Hồi Sinh Đứa Trẻ Bên Trong Bạn (Kỳ 3)

Ngày đăng 21/11/2023
332 Lượt xem

Chứng rối loạn thần kinh, luôn thay thế cho những nỗi đau chính đáng. 

(C.G.Jung) 

Vấn đề không thể được giải quyết bằng lời nói mà bằng trải nghiệm hàn gắn hay trải nghiệm hồi tưởng lại nỗi sợ hãi (buồn bã, tức giận) nguyên thủy. 

(Alice Miller) 

Phương Pháp Chữa Lành Nỗi Đau Nguyên Thủy 

Tôi tin rằng nếu lý thuyết phía sau phương pháp chữa lành nỗi đau nguyên thủy được thấu hiểu rõ ràng hơn, thì một cuộc cách mạng trong việc điều trị chứng rối loạn thần kinh nói chung và các hành vi gây rối loạn cưỡng chế hay nghiện ngập nói riêng sẽ được tạo ra. Vì vậy, những bệnh nhân mong mỏi được thực hiện phương pháp thường bị buộc phải sử dụng thuốc an thần. Tôi tin rằng cách duy nhất để chữa trị chứng rối loạn cưỡng chế hay nghiện ngập là phương pháp chữa lành cảm xúc. 

 

Cảm Giác Xấu Hổ Độc Hại Là Nguyên Nhân Của Rối Nhiễu Tâm Lý Khi Đứa Trẻ Bên Trong Bị Tổn Thương 

Tôi tin rằng việc tập trung vào điều trị tình trạng lệ thuộc thái quá bắt nguồn từ sự hổ thẹn độc hại, bắt nguồn từ cảm giác bản thân yếu kém và khiếm khuyết trong nội tâm con người. Trong quá trình nội tâm hóa, cảm giác hổ thẹn, lẽ ra là một tín hiệu lành mạnh về những giới hạn, lại trở thành trạng thái gây hoảng loạn và biến thành tính cách của bạn. Một khi mang cảm giác hổ thẹn độc hại, con người ta sẽ mất kết nối với con người thật của mình. Hệ quả của nó là sự đau khổ kéo dài do đánh mất bản thân. Mô tả lâm sàng của tình trạng này là rối loạn nhịp tim hoặc trầm cảm mãn tính mức độ thấp. Sự hổ thẹn độc hại có thể làm chủ cảm xúc của chúng ta. Nó trói buộc mọi cảm giác trong nỗi hổ thẹn ấy để bất cứ khi nào tức giận, đau khổ, sợ hãi, hoặc thậm chí vui sướng, chúng ta cũng đều cảm thấy xấu hổ. Nó cũng tác động đến tương tự đến nhu cầu và động lực của chúng ta trong cuộc sống. Cha mẹ trong các gia đình rối loạn chức năng là những người lớn mang tính cách trẻ con; đứa trẻ đầy vết thương bên trong họ đang thiếu thốn. Bất cứ khi nào đứa trẻ đó cảm thấy thiếu thốn và có những hành động bộc phát tự nhiên thì bản thể cha mẹ người lớn sẽ tức giận và xấu hổ với chúng. Hậu quả là mỗi lúc cảm thấy thiếu thốn điều gì đó, “đứa trẻ bên trong” ấy đều cảm thấy xấu hổ. Phần lớn cuộc đời trưởng thành của một số người, họ luôn cảm thấy xấu hổ mỗi khi cần giúp đỡ. Và cuối cùng, bất kể trong hoàn cảnh thuận lợi như thế nào thì những người mang nỗi hổ thẹn thường trực sẽ cảm thấy xấu hổ khi quan hệ tình dục. 

 

Vết Thương Tinh Thần Do Sự Xấu Hổ Độc Hại Gây Ra Sẽ Làm Mất Kết Nối Với Bản Thể Thật Của Mỗi Người 

Một khi cảm xúc bị trói buộc trong sự xấu hổ, con người ta sẽ bị tê liệt. Sự tê liệt này là điều kiện tiên quyết dẫn đến tất cả các kiểu nghiện ngập, bởi cơn nghiện là điều duy nhất mà người đó có thể cảm nhận được. Ví dụ, một người đàn ông bị trầm cảm kinh niên trở thành một giám đốc điều hành xuất sắc nhờ chứng nghiện công việc của mình, ông ta chỉ có thể có cảm giác rằng cuộc đời ông ta có ý nghĩa khi ông ta đang làm việc. Một người nghiện rượu hoặc ma túy cảm thấy hưng phấn với các loại thuốc thay đổi tâm trạng. Một người nghiện đồ ăn sẽ có cảm giác đầy đủ và khỏe mạnh khi no bụng. Mỗi cơn nghiện cho phép người đó cảm thấy tốt đẹp hoặc né tránh những nỗi đau. Trạng thái nghiện ngập làm thay đổi sự tổn thương và đau đớn của “đứa trẻ bên trong”. Vết thương tinh thần do sự xấu hổ độc hại gây ra sẽ làm mất kết nối với bản thể thật của mỗi người. Người ta sẽ trở nên mờ nhạt một cách thê thảm trong chính con mắt của mình, sẽ trở thành đối tượng đáng khinh của chính mình.  

 

Tình Trạng Tê Liệt Cảm Xúc Thường Gặp 

Khi tin rằng không thể sống bằng con người thật của mình, một người không thể hòa làm một với chính mình nữa. Ảo giác do cơn nghiện làm thay đổi cảm giác, khiến người đó hạnh phúc, khiến người đó hòa làm một với bản thân. Bất cứ khi nào nhận thức được cảm xúc thật của mình, anh ta lại cảm thấy hổ thẹn. Vì vậy, để tránh nỗi đau đó, anh ta phải sống trong tình trạng bị tê liệt cảm xúc.  

 

Biện Pháp Bảo Vệ Bản Ngã 

Chúng ta sử dụng các biện pháp bảo vệ bản ngã khác nhau để làm tê liệt nỗi đau khi không thể chịu đựng được hiện thực cuộc sống. Một số cách bảo vệ phổ biến nhất là: phủ nhận (“nó không thực sự xảy ra”), cưỡng chế (“nó không bao giờ xảy ra đâu”), thoái lui (“tôi không nhớ chuyện gì đã xảy ra cả”), chuyển hướng (”nó xảy ra với bạn, không phải với tôi”), hoán đổi (“tôi ăn uống, hoặc quan hệ tình dục khi tôi cảm thấy nó đang diễn ra”), và giảm thiểu (”nó xảy ra, nhưng nó không phải vấn đề gì lớn lao cả”). 

 

Về cơ bản, việc bảo vệ bản ngã của chúng ta là cách đánh lạc hướng chúng ta khỏi nỗi đau mà chúng ta đang cảm thấy.  

 

Tầm Quan Trọng Của Cảm Xúc 

Silvan Tomkins, một nhà tâm lý học nghiên cứu, đã có những đóng góp lớn lao vào sự hiểu biết của chúng ta về hành vi con người qua thảo luận tầm quan trọng của cảm xúc. Cảm xúc của chúng ta là dạng trải nghiệm tức thời và là dạng năng lượng vật chất, thể hiện trong cơ thể trước khi chúng ta nhận thức được. Vì thế, khi trải nghiệm cảm xúc là chúng ta đang tiếp xúc trực tiếp với thực thể vật chất của mình. 

 

Cảm Xúc Thiên Bẩm 

Tomkins phân biệt chín loại cảm xúc thiên bẩm được thể hiện qua nhiều biểu hiện trên khuôn mặt. Mỗi đứa trẻ đều được sinh ra với những biểu hiện được “lập trình sẵn” này trên cơ mặt của mình, và các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng mọi người ở khắp mọi nơi trên thế giới, trong mọi lĩnh vực, đều nhận dạng những cảm xúc này theo cùng một cách. Chúng là thông tin liên lạc cơ bản mà chúng ta cần để tồn tại về mặt sinh học. 

 

Cảm Xúc Là Động Lực Sinh Học Bẩm Sinh Của Chúng Ta 

Khi chúng ta phát triển, các cảm xúc hình thành những lược đồ cơ bản để suy nghĩ, để hành động và đưa ra quyết định. Tomkins coi cảm xúc là động lực sinh học bẩm sinh của chúng ta. Chúng là “năng lượng để chúng ta hoạt động”, giống như nhiên liệu để chúng ta sử dụng khi lái xe vậy. Cảm xúc tăng cường và khuếch đại đời sống của chúng ta. Không có cảm xúc sẽ không có gì thực sự quan trọng cả; nhưng nếu ngược lại thì bất cứ điều gì cũng trở nên quan trọng. 

 

Sáu Động Lực Chính 

Theo lý thuyết của Tomkins, có sáu động lực chính là thích thú, vui vẻ, ngạc nhiên, lo lắng, sợ hãi, và tức giận. Ông coi cảm giác xấu hổ như một cảm giác phụ trợ mà con người trải nghiệm ở cấp độ sơ khai. Do được tạo ra bởi những tình thế đột ngột bất ngờ nên nó ngăn chặn hoặc giới hạn những điều đang diễn ra. 

 

Phản Ứng Phòng Thủ Bẩm Sinh 

Cảm giác ghê tởm là phản ứng phòng thủ bẩm sinh. Khi chúng ta ngửi thấy mùi gì đó khó chịu, cảm giác ghê tởm sẽ khiến cho môi trên, mũi hếch lên và cổ thì rụt lại. Khi chúng ta nếm hoặc nuốt một chất gì đó ôi thiu, cảm giác ghê tởm sẽ khiến chúng ta nhổ ra hoặc nôn ra. Giống như các phản xạ khác, cảm giác ghê tởm phát triển để bảo vệ chúng ta khỏi các chất nguy hiểm nhưng chúng ta cũng sử dụng chúng để thể hiện sự ghét bỏ phi vật chất. 

 

Nói một cách rất đơn giản, cảm xúc là những năng lượng cơ bản nhất của chúng ta. Chúng ta sử dụng chúng để bảo vệ các nhu cầu cơ bản của mình. Khi một nhu cầu của chúng ta bị đe dọa, năng lượng cảm xúc sẽ báo hiệu cho chúng ta biết. 

 

Đứa Trẻ Bị Đày Ải 

Hầu hết chúng ta đều được phép cảm nhận niềm vui, sự thích thú, hoặc sự ngạc nhiên và theo Tomkins đó là những cảm xúc tích cực. Ít nhất thì chúng ta biết được đây là những cảm xúc “tốt”. Nhưng trên thực tế, khi nỗi sợ hãi, buồn chán và tức giận bị kìm nén thì khả năng cảm thấy hòa hứng, thích thú và hiếu kỳ của chúng ta cũng ngừng lại. Và đó là những gì xảy ra với cha mẹ của chúng ta nên họ không thể cho phép chúng ta có những cảm xúc này. Vì thế mà nhiều đứa trẻ cảm thấy hổ thẹn vì quá phấn khích, hiếu kỳ, hay tò mò. 

 

Mô Hình Trị Liệu Của HarveyJackins 

Mô hình trị liệu của HarveyJackins, được gọi là “hướng dẫn đánh giá lại”, cũng tương tự như phương pháp chữa lành nỗi đau nguyên thủy. Jackins cho rằng khi cảm xúc đi cùng với trải nghiệm đau thương thì tâm trí không thể đánh giá hoặc tích hợp trải nghiệm đó. Khi năng lượng cảm xúc ngăn cản việc chữa lành tổn thương, bản thân tâm trí sẽ giảm khả năng hoạt động. Theo năm thàng, tâm trí sẽ ngày càng suy giảm vì sự kìm hãm của năng lượng cảm xúc ngày càng lớn mỗi khi một trải nghiệm tương tự xảy ra. Hiện tượng này được gọi là sự quay trở lại của tuổi tự phát. Nó giống như câu chuyện chú chó nổi tiếng của Pavlov, mỗi khi nghe tiếng chuông là biết mình được ăn. Sau một thời gian, mỗi khi nghe thấy tiếng chuông là nó lại chảy nước miếng ngay cả khi không có chút thức ăn nào cả. Tương tự như vậy, chúng ta có thể cảm thấy buồn bã vô cùng khi nghe một bài hát mừng lễ giáng sinh, bởi nó gợi lại ký ức về hình ảnh người cha say xỉn đã phá hỏng giáng sinh trước kia. 

 

Khi Chúng Ta Không Được Phép Đau Buồn, Năng Lượng Sẽ Bị Đóng Băng 

“Đứa trẻ bên trong” bị tổn thương chứa đầy năng lượng chưa được giải phóng do nỗi đau buồn từ tuổi thơ đầy đau đớn gây ra. Một trong những lý do khiến chúng ta buồn là để kết thúc những chuyện bi thương trong quá khứ, để tạo ra năng lượng cho hiện tại. Khi chúng ta không được phép đau buồn, năng lượng sẽ bị đóng băng.  

 

Những Quy Tắc Của Các Gia Đình Rối Loạn Chức Năng 

Một trong những quy tắc của các gia đình rối loạn chức năng là quy tắc “không cảm xúc”. Quy tắc này thậm chí ngăn cản “đứa trẻ bên trong” bạn không biết mình đang cảm thấy gì. Một quy tắc khác là quy tắc “không nói chuyện”, tức là cấm thể hiện cảm xúc. Trong một số trường hợp, điều đó đồng nghĩa với việc bạn chỉ có thể thể hiện một số cảm xúc nhất định. Các gia đình khác nhau sẽ có những khác biệt trong quy tắc không nói chuyện của mình.  

 

Trong một số gia đình, mọi cảm xúc đều bị cấm đoán ngoại trừ cảm giác tội lỗi. Thể hiện cảm xúc được cho là yếu đuối. Những đứa trẻ thường xuyên bị nhắc nhở: “Đừng có xúc động như vậy!” Những gia đình phương tây này không khác gì hàng triệu gia đình phương tây khác, thừa hưởng sản phẩm của ba trăm năm “chủ nghĩa duy lý”. Chủ nghĩa duy lý tin rằng lý trí là tối cao. Sống lý trí là yếu tố để làm người, còn sống tình cảm thì dưới mức con người. Kìm nén và che giấu cảm xúc là quy luật trong hầu hết các gia đình như thế. Còn ở đại đa số các gia đình phương đông, những gia đình thừa hưởng bốn ngàn năm “vạn sự xuất uy nho”, kiềm chế nhu cầu cảm xúc và nhu cầu khát khao tự nhiên, được cho là đạo của người quân tử, vì thế tư tưởng “kẻ sĩ phải có phong thái, cốt cách của kẻ sĩ, quân tử và trượng phu phải biết giữ đạo và thờ đạo”, đã ăn sâu trong hệ tư tưởng của rất nhiều bậc phụ huynh, đặc biệt là những phụ huynh thuộc thế hệ tiền bối. 

 

Cảm Xúc Bị Kìm Nén 

Vì cảm xúc là năng lượng nên chúng tha thiết được thể hiện. Trẻ em trong các gia đình bất hạnh thường không có đồng minh, chúng không có ai để có thể bày tỏ cảm xúc của chúng. Vì vậy, trẻ buộc phải thể hiện chúng theo cách duy nhất mà chúng biết: “tái diễn lên người khác, hoặc tái diễn lên chính bản thân chúng”. Sự kìm nén diễn ra càng sớm thì những cảm xúc bị kìm nén càng “dễ phá hoại”. Tôi gọi những cảm xúc chưa được giải quyết và không được bộc lộ này là “nỗi đau nguyên thủy”. Phương pháp chữa lành nỗi đau nguyên thủy bao gồm việc trải nghiệm lại những tổn thương đầu đời này và thể hiện những cảm xúc bị kìm nén. Kết quả là chúng ta sẽ không còn phải tái diễn những cảm xúc đó lên người khác hoặc lên chính mình nữa. 

 

Cách Thức Hoạt Động Của Các Cơ Chế Phòng Vệ 

Cho đến gần đây, có rất ít bằng chứng khoa học hỗ trợ cho phương pháp chữa lành nỗi đau nguyên thủy. Freud đã viết rất nhiều về sự cưỡng chế, thoái lui và phủ nhận như những biện pháp chính để bảo vệ bản ngã. Ông đã dạy rằng, một khi được hình thành, những hệ thống phòng thủ này hoạt động một cách tự động và vô thức. Tuy nhiên, ông không thể giải thích chính xác cách thức hoạt động của các cơ chế ấy. Ví dụ, điều gì xảy ra trong não chúng ta khi cảm xúc đau đớn bị ngăn chặn? 

 

Các nhà trị liệu thể chất đã mô tả cơ chế phòng thủ này hoạt động theo một số cách. Ví dụ, cảm xúc có thể bị tê liệt bằng cách căng cơ, mọi người thường nghiến răng và căng hàm khi họ tức giận. Cảm xúc cũng có thể được kìm nén bằng cách nín thở, còn thở nông là một cách phổ biến để tránh cảm xúc đau đớn. 

 

Người ta cũng kìm nén cảm xúc của mình bằng sự tưởng tượng. Ví dụ, một người đã trải qua giai đoạn đầu của cuộc đời mình với nỗi sợ hãi gần như ám ảnh về sự tức giận. Người đó luôn tưởng tượng rằng việc bày tỏ sự tức giận là một trong những cách từ chối hoặc trừng phạt thảm khốc. Tưởng tượng này kích hoạt sự căng cơ và thở nông của cơ thể. 

 

Mối Liên Hệ Giữa Nỗi Đau Khổ Và Não Bộ 

Ngày nay, chúng ta bắt đầu nhận thức được khả năng bảo vệ bản ngã trên cơ sở nghiên cứu về chức năng hóa học và chức năng sinh lý của não bộ. Việc buông bỏ sự bảo vệ bản ngã sẽ kết nối một người với những cảm xúc ban sơ của anh ta. Hàn gắn những nỗi đau nguyên thủy có tác dụng chữa bệnh tuyệt vời vì nó cho phép người ta cảm nhận những cảm xúc chưa được giải quyết trong quá khứ. Tại sao lại có tác dụng như vậy? 

 

Thuyết Ba Não Bộ 

Nhà nghiên cứu não bộ Paul D. Maclean đã trình bày một mô hình não bộ giúp hiểu chấn thương có thể ảnh hưởng như thế nào đến chúng ta. MacLean mô tả não bộ bằng thuyết “ba não bộ”. Chúng nằm bên trong não bộ chúng ta và là sự kế thừa của quá trình tiến hóa. Não bò sát hay não phản xạ là lâu đời nhất, nguyên thủy nhất trong não bộ của chúng ta. Nó giúp chúng ta duy trì sự an toàn và sự sinh tồn: có tính lặp đi lặp lại. Ví dụ, thằn lằn có một cuộc sống khá đơn giản. Công việc hằng ngày của nó bao gồm việc kiếm ăn mỗi sáng, nó hy vọng có thể đớp được một vài con ruồi, một vài con muỗi và không bị động vật khác ăn thịt. Nếu nó tìm thấy một con đường an toàn qua bãi cỏ và bãi đất đá, nó sẽ lặp lại hành trình này cho đến khi chết. Sự lặp lại này là để sinh tồn. Não phản xạ cũng duy trì các chức năng vật lý tự động của cơ thể chúng ta, chẳng hạn như hít thở. Tôi muốn nói với mọi người rằng bản năng của thằn lằn trong chúng ta sẽ thực sự xuất hiện, khi chúng ta bắt đầu kết hôn và xung đột với thói quen cả đời của người khác. 

 

Tiếp theo là não của loài động vật có vú hay còn gọi là não cảm xúc. Về mặt phương pháp thì đây được gọi là hệ limbic (hệ viền). Khi động vật có vú máu nóng xuất hiện trong quá trình tiến hóa, năng lượng cảm xúc được sinh ra trong chúng. Hệ limbic chứa đựng những cảm xúc như phấn khích, sung sướng, tức giận, sợ hãi, buồn bã, vui thích, xấu hổ, ghê tởm và chán ghét.  

 

Hệ thống tinh vi nhất trong não bộ chúng ta là tân vỏ não hay còn gọi là não tư duy. Nó tiến hóa cuối cùng, trong khoảng hơn hai triệu năm qua. Nó giúp con người chúng ta có khả năng suy luận, sử dụng ngôn ngữ, lập kế hoạch trước, giải quyết các vấn đề phức tạp, v.v... 

 

Sự Hoạt Động Của Não Bộ Được Quyết Định Bởi Nhu Cầu Phải Giữ Sự Đau Khổ Ở Mức Tối Thiểu 

Theo MacLean, ba não bộ này độc lập nhưng cũng hoạt động cùng nhau để duy trì trạng thái cân bằng của não bộ, vốn được quyết định bởi nhu cầu phải giữ sự đau khổ ở mức tối thiểu. 

 

Não bộ không gặp khó khăn gì trong việc giải quyết những nỗi buồn phiền trong cuộc sống. Nó dùng việc thể hiện cảm xúc để duy trì sự cân bằng. Khi nỗi đau đạt đến một đỉnh điểm nhất định, chúng ta nổi cơn thịnh nộ vì giận dữ, khóc lóc vì đau khổ hoặc đổ mồ hôi và run rẩy vì sợ hãi. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng nước mắt thực sự làm tan biến chất gây căng thẳng tích tụ trong trạng thái buồn bã. Não bộ sẽ tự động chuyển đến trạng thái cân bằng bằng cách bộc lộ cảm xúc, trừ khi chúng ta được dạy rằng phải ngăn chặn nó. 

 

Ba Cách Cưỡng Chế Việc Biểu Lộ Cảm Xúc 

Trẻ em lớn lên trong các gia đình bất hòa được dạy để cưỡng chế việc biểu lộ cảm xúc theo ba cách: cách thứ nhất là không được người khác tương tác hoặc làm gương, tức là trẻ bị bỏ mặc theo đúng nghĩa đen; cách thứ hai là không có bất cứ hình thức lành mạnh nào để gọi tên và thể hiện cảm xúc; và cách thứ ba là bị sỉ nhục hoặc bị trừng phạt nếu bộc lộ cảm xúc. Những đứa trẻ từ các gia đình kiểu này thường nghe thấy những câu như: “Tao sẽ cho mày biết thế nào là khóc lóc” hay “Đừng bao giờ cãi lại tao nếu không muốn nát đòn”. Trẻ thường thực sự bị đánh đòn chỉ vì cảm thấy sợ hãi, tức giận hoặc buồn bã. 

 

Nhưng khi cảm xúc bị cưỡng chế hoặc khi sự căng thẳng trở nên quá mức và trở thành chứng mãn tính, não bộ sẽ gặp khó khăn. Nó sẽ phải thực hiện các biện pháp đặc biệt bất thường để duy trì sự cân bằng, đó là bảo vệ bản ngã. 

 

Vết Hằn Của Những Tổn Thương Đầu Đời 

Cảm xúc bị cưỡng chế càng sớm thì tổn thương sẽ càng nghiêm trọng. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy về cơ bản, quá trình trưởng thành của não bộ tuân theo trình tự tiến hóa của não bộ. Các nhà khao học thần kinh đã chỉ ra rằng, não bộ phản xạ chiếm ưu thế trong giai đoạn sau của chu kỳ và trong giai đoạn đầu sau khi sinh.  

 

Hệ limbic bắt đầu hoạt động trong sáu tháng đầu đời của chúng ta, và nó cần một môi trường thích hợp cũng như sự kích thích đúng đắn để có thể phát triển lành mạnh. Trong nghiên cứu của mình về sự phát triển nhận thức ở trẻ em, Piaget đã không tìm thấy tư duy logic thật sự cho đến khi trẻ được 6 hoặc 7 tuổi. (Mặc dù một số phát hiện của Piaget bị nghi ngờ nhưng độ tuổi lên 7 dường như đánh dấu một bước ngoặt đáng kể). 

 

Khi chúng ta suy ngẫm về thực tế rằng não phản xạ là có liên quan đến các vấn đề sinh tồn và bị chi phối bởi tính lặp lại thì quan điểm về dấu ấn vĩnh viễn thực sự thuyết phục. Nhà khoa học thần kinh Isaacson đã khẳng định rằng những ký ức đau thương khó có thể xóa bỏ tận gốc rễ, bởi chúng là những ký ức về các phản xạ sinh tồn. Vì não bộ phản xạ và ghi nhớ nhưng lại không dễ quên nên nó in hằn vĩnh viễn những dấu vết tổn thương, ảnh hưởng đến tương lai của mỗi người. Bất cứ điều gì trẻ đã trải qua trong những năm đầu đời sẽ được ghi nhớ cùng với các giá trị sinh tồn trong tâm trí.


Chia sẻ: