TÀI LIỆU NGUYÊN TẮC VÀ NỘI DUNG KHI QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT TRONG LUẬT HÌNH SỰ (TÀI LIỆU THAM KHẢO LUẬT HÌNH SỰ))

Ngày đăng 31/12/2022
152 Lượt xem

Tác giả

NGUYÊN TẮC VÀ NỘI DUNG

KHI QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT TRONG LUẬT HÌNH SỰ

 

Hình phạt là công cụ đắc lực của Nhà nước trong công cuộc đấu tranh và phòng chống tội phạm. Do đó, khi một quyết định quyết định hình phạt được đưa ra nó cần phải đáp ứng không chỉ tính hợp pháp mà còn phải đảm bảo tính hợp lý trong từng quyết định. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cái nhìn đúng đắn về vấn đề này. Do đó, bài viết này nhằm đưa ra góc nhìn mang tính định hướng giúp mọi người có cái nhìn khái quát hơn về “Nguyên tắc và nội dung khi quyết định hình phạt”.

I. Nội dung

1. Khái quát chung về hình phạt

1.1 Khái niệm hình phạt

Điều 30 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 quy định: “Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó”. Theo đó, chủ thể có quyền đưa ra hình phạt là Tòa án, thay mặt nhà nước áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với chủ thể (cá nhân hoặc pháp nhân) với mục đích tước bỏ quyền và lợi ích hợp pháp của họ, biện pháp nặng nhất, mang tính chất răn đe nhất

1.2 Khái niệm quyết định hình phạt

Quyết định hình phạt là việc Tòa án lựa chọn loại hình phạt và mức hình phạt áp dụng đối với người bị kết án. Loại hình phạt và mức hình phạt được Tòa án lựa chọn này phải tuân theo những nguyên tắc, căn cứ quyết định hình phạt được quy định tại Bộ luật hình sự. Bên cạnh đó, khi quyết định hình phạt Tòa án cũng cần phải xem xét các yếu tố khách quan như chính trị, kinh tế, xã hội và các yếu tố khác có liên quan đến tội phạm để có thể đưa ra quyết định công tâm nhất.

Quyết định hình phạt được đặt ra đối với những trường hợp phạm tội phải chịu TNHS và bị áp dụng hình phạt. Một số các hình phạt mà Tòa án có thể tuyên cho bị cáo là cảnh cáo, trục xuất, phạt tù hoặc tử hình tùy vào tính cất mức độ phạm tội của người phạm tội mà theo quan điểm của Tòa án như vậy là hợp lý và đủ sức răn đe cho chính chủ thể đó cũng như cho toàn xã hội.

Pháp luật hiện hành quy định về hình phạt chia làm hai mục đối với hai loại chủ thể riêng:

Một là, đối với chủ thể là người phạm tội căn cứ tại Điều 32 BLHS 2015, các hình phạt bao gồm:

Hình phạt chính bao gồm:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền;

c) Cải tạo không giam giữ;

d) Trục xuất;

đ) Tù có thời hạn;

e) Tù chung thân;

g) Tử hình.

2. Hình phạt bổ sung bao gồm:

a) Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;

b) Cấm cư trú;

c) Quản chế;

d) Tước một số quyền công dân;

đ) Tịch thu tài sản;

e) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính;

g) Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.

3. Đối với mỗi tội phạm, người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.

Hai là, đối với chủ thể là pháp nhân thương mại phạm tội căn cứ tại Điều 33 BLHS 2015, các hình phạt bao gồm:

1. Hình phạt chính bao gồm:

a) Phạt tiền;

b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn;

c) Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

2. Hình phạt bổ sung bao gồm:

a) Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định;

b) Cấm huy động vốn;

c) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.

3. Đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.

1.3 Ý nghĩa của việc quyết định hình phạt                  

Quyết định hình phạt có vai trò vô cùng to lớn, bởi suy cho cùng, các hoạt động tố tụng hình sự trước đó (từ khởi tố, điều tra, truy tố, kể cả việc tranh tụng tại phiên toà) đều nhằm đáp ứng cho việc quyết định hình phạt của Tòa án được đưa ra  đúng pháp luật, công bằng và hợp lý. Đây là tiền đề, điều kiện để đạt mục đích hình phạt (cải tạo, giáo dục, phòng ngừa chung và phòng ngừa riêng). 

Thứ nhất, Quyết định hình phạt đúng là cơ sở quan trọng có thể nâng cao hiệu quả của hình phạt. Hiệu quả của hình phạt là mức độ đạt được mục đích của hình phạt khi áp dụng hình phạt đối với người kết án. Một quyết định hình phạt được Tòa án đưa ra, Tòa án luôn muốn quyết định này là đúng, phù hợp với tính chất, mức độ mà chủ thể gây ra tác động đến các quan hệ xã hội mà Luật hình sự bảo vệ. Do vậy, một quyết định được cho là hiệu quả sẽ thể hiện được sự đáp ứng các yêu cầu thực tiễn của hệ thống pháp luật hình sự của đất nước đó, từ đó mà nâng cao niềm tin của quần chúng nhân dân vào pháp luật, vào nhà nước, động viên tinh thần phòng chống tội phạm, đấu tranh vì một đất nước tốt đẹp trong nhân dân.

Thứ hai, quyết định hình phạt đúng là cơ sở pháp lý đầu tiên để đạt được mục đích của hình phạt. Bởi vì, mục đích chính của hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Ở đây ta thấy rõ, mục đích của quyết định hình phạt được chia làm hai mục đích chính là trừng trị và giáo dục. Khi một người phạm tội và phải chịu hình phạt của phạt luật, người đó chắc chắn sẽ phải chịu sự trừng trị thỏa đáng đối với tính chất mức độ mà hành vi mình gây ra, đây là lẽ đương nhiên. Song song với đó là sự giáo dục của Nhà nước đối với người đó, nhằm thể hiện tính nhân văn nhân đạo không chỉ trừng chị mà còn giáo dục giúp người phạm tội có thể nhìn nhận tội lỗi của mình, sửa sai và trở thành một công dân có ích. Nếu sự trừng trị và mức độ giáo dục không được cân bằng, trừng trị; giáo dục quá nặng hoặc quá nhẹ sẽ dẫn tới việc quyết định hình phạt không được phù hợp. Hậu quả là bản thân người phạm tội sẽ coi thường pháp luật, coi thường Nhà nước, không biết nhìn nhận phải trái đúng sai, còn quần chúng nhân dân sẽ thiếu tin tưởng vào pháp luật và nhà nước.

Thứ ba, Quyết định hình phạt đúng sẽ góp phần củng cố pháp luật và trật tự xã hội.

2. Nội dung của quyết định hình phạt

Nội dung của quyết định hình phạt thể hiện ở hai vấn đề:

Thứ nhất, Tòa án lựa chọn một trong các hình phạt cụ thể được quy định trong Điều 32 và các điều luật tại Phần các tội phạm Bộ luật hình sự để quyết định hình phạt đối với bị cáo. Tùy vào mức độ vi phạm trong mỗi vụ án hình sự, các tội phạm sẽ chịu các hình phạt khác nhau của nhà nước. Các hình phạt được quy định tại điều 32 bao gồm hai phần chính: Hình phạt chính và hình phạt bổ sung tùy vào tính chất, mức độ của từng loại tội phạm mà Tòa án xem xét quyết định như vậy đảm bảo được mục đích của hình phạt đối với người phạm tội.

Thứ hai, xác định mức hình phạt cụ thể đối với bị cáo. Mức phạt sẽ được căn cứ bởi nhiều quy định ví dụ như  tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi, độ tuổi, nhân thân,..

3. Nguyên tắc khi quyết định hình phạt

Nguyên tắc quyết đinh hình phạt là những tư tưởng chỉ đạo xuyến suốt mang tính định hướng trong quá trình xây dựng và áp dụng các quy phạm pháp luật. Do vậy, Tòa án phải tuân theo một số nguyên tắc nhất định để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.

3.1. Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa

Pháp chế xã hội chủ nghĩa là sự tôn trọng, tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh hiến pháp, pháp luật của các cơ quan, nhân viên nhà nước, của các tổ chức xã hội và mọi công dân.

Nội dung của nguyên tắc này được thể hiện trước hết ở: Khi quyết định hình phạt, Tòa án phải tuân theo trình tự và các điều kiện áp dụng các loại hình phạt cụ thể và chỉ có thể tuyên những hình phạt, với mức phạt được quy định trong Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự.

Hình phạt với tính chất là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được áp dụng đối với người thực hiện tội phạm. Do vậy, khi đưa ra quyết định hình phạt cần phải hết sức chặt chẽ. Tòa án chỉ được quyền quyết định hình phạt đối với một chủ thể (cá nhân hoặc pháp nhân thương mại) khi các yếu tố cấu thành tội phạm của chủ thể đó đảm bảo được BLHS quy định cho chính tội phạm đó (quyết định về tội danh và khung hình phạt). Sau đó, tòa án sẽ thực hiện việc lựa chọn một hình phạt cụ thể đối với mức độ mà tội phạm đó gây ra trong giới hạn của khung hình phạt quy định cho tội phạm đó.

Ví dụ: Bị cáo phạm tội Cưỡng dâm được quy định tại Điều 143 BLHS 2015 (các yếu tố cấu thành tội phạm mà chủ thể thực hiện phù hợp với tội danh này). Tuy nhiên, hành vi của bị cáo làm nạn nhân có thai do vậy Tòa án căn cứ tại Mục đ Khoản 2 Điều 143 BLHS 2015 để đưa ra mức hình phạt đối với bị cáo. Trong trường hợp này, Tòa án chỉ được phép lựa chọn và xác định hình phạt là hình phạt tù với phạm vi từ 03 năm đến 10 năm, không được phép vượt qua ranh giới này trừ trường hợp ngoại lệ (do kháng cáo, kháng nghị..)

Nội dung thứ hai: khi Tòa án quyết định hình phạt phải đạt được mục đích của hình phạt được quy định tại BLHS2015.

Nội dung thứ ba là tính hợp lý của việc quyết định hình phạt đối với nhiều tội phạm. Tính hợp lý thê hiện ở chỗ trong số những phương án khác nhau mà luật cho phép, Tòa án phải lựa chọn phương án tối ưu nhất, vừa phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của các hành vi phạm tội, vừa phục vụ yêu cầu chính trị trong từng giai đoạn, ở từng địa phương, hạn chế ít nhất tội phạm diễn ra.

3.2. Nguyên tắc cá thể hóa hình phạt

Nguyên tắc cá thể hóa hình phạt là nguyên tắc chung của luật hình sự, đồng thời cũng là nguyên tắc của quyết định hình phạt. Yêu cầu của nguyên tắc này là mọi hành vi phạm tội đều bị phát hiện và trừng phạt, hình phạt được đưa ra phải tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội. Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng và đặc thù của quyết định hình phạt đối với nhiều tội phạm. Nội dung của nguyên tắc này được cụ thể hóa trong quy định của luật Hình sự (phần chung và các qui phạm Phần các tội phạm) và trong áp dụng pháp luật.

Tư tưởng cơ bản của nguyên tắc này là: Khi quyết định hình phạt, Tòa án phải căn cứ vào các quy định của pháp luật hình sự, ý thức pháp luật xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm.

Ví dụ: trong phạm tội đồng phạm thì tính chất, vai trò của từng người trong vụ án là khác nhau do vậy cũng cần phải cân nhắc khi quyết định hình phạt cho từng bị cáo; Tại Điều 9 BLHS 2015 chia làm 04 loại tội danh cụ thể với những đặc trung cụ thể của từng loại tội phạm để từ đó mà Tòa án có thể đưa ra quyết định hợp tình hợp lý nhất; Tại Điều 12 quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, Bộ luật đã cụ thể hóa phạm vi độ tuổi mà người phạm tội nếu thực hiện các hành vi về các tội danh đã nêu mới phải chịu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ nguy hiểm với từng loại tội danh cụ thể.

Bên cạnh đó, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng là một trong các cơ sở để lựa chọn loại và mức hình phạt cụ thể áp dụng cho người phạm tội sao cho công bằng, hợp lý nhằm bảo đảm mục đích của hình phạt. Có như vậy hình phạt mới đạt được mục đích vừa nhằm trừng trị, vừa nhằm giáo dục, cải tạo người phạm tội.

Nếu quy định của pháp luật đưa ra định hướng, là cơ sở pháp lý vững chắc để Tòa án cá thể hóa hình phạt cho áp dụng pháp luật, quyết định hình phạt hợp lý cho người phạm tội, thì áp dụng pháp luật lại phản ánh quy định của pháp luật cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn hay không, để từ đó có những sửa đổi, bổ sung kịp thời. Như vậy, nguyên tắc cá thể hóa hình phạt là nguyên tắc không thể thiếu trong quyết định hình phạt.

3.3. Nguyên tắc công bằng xã hội

Nội dung của nguyên tắc công bằng xã hội được hiểu là hình phạt (quy định cũng như áp dụng cho người phạm tội) phải được thực thi một cách hợp pháp, không có sự phân biệt đối xử. Trong công bằng xã hội mọi người đều tuân theo trật tự đã được cộng đồng thừa nhận, ai vi phạm sẽ bị trừng phạt.

Thứ nhất, hình phạt đã tuyên phải tương xứng với các tội đã phạm. Công bằng không chỉ đặt ra đối với bản thân người có hành vi phạm tội mà nó còn được đặt trong cùng một phạm vi để nhằm so sánh đối chiếu với các tội phạm khác và với những người phạm tội khác. Tại Điều 9 BLHS 2015, nhà làm luật phân loại hiện nay bao gồm 04 loại tội phạm, với các tội đã phạm nghiêm trọng và trong những điều kiện giống nhau, thì hình phạt phải nghiêm khắc hơn và ngược lại.

Thứ hai, khi quyết định hình phạt đối với nhiều tội phạm, mặc dù có tình tiết tái phạm, tái phạm nguy hiểm nhưng phải cân nhắc nhân thân người phạm tội và các tình tiết khác có trong vụ án. Sở dĩ phải chú ý đến vấn đề này, vì hình phạt bao giờ cũng được áp dụng đối với người phạm tội cụ thể, mà những con người cụ thể tất yếu có hoàn cảnh gia đình, đặc điểm tâm, sinh lý riêng cũng như giữ những địa vị không giống nhau trong xã hội.

Thứ ba, hình phạt được tuyên đối với nhiều tội phạm cần phải phản ánh một cách đúng đắn dư luận xã hội, ý thức pháp luật, đạo đức xã hội, phải có sức thuyết phục, bảo đảm tính công bằng và chính sách hình sự của Nhà nước ta.

3.4 Nguyên tắc nhân đạo

Đây là một trong những nguyên tắc thể hiện giá trị cao đẹp của Nhà nước, pháp luật và xã hội. Nguyên tắc này được hiểu là hệ thống các quan điểm, tư tưởng thể hiện sự tôn trọng phẩm giá, quyền con người, thể hiện sự nhân từ, khoan dung đối với con người. Một số quy định thể hiện nguyên tắc này trong quyết định hình phạt như: Miễn và giảm hình phạt, trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên, Nguyên tắc xử lý tội phạm…

Thứ nhất, hình phạt được Tòa án áp dụng thể hiện thái độ khoản dung, đặt mục đích cải tạo giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội lên hàng đầu. Tuy nhiên cần phải đảm bảo hài hòa giữa hai mặt: Nhân đạo đối với người phạm tội và bảo vệ lợi ích của Nhà nước, xã hội và công dân khác nhằm đạt được những yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thứ hai, nguyên tắc nhân đạo thể thiện: Khi đưa ra quyết định hình phạt đối với một chủ thể phạm tội trong xã hội, Tòa án cân nhắc các mặt của chủ thể như nhân thân, thái độ ăn năn hối cải, hợp tác trong quá trình điều tra tội phạm, hoạt động, thành tích trong quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Song song với đó là liên quan đến mặt chủ quan hoặc khách quan tác động đến hành vi của chủ thể như chủ thể mắc các bênh liên quan đến thần kinh, đặc điểm tâm sinh lý lứa tổi, các tác động ngoại cạnh (gia đình, xã hội) tác động dẫn đến hành vi phạm tội.

Thứ ba, nguyên tắc nhân đạo còn thể hiện ở việc khi quyết định hình phạt Tòa án lựa chọn một hình phạt cụ thể, phù hợp, đảm bảo được 02 mục đích chính của hình phạt: trừng trị và giáo dục.


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem