một cuộc đấu tay đôi. Vài hôm sau, cũng chính Musashi đã giết chết em trai Genzaemon trong một cuộc đấu kiếm khác. Gia đình Yoshioka muốn phục thù.
 
Bạn bè của Musashi đánh hơi thấy cạm bẫy trong sự thách thức của Matashichiro và đề nghị đi cùng ông tới nơi thách đấu, nhưng Mussashi đi một mình. Ở những cuộc đấu khác với những người trong họ Yoshioka, ông đã trêu tức họ bằng việc xuất hiện muộn hàng giờ; tuy nhiên lần này ông đến thật sớm và nấp vào một lùm cây. Matashichiro đến với một toán hầu cận nhỏ, hắn nói: “Musashi sẽ tới muộn như thường lệ”. Một người khác nói: “Nhưng cái trò ấy sẽ chẳng còn hiệu quả gì với chúng ta nữa!”. Tự tin với cuộc phục kích, hẩu cận của Matashichiro nằm xuống nấp sau đám cỏ. Đột nhiên Musashi phóng ra từ sau chỗ ẩn nấp và hét lớn: “Ta đã chờ đợi đủ rồi, rút kiếm ra!” Chỉ bằng một nhát kiếm, ông đã giết chết Matashichiro, rồi lui về một góc để đối phó với bọn còn lại. Cả bọn nhổm lên, nhưng đều mất cảnh giác và giật mình và thay vì bao vây Musashi, chúng đứng thành một hàng lộn xộn. Musashi chỉ việc chạy dọc theo hàng người đứng sững sờ, giết hết tên này đến tên khác trong vòng vài giây.
 
Chiến thắng của Musashi đã xác định tư cách kiếm sĩ lớn nhất nước Nhật của ông. Lúc bấy giờ, ông lang thang khắp nước để tìm những trận đấu tương xứng. Ở một thị trấn nọ, ông nghe đồn về một chiến binh bất khả chiến bại tên là Baiken, vũ khí của ông ta là một lưỡi hái và một sợi dây xích có gắn một quả chùy thép ở đầu dây. Musdashi muốn xem hai thứ vũ khí đó hoạt động, nhưng Baiken khước từ: Cách duy nhất để xem chúng hoạt động là quyết đấu sinh tử.
 
Một lần nữa các bằng hữu của Mussashi chọn con đường an toàn, họ nài nỉ ông hãy tránh đi. Từ trước tới giờ, không có một người nào đến được gần để đánh bại Baiken, vũ khì của ông ta chưa từng bị vô hiệu hóa: Khi quay tròn quả chùy thép trong không khí để tạo xung lực, ông ta sẽ ép đối thủ lùi lại không ngừng, rồi phóng quả chùy tấn công đối thủ. Đối thủ của Baiken có thể gạt được quả chùy ra, nhưng trong khi tay kiếm của anh ta bị khóa vì bị sợi dây xích quấn chặt, Baiken sẽ hạ thủ chém đứt cổ anh ta.
 
Làm ngơ những cảnh báo của bạn bè, Musashi thách đấu với Baiken và xuất hiện ở túp lều của ông ta với hai thanh kiếm, một ngắn, một dài. Baiken chưa bao giờ trông thấy ai đánh nhau với hai thanh kiếm. Và thay vì chờ Baiken tấn công, Musashi tấn công trước, đẩy đối thủ lùi lại. Baiken ngần ngừ không dám tung quả chùy vì Musashi có thể đỡ nó bằng một thanh kiếm và tấn công ông ta bằng thanh kiếm còn lại. Khi ông ta đang tìm sơ hở, Musashi đột ngột làm ông ta mất thăng bằng với một cú tấn công bằng thanh kiếm ngắn và rồi trong chớp mắt thanh kiếm dài lao theo, xuyên qua người Baiken, hạ sát kẻ từng là bậc thầy bất khả chiến bại.
 
Vài năm sau đó, Musashi nghe đồn về một võ sĩ lớn tên là Sasaki Ganryu. Ông ta sử dụng một thanh kiếm rất dài- một thứ vũ khí đẹp lạ lùng, có vẻ toát ra một thứ linh hồn chiến trận nào đó. Trận đấu này có thể là cuộc thử nghiệm cuối cùng của Mussashi. Ganryu nhận lời thách đấu; cuộc đấu sẽ diễn ra trên một đảo nhỏ gần nhà ông ta.
 
Vào sáng ngày thi đấu, hòn đảo đông nghịt người. Một trận đấu như thế giữa hai võ sĩ chưa từng xảy ra. Ganryu tới đúng giờ, nhưng Musashi đến rất muộn. Một giờ trôi qua, rồi hai giờ, sự chậm trễ này làm Ganryu nổi cáu. Cuối cùng, một con thuyền tiến tới hòn đảo. Người trên thuyền đang nằm, có vẻ như đang vót nhọn một mái chèo dài. Đó là Musashi. Dường như ông đang chìm vào suy tưởng, nhìn ngơ ngẩn những đám mây. Khi con thuyền cập vào bờ, ông cột một tấm khăn lau bẩn thỉu rồi nhảy khỏi thuyền, vung chiếc mái chèo dài – dài hơn thanh kiếm lừng danh của Ganryu. Con người lạ lùng nhưng cực kỳ cơ trí này đến với trận đấu lớn nhất cuộc đời ông ta với một mái chèo thay cho thanh kiếm và một cái khăn lau thay cho dải lụa buộc đầu.
 
Ganryu hét lên căm phẫn: “Có phải ngươi sợ ta đến nỗi ngươi đã bội ước với lời hẹn có mặt ở đây trước tám giờ?” Musashi im lặng nhưng tiến đến gần hơn. Ganryu rút thanh kiếm tuyệt diệu của mình ra và ném vỏ kiếm xuống mặt cát. Musashi mỉm cười: “Sasaki, ông đã đến hồi xúi quẩy”. “Ta? Bị đánh bại? Không thể nào!” – “Có kẻ chiến thắng nào trên đời lại vứt bỏ vỏ kiếm của mình xuống biển?” Musashi đáp . Nhận xét khó hiểu này chỉ làm Ganryu thêm giận dữ.


Thế rồi Musashi tấn công, chĩa đầu mái chèo vót nhọn vào đôi mắt đối thủ. Granryu nhanh nhẹn giơ kiếm chém vào đầu Musashi nhưng trượt, chỉ cắt đứt tấm khăn lau thành hai mảnh. Trước đây ông ta chưa bao giờ chém trượt. Cùng lúc đó, Musashi hạ thanh kiếm gỗ của mình xuống, hất ngã Ganryu. Đám khán giả nín thở. Khi Ganryu vùng dậy, Musasshi hạ sát ông ta với một cú đâm vào đầu. Rồi sau khi nhã nhặn cúi chào những người dự khán trận đấu, ông quay xuống thuyền, bình thản bỏ đi như khi tới.
 
Từ đó trở đi, Musashi được xem là kiếm sĩ không có đối thủ tương đương.

Phân tích: Miyamoto Musashi đã thắng tất cả những trận đấu tay đôi vì một lý do: Trong mỗi trường hợp ông đều điều chỉnh chiến lược của mình thích ứng với đối thủ và hoàn cảnh lúc bấy giờ. Với Matachishiro ông quyết định tới sớm, điều mà ông chưa bao giờ làm trong các trận đấu trước. Chiến thắng đối thủ đông hơn phụ thuộc vào sự kinh ngạc vì thế ông phóng ra khi đối thủ của ông đang nằm, khi đã hạ sát kẻ cầm đầu ông chiếm một vị trí khiến đối thủ phải tấn công thay vì bao vây ông, bị bao vây ắt là nguy hiểm hơn nhiều đối với ông. Với Baiken, Mussshi chỉ đơn giản là sử dụng hai thanh kiếm và chiếm thế thượng phong và không để Baiken có thì giờ phản ứng một cách thông minh với sự lạ thường này. Với Ganryu, ông xác định là phải chọc giận và hạ nhục đối thủ ngạo mạn của mình bằng thanh kiếm gỗ, bằng một thái độ hành xử thờ ơ, chiếc khăn lau bẩn thỉu thay cho dải băng buộc tóc, lời nhận xét khó hiểu và sự tấn công vào mắt.

Các đối thủ của Musashi cậy vào tuyệt kỹ của họ, vào những thanh kiếm hào nhoáng, những vũ khí phi chính thống. Điều đó cũng như việc chiến đấu theo trận chiến vừa qua: Thay vì phản ứng với hiện thời, họ cậy vào sự rèn luyện, vào kỹ thuật, vào cái đã có hiệu quả trước đó. Musashi – người đã nắm bắt được yếu tính của chiến lược ngay từ khi còn rất trẻ, đã biến sự cứng nhắc đó thành thất bại của họ. Ý nhĩ đầu tiên của ông về nước cờ đầu là phải mang đến sự kinh ngạc cho đối thủ đặc thù này. Rồi ông bám chặt vào khoảnh khắc đó. Khi đã phá vỡ thế cân bằng của đối thủ bằng một điều gì đó bất ngờ, ông quan sát thật kỹ rồi phản ứng lại bằng một hành động khác thường là ứng tác, biến sự mất cân bằng của đối phương thành thất bại và cái chết.

Khi chuẩn bị bản thân cho cuộc chiến, ta phải tự rũ bỏ những huyền thoại và nhận thức sai lầm. Chiến lược không phải là vấn đề hiểu biết một chuỗi các chuyển động hay các ý tưởng để làm theo như một công thức nấu ăn. Chiến thắng không có một công thức thần kỳ nào cả. Các ý tưởng chỉ đơn giản là các dưỡng chất cho đất trồng: Chúng nằm trong não ta như là các tiềm năng, để trong độ nóng của khoảnh khắc chúng có thể gợi lên một hướng đi, một phản ứng sáng tạo và tương thích. Hãy thoát ra khỏi mọi thần tượng – những quyển sách, các kỹ thuật, các công thức, các vũ khí hào nhoáng và học cách trở thành chiến lược gia cho chính bản thân mình.


Chia sẻ: