VẤN ĐỀ TIỀN ẢO VÀ NHỮNG GỢI MỞ VỀ PHƯƠNG HƯỚNG PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM RỬA TIỀN THỜI ĐẠI CÔNG NGHỆ 4.0

Ngày đăng 31/08/2023
190 Lượt xem

Tác giả

VẤN ĐỀ TIỀN ẢO VÀ NHỮNG GỢI MỞ VỀ PHƯƠNG HƯỚNG PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM RỬA TIỀN THỜI ĐẠI CÔNG NGHỆ 4.0

Lê Thị Lụa[1]

 

Với các công nghệ mang tính đột phá, cách mạng công nghệ 4.0 đang đặt ra nhiều vấn đề pháp lý mới, đặc biệt là vấn đề tội phạm tài chính trong lĩnh vực công nghệ. Thông qua việc tìm hiểu quy định của pháp luật của một số quốc gia trên thế giới và pháp luật Việt Nam hiện hành, đồng thời dựa vào thực tiễn của tội phạm cũng như phát triển của công nghệ. Bài viết đưa ra một số vấn đề phát sinh liên quan đến cấu thành tội phạm rửa tiền thông qua tiền ảo, từ đó đưa ra những vấn đề gợi mở cùng một số kiến nghị mang tính định hướng xây dựng và hoàn thiện pháp luật cho phù hợp.

Từ khóa: Tiền ảo, Tội phạm rửa tiền, công nghệ 4.0

  1. Đặt vấn đề

Với sự bùng nổ của đại dịch trong thời gian qua đã gần như làm thay đổi hoạt động của toàn đời sống xã hội, đó là sự tham gia các hoạt động trực tuyến, cũng như hướng đến các hoạt động thực tế ảo nhiều hơn. Cùng với sự thay đổi đó là sự phát triển không ngừng của tiền ảo (Virtual Currencies), tài sản mã hóa dựa trên công nghệ blockchain đã tạo ra làn sóng tương lai cho các hệ thống thanh toán. Sự phát triển này đã cung cấp công cụ tài chính mới ra thị trường, đồng thời lại tạo ra nguồn tài chính tội phạm, khủng bố và các biện pháp trừng phạt khác nhằm di chuyển, lưu trữ các quỹ bất hợp pháp, ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật. Điều này đang gây thách thức không nhỏ đối với Chính phủ trong nhiệm vụ ngăn chặn, đẩy lùi các cơ hội giao dịch bất hợp pháp từ các tổ chức khủng bố, các nhóm tội phạm xuyên quốc gia để đảm bảo an ninh tài chính ổn định, bền vững. Trước sự phát triển của các loại hình phạm tội mới trong nền kinh tế số, quy định của pháp luật đã xuất hiện một số bất cập, hạn chế nhất định. Chẳng hạn, các hoạt động liên quan đến kinh doanh tiền ảo, tiền kỹ thuật số, tài sản ảo có thể là các hành vi có tính chất nguy hiểm cho xã hội, nhưng quy định của Bộ luật Hình sự chưa bao quát được các trường hợp này. Để kịp thời xử lý các hành vi này trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, cần nghiên cứu hình sự hoá các hành vi phạm tội này, đặc biệt là vấn đề rửa tiền liên quan đến tiền ảo.

  1. Khái quát về rửa tiền thông qua tiền ảo

Rửa tiền (money laundering - ML) là hành vi của một cá nhân, tổ chức nhằm chuyển đổi các khoản lợi nhuận hoặc tài sản khác có được từ hành vi phạm tội hoặc tham nhũng trở thành các tài sản được coi là “hợp pháp”. Dưới góc độ pháp lý, “rửa tiền” là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có[2]

Khái niệm về tiền ảo đã tồn tại từ cuối những năm 1980, tuy nhiên chỉ vào những năm 1990 các yếu tố của tiền ảo hiện đại mới bắt đầu được phát triển bởi các kỹ sư phần mềm. Tiền ảo được định nghĩa là hệ thống giao dịch trong đó sử dụng các kỹ thuật mã hóa để xác minh giao dịch chuyển nhượng hay tạo ra các đơn vị mới của “tiền ảo”. Tiền ảo và công nghệ sổ cái phân tán (DLT)[3] để tăng cường hiệu quả tài chính bằng cách tạo điều kiện trao đổi P2P[4]. Tiền ảo mang lại nhiều lợi ích tiềm tàng như tốc độ thực hiện thanh toán và chuyển khoản nhanh chóng và hiệu quả hơn, đặc biệt là các giao dịch xuyên biên giới. Vì thế, thị trường tiền ảo đã tăng trưởng theo cấp số nhân trong những năm gần đây. Đến nay đã có khoảng 1.500 loại với tổng giá trị vốn hóa tăng từ 17 tỷ USD vào tháng 01/2017 lên 580 tỷ USD (tháng 01/2018), trong đó, bitcoin lần lượt là 15 tỷ USD và 170 tỷ USD[5].

Từ thực tiễn nghiên cứu, tội phạm rửa tiền sẽ thực hiện hành vi phạm tội của mình bằng tiền ảo thông qua các hình thức: (i) Tội phạm sẽ dùng tiền do phạm pháp mà có để đầu tư (mua) các đồng tiền ảo được chào bán công khai tại các sàn giao dịch. Lúc này, “tiền bẩn” đã ẩn mình dưới vỏ bọc là tiền ảo. Sau đó, nhờ tính ẩn danh, lượng tiền ảo đó có thể bán cho người khác hoặc bán ngược trở lại thị trường trong các giao dịch hằng ngày. (ii) Tội phạm bán hàng hóa hoặc dịch vụ bất hợp pháp thu tiền ảo rồi chuyển chúng thành fiat currency, sau đó tài trợ các giao dịch và mua hàng để che giấu nguồn gốc bất hợp pháp.

Trong những năm gần đây, việc tội phạm rửa tiền ngày càng có dấu hiệu gia tăng về hành vi cũng như tính chất nguy hiểm bởi có sự kết hợp hành vi phạm tội bằng tiền ảo. Bởi có nhiều loại tiền ảo và ứng dụng của chúng cũng khác nhau nên nguy cơ tiềm ẩn về rửa tiền tồn tại trong các hình thức tiền ảo này khá đa dạng.

Thứ nhất, giao dịch thông qua các phần mềm mã hóa. Một số loại tiền ảo hoàn toàn ẩn danh (eCache), do đó các giao dịch này không thể truy lại về người đã thực hiện giao dịch và có thể chuyển cho một cá nhân khác giống như một dữ liệu bất kỳ trên mạng internet. Ngoài ra, để thực sự ẩn danh khỏi việc truy tìm, một người có thể sử dụng TOR (The Onion Router) – một phần mềm máy tính có chức năng xóa dấu vết, ẩn địa chỉ IP xuất xứ của máy truy cập internet khi gửi nhận thông tin qua mạng internet[6].  Như thế, thông qua phần mềm này, người phạm tội có thể dễ dàng che giấy các hoạt động giao dịch của mình và chuyển dịch chúng một cách thuận lợi, hoàn toàn ẩn giấu thông tin cá nhân. Mặt khác, để chuyển được một khoản tiền ra nước ngoài, chắc chắn sẽ cần phải làm rất nhiều thủ tục, tốn khá nhiều thời gian. Nhưng, với tiền ảo, một lượng tiền lớn có thể được chuyển qua lại giữa các quốc gia với nhau chỉ trong một vài phút. Điều quan trọng nhất là cho đến nay trên thế giới chưa có bất kỳ cơ quan, tổ chức nào kiểm soát giao dịch tiền ảo. Điều đó đồng nghĩa với tội phạm có thể tự do thực hiện mà không sợ bị giám sát, theo dõi.

Thứ hai, ứng dụng ví đen (Dark wallet). Ví đen là một nền tảng bitcoin mã nguồn mở được thiết kế cho mục đích duy nhất là bảo vệ sự riêng tư của người dùng. Ví đen là một ví kỹ thuật số cho phép ẩn danh dữ liệu bằng cách làm xáo trộn các giao dịch bitcoin được thực hiện trong không gian thị trường trực tuyến. Theo một công bố năm 2014, ví đen sẽ tạo cơ hội cho việc rửa tiền trở nên dễ dàng hơn[7]. Ứng dụng này xóa bỏ hoàn toàn các dấu vết tiền ảo trên mạng, khiến việc giao dịch bitcoin trở nên bất khả thi. Chính khả năng thực hiện các giao dịch ảo nhanh chóng và hoàn toàn ẩn danh đã khiến đây là một hình thức thu hút tội phạm rửa tiền.

Thứ ba, các ứng dụng hay các sàn giao dịch phi tập trung[8] cho phép chi trả tiền ảo số lượng lớn. Một trong những hạn chế lớn nhất của bitcoin là nó chỉ có thể được áp dụng thanh toán tại một số nơi nhất định. Rất nhiều nơi không chấp nhận hoặc không xử lý các thanh toán thông qua bitcoin. Tuy nhiên, điều này có sự chuyển biến với sự ra đời của các ứng dụng như BitPay và Braintree, cho phép các thương nhân được thanh toán thông qua Bitcoin[9]. Ngoài ra, một số ứng dụng còn cho phép người sử dụng có thể trực tiếp mua Bitcoin thông qua thẻ tín dụng (Coinbasse, Circle). Chính điều này đã khiến cho việc rửa tiền trở nên thuận lợi hơn. Một người phạm tội có thể sử dụng những thẻ tín dụng và tài khoản chứa các khoản tiền bất hợp pháp, sau đó, thông qua các ứng dụng trên thực hiện mua bitcoin bằng số tiền này. Như vậy, số tiền bất hợp pháp kia đã được chuyển thành tiền hợp pháp.

  1. Quy định của pháp luật về tiền ảo
    1. Tổng lược quy định của một số quốc gia trên thế giới về tiền ảo

Hiện tại, các quốc gia trên thế giới có quy định khác nhau về tiền ảo, có quốc gia cho phép, có quốc gia không cấm nhưng cũng không thừa nhận và cũng có quốc gia hoàn toàn cấm tiền ảo. Chẳng hạn như El Salvador, một nước nằm ở Trung Mỹ đã chấp nhận đồng tiền Bitcoin là phương tiện thanh toán hợp pháp vào tháng 6/2021 và trở thành quốc gia đầu tiên chính thức chấp nhận đồng tiền này[10]. Hoặc như Trung Quốc là một quốc gia có số lượng người “đào” tiền ảo đông nhất thế giới nhưng giới chức trách Trung Quốc vừa có quyết định cấm tổ chức tài chính ở quốc gia mình không được tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào liên quan đến tiền ảo và cảnh báo không được giao dịch tiền ảo[11]. Chỉ thị này được đưa ra dựa trên nhận định thống nhất của ba tổ chức tài chính của Chính phủ Trung Quốc là Hiệp hội Tài chính Internet quốc gia Trung Quốc, Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc, cùng Hiệp hội Thanh toán và Bù trừ Trung Quốc về những mối nguy hiểm cũng như rủi ro mà tiền ảo sẽ mang đến cho ngành tài chính[12].

    1. Quy định của pháp luật Việt Nam về tiền ảo

Pháp luật Việt Nam chưa có quy định đầy đủ để điều chỉnh tiền ảo, còn nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến tiền ảo vẫn chưa thể giải quyết. Tiền ảo đang nằm trong “khoảng trống pháp lý” khi không bị pháp luật cấm nhưng cũng không được pháp luật thừa nhận.

Thứ nhất, trong lĩnh vực pháp luật Dân sự: Tiền ảo không được xem là tài sản. Khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự quy định về tài sản như sau: Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Theo đó, tiền ảo không thuộc 1 trong 4 dạng được quy định nên tiền ảo không được coi là tài sản. Vì thế gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc, mâu thuẫn cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết các tranh chấp về tiền ảo.

Thứ hai, trong lĩnh vực pháp luật Hình sự: Bộ luật Hình sự hiện hành cũng có quy định về trách nhiệm hình sự đối với hành vi sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam, cụ thể: Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp có thể phải chịu trách nhiệm Hình sự về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” theo khoản 1 Điều 206 BLHS hiện hành;

Thứ ba, trong lĩnh vực pháp luật tiền tệ và ngân hàng[13]: Tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm theo quy định khoản 2 Điều 1 Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị xử phạt hành chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 26 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng;

Thứ tư, trong lĩnh vực pháp luật đầu tư, kinh doanh: Pháp luật hiện hành không có quy định cấm đầu tư kinh doanh ngành nghề liên quan đến tiền ảo. Trong danh sách các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Điều 6 và Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020 đều không liệt kê hoạt động kinh doanh liên quan đến tiền ảo. Dựa trên nguyên tắc “mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm” theo Điều 33 Hiến pháp thì các doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng, huy động vốn bằng tiền ảo thì không bị coi là cấm.

 


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem