TRUYỆN NGẮN MÙA NHÓT XƯA NHỚ MÃI

Ngày đăng 27/12/2022
230 Lượt xem

Tác giả

 

Quê tôi mùa nào quả nấy. Trái cây không trù phú như nơi khác nhưng thứ quả nào cũng có. Đặc biệt vào giữa tháng ba, tiết trời thoảng chút lạnh, lồng chút mưa xuân, có khi nắng ấm hẳn lên thì nhiều loài cây đã mang lại lợi ích cho người trồng, quả đã sai chíu chít trên cành cây, kẽ lá chỉ còn chờ ngày thu hoạch. Hòa vào cùng nhiều loài cây đó, từ trong bụi rậm trồng chen hàng rào vườn, cây nhót – loài cây mới nghe mà nước trong miệng đã tứa ra, chưa ăn đã cảm thấy chân răng ê ẩm cũng bắt đầu cho mùa vụ bội thu sau bao ngày giấu mình trong khí trời xuân ấy.

Cây nhót là loại cây không giống như những cây leo khác, nếu bắc giàn cho nó leo càng tốt còn không thì chôn cây gì đó bên cạnh cho nó leo miễn làm sao có chỗ cho nhót dựa vào, không thì cứ để chúng “tự nhiên” nơi hàng rào vườn. Cây lớn nhanh lắm, chẳng cần chăm bón gì nhiều cũng xanh tốt quanh năm suốt tháng. Lá xanh ngăn ngắt, chỉ khi những lá nào quá già, chúng tự lìa cành  rụng xuống chứ chẳng bao giờ rụng hết lá trên cây. Lá nhót xanh bóng như lá chè xanh. Nếu nắng chiếu vào còn bóng bẩy hơn như ai mới tưới nước, hình dạng bầu dục, đua mọc trên cây, lấn chiếm không gian vườn so với nhiều cây trồng khác. Mưa xuân lất phất rơi nhè nhẹ  ngày này qua ngày khác, có khi nặng hạt lắc ra lắc rắc nhiều ngày thì hoa nhót bắt đầu nở. Ban đầu nhu nhú những chùm trắng li ti li ti trên cây, e thẹn núp trong từng nách lá rồi đột nhiên bung nở trắng xóa trông xa cứ tưởng ai đó rắc phấn rôm lên cây. Cứ mỗi nách lá là chùm hoa. Nách nào cũng có nhưng không đều nhau. Không cành nào là không có mới kì khôi chứ. Vào mùa ra hoa, ong ve vãn suốt ngày đêm để hút mật và thụ phấn cho cây. Vài ngày thì từ những chùm hoa ấy bắt đầu đậu những quả nhót con con như những quả ớt xanh vừa rụng rốn. Chả thèm để ý tới thì quả lớn dần, lớn dần bằng ngón tay út trẻ con lúc nào chẳng hay. Một ngày không xa, từng chùm, từng chùm quả chíu chít oằn cây to cỡ ngón tay cái người lớn. Bên ngoài những chùm quả đó, phủ một màu xanh ngắt chen trong lá khó ai phát hiện ra. Quả nhót xanh, ai đấy khẽ chạm cắn ăn thì chao ơi chua nhíu lông mày! Rồi mới nghe thôi đã ê đến tận chân răng. Lạ thật! Thoắt cái, trái nhót bắt đầu chuyển mình từ xanh đậm, toàn thân bám đầy những nốt trắng li ti sang màu vàng chanh dần dần chuyển màu da bò rồi chín đỏ chon chót, lúc lỉu trên cây, phơi mình trong cái nắng giữa mùa xuân và chờ bàn tay người hái xuống.

 

Nhót đến mùa thu hoạch, mẹ tôi hái chúng bỏ vào cái thúng con, lót đệm mảnh vải xô trắng giặt sạch sẽ ở dưới để khi bê bưng đi bán chúng không bị giập nát. Quả còn nguyên vẹn và khách mua dễ dàng lựa chọn. Cứ nhìn thúng nhót chín đỏ là đã tứa nước dãi ra rồi. Quả nhót chín kì lạ như thế đấy. Ăn vào là cứ muốn ăn mãi, vị chua chua, ngọt ngọt làm mê mẩn người thưởng thức. Nhưng ăn không đúng cách thì ngứa cổ họng chứ chẳng chơi. Quả nhót chín mọng, da căng, bóng đẹp khi đã chùi sạch các chấm trắng li ti trông giống hạt cám gạo dính vào thân quả. Muốn ăn, ta phải chà nhẹ vào vạt áo hay vạt ống quần thì hạt cám ấy rơi ra. Rồi dùng ngón cái với ngón trỏ tay bóp nhẹ từ đầu quả đến cuối quả khoảng 5-6 lần cho quả hơi mềm mềm rồi ăn thì ngon cực kỳ. Quả nhót còn là thứ quà của người nhà quê gửi hương vị ra  chợ của thành phố hay chợ tỉnh. Người phố thị thưởng thức mà cứ tấm tắc khen mãi hương“ nhà quê rất đỗi thân thương”.

 

Hết mùa nhót thì mùa hè bắt đầu. Cây nhót lại trở về dáng vẻ như xưa và chờ mùa xuân năm sau lại ra những sản phẩm mới…Thời gian cứ trôi, những cây nhót ấy đã cho tới bao nhiêu mùa quả tôi cũng không còn nhớ nữa. Nhưng những kỉ niệm khó quên cứ in đậm vào trong tôi mãi mãi. Cứ hễ nhìn những cây nhót ấy sắp cho quả, tôi lại rùng mình không phải sợ vị chua của quả ớt xanh, cũng không phải những lần ho đến rát cổ nhai ngấu nghiến cả quả mà là những lằn roi nổi đỏ trên mông do cùng đám trẻ con trong xóm rủ nhau nghịch nát những dây nhót trên cây thuở còn thiếu thời để ăn vụng và trò chơi bán quán.

Năm đó, nhót đang yên lành trên cây chuẩn bị vào mùa. Mấy đứa cùng tuổi trong xóm rủ chơi bán quán vặt lá nhót làm tiền để trao đổi hàng hóa y như phiên chợ quê thu nhỏ. Sự đam mê cuộc chơi đến nỗi lá nhót bị vặt trơ cành phần dưới thấp lại lan lên cao tới nửa chừng. Trông xa cứ tưởng sâu ăn hết lá. Đứa nào đứa nấy còn hái những quả còn non xuống đựng vào cái rổ đan bằng vỏ hạt cau bà gọt bỏ bày bán mà không nghĩ rằng đã phá phách mùa nhót của mẹ. “khôn nhà, dại chợ”này...đét...đét...đét...Mẹ tôi cầm cái roi tre vụt vào mông lia lịa. Tôi nhảy cẫng lên van xin. Bọn trẻ thấy tôi bị đòn mặt mày xanh lét rồi lén lút chạy về nhà không dám ngoái cổ nhìn lại. Bị trận đòn đáng đời còn phải dọn dẹp “ cái chợ trẻ thơ” mà cứ phải liếc nhìn xem mẹ có tặng thêm cho roi nào nữa còn biết đường đối phó. Hồn bay phách lạc rồi giận mẹ. Mặt lúc nào cũng bí xị như trời mưa ngâu. Thấm đòn, vương vào trí nhớ. Cái lằn roi ấy đau ê ẩm mấy ngày liền. Cứ đụng vào là như kim châm, muối xát. Nóng sốt mấy ngày. Mẹ lại phải chăm sóc. Giận mẹ mà lại trách bản thân, nước mắt thầm chảy trong tim nhưng con trai mà can đảm và mạnh mẽ lên chứ. Thời gian trôi qua mau, mới đó mà đã ngày xưa rồi.

Hôm nay, đi làm ăn xa quê. Tôi thoáng thấy vài chiếc xe bày bán những quả nhót ấy, trong sâu thẳm lại nhớ mẹ tôi  quá đỗi. Ghé hỏi mua mang về để lên bàn thờ, thắp cây nhang trầm tưởng nhớ thuở nào mẹ vun trồng chăm bón hàng nhót nuôi anh em tôi khôn lớn thành người. Mắt tôi ướt nhòe khi nào không rõ nữa. Vọng tiếng kêu thầm “ Mẹ ơi! Giờ mẹ ở nơi nao?” lan trong ngôi nhà tôi ở.

Bài của Phùng Văn Định

 


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem