Con người Bình Định qua ca dao (Tài liệu tham khảo văn học)

Ngày đăng 05/05/2023
112 Lượt xem

Tác giả

CON NGƯỜI BÌNH ĐỊNH

QUA NHỮNG CÂU CA DAO

 

1. Quê hương Bình Định nổi tiếng với những cây cầu, ngọn tháp. Không nơi đâu trên đất nước ta lại có nhiều tháp Chăm đẹp như ở Bình Định. Người xưa không biết vô tình hay hữu ý xây nên những cầu đôi, tháp đôi nằm cạnh nhau để rồi những “vật vô tri” ấy đã đi sâu vào tâm thức, sống mãi trong những câu ca dao, nói thay cho tính cách con người Bình Định ân nghĩa, chung tình. Cầu, tháp trở thành những kiểu không gian đặc trưng của ca dao Bình Định. Qua những câu ca dao về cầu, tháp, người Bình Định xưa gửi vào đó biết bao tình cảm đối với gia đình, quê hương, cộng đồng. Bởi đó, qua ca dao Bình Định nói chung, ca dao về những cây cầu, ngọn tháp nói riêng, ta có thể hiểu được phần nào về gương mặt tâm hồn của người Bình Định bao thế hệ.

2. Đến với vùng đất võ trời văn Bình Định, tìm về với những câu ca tình yêu, chúng ta không thể không biết đến bài ca dao sau :

   Cầu Đôi nằm cạnh Tháp Đôi

Vật vô tri còn đèo bòng duyên đôi lứa

   Huống chi tôi với nàng

Theo Nước non Bình Định của tác giả Quách Tấn (NXB Thanh Niên, 2004), Tháp Đôi còn có tên Hưng Thạnh, người Pháp gọi là Tháp Kmer. Tháp “đứng song song trên khoảnh đất liền, một ngọn cao (20m), một ngọn thấp (18m), xê xích nhau bên chín bên mười. Tháp trông có vẻ hiền lành khiêm tốn”, nay nằm trên đường Trần Hưng Đạo, thuộc thành phố ơn. Đôi nằm gần Cầu Đôi. Đó là “hai cầu, một cầu xe hỏa, một cầu ô tô, bắt song song” trên một “chi lưu của sông Hà Thanh”. Hai công trình kiến trúc có lịch sử chênh lệnh vài thế kỷ này lại vô tình đặt gần nhau, hài hòa, cân xứng, khiến người đời ngưỡng mộ. Tác giả viết tiếp : “Cảnh vật thật hữu tình quá ! Bởi vậy những cặp nhân tình nhân ngãi thường mượn cảnh cầu cảnh tháp để ngỏ nỗi lòng với nhau”. Thật, những công trình này là niềm tự hào của người Bình Định. Hơn nữa, chúng đã trở thành những “ông tơ bà nguyệt”, những duyên cớ để “người yêu người” có thể “một lời như cởi tấc son”. Cầu tháp còn có đôi có cặp thì “tôi với nàng” dễ không bằng sao? Không trần trụi, bộc trực kiểu “anh yêu em”, cũng không vòng vo, dài dòng, người Bình Định chân thành, thẳng thắn “huống chi tôi với nàng” mà vẫn duyên dáng, tình tứ, ý nhị. Đây có thể xem là một trong những bài ca dao tiêu biểu nhất cho ca dao Bình Định, cũng là bài ca thể hiện rõ nét tính cách, cách ứng xử của con người Bình Định trong đời sống, nhất là trong tình yêu lứa đôi.

 Từ những ngọn tháp, cây cầu có tên cụ thể, tác giả dân gian đã khái quát nên thành những cầu đôi – tháp đôi không tuổi, không tên, định danh cho tất cả, trường tồn với thời gian để nói lên tình yêu đôi lứa, sâu xa hơn nữa là tình cảm với quê hương đất nước của những con người rất đỗi chung thủy, nghĩa tình, câu thề lời nguyền trọn vẹn dù cho miệng lưỡi, ác tâm người đời.

Tháp kia còn đứng đủ đôi

Cầu nằm đủ cặp huống chi tôi với nường

Tháp ngạo nắng sương

Cầu nương sắt đá

Dù người thiên hạ

Tiếng ngã lời nghiêng

Cao thâm đã chứng lời nguyền

Còn cầu còn tháp còn duyên đôi lứa mình

Non sông nặng gánh chung tình

Đâu chỉ với người trong tỉnh, cả những ai trên mọi miền đất nước đã từng đi qua đây, dù chỉ một lần, người Bình Định vẫn hết lòng chu đáo, trọn vẹn nghĩa tình :

Tháp Bánh Ít đứng sít cầu Bà Di

Sông xanh núi cũng xanh rì

Vào ra Bắc ai đi con đường này

Tháp Bánh Ít là tên tục của tháp Thị Thiện, người Pháp gọi Tour d’Argent (Tháp Bạc) nằm trên núi Thị Thiện. Dưới chân núi là một nhánh của sông Côn. Trên sông, nối liền Quốc lộ 1A đoạn vào địa phận huyện Tuy Phước, là cầu Gành, tục gọi Cầu Bà Di, một địa điểm nổi tiếng trên đường “vào ra Bắc” hay lên Tây Nguyên theo quốc lộ 19. Tháp nằm cạnh cầu. “Sông xanh núi cũng xanh rì”, người dân Bình Định như nhắn nhủ với những “ai đi con đường này” một lời son sắt, nghĩa tình. Những cây cầu, ngọn tháp chẳng biết tự bao giờ đã trở thành biểu tượng của tình yêu, tình người trong lòng người Bình Định.

Người Bình Định vốn hiếu khách, “trọng nghĩa khinh tài”. Chẳng phải trong lịch sử dân tộc, mảnh “đất võ trời văn” này đã quyến luyến, lưu chân bao anh hùng, hào kiệt, thi nhân trên các miền Tổ quốc (thân phụ và ba anh em nhà Tây Sơn, thân phụ và người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, các nhà thơ Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn…) đó sao.

3. Tóm lại, hình ảnh những ngọn tháp đôi, cầu đôi, những cầu – tháp nằm cạnh nhau đã từ bao đời nay đã sâu lắng vào tâm thức, in bóng vào ca dao dân ca và trở thành biều tượng cho con người Bình Định chung thủy, ân tình. Tìm hiểu ca dao Bình Định, không thể bỏ qua bộ phận ca dao về cầu, tháp. Bởi đây không chỉ là bộ phận tiêu biểu, mà còn là những câu ca thể hiện được một cách sâu sắc nhiều phương diện trong đời sống tình cảm, tâm hồn của con người xứ Nẫu.


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem