Trẻ em trong sáng tác của Nguyễn Du (tài liệu tham khảo Văn học Việt Nam)

Ngày đăng 27/03/2023
114 Lượt xem

Tác giả

Mời bạn đọc ghé thăm Thư viện sách Văn học, Lịch sử của Openworld.vn. Hiện đang có nhiều đầu sách giảm giá tốt nhất thị trường

 

Đọc lại toàn bộ sự nghiệp văn chương của Nguyễn Du, nhiều người sẽ ngỡ ngàng bởi thế giới nhân vật trong sáng tác của thi hào thật phong phú, đa dạng. Trong thơ Tố Như, bên cạnh những kẻ “hồng nhan bạc mệnh”, những số phận phụ nữ khổ đau, những người tài bất hạnh, nhà thơ còn dành sự quan tâm cho nhiều kiếp người khác trong xã hội. Họ là những loại người khác nhau trong cuộc đời, là “thập loại chúng sinh” như cách gọi của nhà thơ. Trong đó, trẻ em là những đối tượng được Nguyễn Du dành tình cảm đặc biệt khi nói đến trong thơ, dù rằng cách thể hiện không thật nổi bật như khi ông viết về các kiểu nhân vật khác.

1. Trẻ em-Bộ phận quan trọng trong thế giới nhân vật của Nguyễn Du

 Như đã nói, thế giới nhân vật trong thơ Nguyễn Du không chỉ có số lượng lớn mà còn vô cùng đa dạng: Có nhân vật hư cấu (trong Truyện Kiều), có nhân vật có thật mà nhà thơ từng nghe hoặc bắt gặp (trong thơ chữ Hán), lại có những nhân vật chung cho những kiếp người (trong Văn chiêu hồn); có nhân vật có tên (Thúy Kiều, Thúy Vân), có nhân vật không tên (thằng bán tơ trong Truyện Kiều; người hát cũ của em tác giả, ông cháu người hát rong ở Thái Bình trong thơ chữ Hán), có cả nhân vật tên không rõ ràng (Mã Giám sinh, Nguyễn Đại lang); có nhân vật chính diện (Kiều, Từ Hải, Nhạc Phi, Khuất Nguyên), có nhân vật phản diện (Tú Bà, Sở Khanh, Tần Cối, Vương thị), có cả nhân vật trung gian hoặc nhân vật lưỡng diện, đa diện (Thúc Sinh, Hoạn Thư); có nhân vật là hồn ma quỷ thần (Quan Âm, Đạm Tiên), có nhân vật trong truyền thuyết (Đế Nghiêu, Nhị phi tức chị em Nga Hoàng và Nữ Anh là hai người vợ của vua Thuấn), có nhân vật lịch sử (Dương Phi, Kinh Kha, Dự Nhượng), cũng có nhân vật của thực tại (Thực Đình, người dân trên núi Hoàng Mai); có những nhân vật xuất thân hoàng tộc (thái tử Đan, Lương Chiêu Minh thái tử, Sở Bá vương), quan lại (Bùi Tấn, Liễu Tử Hậu), tướng lĩnh (Nhạc Phi, Mã Viện), chính khách (Tô Tần, Quản Trọng), hiệp khách (Kinh Kha, Dự Nhượng), thi nhân (Lý Bạch, Đỗ Phủ), binh lính (quân lính nhà Tây Sơn, binh lính ở hai huyện Hoạt, Tuấn), tăng lữ (Giác Duyên, Tam Hợp, sư ông ở Lạng Sơn), pháp sư (người phương sĩ, thầy tướng số, Tam Hợp đạo cô trong Kiều), tầng lớp lao động (tiều phu ở Phượng Hoàng, mục đồng ở xóm núi nọ, những kẻ “đi về buôn bán” trong Văn chiêu hồn), ca nhi kĩ nữ (Thúy Kiều, người đánh đàn ở đất Long thành, người ca nữ đất La thành), cả những người cùng cực, dưới đáy xã hội (ba mẹ con ăn xin gần trạm Tây Hà);… Có thể nói, trong văn học trung đại nước ta, hiếm có nhà thơ nào xây dựng được thế giới nhân vật trong thơ hoàng tráng, đa dạng và sinh động như Nguyễn Du.

 Trong thế giới nhân vật hết sức phong phú ấy, nhân vật trẻ em là một bộ phận quan trọng. Có 13 lần nhân vật trẻ em xuất hiện trong thơ Nguyễn Du. Mặc dù tất cả các nhân vật này đều không có tên, chỉ nhắc qua hoặc được miêu tả sơ lược nhưng trẻ em trong sáng tác của Nguyễn Du cũng khá da dạng, trong đó, một số hình ảnh nhân vật để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc.

 Trong Truyện Kiều, nhân vật trẻ em chỉ xuất hiện một lần. Đó là những người con của vợ chồng Kim Trọng, Thúy Vân được nhắc đến trong buổi chàng Kim cùng gia đình đi nhậm chức ở cõi ngoài Lâm Tri: Vâng ra ngoại nhậm Lâm Tri / Quan sơn nghìn dặm thê nhi một đoàn (câu 2873-2874). Trong tác phẩm này, hình ảnh trẻ em rất mờ nhạt, chỉ được nhắc qua và không để lại dấu ấn gì.

 Trong Văn chiêu hồn, trẻ em cũng được nhắc đến một lần. Tuy nhiên, đó không phải là những đứa trẻ cụ thể. Trong tác phẩm, “những kẻ tiểu nhi tấm bé” ấy mang ý nghĩa phổ quát cho một kiểu người, một loại chúng sinh đau khổ. Đó là những em bé “lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha”, không người “bồng bế vào ra”, bơ vơ bất hạnh, đáng thương trong đời.

 Trong thơ chữ Hán, hình ảnh trẻ em hiện lên cụ thể, sinh động hơn. Mười một lần trẻ em được nhắc đến trong ba tập thơ của Tố Như. Đó là hình ảnh những trẻ mục đồng mà nhà thơ bắt gặp trên đường đi công cán trong các bài Sơn thôn, Lạng Sơn đạo trung; những đứa trẻ đáng thương trong hoàn cảnh chiến tranh, ăn xin, hát rong mà nhà thơ tận mắt chứng kiến trong các bài Trở binh hành, Sở kiến hành, Thái Bình mại ca giả, Ngộ gia đệ cựu ca cơ; là các con của nhà thơ và con của những người bạn cũ trong các bài Tặng nhân, Giang đầu tản bộ, Ngẫu đắc 4, Thăng Long 1,… Tất cả đều là những đứa trẻ có thật trong cuộc đời mà Nguyễn Du từng gặp, để lại những ấn tượng khác nhau trong lòng nhà thơ.

 Không chỉ đối với sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du, những dòng thơ Tố Như viết về trẻ em còn có một vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam thời trung đại. Đặt những dòng thơ ấy vào tiến trình văn học trung đại nước ta mới thấy hết điều này. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, văn học trung đại ở nước ta chưa hình thành được bộ phận văn học thiếu nhi. Xuất phát từ quan niệm sáng tác và thị hiếu thẩm mĩ đặc thù của văn học trung đại, các tác giả xưa rất hiếm khi viết về trẻ em, nếu có thì đó cũng chỉ là hình ảnh trẻ chăn trâu trong bộ tứ ngư-tiều-canh-mục với bút pháp ước lệ và cảm hứng ngâm vịnh khuôn sáo. Điều này lí giải tại sao, suốt mười thế kỷ văn học ở nước ta, số lượng hình ảnh nhân vật trẻ em xuất hiện trong thơ văn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyễn Du vĩ đại bởi ông đi trước mọi người. Không chỉ viết nhiều, Tố Như còn thoát ra khỏi những công thức có tính quy phạm khi viết về trẻ em. Hơn nữa, từ chối lối viết ngâm vịnh sáo mòn dễ dãi, viết về trẻ em, Nguyễn Du còn thể hiện một cảm quan hiện thực và cảm hứng nhân đạo sâu sắc.

2. Trẻ em với cảm quan hiện thực của Nguyễn Du

 Nguyễn Du là nhà thơ có con mắt hiện thực sâu sắc. Khi đối diện một vấn đề xã hội nào đó, nhà thơ bao giờ cũng chịu khó quan sát và có cái nhìn rất riêng, khác với, nhiều khi vượt lên trên mọi người. Sáng tác của ông, đặc biệt là thơ chữ Hán mang một cảm quan hiện thực rất rõ nét. Cảm quan ấy không chỉ thể hiện khi nhà thơ viết về mình, về những số phận khổ đau trong xã hội mà dường như hướng đến tất cả đối tượng mà ông miêu tả trong thơ, trong đó có trẻ em. Điều này lí giải vì sao trong sáng tác của Nguyễn Du, cảm hứng ngợi ca, ngâm vịnh hầu như vắng mặt, điều được xem là một trong những biểu hiện phá vỡ tính quy phạm của thơ ca trung đại.

 Viết về trẻ em, Tố Như khước từ lối viết ngâm vịnh với bút pháp ước lệ, tượng trưng quen thuộc, nhiều khi dễ dãi của thơ ca truyền thống. Vẫn là những mục đồng, nhưng trẻ chăn trâu hiện lên trong thơ ông sinh động hơn nhiều. Bởi đó không phải là những mục đồng chung chung, công thức như vẫn thường gặp trong thơ trung đại. Chẳng hạn, trong bài Sơn thôn, hình ảnh em bé chăn trâu trở về trong buổi chiều tà, giữa một xóm núi yên bình, thanh vắng như hiện lên thật rõ nét với từng động tác cụ thể: Mục nhi giác chủy hoang giao mộ (Mục đồng gõ sừng trâu giữa chiều xuống nơi đồng vắng). Hay như, trên đường lên thành Lạng Sơn nghênh sứ, bắt gặp hình ảnh em bé ngồi lưng trâu với những thú vui ruộng đồng, nhà thơ liền kí họa lại: Mục thụ kỵ ngưu nhất bất như (Em bé cưỡi trâu [thú vui ấy] chẳng ai bằng, bài Lạng Sơn đạo trung). Một điều dễ nhận ra là, Nguyễn Du không xem trẻ chăn trâu là đối tượng ngâm vịnh. Trong thơ ông, mục đồng là một trong những hình ảnh của con người và cuộc sống ở một số nơi mà nhà thơ từng đến. Do đó, hình ảnh trẻ chăn trâu có vai trò quan trọng trong việc gia tăng chất liệu hiện thực trong một số bài thơ chữ Hán của Tố Như.

 Bên cạnh mục đồng, trong thơ Nguyễn Du còn có nhiều hình ảnh trẻ em được thể hiện với một cảm quan hiện thực đậm nét. Đó là những người con của bạn cũ mà nhà thơ gặp khi trở lại Thăng Long: Tương thức mĩ nhân khan bảo tử (Người đẹp quen biết nhau [ngày xưa nay] nay ẵm con, bài Thăng Long 1); là hình ảnh ba đứa con nhỏ của người hát cũ nhà em trai ngày xưa mà nhà thơ gặp lại sau những năm tháng nổi trôi: Kiến thuyết giá nhân dĩ tam tử (Nghe nói lấy chồng đã ba con, bài Ngộ gia đệ cựu ca cơ). Trong những trường hợp này, trẻ em chính là hiện thân của bước thời gian vội vã, của những biến động dâu bể cuộc đời.

 Không những viết về trẻ em ngoài xã hội, Nguyễn Du còn viết về chính những đứa con của mình. Phần lớn trong các dòng thơ ấy là hình ảnh ảnh những đứa con đói ăn đến đáng thương mà nhà thơ viết một cách cảm động. Qua đó, ta hình dung rõ hơn hoàn cảnh đói nghèo của Nguyễn Du trong những ngày phiêu dạt: Cố hương cang hạn cửu phương nông / Thập khẩu hài nhi thái sắc đồng (Quê nhà hạn mãi mùa màng mất sạch / Nhà mười đứa trẻ đói ăn, mặt xanh như rau, bài Ngẫu hứng 4).

 Đặc biệt, Nguyễn Du là một trong không nhiều những nhà thơ viết về trẻ em trong hoàn cảnh chiến tranh, đói nghèo. Trong bài Trở binh hành, nhà thơ miêu tả một cách chi tiết, chân thực tình cảnh bất an, loạn lạc, đói rét của người dân trong đó có nhiều trẻ nhỏ ở các địa phương có nạn bắt lính trên đất Trung Hoa mà ông tron ghành trình đi sứ tận mắt chứng kiến: Phù lão hề ấu di nhập thành… Đại nam tiểu nữ tần cơ sắc / Khang tì vi thực, lê vi canh (Dắt người giã cõng trẻ con chạy vào thành… Gái trai lớn nhỏ mặt xanh như rau tần / Lấy cám làm cơm, rau lê làm canh). Trong bài Sở kiến hành, hình ảnh ba trẻ nhỏ xin ăn cùng người mẹ đói rách hiện lên thật đáng thương: Hữu phụ huề tam nhi / Tương tương tọa đạo bàng / Tiểu giả tại hoài trung / Đại giả trì trúc khuôn (Có người mẹ và ba con nhỏ / Dắt díu bên vệ đường / Đứa nhỏ [mẹ] ẵm trong lòng / Đứa lớn cầm làn giỏ trúc). Trong bài Thái Bình mại ca giả, hình ảnh cháu bé dắt ông lão mù hát rong dù không được miêu tả nhiều nhưng cũng khiến người đọc cảm động: Thái Bình cổ sư thô bố y / Tiểu nhi khiên vãn hành giang mi (Ở Thái Bình có ông lão mù mặc áo vải thô / Cháu bé dắt đi dọc mé sông)…

 Rõ ràng, trẻ em hiện lên trong thơ Nguyễn Du không thi vị, lãng mạn như những trẻ mục đồng trong thơ của nhiều tác giả trung đại khác. Phần lớn trong số trẻ em trong thơ ông là những đứa trẻ trong lao động hoặc trong hoàn cảnh nghèo đói, đáng thương. Viết về trẻ em, Nguyễn Du thể hiện một cái nhìn tỉnh táo, ở đó cảm quan hiện thực đã thay thế hoàn toàn cho cảm hứng thù tạc ngâm vịnh. Nhưng điều quan trọng hơn, đằng sau cái nhìn hiện thực ấy là tấm lòng xót thương, yêu quý mà nhà thơ dành cho các em.

3. Trẻ em với cảm hứng nhân đạo của Nguyễn Du

 Nguyễn Du là nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn của văn học Việt Nam, đó là điều không cần bàn cãi. Nhà thơ vĩ đại trước hết bởi tấm lòng của ông đối với cuộc đời và những kiếp người. Trừ những nhân vật phản diện là các thế lực đen tối chà đạp lên các giá trị nhân văn, hầu hết các đối tượng còn lại trong thế giới nhận vật rộng lớn, phong phú của Nguyễn Du đều được thể hiện bằng một ngòi bút thấm đẫm tinh thần nhân đạo. Viết về trẻ em, dù chưa thật cụ thể như nhiều kiểu nhân vật khác, nhưng dễ nhận ra qua những vần thơ cảm động là những tình cảm tốt đẹp mà nhà thơ dành cho đối tượng này.

 Cảm hứng nhân đạo của Tố Như khi viết về trẻ em thể hiện ngay ở đặc điểm không có bất cứ một nhân vật trẻ em phản diện nào trong các sáng tác của ông. Từ những người con trong gia đình, của bạn bè đến những đứa trẻ ngoài xã hội, những đứa trẻ chung trong cuộc đời, không một nhân vật nào Nguyễn Du viết với cảm hứng phản biện, bút pháp giễu nhại hay giọng điệu phê phán. Bởi nhà thơ hiểu rằng, “nhân chi sơ tính bản thiện”, bản chất của trẻ em là tốt đẹp hoàn toàn. Trong hoàn cảnh xã hội loạn lạc như thời Nguyễn Du sống, trẻ vốn được sướng vui, hạnh phúc thường phải chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh, khổ đau. Đó là cội nguồn của tình yêu thương, lòng thương cảm của Tố Như dành cho các em.

 Chứng kiến hoàn cảnh đáng thương, tội nghiệp, bi đát của những đứa trẻ trong xã hội có quá nhiều biến động (đói ăn, không nhà, làm kẻ ăn xin, tan tác trong binh biến…), nhà thơ cảm thấy day dứt, xót xa. Ta nghe như nước mắt ông rơi xuống những dòng thơ viết về những đứa trẻ khổ đau ấy. Đó là những dòng thơ như nghẹn lại, tê tái lòng người: Mẫu tử bất túc tuất / Phủ nhi tăng đoạn trường / Kỳ thống tại tâm đầu / Thiên nhật giai vị hoàng (Mẹ chết không đáng tiếc gì / Vỗ về con mà như thêm nỗi đau đến đứt ruột / Nỗi đau ấy vô cùng / [Trông lên] mặt trời như vàng úa, bài Sở kiến hành).

 Là nhà nhân đạo chủ nghĩa vĩ đại, tấm lòng bác ái của Nguyễn Du vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Ông thương mọi kiếp người khổ đau, bất hạnh. Nguyễn Du xót thương những người tài lận đận, những kẻ hồng nhan đa truân, những người dân cùng khổ, những binh lính vô tội,… của Trung Hoa. Ông thương xót cả những đứa trẻ đói khổ, bất an, tội nghiệp trên đất nước này. Nhà thơ căm ghét chiến tranh phi nghĩa và nạn bắt lính khốc liệt đã làm bao gia đình người dân Trung Hoa, trong đó có người già và trẻ nhỏ phải chia lìa, tan tác (Trở binh hành). Ông bất bình trước bức tranh đối lập giữa cảnh đói rét thê lương của bốn mẹ con người ăn xin và cảnh quan lại trạm Tây Hà mâm cao cỗ đầy thừa mứa: Bát khí vô cố tích / Lân cẩu yếm cao lương / Bất tri quan đạo thượng / Hữu thử cùng nhi nương (Đồ ăn đổ bỏ không hề tiếc / Chó hàng xóm cũng chán đồ ăn ngon / [Họ] không biết trên đường cái quan / Có mẹ con nhà này cùng cực, bài Sở kiến hành). Ông mỉa mai khi nhận ra đất nước Trung Hoa vốn tự xưng no ấm mà lại đầy rẫy những cảnh đói nghèo, bi thương như ông cháu người hát rong đất Thái Bình: Chỉ đạo Trung Hoa tẫn ôn bão / Trung Hoa diệc hữu như thử nhân (Thường nghe Trung Hoa ai cũng no ấm / [Không ngờ] Trung Hoa cũng có người như thế này, bài Thái Bình mại ca giả). Những điều này không phải ai cũng nhận ra và nói lên được. Và Nguyễn Du của chúng ta đã điều đặc biệt này, bởi ông đã xuất phát từ một tấm lòng nhân đạo không biên giới quốc gia dân tộc.

 Cảm hứng nhân đạo khi viết về trẻ em trong thơ Nguyễn Du còn vượt ra ngoài mọi giới hạn, vươn lên tầm nhân loại, phổ quát cho một kiếp người. Trong cuộc đời, có biết bao mảnh đời trẻ thơ bất hạnh. Nhưng có lẽ bất hạnh nhất là những đứa trẻ chết sớm, mồ côi, không người bồng bế, tấm thân bơ vơ, không nơi nương tựa, không bàn tay chăm sóc vỗ về. Trong Văn chiêu hồn, Nguyễn Du đã khái quát cho tất cả những số phận bất hạnh ấy bằng những dòng thơ có thể lay động lòng người ở mọi thời: Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé / Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha / Lấy ai bồng bế vào ra / U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng. Đó là một “loại chúng sinh”, một kiếp người trong bao kiếp người khổ đau mà Nguyễn Du hướng ngòi bút nhân đạo của mình tới.

 

 Có thể nói, tuy chưa phải là nhân vật trung tâm trong thế giới nhân vật của Nguyễn Du nhưng trẻ em trong các sáng tác của ông cũng khá đa dạng, sinh động. Không những viết nhiều, Nguyễn Du còn viết về trẻ em bằng một cảm quan hiện thực sâu sắc cùng một tấm lòng nhân đạo thiết tha. Đặt điều này vào dòng chảy thơ Việt Nam trung đại vốn chưa hình thành được bộ phận văn học thiếu nhi, cũng như chưa thật sự coi trẻ em là đối tượng thẩm mĩ và đối tượng tiếp nhận mới thấy được tầm vóc của đại thi hào. Ông xứng đáng được xem là “nhà thơ đã viết những câu thơ về trẻ em sớm nhất và thống thiết nhất” trong văn học Việt Nam, như nhận định của Nguyễn Lộc trong Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỷ XVIII - hết thế kỷ XIX) (tái bản lần 5, Nxb Giáo dục, 2004, H., tr.472).


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem