TÀI LIỆU LÍ LUẬN TRIẾT HỌC VỀ CẶP PHẠM TRÙ BẢN CHẤT -HIỆN TƯỢNG VÀ VAI TRÒ NHẬN THỨC VỚI XÃ HỘI

Ngày đăng 30/12/2022
222 Lượt xem

 

LÍ LUẬN TRIẾT HỌC VỀ CẶP PHẠM TRÙ BẢN CHẤT -HIỆN TƯỢNG

 

1.PHẠM TRÙ BẢN CHẤT VÀ HIỆN TƯỢNG LÀ GÌ?

 

    “Bản chất là tổng hợp tất cả những mặt, những mối liên hệ tất nhiên tương đối ổn định ở bên tron sự vật, quy định sự vận động và phát triển của sự vật đó. Còn hiện tượng là biểu hiện của những mặt, những mối liên hệ ấy ra bên ngoài”.

 

     Qua định nghĩa trên, bản chất là cái bên trong, là cái bản chất tạo nên và của sự vật, có tính cách tương đối ổn định; còn hiện tượng là những biểu hiện bên ngoài của sự vật, nó dễ dàng biến đổi theo không gian và thời gian.

 

      Cặp phạm trù này xuyên suốt từ vật chất, con người cho đến các hiện tượng kinh tế - xã hội. Vì vậy, sự nhận thức đúng đắn sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng với xã hội ngày nay.

 

        Bản chất diễn tả những đặc tính cơ bản của sự vật và những quá trình hoạt động sâu xa bên trong của sự vật. Vì bản chất nằm bên trong của sự vật nên mắt thường không tài nào nhìn thấy được. Hiện tượng là cái biểu hiện bên ngoài nên thì trong khả năng nào đó những giác quan có thể nhận thức được. Tuy nhiên, có thể những nhận thức đó là sai lầm.

 

        Thí dụ, khi ta nhìn ánh sáng mặt trời chiếu xuống, ta nói rằng ánh sáng này không có màu. Nhưng khi dùng một kính lúp đưa lên trước ánh sáng đó thì ta sẽ thấy có đến bảy màu khác nhau như xanh, vàng, đỏ, trắng… Liệu rằng, đó là màu xanh, vàng, đỏ, trắng…? Hay đó là cái tên mà chúng ta áp đặt lên nó bằng cái tên mà chúng ta đã từng áp đặt lên những sự vật có tính chất tương tự? Như vậy, cái nhìn của chúng ta với hiện tượng không hẳn là đúng sự vật nên đừng vội vàng luận đều gì chỉ sau cái nhìn ban đầu mà không xét đến bản chất thực sự của nó là gì.

 

         Về một con người, những biểu hiện bên ngoài của họ như sự lịch lãm, oai nghiêm, đĩnh đạc, thật thà… nhưng hãy dè chừng, đừng nhìn những biểu hiện bên ngoài ấy mà kết luận bản chất thật sự của họ.

 

          Thales (625? – 546? B.C), đã cho rằng “nguyên chất của vạn vật là nước, mà từ đó vạn vật xuất phát và trong nó vạn vật đều tiêu tán”. Có lẽ ông nhìn thấy hiện tượng vạn vật sống được đều là nhờ nước và ba phần của quả địa cầu này là biển nên đã kết luận bản chất của vạn vật như vậy.

 

           Heraclitus (570? – 475? B.C), thì cho rằng “lửa là bản thể hoặc nguyên lý, thông qua sự phân tán và cô tụ, tạo nên những hiện tượng của thế giới của thế giới cảm giác”.

 

           Như vậy, hai dẫn chứng này cho chúng ta thấy sự khác biệt và sự chất phát của những triết gia cổ đại so với hiện đại.

 

2.MỐI QUAN HỆ GIỮA BẢN CHẤT VÀ HIỆN TƯỢNG

 

2.1 Bản chất và hiện tượng đều tồn tại khách quan

 

           Trái với chủ nghĩa duy tâm, không thừa nhận sự tồn tại khách quan của vật chất ngoài ý thức, chủ nghĩa duy vật biện chứng cho rằng “cả bản chất và hiện tượng đều tồn tại khách quan”.

 

           Chúng ta thấy rằng, vật chất được cấu thành từ những đơn vị tạm gọi là nhỏ nhất như là nguyên tử nhất định. Chúng liên kết với nhau bằng chính lực hút của nó. Mối liên kết này tương đối bền chặt lâu dài nếu như không có một lực tác động nào bên ngoài lớn hơn lực hút của nó tác động vào. Do đó, con người dù không có ý niệm gì về chúng thì chúng vẫn tồn tại theo cách liên kết ấy. Nên chăng, con người ý niệm là ý niệm những sự vật hiện tượng mà giác quan đã kinh qua, thì nó tồn tại trong nhận thức của giác quan. Những sự vật nằm ngoài sự nhận thức của giác quan hoặc giác quan chưa nhận thức đến thì ta chỉ có thể kết luận rằng nó không nằm trong vòng kiểm soát của ý niệm mà thôi, không thể hàm hồ kết luận là sự vật không tồn tại khi ta không hoặc chưa nhận thức về chúng. Khoa học vũ trụ đã khám phá ra hàng tỉ ngôi sao cách trái đất hàng tỉ năm ánh sáng thì nó tồn tại hay không tồn tại? Cũng vậy, tự nó tồn tại theo cách của nó dù con người có khám phá ra hay không.

 

          Vì vậy, sự bản thân sự vật tồn tại hiện thực khách quan ngoài ý thức thì mặt bản chất và hiện tượng của nó cũng như thế. Bởi lẽ, bản chất là cái bên trong, giác quan thông thường không thể nhận thức thì nó vẫn tồn tại mà đâu cần biết chúng ta có nhận thức hay không. Về mặt hiện tượng, nó vẫn tồn tại khách quan trước khi giác quan nhận thức, nhưng khi hiện tượng được giác quan nhận thức thế nào thì ta chủ quan đánh giá như thế ấy. Cái hiện tượng nguyên thỉ của sự vật đã bị méo mó và biến đổi khi kinh qua giác quan. Mà chúng ta nhận thức là nhận thức cái hình ảnh được phản chiếu này chứ không phải là hiện tượng thật của sự vật, nên nhận thức này có tính chủ quan chứ không hẳn là thực tế như vậy. Chính đặc tính phản ánh của sự vật làm cho chúng ta có ý thức về chúng nhưng không hẳn là chúng ta ý thức đúng. Thí dụ, muốn nhìn thấy một sự vật thì chúng ta phải cần có mắt. Bộ phận chính của mắt như là một thấu kính hội tụ gọi là thuỷ tinh thể, thành trong của mắt, phần đối diện với thuỷ tinh thể gọi là võng mạc. Võng mạc là nơi ảnh ảo của vật bên ngoài qua thuỷ tinh thể đọng lại. Chúng ta có nhìn thấy vật chính là nhìn thấy cái ảnh mà nó đã đọng trên võng mạc này. Mà ảnh này luôn ngược chiều và nhỏ hơn vật thật, đồng thời hình dạng và màu sắc của vật đi qua thuỷ tinh thể nó cũng đều đã khác. Đối với những người bị các tật về mắt khác nhau thì sẽ nhìn sự vật khác nhau theo cái ảnh của chúng. Do đó, mắt thường chúng ta không thể nào thấy được thật chất của vật là gì thì không thể mạo muội kết luận gì về chúng.

 

        Cho nên, mỗi khi kết luận một sự vật hay hiện tượng chúng ta phải luôn nhớ rằng, đó chỉ là kết luận xuất phát từ ý chủ quan của mình chứ người khác không hẳn đã thấy giống mình, mình không nên đem ý chủ quan mà áp đặt lên người khác rồi buộc họ phải có quan điểm giống mình. Không khéo, ta cũng như một kẻ mù trong những kẻ mù đang rờ voi, rồi khăng khăng cho con voi theo cảm nhận của mình là đúng mà phản bác quan điểm của kẻ khác thì bảo đảm rằng sẽ có ẩu đả xảy ra.

 

2.2 Sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng

 

         Sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng: bản chất bao giờ cũng bộc lộ ra qua hiện tượng, còn hiện tượng bao giờ cũng là sự biểu hiện của một bản chất nhất định; không có bản chất tồn tại thuần túy tách rời hiện tượng, cũng như không có hiện tượng lại không biểu hiện của một bản chất nào đó; bản chất quyết định hiện tượng; khi bản chất thay đổi thì cũng kéo theo sự biến đổi của hiện tượng tương ứng.

 

         Vì vậy, có thể thông qua việc quan sát các hiện tượng để nghiên cứu bản chất và ngược lại, khi hiểu rõ bản chất của một đối tượng nghiên cứu thì có thể suy ra các khả năng biểu hiện của nó khi xác định được các điều kiện có liên quan. Điều quan trọng nhất đối với nhận thức và thực tiễn là cần phải nắm bắt được bản chất, trên cơ sở đó mới có thể giải quyết được căn bản hiện tượng (giải thích hiện tượng, xoá bỏ hay tạo ra hiện tượng mới,...).

 

         Ví dụ, trong nghiên cứu khoa học người ta thường bắt đầu từ việc quan sát, thống kê các hiện tượng (quan sát tự nhiên hay qua thí nghiệm) trên cơ sở đó tiến hành nghiên cứu (có thể thông qua việc xác lập các mô hình giả thuyết,...) về bản chất của hiện tượng để giải thích hiện tượng quan sát được.

 

 

2.3 Tính mâu thuẫn của sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng

 

         Sự đối lập giữa bản chất và hiện tương được thể hiện ở chỗ: bản chất là cái chung, cái tất yếu; còn hiện tượng là cái riêng biệt phong phú và đa dạng; bản chất là cái bên trong, hiện tượng là cái bên ngoài; bản chất tương đối ổn định, còn hiện tượng thường xuyên biến đổi. Vì vậy, không phải trong bất cứ trường hợp nào cũng có thể từ hiện tượng quan sát được trực tiếp rút ra bản chất tương ứng mà cần phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, xem xét những nhân tố tác động làm sai lệch sự biểu hiện của một bản chất. Đó cũng chính là lý do tồn tại của nghiên cứu khoa học: chỉ ra sự ẩn giấu của một bản chất qua hiện tượng biểu hiện có tính sai lạc.

 

         Ví dụ, có thể thấy các hiện tượng “ảo ảnh” khi quan sát các hiện tượng tự nhiên; hoặc các hiện tượng che giấu bản chất thực sự qua quan sát một số hiện tượng trong đời sống hoạt động của con người và xã hội.

      

 

3.Ý NGHĨA PHƯƠNG PHÁP LUẬN

 

         Muốn nhận thức được bản chất của sự vật phải xuất phát từ những sự vật, hiện tượng, quá trình thực tế vì lẽ rằng bản chất không tồn tại thuần túy mà tồn tại trong sự vật và biểu hiện qua hiện tượng. Bản chất của sự vật không được biểu hiện đầy đủ trong một hiện tượng nhất định nào và cũng biến đổi trong quá trình phát triển của sự vật. Do vậy phải phân tích, tổng hợp sự biến đổi của nhiều hiện tượng, nhất là những hiện tượng điển hình mới hiểu rõ được bản chất của sự vật. Nhận thức bản chất của sự vật là một quá trình phức tạp đi từ hiện tượng đến bản chất, từ bản chất ít sâu sắc đến bản chất sâu sắc hơn.

 

         Trong nhận thức không chỉ dừng lại ở hiện tượng mà phải tiến đến nhận thức được bản chất của sự vật. Còn trong hoạt động thực tiễn, phải dựa vào bản chất của sự vật để xác định phương thức hoạt động cải tạo sự vật không được dựa vào hiện tượng vì bản chất là cái tất nhiên, cái tương đối ổn định bên trong sự vật, quy định sự vận động phát triển của sự vật, còn hiện tượng là cái không ổn định, không quyết định sự vận động phát triển của sự vật.

 

         Vì bản chất là cái tất nhiên, cái tương đối ổn định bên trong sự vật, quy định sự vận động phát triển của sự vật, còn hiện tượng là cái không ổn định, không quyết định sự vận động phát triển của sự vật. Do vậy nhận thức không chỉ dừng lại ở hiện tượng mà phải tiến đến nhận thức được bản chất của sự vật. Còn trong hoạt động thực tiễn, phải dựa vào bản chất của sự vật để xác định phương thức hoạt động cải tạo sự vật không được dựa vào hiện tượng hay xuyên tạc bản chất.

 

Tuy nhiên, việc cân nhắc triết học với vai trò là một môn học liên kết bản thân nó với tất cả sự vật hiện tượng, kể cả khoa học, nghệ thuật, đạo đức hay pháp luật, cũng quan trọng không kém. Chúng ta luôn có thể hỏi rất nhiều thứ liên quan đến mọi lĩnh vực về hoạt động của con người, như “Bản chất của nó là gì? Điều gì làm nên nó? Nó là gì?”. Nhiều triết gia đã đặt những câu hỏi về lĩnh vực khoa học, nghệ thuật và cả luật pháp. Đây là lý do vì sao “Luật học” – triết học về bản chất của pháp luật và lý luận pháp lý, và sự khác biệt giữa pháp luật và đạo đức – đã trở thành một trụ cột trong mọi giáo trình luật, mỗi khi luật được giảng dạy ở các bậc đại học. Quả thật, đây là một môn học bắt buộc đối với mọi sinh viên luật tại Oxford và hầu hết các sinh viên luật ở Châu Âu và Nam Mỹ. (Luật là môn học cho bậc cử nhân, không giống như tại Mỹ, nó là chương trình sau đại học).

 

        Như nhiều phạm vi ảnh hưởng khác của truy vấn triết học, truy vấn triết học trong pháp luật, một cách đơn giản, đưa ra ánh sáng và làm rõ những vấn đề mà trước đó thường được cho là hoàn toàn và không thể tranh cãi. Tất cả chúng ta đã từng nghe ai đó chỉ trích quyết định của Tối cao pháp viện là “theo động cơ chính trị, hơn là áp dụng chính xác pháp luật”. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta nhận biết được lằn ranh giữa pháp luật và chính trị, chính xác như những gì mà một phần phạm vi của “Luật học” cố gắng điều chỉnh. Vì vậy, khi các nhà bình luận chỉ trích lập luận của thẩm phán để đưa ra quan điểm của mình, họ luôn đặt giả định về những lập luận về bản chất của pháp luật, giải thích pháp luật và tính chất của lý luận pháp lý. Đó chính là nhiệm vụ của luật học nhằm mang những giả định vào phạm vi điều chỉnh để kiểm soát.

 

 

       

VAI TRÒ NHẬN THỨC CỦA PHẠM TRÙ BẢN CHẤT -HIỆN TƯỢNG VỚI XÃ HỘI

 

        Nhiều người cảm thấy rằng, thế kỷ 21 này, nhân loại sẽ được may mắn sống trong hòa bình hơn. Thế nhưng, sự việc đã nhanh chóng cho thấy rõ rằng không phải như thế. Trong khi hình như chúng ta đã tránh được một sự tiêu hủy toàn diện với cuộc chiến tranh nguyên tử, thì nhiều cuộc chiến tranh với tầm cỡ nhỏ hơn đã nổ ra nhiều nơi trên thế giới. Những cuộc chiến tranh này còn khó kiểm soát hơn cả cuộc chiến tranh lạnh, vì, mặc dù có sự đe dọa hiển nhiên, cuộc chiến tranh lạnh vẫn khó có thể phát triển tới mức độ tấn công toàn diện. Do vậy, sự đe dọa của cuộc chiến tranh nguyên tử vẫn còn.

 

       Thực tế là, với vũ khí nguyên tử rải rác ra nhiều quốc gia, sự đe dọa còn lớn lao hơn. Mặc dù những cuộc chiến tranh ý thức hệ hình như đã qua đi, giờ đây, nhiều cuộc chiến tranh đã bùng nổ dữ dội và tàn bạo hơn vì những xung đột tôn giáo và chủng tộc. Những cuộc đấu tranh dân quyền và xung đột chủng tộc đã trở thành phổ biến trên khắp thế giới. Thêm vào đó, sự khủng bố đã càng lúc càng phổ biến và hung bạo hơn. Sự kiện là, thế giới đã trở thành nhỏ hơn qua sự phát triển của kỹ thuật thông tin không những chỉ trong lãnh vực du lịch và truyền thông mà còn cả việc bành trướng chủ nghĩa khủng bố nữa. Bọn khủng bố đã lợi dụng phương tiện kỹ thuật truyền thông để tạo sự bất an cho con người trong khi di chuyển, du lịch, đồng thời cũng gia tăng sự nguy hiểm trong mọi quốc gia. Lòng thù hận và sự bất tín lẫn nhau đã gia tăng mạnh mẽ bởi sự tranh chấp tài nguyên thiên nhiên. Cuộc chạy đua của lòng tham nhằm chiếm giữ tài nguyên thiên nhiên đã làm cho vấn đề trở nên khó khăn gấp bội vì không những chỉ gây ra xung đột trong xã hội loài người mà còn ngay cả trong môi trường thiên nhiên. Một mặt, có nhiều vấn đề về môi sinh, và mặt khác, có sự gia tăng phá hoại giữa con người với nhau.

 

        Sự khủng hoảng môi sinh và sự thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên bắt đầu trở nên rõ ràng và ngày càng nghiêm trọng hơn, và chúng sẽ tạo một ảnh hưởng lớn lao cho nhân loại. Con người sẽ nhận lấy hậu quả của sự phá hoại do chính con người gây ra. Số lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ của quả địa cầu đã tích lũy qua hàng trăm triệu năm hầu như đã bị con người tiêu phí đi chỉ trong vòng một, hai trăm năm. Kỹ thuật đã trở thành một tên tay sai của lòng tham và sân hận, và sự tiến bộ kỹ thuật, trong dạng thức phát triển kỹ nghệ đã hầu như chỉ phục vụ cho mục đích của chúng. Khoa học, kỹ thuật, và sự phát triển của kỹ thuật thông tin và truyền thông đã được dùng đến nhằm mê dẫn con người đến việc tiêu xài hoang phí cẩu thả, sự ngu dốt và say sưa, hơn là hướng về sự phát triển cá nhân hay là nâng cao phẩm chất của đời sống. Người ta đã sử dụng khoa học, kỹ thuật để tìm kiếm những điều mà họ thèm khát, và như thế đã tạo ra những sự bất hòa, tranh chấp. Lòng thù hận đã tràn đầy trong những cuộc xung đột tôn giáo và chủng tộc. Điều này lại càng được đẩy mạnh hơn bởi ảnh hưởng của lòng tham và sự giành giật tài nguyên thiên nhiên.

 

        Qua những hiện thực đáng báo động trên đây, một lần nữa chúng ta phải bình tĩnh và sáng suốt đánh giá và phân loại của những phạm trù bản chất và hiện tượng. Chúng ta không nên hàm hồ chạy theo những hiện tượng hào nhoáng của đời sống vật chất mà quên đi bản chất hai mặt của chúng. Việc này càng cấp thiết hơn bao giờ hết khi đạo đức truyền thống đã bị phong hoá, con người hiện đại hãy dè chừng là không khéo chúng ta đang đi giật lùi lại với con đường phát triển mà đang nhắm mắt bước càng trên lộ trình phá huỷ “nhân tính” của chính con người.

 

KẾT LUẬN

 

       Đời sống chúng ta đầy những tranh chấp và xung đột. Nếu chúng ta nhìn sâu vào tình trạng xã hội, chúng ta sẽ thấy rõ rằng, lý do mà những giá trị như đạo đức và quan niệm đúng đắn về bản chất và hiện tượng đã trở thành rất quan trọng trong thời đại nầy là vì chúng ta đang sống trong một thời đại của sự tranh chấp, và nếp suy tư của chúng ta thì quá chia rẽ và bè phái, cục bộ. Trong khi sự quan trọng của những quan niệm đúng đắn về bản chất và hiện tượng phải được đề cao, chúng ta cũng phải nhận rằng, sự quan trọng nầy dựa trên một thế giới vẫn còn chịu ảnh hưởng của nề nếp suy tư chia rẽ. Phần lớn tư tưởng của nhân loại vẫn bắt nguồn từ nhị nguyên luận. Đạo đức là sự bảo đảm của chúng ta để không tàn phá lẫn nhau, trong khi chúng ta vẫn còn chịu ảnh hưởng của nề nếp suy tư chia rẽ như thế. Sự quan niệm đúng đắn bản chất và hiện tượng trong khuôn khổ nào đó chỉ nhằm giải hòa những mối bất đồng, chúng không phải là điều lý tưởng. Chúng chỉ là sự đồng thuận. Đồng thuận không có khả năng hướng dẫn nhân loại tới sự hòa hợp và thống nhất chân chính. Đồng thuận chỉ là tình trạng mà mỗi bên đồng ý tự giới hạn mình và cho phép người khác làm một số việc gì đó để cùng đạt tới ích lợi chung. Nó đòi hỏi phải có một phẩm chất cao của năng lực hành động và sự chịu đựng đầy trí tuệ.

 

       Chúng ta hãy tìm lại và hãy đặt vai trò của phạm trù bản chất và hiện tượng này vào đúng vị thế mà nó vốn phải được. Làm như thế chúng ta không những tự cứu mình thoát khỏi tiến trình “động vật hoá” mà cũng là tự tìm hạnh phúc cho chính mình. Và tất nhiên, chúng ta phải luôn nhớ rằng mình hạnh phúc chỉ khi nào toàn xã hội đã được hạnh phúc.

 

       Cặp phạm trù này giúp chúng ta xem xét một cách toàn diện tất cả vấn đề, qua đó, nó đóng góp vào sự phát triển ổn định và bền vững của xã hội.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

+Giáo trình Triết học Mác - Lê nin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, năm 2006

+Giáo trình Triết học Mác – Lê nin, Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình Quốc gia các bộ môn khoa học Mác – Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, năm 2004

+Nhập môn Marx, Rius (Eduardo del Rio), người dịch: Nguyễn Hà, hiệu đính: Bùi Văn Nam Sơn, Nhà xuất bản Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, năm 2006

+Một số vấn đề Triết học Mác – Lenin: Lý luận và thực tiễn (tái bản có bổ sung), Lê Doãn Tá, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, năm 2003

+Triết học Mác – Lenin (tập II), Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, năm 1994 (xuất bản lần thứ ba)

 


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem