TRUYỆN NGẮN NGÔI NHÀ TÔI Ở

Ngày đăng 31/12/2022
147 Lượt xem

Tác giả

NGÔI NHÀ TÔI Ở

Phùng Văn Định

Ngày hôm nay, được trở về trong ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi mà bố tôi đã làm lại, tôi cứ nhớ cái ngôi nhà cũ ngày xưa mộc mạc, gần gũi, thân quen làm sao ấy. Ngôi nhà mà tôi được sinh ra nhưng phải xa để theo bố mẹ sống nơi phố thị đông đúc. Nơi ông và bà nội cùng các cô tôi ở tới khi các cô xuất giá theo chồng thì chỉ còn có ông và bà sinh sống, sinh hoạt rồi đến lúc hai người về với “miền xa xăm”, gia đình tôi về ở để hương khói cho ông bà.

Ngôi nhà của ông bà nội xưa

Hồi đó, nhà của ông bà có 5 gian lợp ngói vảy cá, tường xây xung quanh không phải bằng gạch hết mà một phần ba phía dưới xây đá xanh lấy từ ngọn núi Đà cách nơi ông bà ở cũng khoảng chừng 7 km. Ngôi nhà ngoảnh hướng đông, có bậc thềm lên xuống. Hè nhà có ba cột gỗ xoan đào được bào nhẵn cao khoảng hơn 3 mét. Trước nhà là cái sân lát gạch tàu đỏ au, từng hàng so le nhau với ba thành tường cao ngang bụng người lớn. Nền đất đen xám giống ai đó đổ nền xi măng. Nhà hai mái dài theo kiểu nhà nông thôn miền Bắc thời xa xưa của tầng lớp địa chủ phong kiến nhưng cách điệu cho phù hợp với thời hiện tại. Mái nhà lợp ngói chồng xếp vảy cá đều tăm tắp, rất là công phu, trông xa băng hàng, thẳng lối cũng đẹp lắm. Bên ngoài, quét tường vôi trắng làm nổi vẻ đẹp hài hoà thêm phần sang trọng. Mỗi năm Tết đến được quét thêm một lớp vôi nữa để cho nhà suốt năm lúc nào cũng mới tinh.

Mỗi một gian nhà ngoài đều có một khung cửa lớn ra vào với hai cánh cửa gỗ được sơn son cánh và thiếp vàng từng ô cửa. Gian giữa dùng thờ cúng nên không có cửa sổ. Bốn gian còn lại lắp bộ cửa sổ gỗ, song gỗ tròn đặt thẳng đứng với hai cánh cửa nhỏ xinh xinh đánh véc ni màu cánh gián, chạm khắc họa tiết viền xung quanh cánh cửa cặp rồng thời nhà Lý nổi rõ lên cánh cũng sang trọng mà lại giữ nét truyền thống xưa. Người chạm khắc trong làng chẳng phải ai mà là ông Mộc. Ông chuyên làm thợ mộc đục đẽo, lắp khung nhà, đóng giường, tủ, bàn ghế khắp làng tôi. Ông rất hoa tay. Đồ nghề của ông là những miếng họa tiết không biết ở đâu mà ông có, với những cái đục, cái tràng, mẩu bút chì con con… dùng thổi hồn vào những vật dụng rất đỗi thân quen, mộc mạc thường dùng ở quê, trông đẹp lắm. Chúng tôi hay lân la xem ông làm. Thật đáng khâm phục!

Sống và sinh hoạt trong căn nhà này bao nhiêu thời gian là bấy nhiêu kỉ niệm đối với anh em chúng tôi. Mắt xoa cay nhìn lên bàn thờ để tiếc nuối và ước gì ông bà sống lại cùng cháu con tận hưởng những gì “sang trọng” đang có hôm nay cho bõ những ngày “cơ hàn” thuở trước.

Ngôi nhà mới hiện đại

Cuộc sống từng ngày đổi thay, quê hương cũng thay da đổi thịt. Bố tôi đã sửa lại ngôi nhà cũ thành ngôi nhà mới khác cũng trên nền đất ấy. Ngói vảy cá xưa thay vào dòng ngói công nghệ cao “hiện đại”. Đồ vật trong nhà một số giữ nguyên. Ba gian giữa với diện tích không đổi thay. Nền nhà đất được lát nền gạch hoa màu trắng làm cho ba gian giữa sáng lên. Gian chính giữa, sát vách tường kê bàn thờ tổ tiên làm bằng gỗ trắc to hơn thuở trước không dùng cái tủ kính cũ nữa. Vẫn bộ trường kỉ của thế kỉ XX thập niên 80, ông bà mua tương đương bảy tạ thóc. Nay, bộ trường cũng đã gần nửa đời người rồi. Dường như bộ trường kỉ còn sót lại và là kỉ vật lâu đời nhất của gia đình. Bố tôi thuê người đánh bóng lại cho mới và sáng lên vài chân kính. Tất cả các thứ khác, có lẽ đã lạc vào nơi nào rồi chả rõ.

Hai gian nằm kề gian chính giữa thì gian bên trái kê cái giường gỗ lim hộp model lắm, trải chiếc chiếu Nga Sơn đắt tiền sát cửa sổ nhìn lên phía Tây. Chiếc giường này cũng ông Mộc đóng thời ông bà còn sống, khi trở về từ thành thị, bà tôi dành riêng cho cả gia đình tôi. Gian bên phải đã thay hình đổi dạng. Hình như rộng hơn, có lối đi vào hai cái buồng tách ra nằm sát nhau. Bố tôi làm cách điệu thêm để dành khi nhà có khách ở lại qua đêm nghỉ ngơi cho tiện lợi. Trước đây, chỉ có một cái choán nhiều diện tích để bà tôi kê cái thùng đựng lúa tránh chuột bọ quậy phá. Nay cái thùng đó đã tặng lại cho cô tôi khi xuất giá về nhà chồng làm của hồi môn thì phải. Khi còn bé, mỗi khi về nghỉ hè, bà hay bảo tôi và hai em của cô vào căn buồng đó lấy cối ngoáy trầu và bình đựng vôi, chúng tôi sợ lắm. Cái chỗ bà hay để cơi trầu và bình vôi trên cái ô hình vuông bắc ghế đẩu mới với được. Chẳng biết “phải gió” thế nào mà lại sợ không biết, cứ hễ bà sai vào lấy cái gì là tim đứa nào đứa nấy đập loạn xạ rồi đưa mắt nhìn nhau. Còn một gian buồng gần bếp ăn thì có cái cửa đi xuống bếp cho tiện nay cũng đã mất dấu xưa.

Description: Nhà cách tân - Văn Học Trẻ - Ảnh Internet.jpg
(Nhà cách tân - Ảnh mươn mạng Internet)​


Tôi đứng hồi lâu nhớ lại cái thuở rất xa, khi bão tố, phong ba ập đến làm sập cái bếp lợp tranh. Bão tan thì cái bếp cũ không còn nữa. Ông bà tôi dành dụm vốn liếng từ những đồng bạc kiếm được ở cái vườn rau sau nhà và tiền bán quả vải thiều từ 4 cây vải mỗi năm làm lại cái bếp cỏn con, lợp ngói cho gọn hơn.

Thời gian trôi, tôi cũng lớn rồi đi công tác xa nhà. Ngôi nhà tôi ở in hằn trong kí ức tôi. Mỗi khi tìm kiếm lại một điều gì, tôi cứ ngỡ như bắt gặp hôm qua. Bóng dáng người thân chìm vào trong quá khứ. Tôi cứ thương cho nếp nhà cũ thuở ấy với cuộc sống đời thường bình yên với ông bà, cha mẹ nơi làng quê rất đỗi thân thương. Văng vẳng tiếng xưa vọng lại câu thơ của tuổi thơ về cái hồi nhà đến quyến luyến, bịn rịn.

 


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem