Kỹ năng quản lý thời gian (Sách kỹ năng sống)

Ngày đăng 15/03/2023
97 Lượt xem

Tác giả

LỜI TỰA

Thời gian là tiền bạc

Tục ngữ

Mỗi sáng thức dậy, khi nghe chiếc đồng hồ báo thức đổ chuông, bạn biết rằng mình đang bắt đầu một ngày mới với nhiều cơ hội để làm nên những điều tốt đẹp. Đó là quà tặng lớn lao mà cuộc sống dành tặng bạn!

Thời gian trôi chảy không ngừng, không chờ đợi ai! Tục ngữ ví “thời gian là tiền bạc”. Nhưng nếu suy xét kỹ, chúng ta sẽ thấy thời gian còn quý giá hơn gấp nhiều lần so với tiền bạc. Bởi vì, tiền bạc có thể làm ra được, nhưng chúng ta không thể làm ra thời gian. Tiền bạc mất đi có thể kiếm lại được, nhưng thời gian một khi đã mất đi thì chúng ta không thể tìm lại được. Và chính vì thời gian còn quý hơn tiền bạc, nên chúng ta càng cần phải quản lý và sử dụng vốn liếng thời gian một cách kỹ lưỡng, mang lại lợi ích nhiều nhất.

Đặc trưng của thời đại chúng ta ngày nay là nhịp sống, nhịp làm việc đều diễn ra hết sức khẩn trương. Mọi người có rất ít thời gian. Lâu nay, bạn có quản lý quỹ thời gian của bản thân mình không? Thời gian chính là cuộc sống của bạn. Do vậy, trở thành một con người biết quản lý, làm chủ quỹ thời gian đời mình là một điều rất cần thiết. Bạn chỉ sống trên cuộc đời này duy nhất một lần mà thôi! Làm chủ quỹ thời gian của đời mình chính là lựa chọn một cách sống có ý thức, luôn biết mình làm những gì và lý do tại sao mình làm những việc đó. Quản lý thời gian sẽ giúp bạn luôn ý thức và làm chủ bản thân. Bạn sẽ luôn biết được hiện tại mình đang ở đâu và tương lai sẽ đi về đâu. Rất nhiều ước mơ cao cả, rất nhiều sự nghiệp lớn không thành, rất nhiều đời người trở thành “bỏ đi”, chỉ vì người ta không biết khéo léo quản lý quỹ thời gian vô giá của đời mình!

Chính vì vậy, bạn hãy thử xét lại xem, lâu nay thời gian của bạn biến đi đâu mất? Nếu lâu nay chúng ta vẫn nuôi dưỡng những thói quen lãng phí thời gian, thì đã đến lúc chúng ta cần tạo lập những thói quen mới để quản lý và sử dụng một cách tối ưu quỹ thời gian của mình.

*

Trong cuộc sống, dẫu rằng có rất nhiều thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, nhưng không phải mọi thứ đều như vậy. Mỗi chúng ta hoàn toàn có thể học cách quản lý thời gian của chính mình! Đừng bao giờ tự cho rằng mình không có đủ thời gian. Thực tế cho thấy, nếu biết cách quản lý thời gian, bạn luôn có đủ thời gian để làm mọi việc mình cần.

Vấn đề quản lý thời gian có liên quan đến toàn bộ các hoạt động trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Cuộc sống càng bận rộn, hối hả, càng đòi hỏi chúng ta phải biết cách quản lý và sử dụng quỹ thời gian quý báu của bản thân.

Học cách quản lý thời gian cũng đồng nghĩa với việc tổ chức tốt cuộc sống cá nhân của bạn. Khi đã biết quản lý quỹ thời gian của mình một cách khoa học thì mọi việc diễn ra trong cuộc đời chúng ta có thể trở nên dễ dàng, mau chóng, suôn sẻ hơn.

Cuốn sách này hướng đến đối tượng độc giả chủ yếu là những bạn trẻ đang làm việc tại các doanh nghiệp và những bạn sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp ra trường. Mỗi chúng ta đều có nhu cầu học hỏi những kiến thức và kỹ năng mới nhằm thực hiện công việc hằng ngày của mình có hiệu quả hơn, thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực hơn và chất lượng cuộc sống ngày càng cao hơn. Việc học hỏi và thực hành kỹ năng quản lý thời gian là một trong những điều hết sức cần thiết giúp bạn đáp ứng nhu cầu đó.

*

Nội dung sách này bàn đến kỹ năng quản lý thời gian dành cho công việc, được biên soạn một cách kỹ lưỡng nhằm giúp bạn:

– Nâng cao nhận thức của bạn về việc quản lý thời gian

– Thay đổi thái độ của bạn về vấn đề sử dụng thời gian

– Biết cách đề ra những mục tiêu cho bản thân

– Biết cách quản lý thời gian của bản thân một cách hiệu quả

– Nhận ra những lợi ích thiết thực từ việc quản lý thời gian

– Nâng cao tính tích cực của bản thân

– Làm được nhiều việc hơn với lượng thời gian ít hơn

– Giảm được áp lực trong công việc và cuộc sống

– Đạt kết quả tối đa trong công việc với nỗ lực tối thiểu

– Biết tập trung vào những công việc quan trọng

– Biết tập trung vào những nhiệm vụ ưu tiên của công việc

– Cảm nhận được ý nghĩa của công việc

– Có thêm thời gian dành cho bản thân, gia đình và người thân

– Nâng cao chất lượng cuộc sống bản thân

*

Lâu nay, có thể chúng ta đã dành ra rất nhiều thời gian để đọc sách, nhưng phần lớn đó lại là những sách kém giá trị. Như vậy là lãng phí thời gian của mình rồi!

Vì trân trọng quỹ thời gian quý báu của bạn mà chúng tôi dành tâm huyết biên soạn cuốn sách ngắn gọn này gửi đến tay bạn!

Vì quá yêu mến tương lai của bạn mà chúng tôi tha thiết mong bạn hãy dành chút thời gian để học hỏi và áp dụng những gì được trình bày trong cuốn sách này!

Một con người nếu sớm có ý thức học hỏi kỹ năng quản lý thời gian thì chắc chắn tương lai sự nghiệp sẽ mau gặt hái thành công nhiều hơn!

Nhìn vào cách thức quản lý thời gian của một cá nhân ra sao, chúng ta có thể đo lường được mức độ thành công của người đó như thế nào!

Là sinh viên, mỗi chúng ta cần bắt đầu học cách quản lý thời gian. Điều này không chỉ đem lại thành công cho bạn trong thời gian học ở đại học mà còn là sự chuẩn bị chắc chắn cho thành công trên con đường sự nghiệp sau này.

Là người lao động hay chủ doanh nghiệp, ngay lúc này đây, bạn hãy biết quản lý và sử dụng nguồn lực thời gian của mình một cách thông minh, sáng tạo nhất – để tăng tốc cho sự nghiệp của bạn!

Thân mến!

 

Lại Thế Luyện

 

Bạn có biết quản lý thời gian không?

 

Trong công việc và cuộc sống hằng ngày, rất nhiều khi chúng ta không ý thức được chính mình đã lãng phí thời gian như thế nào? Bạn hãy thử trắc nghiệm chính mình bằng những câu hỏi dưới đây:

– Bạn có sử dụng đồng hồ đeo tay hoặc luôn có một chiếc đồng hồ bên mình để xem giờ không?

– Bạn có sắp xếp kế hoạch cho công việc và cuộc sống mỗi ngày, rồi ghi chú vào lịch của mình hay không?

– Bạn có sao một bản để lưu các giấy tờ của mình hay không?

– Bạn có mang theo bên mình bản đồ các con đường của thành phố không?

– Bạn có thường phải sửa lại lịch hẹn mà bạn đã hẹn với người khác không?

– Bạn có cố gắng gọi lại cho người khác những “cuộc gọi bị nhỡ” trong vòng 24 giờ không?

– Trong nhà mình, bạn có dành riêng một vị trí nhất định để cất chìa khóa không?

– Bạn có để các dụng cụ điều khiển từ xa của máy truyền hình, máy lạnh... ở những vị trí nhất định để khi cần bạn có thể tìm thấy chúng ngay không?

– Ở nhà bạn có để sẵn giấy bút ở ngay chỗ đặt điện thoại không?

– Ở nơi làm việc, bạn có sắp xếp một giờ giấc nhất định nào đó để có ai cần gặp bạn thì họ có thể dễ dàng gặp được bạn không?

– Nếu bất chợt bóng đèn trong nhà bạn bị hư, bạn có để dành sẵn một bóng đèn khác để thay thế hay không?

– Bạn có mang theo bên mình sách báo hoặc tài liệu khác để đọc trong khi chờ xe buýt, chờ khám bệnh hoặc những lúc rảnh không?

Nếu bạn trả lời “không” với phần lớn các câu hỏi nêu trên, thì rất có thể lâu nay bạn là người không quan tâm nhiều đến việc quản lý và sử dụng quỹ thời gian của bản thân mình.

 

 

Nghĩ về công việc hiện tại của bạn

 

Buổi sáng sớm, vừa mới thức dậy, chưa kịp làm gì, chỉ bước ra đường là bạn đã gặp cảnh kẹt xe. Phải chen chúc giữa dòng người đông đảo, khói bụi mịt mù cùng với đủ thứ âm thanh hỗn độn, mệt mỏi, là những điều không ai mong muốn. Dù vậy, bạn vẫn cố gắng đến nơi làm việc của mình với nét mặt tươi tỉnh, với lòng hăng hái và tràn đầy nhiệt huyết.

Bạn đã sẵn sàng cho một ngày làm việc mới. Bạn mở máy vi tính, vào hộp thư điện tử và bắt đầu đọc các thư mới. Số lượng thư mà bạn nhận được khá nhiều, kể cả những thư rác (spam). Bạn phải chọn xóa đi những thư không cần thiết, rồi mới trả lời những thư còn lại. Tiện thể, bạn bấm vào xem các đường dẫn (link) yêu thích mà bạn bè gửi kèm cho bạn. Việc này lại tốn thêm một lượng thời gian nữa!

Bạn thử nhìn đồng hồ, đã gần 9 giờ sáng, nghĩa là mất gần nửa thời gian làm việc của buổi sáng rồi. Bạn quay lại tập trung làm việc thì chuông điện thoại bất chợt réo vang. Để giải quyết công việc liên quan đến cuộc điện thoại vừa rồi, bạn cần phải tra cứu lại tài liệu, nhưng bạn không nhớ mình đã để tài liệu ở ngăn kéo nào? Bạn tìm quanh mãi vẫn không thấy. Thế rồi, đang lúc phải lục tung đống giấy tờ lộn xộn trên bàn làm việc, bạn lại có một cuộc điện thoại khác của khách hàng. Bất chợt bạn nhận ra là mình đã trễ giờ hẹn với một khách hàng quan trọng!

Bạn lại nhìn đồng hồ, đã hơn 10 giờ sáng. Thời gian vẫn tiếp tục trôi đi, chẳng mấy chốc lại đến trưa, trong khi biết bao công việc vẫn còn bị dồn đống lại, chưa giải quyết được và không biết đến khi nào mới có thể giải quyết được hết...

Trong công việc hằng ngày, liệu mỗi chúng ta có thường bị rơi vào tình cảnh tương tự như vậy không?

– Có khi nào bạn cảm thấy mình không đủ thời gian để làm việc, mọi thứ luôn bị trễ hạn?

– Bạn có mong muốn một ngày sẽ kéo dài thành 30 tiếng đồng hồ hay dài hơn nữa?

– Bạn cảm thấy mình không có thời gian rảnh?

– Bạn cảm thấy mình bị quá tải trong công việc? Lúc nào bạn cũng phải quay cuồng, hối hả vì còn hàng “núi” công việc đang chờ bạn giải quyết?

– Bạn có thói quen lập kế hoạch cho những công việc mà bạn làm không?

– Hằng ngày, với những nhiệm vụ mà bạn cảm thấy khó làm hoặc những việc mà bạn cảm thấy không thích làm, bạn có ưu tiên làm trước không?

– Bạn có cảm thấy chán chường, mệt mỏi vì công việc hằng ngày của mình không?

– Bạn có dễ dàng tìm kiếm những thông tin, tài liệu mình cần đến mà không phải mất nhiều thời gian không?

– Bạn có quan tâm đến việc sắp xếp mọi thứ trên bàn làm việc của mình không? Bàn làm việc của bạn bề bộn hay ngăn nắp?

– Bạn có để sẵn bên cạnh mình những mẩu giấy nhỏ để có thể ghi chép ngay những suy nghĩ sâu sắc hoặc những ý tưởng sáng tạo, độc đáo bất chợt hiện đến trong trí óc?

– Ngay từ buổi tối hôm nay, bạn có lập kế hoạch cho công việc ngày mai không?

– Bạn có biết cách nói “không” với những người làm mất thời gian của bạn không?

– Liệu bạn có làm mất thời gian quý báu của người khác không?

– Bạn có trót hứa với người khác những điều mà đã lâu rồi bạn chưa có thời gian để thực hiện không?

– Bạn có cảm thấy ân hận hoặc mang nặng mặc cảm có lỗi vì mình đã trót hoang phí quá nhiều thời gian của mình không?

Mỗi chúng ta đều có quỹ thời gian như nhau: 60 giây mỗi phút, 60 phút mỗi giờ, 1.440 phút mỗi ngày, 525.600 phút mỗi năm... Thế nhưng, rất nhiều khi chúng ta hay than thở rằng mình “không có đủ thời gian”.

Có những người bề ngoài chẳng hề tỏ ra bận rộn, nhưng luôn hoàn thành một cách tốt đẹp mọi việc lớn nhỏ hằng ngày của mình, gặt hái được những thành quả lớn lao, có ý nghĩa. Ngược lại, lại có những người lúc nào cũng tỏ ra hối hả, bận rộn, nhưng luôn gặp hết thất bại này đến thất bại khác, cả đời chẳng làm nên trò trống gì. Vậy đâu là sự khác biệt giữa hai loại người này?

Chắc chắn là có nhiều lý do tạo nên sự khác biệt giữa hai loại người này. Nhưng một trong những lý do không thể không nói đến ở đây, đó chính là: cách quản lý và sử dụng vốn thời gian mà họ có cho công việc. Thực tế cho thấy, có những người vất vả cả ngày mà kết quả công việc đạt được rất ít hoặc những gì đạt được chỉ là những thứ kém giá trị. Bởi vì, họ đã dành nhiều thời gian để cố gắng không đúng hướng và không đúng cách.

Nếu không biết cách quản lý thời gian, chúng ta sẽ không thể bắt kịp với tiến độ công việc chung của đồng nghiệp. Kết quả là chúng ta bị tụt lại phía sau và viễn cảnh thất bại đã chờ sẵn chúng ta ở phía trước.

Những dấu hiệu cho thấy sự lãng phí thời gian

Tại bất cứ nơi làm việc nào, chỉ cần quan sát những dấu hiệu sau đây, bạn có thể nhận ra sự lãng phí thời gian.


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem