Địa danh xứ Quảng trong thơ Phạm Phú Thứ (Tài liệu tham khảo văn học Việt Nam)

Ngày đăng 30/03/2023
134 Lượt xem

Tác giả

Mời bạn đọc ghé thăm Thư viện sách Văn học, Lịch sử của Openworld.vn. Hiện đang có nhiều đầu sách giảm giá tốt nhất thị trường 

 

 

Giá Viên Phạm Phú Thứ (1821-1882, quê ở xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn) không chỉ là vị đại thần dưới triều Nguyễn mà còn là danh nhân văn hóa, tác gia lớn của nền văn học trung đại Việt Nam. Trong sự nghiệp văn chương đồ sộ của mình, ông viết về nhiều nơi, trong nước lẫn thế giới, nhưng hiếm có nơi nào mà địa danh ghi dấu ấn đậm nét trong thơ ông như quê nhà xứ Quảng.

Sự đa dạng của các địa danh

Địa danh xứ Quảng trong thơ Phạm Phú Thứ không chỉ có số lượng lớn mà còn rất đa dạng. Trước hết, đó là sự đa dạng về loại hình địa danh. Trong Giá Viên thi thảo có địa danh núi (Sơn Trà, Ngũ Hành, Hải Vân loan, Bà sơn [núi Bà], Diên Chủy [núi Mỏ Diều]); địa danh sông (Bồn giang [sông Thu Bồn], Điện thủy [sông Vĩnh Điện], Cẩm xuyên [sông Cẩm Phô], Ba giang [sông Ba], Vĩnh Điện giang khẩu [cửa sông Vĩnh Điện]); địa danh biển đảo (Đà hải [biển Đà Nẵng], Quảng Nam dương [biển Quảng Nam], Chiêm đảo [cù lao Chàm]); địa danh chỉ công trình xây dựng (Điện giang thành [thành bên sông Vĩnh Điện], Cẩm giang thành [thành bên sông Cẩm Phô], Trà Sơn bảo [đồn Sơn Trà], Hóa Khuê lũy); địa danh hành chính và địa danh vùng (Quảng Nam, Hội An, Thanh Chiêm, Thanh Khê, Hòa Vang, Điện ấp, Bích Sơn thôn, Phước Sơn thôn).

Sự đa dạng còn nằm trong cách định danh của Giá Viên. Điều này thể hiện trên cả hai yếu tố của địa danh: tên riêng và tên loại hình. Ở tên riêng, chẳng hạn: Đà Nẵng có khi được gọi đầy đủ (Đà Nẵng tấn), có khi chỉ được gọi là Đà (Đà tấn, Đà dương, Đà hải); Thu Bồn khi được gọi đầy đủ (Thu Bồn nguyên), khi gọi tắt là Thu (Thu giang), Bồn (Bồn giang, Bồn chử); Ngũ Hành khi được gọi tắt là Ngũ (Ngũ phong, Ngũ lĩnh), khi gọi là Hành (Hành sơn, Hành lĩnh); Vĩnh Điện thường được gọi tắt là Điện (Điện thủy, Điện giang, Điện ấp, Điện hải thành); Hải Vân được gọi tắt là Vân (Vân sơn, Vân quan)… Ở tên loại hình, chẳng hạn: Cùng liên quan đến núi nhưng khi thì nhà thơ gọi là sơn (Bà sơn, Trà sơn), khi gọi lĩnh (Ngũ lĩnh), phong (Ngũ phong, Tiên phong), loan (Hải Vân loan), điên (Hải Vân điên); cùng liên quan đến sông nhưng khi được gọi là giang (Điện giang), khi gọi thủy (Điện thủy), xuyên (Cẩm xuyên), nguyên (Bồn nguyên, Gia nguyên [sông Vu Gia]), chử (Bồn chử [bãi sông Thu Bồn]).

Sự đa dạng trên phần nào phản ảnh đặc điểm đa dạng trong kiểu địa hình của địa danh Quảng Nam ở thế kỷ XIX cũng như sự quan tâm, tình cảm mà Phạm Phú Thứ giành riêng cho quê nhà.

Tấm lòng của Phạm Phú Thứ

Mỗi địa danh xứ Quảng trong thơ không chỉ là nơi mà Giá Viên từng đi qua hay nhắc tới mà còn chứa trong đó nhiều tình cảm mà ông dành cho quê hương.

Nhắc đến các địa danh của quê nhà, nhà thơ luôn gửi vào đó niềm yêu quý, tự hào: Hành sơn tú như họa/ Điện thủy thanh khả cúc (Núi Ngũ Hành đẹp như vẽ/ Nước sông Vĩnh Điện trong có thể vốc uống - bài Tống Điện Bàn Phạm Tri phủ phó lị); Trà minh hải nội vô song hiểm/ Hành lĩnh nam lai đệ nhất kỳ (Trong các biển thì biển Sơn Trà hiểm trở vô song/ Từ phía Nam trở lại thì núi Ngũ Hành là đệ nhất kỳ quan - Tiễn Hộ bộ Tham tri Bùi vãng Quảng Nam Tuần phủ). Không chỉ với thiên nhiên, nhà thơ còn tự hào, trân trọng khi nói đến truyền thống của quê mình, vùng đất Gò Nổi nổi danh hiếu học: Điện ấp Ba giang thế canh độc/ Gia đình mỹ tế tại Nho khoa (Ở Điện Bàn, sông Ba, nhiều đời cày ruộng và đọc sách/ Gia đình kế thừa truyền thống tổ tiên ở nghề khoa cử - Lục thập sinh nhật tự thuật).

Giá Viên còn gửi vào các địa danh xứ Quảng bao niềm mong nhớ, ngậm ngùi bởi đó là những tên gọi thân thương chốn quê nhà: Phần hương thiên tại Hải Vân nam (Trời quê hương ở phía Nam Hải Vân - Tân Hợi nguyên đán thí bút); Tử lý Vân quan cận (Quê nhà gần cửa Hải Vân - Đắc thỉnh hồi quán tỉnh tảo chu trung giản chư liêu hữu). Cùng với tình quê, địa danh xứ Quảng còn ray rứt nhớ thương trong tình nước: Trà sơn hồi thủ xứ/ Hương quốc ý hà cùng (Ngoảnh đầu nhìn về Sơn Trà/ Tình quê tình nước biết sao cho cùng - Xuất dương).

Đặc biệt, địa danh gắn với các biến cố lịch sử của xứ Quảng đi vào thơ Giá Viên với niềm lo lắng, ưu tư trước vận nước hiểm nguy. Trước sự tấn công của Pháp vào Đà Nẵng, ông như đứng ngồi không yên: Hóa Khuê phế lũy tĩnh phù ai/ Thông tự truyền phong bất thượng đài/ Trà úc vô ba thu luyện bạch/ Dương thương thuyền sấn hải phòng lai (Lũy Hóa Khuê hoang phế nằm im phủ bụi/ Hòn Thông đốt lửa báo có giặc mà không lên xem được/ Vũng Sơn Trà không dậy sóng nước mùa thu như lụa trắng/ Thuyền buôn bọn Tây cứ sấn vào chỗ hải phòng của ta - Quy trình ký sự). Đà Nẵng rơi vào tay giặc, ông nhìn về Sơn Trà mà đau xót, chỉ biết thầm mong cho sớm lại cảnh thái bình: Liệt phong hồi thủ Trà Sơn bảo/ Thùy vãn ngân hà vị tẩy binh (Quay đầu lại vẫn còn thấy binh lửa trên đồn Sơn Trà/ Biết ai kéo Ngân Hà xuống để rửa giáp binh - Tấn khẩu đãi quan thuyền vị chí nhân Phái viên Ngự sử Lê đồng vãn tỉnh thành chu trung tự thoại thư di).

Trong cuộc đời đầy sôi nổi, thăng trầm của mình, Phạm Phú Thứ đã đến và viết về nhiều nơi nhưng hiếm địa phương nào để lại nhiều tình cảm đặc biệt trong ông như xứ Quảng. Địa danh xứ Quảng xuất hiện nhiều, đa dạng và mang nhiều cung bậc cảm xúc trong thơ ông là một minh chứng cho điều ấy. Kỷ niệm 200 năm năm sinh danh thần Phạm Phú Thứ, đọc lại những vần thơ về Quảng Nam của ông, ta càng thêm yêu quý, tự hào về ông, một nhân cách lớn, một tài năng lỗi lạc của lịch sử, văn hóa Việt Nam, một người con ưu tú của đất Quảng.

 


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem