Nguyễn Du với Bình Định (Tài liệu tham khảo văn học Việt Nam)

Ngày đăng 31/03/2023
165 Lượt xem

Tác giả

Mời bạn đọc ghé thăm Thư viện sách Văn học, Lịch sử của Openworld.vn. Hiện đang có nhiều đầu sách giảm giá tốt nhất thị trường

 

 

Nguyễn Du với Bình Định

 

 1. Thơ chữ Hán của Nguyễn Du có nhiều bài viết về người thân một cách cảm động. Tiêu biểu hơn cả là bài Ức gia huynh viết về người anh trai Nguyễn Nễ đang làm quan tại phương Nam xa xôi. Có một điều đặc biệt, đây là bài thơ duy nhất trong số 250 bài thơ chữ Hán của Tố Như có nhắc đến một địa danh của nước ta thuộc địa phận từ đèo Hải Vân trở vô Nam. Đó là thành Lục Tháp thuộc phủ Quy Nhơn (sau khi lật đổ nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đổi phủ Quy Nhơn thành dinh Bình Định; năm 1808, lại đổi thành trấn Bình Định); nay là thành Hoàng Đế thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.

   Ức gia huynh

  Lục Tháp thành nam hệ nhất quan

  Hải Vân dạ độ thạch tàn ngoan

  Cùng xu lam chướng tam niên thú

  Cố quốc yên hoa nhị nguyệt hàn

  Nhất biệt bất tri hà xứ trú

  Trùng phùng đương tác tái sinh khan

  Hải thiên mang diểu thiên dư lý

  Thần phách tương cầu mộng diệc nan

Lê Thước dịch thơ(1) :

  Quan nơi Sáu tháp thân ràng buộc

  Đêm tối qua đèo đá nhấp nhô

  Ba tết đồn xa miền hẻo lánh

  Tháng hai quê cũ cảnh tiêu sơ

  Chia tay chẳng biết phương nào trú

  Gặp mặt âu đành kiếp khác chờ

  Trời bể mịt mùng ngàn dặm thẳm

  Tìm nhau khó cả thấy trong mơ

  

2. Ức gia huynh là nỗi lòng nhớ thương, lo lắng của Nguyễn Du dành cho người anh Nguyễn Nễ, còn gọi là Nguyễn Đề. Nguyễn Đề húy Nễ, tự Nhất Quế, hiệu Quế Hiên; sau đổi ra tên Đề, tự Tiến Phủ, hiệu Tỉnh Kiên, biệt hiệu Văn Thôn Cư Sĩ; sinh ngày 13 tháng 2 năm Tân Tỵ (1761), mất năm Ất Sửu (1805). Ông là con thứ sáu của Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm (1708-1855) và bà Trần Thị Tần, là anh em cùng cha cùng mẹ với Nguyễn Du, lớn hơn Nguyễn Du 5 tuổi. Trong các anh em, Nguyễn Đề là người gần gũi, thân thiết hơn cả với Nguyễn Du, dù hai anh em không cùng một con đường chính trị. Họ còn là bạn thơ hiểu nhau và thường viết thơ cho nhau. Trong lúc anh em li tán, Nguyễn Nễ viết bài Hoài Tố Như đệ (nhớ em Tố Như). Năm 1793, Nguyễn Du vào Phú Xuân thăm anh, khi trở về Quỳnh Côi, Nguyễn Nễ có viết một bài thơ đưa tiễn với nhan đề Tống Tố Như tự Phú Xuân kinh Bắc hoàn (Tiễn Tố Như từ kinh Phú Xuân về lại Bắc). Ngoài ra, Nguyễn Nễ còn “có hàng chục bài thơ viết cho Nguyễn Du với tất cả tình cảm yêu thương của một người anh dành cho một đứa em trai có số phận khá vất vả, long đong”(2) của mình.

Theo các nhà nghiên cứu, Nguyễn Nễ “làm quan với “tân triều” khá tự nguyện: làm việc hăm hở, không mặc cảm, ít vướng bận nghĩa “trung quân”, thậm chí có lúc ông còn chỉ trích những người bảo thủ, lánh đời”(3). Ông cộng tác với triều Tây Sơn ngay từ đầu. “Năm đầu Quang Trung (1789), nhân có người quen đề cử, ông được mời ra giúp việc từ hàn và được bổ chức Hàn lâm viện thị thư, làm Phó sứ tuế cống sang Trung Quốc. Trở về nước, được thăng Đông các đại học sĩ, gia tăng Thái sư thự tả nghị lang, Nghi thành hầu. Năm Quý Sửu (1793) ông coi việc văn thư ở Cơ mật viện. Năm Giáp Dần (1794), ông được thăng Tả phụng nghị Bộ Binh, vào thành Quy Nhơn, giữ chúc Hiệp tán nhung vụ. Bài thơ của Nguyễn Du làm vào thời kỳ này”(4).

3. Trở lại với tác phẩm Ức gia huynh, ở hai câu đề của bài thơ có hai địa danh xuất hiện. Đó là đèo Hải Vân và thành Lục Tháp:

- Đèo Hải Vân (tên chữ là Hải Vân quan) là địa giới tự nhiên giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nằng ngày nay. Đèo nằm trên con đường từ kinh thành Phú Xuân vào Nam cho nên khi vào phủ Quy Nhơn nhậm chụức, Nguyễn Nễ phải đi qua con đèo này. Đây là con đèo nổi tiếng hiểm trở, khó đi. Có lẽ Nguyễn Đễ đã qua đây vào lúc ban đêm nên Nguyễn Du mới viết: Hải Vân dạ độ thạch tàn ngoan (ban đêm vượt Hải Vân, đường đi đá lởm chởm).

- Thành Lục Tháp, tức thành Hoàng Đế ngày nay. Thành này nguyên tên là Đồ Bàn hay Vijaya, còn gọi là Thành cổ Chà Bàn, vốn là kinh đô của nước Chămpa cũ, có từ thế kỷ IX. “Năm 1604, Chúa Nguyễn đổi là thành Quy Nhơn, đời Tây Sơn, Nguyễn Nhạc xưng là Trung ương Hoàng Đế, đổi là thành Hoàng Đế. Thành mở năm cửa và có sáu tháp canh. Năm 1814, Gia Long mới bỏ thành này, xây thành khác cách năm cây số về phía nam, hình vuông, gọi là thành Tây”(5). Vì có sáu tháp canh các hướng nên thành còn được gọi bằng tên Lục Tháp (nghĩa là sáu ngôi tháp). Nguyễn Nễ vào Quy Nhơn nhậm chức, phục vụ cho triều Tây Sơn, trong mắt Nguyễn Du coi như nửa đời còn lại bị buộc chân ở nơi này. Cho nên nhà thơ mới viết: Lục Tháp thành nam hệ nhất quan (phía nam thành Lục Tháp, một chức quan buộc [chân]).

Trong sự hiểu biết của nhiều người thời bấy giờ, “thành Lục Tháp quá là xa xôi, được coi là miền đất lạ nơi biên thùy lam sơn chướng khí”(6). Nguyễn Du có lẽ cũng không biết gì nhiều về nơi đây. Cho nên ông viết: Cùng xu lam chướng tam niên thú (nơi heo hút, hẻo lánh, khí độc suốt ba năm trời canh giữ chốn biên ải). Hơn nữa, trong điều kiện đi lại khó khăn bấy giờ, thành Lục Tháp so với kinh đô Phú Xuân là xa mịt mù ngàn dặm: Hải thiên mang diểu thiên dư lí (mênh mang trời bể hơn ngàn dặm). Trên thực tế, khoảng cách giữa thành phố Huế và thị xã An Nhơn là khoảng 400km. Trong khi đó, 1 dặm tương đương 1,6km; hơn ngàn dặm là hơn 1600km. Hơn nữa, thiên dư lý chỉ là cách nói ước lệ, chỉ cho sự xa cách không thể tính được. Điều này nói lên rằng, thành Lục Tháp trong nhận thức Nguyễn Du và người đương thời là nơi quá mờ mịt, xa xôi, chẳng khác nơi nơi biên thùy, cửa ải.

Trong bài thơ, Nguyễn Du đã dành cho anh trai của mình những tình cảm chân thành, cảm động nhất. Vượt qua những chính kiến trái ngược nhau, người em trai đã thật sự lo lắng cho anh nơi hẻo lánh sợ không có nơi ở chu đáo (Nhất biệt bất tri hà xứ trú – Một đi không biết ở nơi nào), phải chịu cảnh sống cơ cực, khó khăn mà ngày gặp lại thì quá xa vời có khi phải đợi kiếp sau mới thấy (Trùng phùng đương tác tái sinh khan – Gặp nhau có lẽ phải đến ngày tái sinh mới thấy được). Với Tố Như, vắng anh thì quê nhà dù đang giữa mùa xuân cũng đìu hiu, lạnh lẽo (Cố quốc yên hoa nhị nguyệt hàn – Hoa khói quê nhà tháng hai lạnh lẽo). “Trông vời trời bể mênh mang” (Kiều), ngóng về phương Nam xa mịt mù, nhà thơ lúc nào cũng đau đáu nhớ thương anh, dẫu biết rằng gặp nhau rất khó, dù chỉ trong mơ (Thần phách tương cầu mộng diệc nan – Thần phách tìm nhau, cả trong mơ cũng khó). Bài thơ thật cảm động, đó là tình cảm thiết tha, ngậm ngùi mà tác giả, một người dễ động lòng trắc ẩn, dành cho anh trai của mình, xứng đáng được xem là một trong những bài thơ viết về đề tài gia đình hay ở thời trung đại.

4. Có thể nói, là điểm đến trên đường vào nhậm chức của Nguyễn Nễ, thành Lục Tháp là địa danh duy nhất của phương Nam tính từ đèo Hải Vân trở vào được đại thi hào Nguyễn Du nhắc đến trong thơ mình. Dù rằng thành Lục Tháp được Nguyễn Du thể hiện mơ hồ và thậm chí chưa thật chính xác (thành Bình Định tọa lạc trên vùng gò đồi thấp được bao bọc xung quanh là đồng bằng, không phải là nơi rừng sâu nước độc - lam chướng - như trong thơ) vì điều kiện thiếu thốn thông tin bấy giờ, thế nhưng địa danh này gắn liền với bước đường làm quan của người anh trai mà Nguyễn Du vô cùng yêu mến, đồng thời gắn liền với những tình cảm tốt đẹp mà nhà thơ dành cho anh mình. Trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du, địa danh xuất hiện với tần số khá lớn nhưng chủ yếu là các địa danh từ kinh thành Huế trở ra Bắc và địa danh ở Trung Quốc. Thành Lục Tháp của tỉnh Bình Định là địa danh duy nhất ở phương Nam tính từ Hải Vân quan trở vào được nhắn đến trong thơ Tố Như. Đây cũng là một điều khá đặc biệt !

Chú thích:

1. Lê Thước, Trương Chính (sưu tầm, chú thích, phiên dịch, sắp xếp), Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb Văn học, H., 1973, tr. 96.

2. Tạ Ngọc Liễn, Danh nhân văn hóa trong lịch sử Việt Nam, Nxb Thanh niên, H., 2008, tr. 290.

3. Nhiều tác giả, Từ điển Văn học (bộ mới), Nxb Thế giới, H., 2003, tr. 1128.

4. Nguyễn Thạch Giang-Trương Chính (biên khảo và chú giải), Nguyễn Du, niên phổ và tác phẩm, Nxb Văn hóa Thông tin, H., 2001, tr. 633.

5. Nguyễn Thạch Giang-Trương Chính, Sđd, tr. 633-634.

6. Thảo Nguyên, Đọc và dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du, Nxb Hội Nhà văn, H., 1007, tr. 66.

 


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem