Địa danh Hán Việt ở Quảng Nam (Tài liệu tham khảo văn hóa Việt Nam)

Ngày đăng 30/03/2023
300 Lượt xem

Tác giả

Mời bạn đọc ghé thăm Thư viện sách Văn học, Lịch sử của Openworld.vn. Hiện đang có nhiều đầu sách giảm giá tốt nhất thị trường

 

 

Xét về nguồn gốc ngôn ngữ, địa danh Hán Việt là bộ phận chiếm tỉ lệ lớn trong hệ thống địa danh ở Quảng Nam. Bộ phận địa danh này mang một số đặc điểm chính sau.

 1. Đặc điểm địa bàn phân bố

 Địa danh Hán Việt ở Quảng Nam có địa bàn phân bố không đồng đều. Trên toàn bộ địa bàn tỉnh, địa danh Hán Việt tập trung nhiều hơn ở các huyện, thị đồng bằng và trung du như Núi Thành, Tam Kỳ, Phú Ninh, Thăng Bình, Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An,… Các huyện miền núi như Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Hiệp Đức…, địa danh Hán Việt chiếm tỉ lệ thấp hơn. Tại các địa phương này, chủ yếu là bộ phận địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ các dân tộc thiểu số.

Hiện tượng phân bố không đồng đều giữa hai miền xuôi ngược của địa danh Hán Việt ở Quảng Nam bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân lịch sử - xã hội. Trong đó, lịch sử và địa bàn cư trú của các cộng đồng người là nguyên nhân chủ yếu. Đa số địa danh Hán Việt ở Quảng Nam đều ra đời từ rất sớm, do chính quyền đặt, gắn liền với hành trình cư trú, lập nghiệp của người Kinh. Cho nên, ở những địa phương có lịch sử phát triển lâu đời hoặc tập trung đông người Kinh sinh sống, địa danh Hán Việt thường có số lượng lớn hơn. Ngược lại, ở các vùng cao là địa bàn cư trú lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số, địa danh Hán Việt thường có số lượng ít, xuất hiện muộn và chủ yếu là do người Kinh đến sinh sống đặt sau này.

 2. Đặc điểm loại hình

Đa số địa danh Hán Việt ở Quảng Nam thuộc loại hình địa danh hành chính, xuất hiện gần như tất cả các kiểu đơn vị hành chính. Chẳng hạn:

- Địa danh cấp tỉnh có Quảng Nam;

- Địa danh cấp thành phố có Tam Kỳ, Hội An;

- Địa danh cấp thị xã có Điện Bàn;

- Địa danh cấp thị trấn có Nam Phước, Ái Nghĩa, Đông Phú,;

- Địa danh cấp phường có An Mỹ, An Phú, An Sơn (TP. Tam Kỳ); Cẩm An, Cẩm Châu, Cẩm Nam (TP. Hội An); Điện An, Điện Dương, Điện Ngọc (TX. Điện Bàn);

- Địa danh cấp xã có Tam Lãnh, Tam An, Tam Dân, (huyện Phú Ninh); Duy Châu, Duy Hải, Duy Hòa (huyện Duy Xuyên);

- Địa danh cấp thôn có Đàn Thượng, Trung Sơn, An Trung (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh)…

So với loại hình địa danh hành chính, địa danh Hán Việt chỉ công trình dây dựng ở Quảng Nam tuy có tỉ lệ thấp hơn nhưng vẫn có số lượng khá lớn. Trong đó, chiếm tỉ lệ cao nhất là phố danh (chủ yếu là tên đường được đặt từ tên người). Chẳng hạn: Đường Phan Bội Châu, đường Trần Cao Vân (Tam Kỳ); đường Lê Thánh Tông, đường Nguyễn Chí Thanh (Hội An); đường Phạm Phú Thứ, đường Hoàng Diệu (Điện Bàn); đường Nguyễn Thuật, đường Thái Phiên (TT. Hà Lam)…

Với các kiểu địa danh còn lại, địa danh Hán Việt cũng xuất hiện khá nhiều, tuy tỉ lệ không bằng địa danh hành chính và phố danh. Chẳng hạn:

 - Địa danh sông có: sông Tiên, sông Vĩnh Điện…

 - Địa hình chỉ núi có: núi Ngọc Linh…

 - Địa danh biển có: biển Tam Thah, biển Tam Tiến…

 - Địa danh chỉ chùa có: chùa Vạn Đức, chùa Bảo Thắng (Hội An); chùa Hòa An, chùa Hòa Quang (Tam Kỳ); chùa Bảo Đàn, chùa chùa Trân Bửu (huyện Phú Ninh)…

 - Địa danh chợ có: chợ Tam Kỳ, chợ Hòa Hương (Tam Kỳ); chợ Thanh Hà, chợ đêm Nguyễn Hoàng (Hội An)…

 - Địa danh cầu có: cầu Giao Thủy, cầu Hà Tân…

Vì nhiều lí do lịch sử - văn hóa, phần lớn địa danh hành chính, phố danh ở nước ta đều là những địa danh Hán Việt (trong đó, chủ yếu là thói quen đặt tên của người Việt: thích dù từ Hán Việt với tính điệu thẩm mĩ cao để đặt tên người, tên đất). Địa danh Hán Việt ở Quảng Nam cũng không nằm ngoài đặc điểm này. Điều này giải thích tại sao hai bộ phận này chiếm tỉ lệ lớn nhất trong hệ thống địa danh Hán Việt ở Quảng Nam.

3. Đặc điểm cấu tạo

 Cũng như địa danh Hán Việt trong cả nước, địa danh Hán Việt ở Quảng Nam hầu hết đều có hai âm tiết, chủ yếu cấu tạo theo phương thức ghép (gồm cả ghép đẳng lập và ghép chính phụ). Chẳng hạn:

- Địa danh Hán Việt có cấu tạo ghép đẳng lập (hai yếu tố bình đẳng với nhau): Bình An, Bằng An, Bình Tú, Phước Lộc, Phước Mỹ,…

- Địa danh Hán Việt có cấu tạo ghép chính phụ (hai yếu tố có mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau) có: Quảng Nam, Hội An, Thanh Hà, Cẩm Hà, Tam Thăng, Tam Phú, Duy Hòa, Phước Sơn, Đông Giang, Tây Giang,…

Ngoài ra, một số địa danh Hán Việt có cấu tạo tổ hợp từ Hán Việt + từ chỉ phương hướng (như Điện Nam Bắc, Điện Nam Đông, Điện Thắng Nam, Điện Thắng Trung, Tam Mỹ Đông, Tam Mỹ Tây…) hoặc từ Hán Việt + số thứ tự (như Tam Xuân 1, Tam Xuân 2, Quế Xuân 1, Quế Xuân 2…). Tuy nhiên, kiểu cấu tạo này chiếm tỉ lệ không lớn.

Một nét độc đáo trong đặc điểm cấu tạo của địa danh Hán Việt ở Quảng Nam (và một số địa phương khác trong cả nước) là mối quan hệ “họ hàng” giữa các địa danh. Đó là hiện tượng ở một số huyện tại Quảng Nam, thành tố đầu của địa danh cấp huyện trở thành “họ chung” của các địa danh cấp xã thuộc huyện đó. Chẳng hạn:

- Thành tố “Tam” trong địa danh thị xã Tam Kỳ trước đây được chọn làm “họ chung” cho các xã trực thuộc như: Tam Thái, Tam Dân, Tam Thanh, Tam Đại,…

- Thành tố “Tiên” trong địa danh huyện Tiên Phước chính là “họ chung” của các xã, thị trấn trực thuộc hiện này như: Tiên Thọ, Tiên Kỳ, Tiên Cảnh, Tiên Châu,…

Một số xã ở huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Quế Sơn… cũng được cấu tạo theo “phương thức” đặc biệt này. Cho nên, đối với người dân xứ Quảng, chỉ cần cho biết tên một số xã thì có thể biết ngay người đó quê ở huyện nào.

 4. Đặc điểm phản ánh

 Ra đời cùng những chặng đường phát triển của một vùng đất, địa danh được xem là chứng nhân lịch sử của vùng đất ấy. Địa danh không chỉ là tên gọi của một đối tượng địa lí mà nhiều khi còn mang trong mình nhiều giá trị phản ánh khác. Đó là lí do mà nhiều người ví địa danh như những “di chỉ văn hóa”, “bảo tàng lịch sử”, nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, tinh thần của một cộng đồng, một địa phương trong tiến trình lịch sử của nó.

 Thứ nhất, là tên gọi của một vùng đất, nhiều địa danh Hán Việt đã phản ánh nhiều đặc điểm về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, hình dáng, kích thước, màu sắc… của đối tượng được đặt tên. Đây là những địa danh được hình thành theo phương thức gọi tên đối tượng theo đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, hình dáng, kích thước, màu sắc… của chính nó. Chẳng hạn:

- Tên gọi Trường Giang phản ánh đặc điểm khá dài của dòng sông này (trường: dài; giang: sông),

- Tên gọi Tiên Cảnh phản ánh vẻ đẹp như cõi tiên của vùng đất này (tiên: thần tiên; cảnh: cõi),

- Tên gọi Tam Kỳ ra đời là do địa phương này trước đây có một chỗ rẽ ba ngã nổi tiếng (tam: ba; kỳ: ngã rẽ),

- Tên gọi Tam Lãnh là do xã này có ba ngọn núi cao, ở gần nhau, ở gần trung tâm xã (tam: ba; lãnh [đọc chệch của lĩnh]: ngọn núi),

 - Tên gọi Kỳ Hà là do đây là dòng sông khá lạ trong cảm nhận của nhiều người (kỳ: lạ; hà: sông),

 - Tên gọi Giảm Thọ với cách nói hình ảnh đã phản ánh phần nào đặc điểm hiểm trở của con đèo này (qua đều này rất khó khăn, tưởng như qua hết đèo chắc cũng giảm đi vài tuổi thọ)…

 Đặc điểm phản ánh này mang giá trị quan trọng ở chỗ nó có thể giúp chúng ta phục dựng lại được nhiều đặc điểm của đối tượng địa lí. Có nhiều địa danh ra đời từ rất lâu, đến nay đối tượng địa lí đã thay đổi so với ban đầu. Việc giải thích tên gọi của địa danh cùng căn cứ vào phương thức định danh sẽ giúp người đời sau ít nhiều hình dung được những đặc điểm ban đầu của đối tượng địa lí tại thời điểm tên gọi của nó được đặt.

 Thứ hai, nhiều địa danh Hán Việt ở Quảng Nam ra đời trong thời phong kiến, do chính quyền các triều đại đặt. Khi đặt tên cho một vùng đất mới, các chính quyền xưa thường gửi vào đó chủ trương trị nước cũng như những lí tưởng về tương lai đất nước của mình. Một số địa danh Hán Việt ra đời sớm ở Quảng Nam còn giữ được ít nhiều giá trị lịch sử này. Chẳng hạn, địa danh Quảng Nam với ý nghĩa “mở rộng về phương Nam” phản ánh khát vọng về con đường Nam tiến của nhà Lê khi nhận ra vùng đất xứ Quảng là một chốt chặng cực kỳ quan trọng trên hành trình mở cõi về phương Nam xa xôi. Hoặc như, chủ trương “nhân chính” (cai trị bằng lòng nhân, tức lòng khoan dung, thương người), “đức trị” (cai trị bằng đức) của nhà Nguyễn được thể hiện trong nhiều địa danh trong cả nước, trong đó có địa danh Hiệp Đức (đức được hiệp lại) ở Quảng Nam.

 Thứ ba, địa danh Hán Việt ở Quảng Nam mang trong mình nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Đó là mong ước của người xưa gửi gắm vào tên gọi khi đặt tên cho một vùng đất. Đó là ước mong về một cuộc sống yên bình, hạnh phúc, quê hương giàu đẹp, phát triển vững bền. Cho nên, hầu hết địa danh Hán Việt ở Quảng Nam đều là những mỹ từ, mang tính điệu thẩm mỹ cao. Chẳng hạn: Tân An (tươi mới và yên ổn), An Mỹ (yên ổn và đẹp đẽ), An Phú (yên ổn và giàu có), Hòa Thuận, Phước Hòa (hạnh phúc và thuận hòa), Trường Xuân (xuân kéo dài), Tân Thạnh (tươi mới và thịnh vượng), Đại An (bình yên lớn), Đại Cường (mạnh mẽ lớn), Đại Hòa (thuận hòa lớn), Đại Thắng, Đại Nghĩa, Đại Hưng (hưng thịnh lớn), Phú Ninh (giàu có và yên ổn), Hội An (nơi yên ổn hội tụ về), Thăng Bình (tiến lên và bình yên), Bình An, Bình Phú (yên bình và giàu có), Bình Tú (yên bình và đẹp đẽ),… Qua hệ thống địa danh Hán Việt ở Quảng Nam, chúng ta ngày nay phần nào thấy được những ước mong tốt đẹp về cuộc sống, quê hương, đất nước của bao lớp tiền nhân trên chính mảnh đất này.

 Tóm lại, địa danh Hán Việt trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không những có số lượng lớn mà còn mang trong những nhiều giá trị lịch sử - văn hóa độc đáo, giá trị. Tìm hiểu bộ phận địa danh này nói riêng cũng như hệ thống địa danh nói chung trên địa bàn tỉnh Quảng Nam sẽ giúp chúng ta hiểu nhiều hơn về đất và người xứ Quảng trong tiến trình lịch sử.


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem