THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ CHỨNG CỨ TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ QUA THỰC TIỄN ÁP DỤNG TẠI THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Ngày đăng 05/09/2023
203 Lượt xem

Tác giả

Đặt vấn đề

Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một được nâng cao đi kèm với đó là sự phát sinh những mâu thuẫn, tranh chấp bất đồng trong xã hội đặc biệt là trong các quan hệ tố tụng dân sự. Trong loại quan hệ này quá trình tố tụng chỉ được vận hành khi và chỉ khi có yêu cầu của đương sự. Các đương sự phải có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ tuy nhiên trên thực tế, không phải thông tin, tài liệu, chứng cứ nào họ cũng có điều kiện để biết. Chẳng hạn như tài liệu chứng minh địa chỉ của bị đơn, tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm đối với các giao dịch dân sự diễn ra không bằng văn bản mà thông qua trao đổi, giao kết bằng hành vi, lời nói…Cùng với đó là trình độ hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế nên khả năng tự bảo vệ, tự thu thập chứng cứ, tự chứng minh còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, mặc dù cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm. Xuất phát từ đó, đề tài“Thực trạng pháp luật về chứng cứ trong tố tụng dân sự qua thực tiễn áp dụng tại thành phố Hà Nội” được chọn làm đề tài nghiên cứu.

Giải quyết vấn đề

CHƯƠNG 1: QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ CHỨNG CỨ TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ

Một số vấn đề lý luận về chứng cứ trong tố tụng dân sự

Khái niệm

Chứng cứ được xem là phương tiện quan trọng để các cơ quan tiến hành tố tụng làm sáng tỏ nội dung, tình tiết nhằm giải quyết vụ việc dân sự một cách đúng đắn. Định nghĩa chứng cứ được quy định tại Điều 93 BLTTDS 2015 “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tổ tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp”1.

Các thuộc tính của chứng cứ trong tố tụng dân sự

Thuộc tính là đặc điểm vốn có của sự vật, hiện tượng. Với tư cách là cơ sở để xác định làm rõ các tình tiết, sự kiện của vụ việc dân sự, chứng cứ phải có đầy đủ các thuộc tính sau đây: Thứ nhất, chứng cứ có tính khách quan: Tính khách quan của chứng cứ thể hiện ở chỗ chứng cứ phải là những thông tin, sự kiện, tình tiết có thật, tồn tại khách quan không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của con người. Thứ hai, chứng cứ có tính liên quan. Tính liên quan của chứng cứ thể hiện ở chỗ giữa chứng cứ và vụ việc dân sự phải có mối liên hệ nhất định, nhờ nó mà Tòa án có thể xác định được những tình tiết, sự kiện của vụ việc dân sự hoặc đưa ra những tin tức về nó. Thứ ba, chứng cứ có tính hợp pháp. Chứng cứ có tính hợp pháp, bởi việc giải quyết vụ việc dân sự không thể tách rời quá trình nghiên cứu, đánh giá và sử dụng chứng cứ. Tính hợp pháp của chứng cứ bảo đảm cho giá trị của chứng cứ.

Nguồn chứng cứ trong tố tụng dân sự: BLTTDS 2015 quy định chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:

Thứ nhất, tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử. BLTTDS 2015 quy định: “Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc vản bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó2”. Như vậy, các tài liệu nghe được, nhìn được là các tài liệu ghi âm, ghi hình, nhưng nó chỉ là chứng cứ khi được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của các tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc ghi âm, ghi hình đó.

Chứng cứ điện tử được BLTTDS 2015 ghi nhận là một nguồn chứng cứ trong giải quyết vụ việc dân sự, tuy nhiên, BLTTDS 2015 lại không đưa ra khái niệm về chứng cứ điện tử. Theo Luật Giao dịch điện tử năm 2005 thì “Dữ liệu là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự” và “Thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử3”. Đồng thời, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định thông điệp dữ liệu có giá trị làm chứng cứ được giải thích tài khoản 14 Luật giao dịch điện tử 2005. Theo BLTTDS 2015 thì “Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử4”. Điều này có nghĩa là pháp luật tố tụng dân sự thừa nhận chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax được xác định là chứng cứ khi liên quan đến giải quyết vụ việc dân sự.


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem