KỸ NĂNG GIẢI TỎA STRESS TRONG CÔNG VIỆC (SÁCH KỸ NĂNG SỐNG)

Ngày đăng 10/03/2023
39 Lượt xem

Tác giả

Lời Tựa

Quý bạn đọc thân mến!

Stress là một phần tất yếu không thể tránh khỏi trong cuộc sống của mỗi người. Lứa tuổi nào cũng đều có những tác nhân gây stress. Nói chung, stress xuất hiện ở mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh sống của con người: stress trong gia đình, stress nơi công xưởng, stress giữa đường phố, stress trong giao tiếp, stress trong học tập, stress vì công việc...

Từ năm 1992, tổ chức Liên Hợp Quốc đã đưa ra một bản báo cáo mang tên “Bệnh tật trong thế kỷ XX”. Trong đó, đưa ra cảnh báo về việc stress có nguy cơ gây hại cho cuộc sống của con người ở thế kỷ XXI. Sau đó không lâu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gọi một cách ví von rằng, vấn đề stress ngày nay dường như đang trở thành một bệnh dịch lan rộng khắp thế giới. Tuy nhiên, ở đây có một điều đáng nói hơn là, dưới góc độ y học, những rối loạn tâm thần thường cũng liên quan đến stress. Bảng phân loại bệnh tật quốc tế ICD-10 đã nêu ra một số rối nhiễu liên quan đến stress, chẳng hạn như: rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi (phobic and anxiety disorder); phản ứng với stress trầm trọng và các rối loạn thích ứng (reaction to severe stress, and adjustment disorders); rối loạn ám ảnh - cưỡng chế (obsessive – compulsive disorder); rối loạn phân ly (dissociative disorder); rối loạn dạng cơ thể (somatoform disorder); các rối loạn lo âu khác (other anxiety disorders) và các rối loạn thần kinh khác (other neurotic disorders)…

Hiện nay, vấn đề stress đang thu hút sự quan tâm rất mạnh mẽ của nhiều tác giả trong nước lẫn ngoài nước. Nhìn chung, giới nghiên cứu chú ý quan tâm nghiên cứu về stress dưới cả hai góc độ: lý thuyết và thực nghiệm. Trước đây, nghiên cứu về stress chỉ đơn thuần là nghiên cứu chuyên sâu về y học, sinh học, nhưng thời gian gần đây, giới nghiên cứu bắt đầu nghiên cứu stress dưới cả góc độ tâm lý học.

Ở nước ngoài hiện nay, có thể nói rằng, tình hình nghiên cứu về stress đang rất được các nhà nghiên cứu quan tâm chú ý, với nhiều đề tài nghiên cứu rất phong phú. Nhiều khoa Tâm lý học của nhiều trường đại học trên thế giới hiện nay đã có chương trình giảng dạy, nghiên cứu về stress với những phương pháp khoa học cụ thể, đáng tin cậy. Nhiều kết quả nghiên cứu đã góp phần không nhỏ cho việc giảm bớt stress và những tác hại do nó gây ra.

Nghiên cứu về stress là một lĩnh vực nghiên cứu liên ngành khá phức tạp, vì nó liên quan đến nhiều lĩnh vực: tâm lý học, sinh học và y học… Nó phức tạp từ việc phân tích các nguyên nhân gây stress cho đến việc tìm cách ứng phó với những hậu quả do stress gây ra.

Cuộc sống ngày càng phát triển. Tính chất công việc hàng ngày của chúng ta ngày càng thêm phức tạp, tinh vi hơn, áp lực nhiều hơn. Mức độ căng thẳng trong công việc, theo đó, cũng ngày càng tăng thêm. Stress trong công việc thật sự là một vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay. Cuốn sách bạn đang cầm trên tay đây, được biên soạn một cách công phu, có hệ thống, nhằm giúp bạn hiểu rõ hơn về stress trong công việc và cuộc sống hiện đại ngày nay, cùng những tác hại của stress và làm cách nào để có thể giảm thiểu được stress.

Mong ước của chúng tôi là được đóng góp một phần nhỏ trong việc giúp bạn tránh được những căng thẳng thái quá trong công việc, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của bạn trong bối cảnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước cùng với xu thế toàn cầu hoá đang diễn ra rất sôi động hiện nay.

Chúng tôi cố gắng lựa chọn cách diễn đạt với ngôn ngữ thật trong sáng, giản dị, ngắn gọn và dễ hiểu nhất, với hy vọng cuốn sách sẽ giúp ích cho nhiều độc giả quan tâm tìm đọc. Đọc sách để tìm hiểu cách ngăn ngừa stress cho bản thân ngay trong hiện tại, và nhất là để sau này mình sẽ không phải hao phí tiền bạc cho việc chữa trị stress, cũng có nghĩa là bạn tự làm giàu cho túi tiền của mình!

Chân thành chúc bạn sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc chưa từng thấy và gặt hái những thành quả không thể ngờ - trong công việc của bạn!

Thân mến!

Lại Thế Luyện

----------------------------------------------------------------

CHƯƠNG 1

 

NHẬN DIỆN STRESS TRONG CÔNG VIỆC

 

Nhịp sống ngày nay, đặc biệt là ở các đô thị lớn, đang ngày càng trở nên gấp gáp hơn. Trong cuộc sống nói chung và trong công việc nói riêng, bạn có cảm giác như mình luôn bị cuốn vào một vòng xoáy... 

Thời gian gần đây, bạn đang cố gắng hoàn tất một dự án. Bạn cảm thấy thời gian dường như trôi nhanh hơn, nhưng công việc của mình chẳng mấy tiến triển. Thế nhưng, càng cố nhìn về phía trước với rất nhiều nhiệm vụ mà hiện tại mình chưa thể hoàn tất, bạn càng cảm thấy lo lắng nhiều hơn.

Nhớ lại thuở thiếu thời, bạn từng mong có một công việc để tiến thân. Bạn vẫn biết, con người ta không thể ngày một ngày hai mà thành tài, cũng như không thể ngày một ngày hai mà gặt hái thành công! Vậy mà bao nhiêu ước mơ, dự định tốt đẹp ấp ủ năm xưa nay đành phải tạm gác lại, vì bạn đang còn phải tranh thủ thời gian để giải quyết hàng loạt công việc khó khăn trước mắt.

Bạn vẫn biết rằng, tuổi xuân qua đi không trở lại. Những tháng năm của đời người sẽ ngày càng chồng chất trên vai. Có những công việc mà người ta phải cố gắng khởi sự làm ngay từ thời còn trẻ, chứ không thể đợi đến tuổi già. Chúng ta không thể đợi đến khi mình già mới biết nghĩ đến tuổi già. Ngay khi còn trẻ, hãy biết nghĩ về tuổi già đang chờ đợi mình để biết quý trọng tuổi trẻ của mình, để lo sống và làm được nhiều việc thật có ích trong những năm tháng tuổi trẻ của mình.

Lâu nay, bạn vẫn tâm niệm: một cuộc sống hiện tại phong phú là một bảo đảm cho tương lai tốt đẹp. Bạn chỉ có thể đem đến những điều tốt đẹp cho tương lai bằng cách làm tốt những gì của ngày hôm nay. Thế nhưng, khi nhìn vào công việc hiện tại hàng ngày, ngoài việc giải quyết nhu cầu miếng cơm manh áo ra, bạn không biết nó còn mang ý nghĩa gì không?

Sau mỗi chiều đi làm về muộn, bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và ăn uống chẳng còn ngon miệng. Cơ bắp, toàn thân của bạn cảm thấy đau nhức, rã rời, căng thẳng. Nhiều đêm bạn mất ngủ, nằm trằn trọc mãi mà không sao chợp mắt được! Bạn lo lắng không biết tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài thì mình sẽ ra sao? Bạn cố phớt lờ những nỗi lo này, nhưng rồi nỗi lo chẳng chịu buông tha bạn. Bị những nỗi lo lắng này dày vò ngày đêm, càng khiến tinh thần bạn thêm suy sụp!

Những vấn đề bạn không mong muốn bỗng phát sinh thêm trong công việc, khiến bạn lại phải bắt tay vào giải quyết. Áp lực phải cạnh tranh, phải thăng tiến đã khiến bạn phải cố gắng làm việc gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với bình thường. Đầu óc bạn luôn mệt mỏi và tâm trạng của bạn càng trở nên căng thẳng, làm việc càng lúc càng uể oải. Bạn dễ dàng cáu gắt với những người xung quanh. Đồng nghiệp dần trở nên xa cách bạn, thậm chí, bạn còn tạo ra những xung đột, bực dọc không đáng có đối với cả những bạn đồng nghiệp của mình.

Giữa nhịp sống đua chen vất vả ngày nay, không phải bất cứ ai cũng đều có thể có được công việc khiến mình hài lòng. Một số người, công việc trở nên ngày càng căng thẳng vì không hài lòng với môi trường làm việc hoặc với tính chất, khối lượng công việc dẫn đến chỗ họ bị quá tải, chán ngán công việc. Khi cảm thấy quá chán nản, căng thẳng do công việc bị dồn đống quá nhiều, dường như chúng ta chẳng còn cảm thấy thích thú gì với công việc của mình nữa. Lòng hứng khởi trong công việc tiêu tan dần đi. Cảm giác ngán ngẩm này thường tiếp tục gây cho chúng ta sự chậm trễ, trì hoãn công việc. Công việc thì ngày càng chồng chất mà chẳng có việc nào giải quyết ra việc nào. Kết quả là, chúng ta lại phạm phải sai lầm, hiệu quả công việc bị giảm sút rõ rệt.

Những mặc cảm thất bại, đắng cay, chua xót, khiến chúng ta coi công việc không còn là niềm vui nữa mà đã thực sự trở thành một gánh nặng khổ ải. Nhiều người bề ngoài vẫn cặm cụi làm việc nhưng bên trong thì thật ra họ đã chán ngán công việc hàng ngày của mình đến tận xương tủy...

Khổ nhất là những người lao động chẳng may còn gặp phải những vị “sếp” với phong cách quản lý còn tuỳ tiện, quan liêu, thiếu khoa học! Nhiều khi, chính vì họ thiếu năng lực quản lý như vậy nên luôn gặp thất bại trong kinh doanh; thế nhưng, họ cứ tìm cách đổ hết mọi lỗi lầm lên đầu, lên cổ nhân viên của mình một cách hết sức vô lý. Điều này khiến cho nhiều nhân viên cấp dưới cảm thấy bất công, dễ sinh ra bực tức, chán nản, nhưng vì gánh nặng miếng cơm manh áo của bản thân và gia đình mà đành phải cắn răng chịu đựng, chứ trong công việc thì dường như chẳng còn chút nhiệt huyết nào. Hiệu quả công việc bị giảm sút một cách rõ rệt! Công việc mà từ lâu bạn yêu thích, bỗng dưng nay bạn cảm thấy nó trở thành một gánh nặng...

Nhiều người, khi gặp căng thẳng và thất bại trong công việc, thường hay có thái độ trầm trọng hóa vấn đề. Do đó, họ không còn đủ bình tĩnh, sáng suốt để nhìn nhận vấn đề, cứ tự cho những rủi ro đó là “số phận” của mình rồi, nên họ cứ cam chịu làm một người bình thường, không còn dám cố gắng và cũng không còn muốn cố gắng gì nữa! Và cứ thế, tương lai nghề nghiệp của những người sớm tự nguyện bỏ cuộc như vậy rất khó mà khả quan được!

Ngoài ra, cuộc sống ngày nay còn tồn tại thêm một điều nghịch lý nữa là, không chỉ những người gặp khó khăn hoặc thất bại trong công việc mới phải chịu đựng những căng thẳng, mà ngay cả những người leo lên được đỉnh cao thành công cũng không còn cảm thấy phấn chấn, hạnh phúc với những gì mình đạt được. Cùng với đà phát triển nhanh của công nghệ, mọi thứ trong cuộc sống quanh chúng ta dường như cũng diễn ra với nhịp độ hối hả hơn. Áp lực thăng tiến trong công việc đòi hỏi chúng ta phải cố gắng hơn trước gấp nhiều lần. Chính vì vậy mà thực tế có những người càng gặt hái nhiều thành công trong công việc thì mức độ mệt mỏi về thể chất lẫn tâm lý cũng ngày càng gia tăng...

Công việc của chúng ta trở nên bận rộn đến nỗi, dường như đã mấy năm rồi, bạn chẳng còn thời gian để thăm bạn bè! Phần lớn những mối liên hệ tình cảm bạn bè cũng chỉ còn giữ được qua những cuộc trò chuyện, hỏi thăm gián tiếp qua điện thoại mà thôi! Đã lâu rồi bạn chẳng còn thời gian để viết thư cho ai nữa. Nếu có việc gì đó cần nhắn nhủ, thăm hỏi, thì cũng chỉ là những dòng message offline ngắn ngủi trên máy vi tính... Nói chung, cuộc sống của chúng ta bị mất cân bằng nghiêm trọng giữa thời gian dành cho công việc - thời gian dành cho gia đình - và thời gian dành cho những mối quan tâm khác của bản thân mình.

Trên đây không chỉ là những vấn đề mà người lao động trong các ngành sản xuất phải gánh chịu, mà cả giới nhân viên văn phòng cũng phải đương đầu. Điều đáng nói là, nhiều khi nhân viên bàn giấy lại dễ bị stress nhiều hơn những người lao động chân tay. Stress không chỉ có mặt ở những người lao động lớn tuổi sắp nghỉ hưu mà cả những người lao động còn trẻ tuổi cũng bị stress. Không chỉ những người lao động trong các doanh nghiệp mới phải gánh chịu stress mà nhiều ông chủ doanh nghiệp cũng bị stress nặng...


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem