Review sách Thiên Táng của Hân Nhiên – Khi tình yêu là động lực để tìm thấy nhau

Ngày đăng 18/09/2023
327 Lượt xem

Hân Nhiên từ lâu là một tên tuổi lớn của dòng những tác gia Trung Quốc đang sinh sống tại nước ngoài. Bà sinh năm 1958 và là một tác giả gốc Hoa tiêu biểu hiện đang sinh sống tại Anh. Bà còn là một nhà báo thành công bật nhất Trung Quốc, là người dẫn chương trình Kinh Phong Dạ Thoại. Cũng từ đây, bà có thêm nhiều điều kiện tiếp xúc với những câu chuyện và đã được bà đưa vào những tác phẩm của mình. Tác phẩm Thiên Táng có thể được xem là một ấn phẩm lớn cho tên tuổi của Hân Nhiên. Đây là một tác phẩm tiêu biểu của Hân Nhiên xuất bản năm 2004, tác phẩm có tên tiếng Anh là Sky Burial. Được tác giả kể rằng đã viết lại từ câu chuyện của một người phụ nữ “đặc biệt”. Chính sự “đặt biệt” của người phụ nữ ấy cùng với cuộc hành trình của bà ta đã khiến cho bất kì độc giả nào khi trải nghiệm quyển sách này sẽ luôn có những xúc cảm mãnh liệt về tình yêu và những giá trị tự thân mà nó mang đến, để rồi mỗi chúng ta lại đều sẽ có sự phản tư cho tình yêu của chính mình.

Thiên táng kể về câu chuyện của một người phụ nữ nhận được tin tức về cái chết bí ẩn của người chồng là bác sĩ quân y đã quyết tâm lên đường đến vùng Tây tạng xa xôi để tìm kiếm chồng mình. Ở tác phẩm, sẽ là một bức tranh toàn cảnh về đời sống Tây Tạng, những cuộc chiến giữa người Trung Quốc và người Tây Tạng cũng như cả thiên nhiên, hệ sinh thái của một khu vực đòi tự trị khỏi Trung Quốc. Tất cả những điều đó, sẽ được nhìn thấy thông qua hành trình bất chấp tất cả những khó khăn vất vả ở một nơi xa xôi của một cô gái dành trọn thanh xuân của mình để tìm được người chồng hay ít ra là một lời giải đáp cho cái chết của anh ta. Để nơi đó chúng ta thấy, thứ tình yêu bất diệt nó đẹp đẽ và giúp con người ta mạnh mẽ đến nhường nào.

Tây Tạng được lấy là bối cảnh chính của tác phẩm. Trong tác phẩm, chúng ta dễ dàng nhìn thấy hình dáng một Tây Tạng với thiên nhiên cực kì khắc nghiệt, vùng đất Tây Tạng là tổng hoà của sự hoang du, bí hiểm, xa xôi. Thời kì mà tác phẩm này lấy làm bối cảnh lại là một thời kì hết sức nhạy cảm. Tất cả những điều đó khiến cho mọi sự nguy hiểm vẫn đang đổ dồn vào vùng đất này với hàng loạt thách thức lớn lao đang chờ đợi. Hình ảnh Tây Tạng trong tác phẩm đã giữ được nét đẹp riêng biệt của thiên nhiên, nét đẹp thách thức và chứa đựng nhiều điều cần khai phá. Chính từ khi tạo dựng nên vẻ đẹp này, Hân Nhiên đã càng khiến cho câu chuyện tình yêu và cuộc hành trình được bà kể trong đấy trở nên thực sự chân sát và hấp dẫn hơn rất nhiều.

Hơn 200 trang sách và tất thảy những tình cảm chân thành, sự quyết tâm vượt qua toàn bộ nghịch cảnh của một người phụ nữ muốn bằng mọi giá tìm thấy chồng mình đã thực sự đủ sức lay động bất kì ai. Bởi lẽ trong thiên nhiên hiểm trở, kì bí, hoang du ấy là những con người sẵn sàng lao đến với tình yêu, với yêu thương và khao khát yêu thương bỏng cháy. Bởi lẽ, cái chết quá đỗi bí ẩn của một người chồng chỉ làm nhiệm vụ quân y chứ không hề là những người đang xung phong ngoài trận chiến là thực sự không đủ thuyết phục. Bởi lẽ tình yêu đã quá đỗi to lớn, nên dẫu có khắc nghiệt đến mấy, người ta rồi cũng sẽ tìm về lý lẽ của tim mình. Những khát vọng yêu thương đầy cuồng nhiệt của một trái tim vẫn còn đang thổn thức nhịp đập của tình yêu kia, thì không gì không thể cả.

Thiên táng  khiến người ta phải suy nghĩ nhiều hơn, ngẫm thật nhiều và tìm ra những luận giải rằng, đâu mới thực sự là chân xác của tình yêu. Liệu trên thế gian này mấy ai có thể vì nhau mà bỏ mặc tất cả mọi thứ lao vào một cuộc hành trình tìm kiếm mà bản thân biết chắc rằng ở đấy là gian khổ, là hiểm nguy ngàn trùng.

Và phải chăng, chính hệ sinh thái Tây Tạng là một phép thử nhiệm màu nhất cho tình yêu ấy, là một thử thách tự nhiên chứng minh tình cảm con người ta dành cho nhau. Liệu rằng nó sẽ lớn mạnh đến nhường nào và liệu rằng người ta có thể phá vỡ đi những giới hạn của bản thân thêm bao nhiêu nữa. Một điều khá lý thú ở tác phẩm đó là nếu để ý kĩ hơn, ta có thể nhận thấy rằng, Hân Nhiên đã để cho những yếu tố tự nhiên liên đới với hoàn cảnh, cảm xúc con người được thể hiện trong từng nơi nhân vật đặt chân đến. Câu chuyện thiên táng, một đức tin và cũng là nút thắt để hoá giải nhiều câu chuyện: Khả Quân hoá giải mâu thuẫn với người Tây Tạng, người đàn bà ấy gỡ được nút thắt trong việc tìm chồng. Người chồng mà bà đã hết mực tìm kiếm bao lâu nay thực sự đã hi sinh nơi miền hoang vu ấy. Nhưng sự hi sinh của anh ta không hề phí hoài, sự hi sinh của anh ta không hề vô nghĩa. Anh ta hi sinh để kết nối, để hoà giải và đó là sứ mệnh của anh ta. Thế nhưng người phụ nữ ấy thì sao, vượt bao gian nan để đến đây, bà ta thực sự đã tìm được lời giải cho cái chết của chồng mình, nhưng … nhưng sao nó chua chát, nó đớn đau đến lạ lùng. Tình yêu với chồng có lẽ chính là thứ hành trang duy nhất mà người phụ nữ ấy mang theo trên xuyên suốt cuộc hành trình dài hơi của mình, đúng chỉ với thứ hành trang đấy thôi là đủ để bà ta bỏ qua mọi trở ngại, thế mới thấy sức mạnh của tình yêu là to lớn đến nhường nào.

Những điều kiện tự nhiên ở Tây Tạng, cuộc sống ở đấy đã làm thay đổi một người con gái rất nhiều, biến bà ta trở thành một con người khác hẳn ban đầu, điều này cũng phần nào chứng minh chi việc chính hệ sinh thái ấy đã làm người ta thay đổi đến như thế nào.Nhưng tình yêu thì làm sao có thể đổi dời, vì lẽ đó mà sau tất cả, có lẽ điều bà ta giữ lại sau cùng ở chuyến hành trình ấy, là một tình yêu bất diệt, dẫu sao đi nữa, tình yêu đó vẫn còn đập mãi trong từng nhịp tim của bà. Tình yêu to lớn bà dành cho người chồng của mình, sẽ vẫn trường tồn. Tây Tạng lấy đi người chồng đó của bà, lấy đi thanh xuân của bà, lấy đi cái hạnh phúc vốn dĩ sẽ lâu bền trong cuộc đời bà. Để rồi Tây Tạng trả lại gì cho bà ngoài một trái tim có nhiều mảnh vỡ và một khoảng đời về sau đầy rẫy những nhớ mong. Thế nhưng, khoảng đời ấy không còn những suy tư và hồ nghi không lời giải đáp.

Thiên táng thực sự la một ấn phẩm nổi bật của Hân Nhiên. Qua tác phẩm, chúng ta nhận thấy được đời sống của con người Tây Tạng khi tôn giáo trong Thiên Táng cũng là vấn đề đáng đề cập, ở đó là một đức tin nhiệt thành, người Tây Tạng họ đặt trọn niềm tin vào đức tin tôn giáo của họ. Thiên táng thực chất là một tục lệ để mai táng người chết của người Tây Tạng, nhưng nó thể hiện rõ nét những đức tin của họ về thần linh, về linh hồn sau cái chết, đó là một niềm tin gần như tuyệt đối. Nhưng vượt lên trên tất cả, đó phải là thứ tình yêu kiên cường, thứ tình yêu tạo nên động lực để người ta vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn, khắt nghiệt mà tìm đến nhau, dẫu cho đó có là những hi vọng mỏng manh nhất. Chung quy lại, dẫu thế nào đi chăng nữa, tình yêu vẫn luôn ngự trị bên trong mỗi chúng ta, nguyên bản, thuần khiết, mạnh mẽ và bất diệt.

 


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem