Trăn trở về xếp ngạch, thăng hạng của giáo viên

Ngày đăng 31/08/2023
194 Lượt xem

Tác giả

Mấy ngày nay, đọc thông tin trên mạng xã hội, nhóm facebook "chúng tôi là giáo viên tiểu học”, báo chính thống của Trung ương, báo địa phương và rất nhiều tin tức trên sóng truyền hình trong cả nước. Nhiều chia sẻ, bình luận tích cực cũng như tiêu cực về Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT. Nhất là bài báo 300 giáo viên thành phố Hà Nội viết tâm thư lên cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về không hài lòng việc chuyển xếp ngạch, thăng hạng của giáo viên các cấp học trên cả nước. Tôi không lăn tăn gì nhưng muốn chia sẻ hai việc mà tất cả giáo viên chúng ta cần phải tiếp thu:

Việc thứ nhất: Giáo viên chúng ta nên đọc kĩ Thông tư 08 mà Bộ Giáo dục Đào tạo đưa ra những điểm mới để chúng ta góp ý, khảo sát ở các đơn vị mình đang công tác từ Bậc học Mầm non đến Bậc học Phổ thông công lập các cấp trên cả nước.

Theo người viết được biết về điểm mới để sửa đổi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 của Bộ GĐ&ĐT:

Ngày 14/4/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư 01, 02, 03, 04 của BGD&ĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục Mầm non, Phổ thông công lập. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2023. Theo đó, Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT có những điểm mới nổi bật sau đây:

Thứ nhất: Bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN) theo hạng.

Tại Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN (sau đây gọi tắt là chứng chỉ) như sau:

Chỉ quy định 01 chứng chỉ chung đối với các hạng giáo viên. Mỗi cấp học chỉ có 01 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN.
Giáo viên đã có một trong các chứng chỉ theo hạng của cấp học đang giảng dạy cấp trước ngày 30/6/2022 thì được xác định đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ, được sử dụng khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng CDNN và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN giáo viên tương ứng với từng cấp học.
Khi bổ nhiệm, chuyển xếp CDNN giáo viên tương ứng theo quy định tại các Thông tư 01 đến 04 và khi chuyển CDNN thì không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ. Giáo viên tuyển dụng mới phải có chứng chỉ theo quy định trong thời gian thực hiện chế độ tập sự 


Thứ hai: Quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp chung cho các hạng CDNN

Để thống nhất với các quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp ở các văn bản quy định tiêu chuẩn CDNN khác, Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT đã bỏ quy định tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp ở từng hạng CDNN và chỉ quy định đạo đức nghề nghiệp chung cho giáo viên ở tất cả các hạng. Tiêu chuẩn chung cho các hạng CDNN về đạo đức nghề nghiệp như sau:

Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp

1. Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục mầm non.

2. Thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước trẻ em.

3. Yêu nghề, thương yêu trẻ em; biết quản lý cảm xúc; đối xử công bằng và tôn trọng trẻ em; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.

4. Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ chung của viên chức và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đạo đức nhà giáo.”

Thứ ba: Không yêu cầu giáo viên tiểu học, trung học cơ sở (THCS) hạng I phải có trình độ thạc sĩ. Hiện hành, quy định tại Thông tư 02, 03, giáo viên tiểu học, THCS hạng I phải có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học/THCS hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên. Tuy nhiên, tại Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh quy định về trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học, THCS hạng I là đại học. Cụ thể: 

Sửa đổi điểm a khoản 3 Điều 5 Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT như sau:

Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên tiểu học theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;

Sửa đổi điểm a khoản 3 Điều 5 Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT như sau:

Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học cơ sở.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học cơ sở theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thứ tư: Điều chỉnh thời gian giữ CDNN giáo viên Mầm non hạng III từ 9 năm xuống còn 3 năm. Hiện hành, Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT quy định về thời gian giữ CDNN giáo viên Mầm non hạng III là 9 năm đảm bảo tuân thủ quy định về thời gian tối thiểu làm việc trong ngạch. Tuy nhiên, tại Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT điều chỉnh thời gian giữ CDNN giáo viên Mầm non hạng III từ 9 năm xuống còn 3 năm. Tuy nhiên, thời gian giữ CDNN giáo viên Mầm non hạng II tăng từ 6 năm lên 9 năm để đảm bảo tuân thủ quy định. Cụ thể:

Sửa đổi điểm e khoản 4 Điều 4 Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT như sau:

Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên Mầm non hạng II (mã số V.07.02.25) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên Mầm non hạng III (mã số V.07.02.26) hoặc tương đương từ đủ 03 (ba) năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Sửa đổi điểm e khoản 4 Điều 5 Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT như sau:

Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên Mầm non hạng I (mã số V.07.02.24) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên Mầm non hạng II (mã số V.07.02.25) hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Thứ năm: Giáo viên các cấp không cần nộp minh chứng đã thực hiện công việc của hạng khi thực hiện bổ nhiệm từ hạng CDNN cũ sang hạng CDNN mới. Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT thì:

Nhiệm vụ của giáo viên được quy định đối với từng hạng chức danh nghề nghiệp là những công việc giáo viên thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng và trong suốt thời gian giữ hạng nếu được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phân công.

Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có thể phân công giáo viên thực hiện nhiệm vụ của hạng cao hơn nếu giáo viên có khả năng thực hiện. Đối với những nhiệm vụ theo hạng chức danh nghề nghiệp mà trường Mầm non, Phổ thông công lập không được giao hoặc không đủ điều kiện thực hiện thì người đứng đầu trường Mầm non, Phổ thông công lập quyết định việc quy đổi sang các nhiệm vụ khác có liên quan để làm căn cứ đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của giáo viên.

Không yêu cầu giáo viên phải cung cấp minh chứng về việc thực hiện nhiệm vụ của hạng khi bổ nhiệm vào hạng tương ứng theo quy định tại các Thông tư 01, 02, 03, 04 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ sáu: Quy định rõ “giữ chức danh tương đương”.

Thông tư 08 đã quy định về việc xác định là tương đương khi sửa Điều khoản được quy định tại 04 Thông tư về giáo viên Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT.

Cụ thể:

Đối với giáo viên mầm non

Hạng cũ Được xác định là tương đương

Giáo viên mầm non hạng II cũ (mã số V.07.02.04) hoặc mầm non cao cấp (mã số 15a.205) Giáo viên mầm non hạng II mới (mã số V.07.02.25)

Giáo viên mầm non hạng III cũ (mã số V.07.02.05) hoặc mầm non chính (mã số 15a.206) Giáo viên mầm non hạng III mới (mã số V.07.02.26)

Giáo viên mầm non hạng IV cũ (mã số V.07.02.06) hoặc giáo viên mầm non (mã số 15.115) Giáo viên mầm non hạng III mới (mã số V.07.02.26) từ thời điểm giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo

Đối với giáo viên tiểu học

Hạng cũ Được xác định là tương đương

Giáo viên tiểu học hạng II cũ (mã số V.07.03.07) hoặc giáo viên tiểu học cao cấp (mã số 15a.203) Giáo viên tiểu học hạng II mới (mã số V.07.03.28)

Giáo viên tiểu học hạng IV cũ (mã số V.07.03.09) hoặc hạng III cũ (mã số V.07.03.08) hoặc giáo viên tiểu học chính (mã số 15a.204) Giáo viên tiểu học hạng III mới (mã số V.07.03.29) từ thời điểm giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo

Đối với giáo viên THCS

Hạng cũ Được xác định là tương đương

Giáo viên THCS hạng II cũ hoặc ngạch giáo viên trung học cao cấp (mã số 15.112) Giáo viên trung học cơ sở hạng I mới

Giáo viên THCS hạng II cũ hoặc ngạch giáo viên THCS chính (mã số 15a.201) Giáo viên THCS hạng II mới

Giáo viên THCS hạng III cũ hoặc ngạch giáo viên THCS (mã số 15a.202) Giáo viên THCS hạng III mới từ thời điểm giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo

Đối với giáo viên THPT

Hạng cũ Được xác định là tương đương

Giáo viên hạng I, II, III cũ Giáo viên THPT hạng I, II, III mới

Giáo viên giữ ngạch giáo viên trung học cao cấp (mã số 15.112) Giáo viên THPT hạng II mới

Giáo viên giữ ngạch giáo viên trung học (mã số 15.113) Giáo viên THPT hạng III mới

Việc thứ hai: Giáo viên chúng ta hạn chế chia sẻ trên facebook, hội nhóm mà cùng nhau thực hiện tốt chương trình GDPT năm 2018

Khi Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực thì các cơ sở ở các cấp học Mầm non, Phổ thông công lập tiến hành rà soát để thực hiện nộp cấp trên phê duyệt. Do nắm văn bản còn mơ hồ và đăng thông báo cho giáo viên trong cơ sở công tác chưa rõ ràng, rõ nghĩa nên xảy ra trường hợp so sánh lệch lạc thế hệ trước với thế hệ sau.

Người công tác lâu năm mới hoàn thiện bằng Đại học hai năm gần đây không đủ điều kiện thăng hạng cao hơn so với quy định mà lại cùng hạng với giáo viên mới thi viên chức nên đấu võ “mồm” với nhau trên không gian mạng, rủ nhau chia sẻ, bình luận mà không lắng nghe, thấu hiểu về hướng dẫn, cứ vu cho là chưa tương xứng, kể thành tích cá nhân đạt được rồi thẳng tiến tâm thư lên Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Việc làm như thế không phải là xấu mà tiếp sức cho những kẻ chống phá lợi dụng cơ hội “đục nước béo cò” tung tin, truyền bá việc làm của Đảng và Nhà nước ta. Âu cũng còn đó những bất cập, những điều chưa xứng đáng với thầy cô trong ngành Giáo dục nước nhà nhưng cũng phần nào phù hợp với văn bản đưa ra. Năm học mới với những niềm vui mới đang đến, chúng ta hãy cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo chung tay làm tốt công việc trồng người, trồng cây mà sinh thời Bác Hồ đã căn dặn “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây/Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người.” Chương trình GDPT 2018 đang đi đúng hướng.

Và mai đây, chúng ta có quyền mơ tưởng tới tiền lương tương xứng hơn khi Nghị quyết 27 của Đảng thực hiện. Còn đấy nhiều gian truân, vất vả của thầy cô nơi vùng xa xôi của tổ quốc hằng ngày gian nan đến trường, cõng con chữ tri thức đến với học sinh đồng bàò dân tộc thiểu số. Và thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của thầy cô vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long đến trường hiểm nguy trên sông nước. Và còn nhiều điều khác trong cuộc sống nữa. Hãy lan tỏa những hình ảnh đẹp nhất, ấn tượng nhất về nghề dạy học với những thành ngữ, ca dao ngợi ca nhà giáo tự thuở nào:

“Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”.

Trân quý biết nhường nào!

 


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem