Con người trần thế trong "Cáo tật thị chúng" của Mãn Giác thiền sư (Tài liệu tham khảo văn học Việt Nam)

Ngày đăng 09/04/2023
201 Lượt xem

Tác giả

Mời bạn đọc ghé thăm Thư viện sách Văn học, Lịch sử của Openworld.vn. Hiện đang có nhiều đầu sách giảm giá tốt nhất thị trường

 

 

CON NGƯỜI TRẦN THẾ

TRONG BÀI THƠ CÁO TẬT THỊ CHÚNG

 

 1. Cáo tật thị chúng là bài kệ duy nhất còn để lại của Thiền sư Mãn Giác (tên thật Lý Trường, pháp hiệu Hoài Tín trưởng lão, Mãn Giác là tên thụy, 1052-1096). Đây là một trong những bài kệ hay nhất của dòng thơ thiền Việt Nam thời Lí Trần, bởi trong bài thơ này, bên cạnh con người thiền nhân đắc đạo an nhiên trước mọi biến động cuộc đời khi đã nhận chân được đạo pháp, con có con người trần thế tồn tại song song, vừa thống nhất hài hòa lại vừa như “mâu thuẫn”. Dĩ nhiên trong bài thơ này, con người trần thế ẩn đằng sau con người thiền nhân, do vậy khó để nhận diện một cách đầy đủ, cụ thể. Thế nhưng, đây lại là một trong những giá trị quan trọng của tác phẩm, làm nên sức sống lâu bền, dẫu rằng bài thơ làm bằng chữ Hán, lại ra đời rất sớm ở giai đoạn đầu của nền văn học viết nước ta.

 2. Như đã biết, Cáo tật thị chúng là một bài kệ. Sách Từ điển Thuật ngữ văn học định nghĩa : Kệ (tiếng Phạn là gàthà) là “thể loại văn học Phật giáo, thường là thơ, tóm tắt tư tưởng của bài thuyết pháp để dạy đệ tử, còn gọi là thi kệ” (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên, tái bản lần thứ 4, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2010, tr. 156). “Những bài kệ do các nhà sư làm ra hoặc để tóm tắt giáo lí đạo Phật hoặc để truyền cho người khác những điều tâm đắc nhất sau một quá trình thể nghiệm” (Ngữ văn 10, Nâng cao, tập 1, Nxb Giáo dục, 2006, H., tr. 164). Như vậy, hai chức năng chính của kệ là tóm tắt giáo lí nhà Phật và truyền đạt, dạy bảo chúng đệ tử những điều mình tâm đắc nhất sau một đời tu hành. Kệ vì vậy thường được làm lúc nhà sư sắp viên tịch, mỗi nhà sư thường chỉ có một bài. Cho nên, trong các bài kệ, hình ảnh con người thiền nhân, một cao tăng đắc đạo đã thông tuệ đạo pháp và vượt lên trên các quy luật cuộc đời, xuất hiện rất rõ. Trong thơ thiền Việt Nam và Trung Hoa, có những bài kệ chỉ đơn thuần nêu lên giáo lí đạo Phật hết sức trừu tượng, cao siêu, do đó hình ảnh con người thiền nhân thường là duy nhất, thậm chí nhiều bài không hề xuất hiện bóng dáng con người.

 Cáo tật thị chúng của Mãn Giác thiền sư là bài kệ nhưng đồng thời còn là một bài thơ rất hay, không chỉ bởi nó được “làm bằng văn vần,.. dùng hình ảnh sinh động” (Ngữ văn 10, Sđd, tr. 164) mà quan trọng hơn là ở tấm lòng một người tu hành gắn bó tốt đẹp với cuộc đời. Điều này thể hiện qua bóng dáng con người trần thế trong bài kệ, tuy rằng nó không đậm nét như hình ảnh con người thiền nhân, nhưng lại là nguồn mạch nhân văn làm nên sức sống lâu dài của tác phẩm.

 Trong Cáo tật thị chúng, bên cạnh con người thiền nhân an nhiên, tự tại trước mọi biến đổi của cuộc đời, trước sự vô tình tàn khốc của thời gian, trước cái hữu hạn, ngắn ngủi của kiếp người vì đã nhận chân được quy luật cuộc sống và biết chấp nhận nó một cách nhẹ nhàng, còn có một con người trần thế với những cảm xúc rất đời, rất người mà cũng hết sức cao cả. Đó là tâm trạng ít nhiều nuối tiếc khi đời người ngắn ngủi, việc đời cứ đuổi nhau đi qua trước mắt để một thoáng giật mình nhìn lại, tuổi già đã treo lơ lửng trên đầu:

 Sự trục nhãn tiền quá

 Lão tòng đầu thượng lai

(Việc trước mắt đi mãi / Trên đầu già tới rồi). Trước cái vô cùng vô tận vô thủy vô chung của vũ trụ, đời người hữu hạn chẳng khác gì một tia chớp lóe lên rồi vụt tắt (Thân như điện ảnh hữu hoàn vô – Vạn Hạnh thiền sư trong bài Thị đệ tử, tạm dịch : Thân như tia chớp, có rồi không). Đã vậy, “bách niên vi kì” (trăm năm một kì), “ba vạn sáu ngàn ngày là mấy” (Cao Bá Quát), “đời người thấm thoắt qua màu xuân xanh” (Chinh phụ ngâm khúc), cho nên con người ta khi đứng trước ranh giới tử sinh, ai chẳng có luyến tiếc, lo âu, sợ hãi. Con người trần thế trong Cáo tật thị chúng qua hai câu thơ trên quả có thoáng ít nhiều tiếc nuối. Nhưng đó không phải là cái tiếc nuối của người ham sống, sợ cái chết. Đó là cái tiếc nuối của con người khi đã đạt đến cảnh giới đốn ngộ, thấu hiểu và biết chấp nhận quy luật sinh tử kiếp người trong một tâm thế an nhiên, tĩnh tại, không hề nao núng trước cái vạn biến của cuộc đời. Bởi ta biết, tác giả là một thiền sư nhưng đồng thời cũng là một vị trọng thần, từng đảm đương nhiều trọng trách trong triều đình. Tuổi già đến nhanh quá, không còn nhiều cơ hội đóng góp cho đất nước, đó là nguyên nhân tốt đẹp của tâm trạng tiếc nuối ấy. Con người trần thế trong bài thơ, do đó, tưởng chừng như “mâu thuẫn” nhưng thực ra hết sức thống nhất với con người thiền nhân, thể hiện ở tác giả một con người cao đẹp.

 Trước cái khốc liệt của thời gian, sự ngắn ngủi đến vô thường của kiếp người (Nghĩ thân phù thế mà đau / Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê – Cung oán ngâm khúc), khác với người đời thường nao núng, bất an, con người trong bài thơ xuất hiện vừa với tâm thế an nhiên, bình thản lại vừa có cái nhìn tràn đầy tin tưởng, lạc quan:

 Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

 Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

(Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết / Đêm qua sân trước một nhành mai). Thật vậy, trong hai câu thất ngôn này, bên cạnh con người thiền nhân thản nhiên, vô ưu trước mọi sự đổi thay, biến động còn có một con người trần thế với niềm tin mạnh mẽ, gắn bó bền chặt với cuộc đời. Một nhánh mai xuân vẫn vàng tươi ấm áp nơi đầu sân dù sau một đêm rét lạnh và trăm hoa đã rụng hết rồi (bách hoa lạc) không chỉ là cõi lòng an nhiên, cái tâm an định mà còn là một tâm hồn lạc quan, gắn bó với cuộc sống này. Bởi ta biết, giáo lí nhà Phật cho rằng, con người sống trong cuộc đời này chỉ là tạm bợ, sinh kí tử quy (sống gửi chết về). Cõi đời này là nơi vừa trả nợ của tiền duyên, vừa vay nợ cho hậu kiếp, là bể khổ vô biên, đã sinh ra trong đời là phải nếm trải “Mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ”, phải đi trên “Đường thế đồ gót rỗ kì khu” (Cung oán ngâm). Cho nên cuộc đời trong mắt người tu hành chẳng khác gì một lẽ hư không, vô thường. Từ chỗ ít nhiều tiếc nuối đến lạc quan tin tưởng, gắn bó với cuộc đời, con người trần thế trong Cáo tật thị chúng hiện lên rất đẹp, không hề “mâu thuẫn” mà hết sức thống nhất với con người thiền nhân. Vậy đâu là sợi dây gắn bó giữa con người đời và con người đạo trong bài thơ kệ này ?

 Có thể nói, con người trần thế trong Cáo tật thị chúng không phải là con người trần tục với những dục vọng thấp hèn. Đó là con người thiền nhân gắn với những tình cảm tốt đẹp về cuộc đời, con người. Bởi ta biết, Phật giáo Việt Nam có những màu sắc rất riêng. Một trong đó là tinh thần dân tộc, tinh thần hành đạo cứu đời. Người tu hành ở nước ta không hoàn toàn thoát li cuộc sống, phủ nhận thực tại. Trái lại, họ vẫn sống tốt đẹp giữa cuộc đời, làm điều có ích cho quốc gia, dân tộc. Trong thời Lí Trần, giai đoạn đầu của nền độc lập tự chủ dân tộc, vai trò của các nhà sư trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước là rất lớn. Họ không chỉ là những bậc chân tu, cao tăng đắc đạo, mà còn là những vị trọng thần trụ cột của triều đình. Nhiều thiền sư trở thành quốc sư, có vai trò to lớn trong công việc quản lí, điều hành nhà nước. Mãn Giác thiền sư là một người như vậy. Ông “đến hai mươi lăm tuổi mới xuất gia và trở thành một thiền sư được ngưỡng vọng. Vua Lí Nhân Tông rất mến trọng ông… phong cho ông chức Nhập nội đạo tràng để có thể dự bàn việc triều chính”, là “người đi sứ nhà Tống năm 1073” (Nguyễn Q. Thắng, Từ điển tác gia Việt Nam, Nxb Văn hóa-TT, 1999, tr.612). Đây là nguồn gốc của con người trần thế rất đẹp trong bài thơ.

 3. Như vậy, trong bài thi kệ Cáo tật thị chúng, bên cạnh con người thiền nhân an nhiên, tâm định còn có một con người trần thế thoáng chút tiếc nuối trước đời người ngắn ngủi nhưng vẫn lạc quan, tin tưởng, gắn bó bền chặt với cuộc đời. Con người trần thế ẩn đằng sau, khó nhận ra hơn con người thiền nhân, thoạt nhìn có vẻ như “mâu thuẫn” nhưng thực chất nó bổ sung, thống nhất và hòa quyện với nhau, thể hiện được tấm lòng, tâm hồn của một bậc chân tu sống đẹp đạo tốt đời. Cùng với con người thiền nhân thông tuệ đạo pháp, an nhiên trước quy luật sinh tử, mất còn; con người trần thế với những tình cảm tốt đẹp, gắn bó bền chặt với cuộc đời là một trong những điều đáng quý nhất ở bài thơ, làm nên sức sống lâu bền của tác phẩm trong nền văn học nước nhà.


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem