TÀI LIỆU KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG (TÀI LIỆU THAM KHẢO LUẬT CÔNG CHỨNG)

Ngày đăng 30/12/2022
521 Lượt xem

Tác giả

Khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, theo đó: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân” (Điều 30). Trong bài viết này sẽ đề cập cụ thể tới vấn đề khiếu nại, tố cáo riêng trong lĩnh vực công chứng.

  1. Một số vấn đề chung về khiếu nại, tố cáo
  1. Khái niệm khiếu nại, tố cáo
  • Khiếu nại: Là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật Khiếu nại năm 2011 quy định đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình (khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011).
  • Tố cáo: Là việc cá nhân theo thủ tục do Luật Tố cáo năm 2018 quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân (khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo 2018).
  1. Phân biệt khiếu nại, tố cáo

Phân biệt khiếu nại, tố cáo dựa trên bảng so sánh như sau:

Tiêu chí

Khiếu nại

Tố cáo

Chủ thể

  • Chủ thể thực hiện quyền khiếu nại bao gồm: công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức hoặc người đại diện hợp pháp của những người này khi thực hiện quyền khiếu nại.

(Khoản 2, Điều 2 Luật Khiếu nại 2011: “Người khiếu nại là công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức thực hiện quyền khiếu nại”).

  • - Chủ thể bị khiếu nại: Cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyết định kỷ luật, cán bộ, công chức bị khiếu nại (Khoản 5 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011).
  • Chủ thể thực hiện quyền tố cáo là cá nhân

(Khoản 4 Điều 2 Luật Tố cáo 2018: “Người tố cáo là cá nhân thực hiện quyền tố cáo”).

  • Chủ thể bị tố cáo là cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi bị tố cáo (khoản 5 Điều 2 Luật Tố cáo 2018).

Nghĩa vụ

  • Người khiếu nại phải khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết (điểm a khoản 2 Điều 12 Luật Khiếu nại 2011).
  • Trình bày trung thực sự việc, không phải chịu trách nhiệm khi khiếu nại không có căn cứ, chỉ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó (điểm b khoản 2 Điều 17 Luật Khiếu nại 2011).
  • Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được. Chịu trách nhiệm về nội dung tố cáo và phải bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra (điểm b,c,d Điều 9 Luật Tố cáo 2018).

Quyền

Người khiếu nại có 10 nhóm quyền, có các quyền liên quan đến việc bảo vệ trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Người tố cáo có 7 nhóm quyền, trong đó có quyền được bảo vệ tính mạng, danh dự, nhân phẩm, sức khỏe…của bản thân mình khi thực hiện quyền liên quan đến việc bảo vệ pháp luật. bảo vệ công lý và bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Đối tượng

Đối tượng của khiếu nại là quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bị người khiếu nại cho là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khiếu nại.

Đối tượng của tố cáo là hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; có nghĩa là hành vi vi phạm pháp luật là đối tượng của tố cáo có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tố cáo.

Nội dung

Nội dung khiếu nại là những quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Nội dung của tổ cáo là người bị tố cáo đã thực hiện những hành vi mà pháp luật cấm không được làm, hoặc buộc phải làm.

Thẩm quyền giải quyết

Khiếu nại được giải quyết lần đầu tại chính người đứng đầu của cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật là đối tượng của hành vi khiếu nại. Trong trường hợp đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu sẽ tiếp tục thực hiện quyền khiếu nại của mình lên cấp trên trực tiếp của cấp đã có thẩm quyền giải quyết hoặc khởi kiện tại Tòa án.

Pháp luật về khiếu nại quy định cụ thể từng cấp giải quyết khiếu nại bao gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh; Giám đốc Sở và các cấp tương đương thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan thuộc Bộ, thuộc cơ quan ngang Bộ, thuộc cơ quan thuộc Chính phủ; Tổng thanh tra.

Pháp luật không quy định quyết định giải quyết tố cáo nào được xác định là quyết định giải quyết tố cáo cuối cùng.

Khoản 1 Điều 12 Luật Tố cáo 2018: “…Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết”

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức nào đó là chủ thể giải quyết tố csao không có thẩm quyền giải quyết đối với đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của chính bản thân mình, họ chỉ có quyền giải quyết những hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của người thuộc cơ quan, tổ chức mình quản lý trực tiếp.

  1. Điều kiện thụ lý đơn khiếu nại, tố cáo
  • Điều kiện thụ lý đơn khiếu nại

Không phải tất cả các đơn khiếu nại được thụ lý giải quyết. Theo quy định của pháp luật, chỉ những đơn khiếu nại thỏa mãn các điều kiện sau đây thì mới được thụ lý giải quyết:

  • Việc khiếu nại phải tuân thủ đúng hình thức khiếu nại. Việc khiếu nại phải thực hiện thông qua đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp. Trường hợp khiếu nại bằng đơn thì trong đơn phải có đầy đủ các thông tin cần thiết theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Khiếu nại 2011 (ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại; tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại). Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ. Trường hợp khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn hoặc người tiếp nhận khiếu nại ghi lại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản. Trường hợp nhiều người khiếu nại cùng một nội dung thì hướng dẫn họ cử người            đại diện.
  • Về chủ thể khiếu nại, bao gồm những nhóm chủ thể: công dân; cơ quan; tổ chức hoặc cán bộ; công chức; viên chức; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Điều kiện để trở thành chủ thể của khiếu nại, ngoài các điều kiện về tuổi, năng lực hành vi dân sự thì đối tượng khiếu nại phải liên quan trực tiếp tới người khiếu nại mà người khiếu nại cho rằng đối tượng khiếu nại là trái pháp luật, xâm hại trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
  • Về đối tượng khiếu nại, phải đảm bảo các điều kiện về từng loại đối tượng khiếu nại: Đối với quyết định hành chính thì phải là quyết định hành chính cá biệt (xử lý một vấn đề cụ thể, được áp dụng một lần, áp dụng cho một đối tượng hoặc một số đối tượng). Đối với hành vi hành chính phải là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật. Đối với quyết định kỷ luật phải là quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng một trong các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chứng.
  • Về thời hiệu khiếu nại: Nhìn chung thời hạn khiếu nại là 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Đối với khiếu nại việc kỷ luật cán bộ, công chức, thì thời hiệu khiếu nại lần đầu là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định kỷ luật. Thời hiệu khiếu nại lần hai là 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết lần đầu; đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc thì thời hiệu khiếu nại lần hai là 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết lần đầu. Trường hợp do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì thời gian đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
  • Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại: Đối với đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và đủ các điều kiện quy định thì thụ lý để giải quyết; trong trường hợp có nhiều người đến khiếu nại cùng một vấn đề thì hướng dẫn họ cử một người đại diện đứng đơn khiếu nại. Đối với đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình nhưng không đủ các điều kiện thụ lý để giải quyết thì trả lời bằng văn bản cho người khiếu nại biết rõ lý do.

+       Đối với đơn vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo thì tách nội dung khiếu nại và tố cáo ra để giải quyết theo 02 thủ tục khác nhau;

+       Đối với đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp dưới nhưng quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết thì cơ quan cấp trên trực tiếp nhận được có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc cấp dưới giải quyết hoặc xử lý người cố tình không giải quyết.

 Các trường hợp khiếu nại không được thụ lý giải quyết bao gồm: Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ; quyết định hành chính, hành vi hành chính trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới; quyết định hành chính có chứa đựng các quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định; Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại; Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp; Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại; Đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại; Thời hiệu khiếu nại đã hết mà không có lý do chính đáng; Khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; Có văn bản thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại; Việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý để giải quyết hoặc đã có bản án, quyết định của Tòa án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án (Điều 11 Luật Khiếu nại 2011).

  • Điều kiện thụ lý đơn tố cáo

Đơn tố cáo được thụ lý giải quyết khi thỏa mãn các điều kiện cơ bản sau đây:

  • Về hình thức: Gửi đơn tố cáo hoặc tố cáo trực tiếp. Tố cáo bằng bất kỳ hình thức nào cũng phải đảm bảo đầy đủ các thông tin cần thiết, trong đó phải có tên, địa chỉ, nội dung và chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo. Trường hợp nhiều người tố cáo trực tiếp thì phải cử đại diện để trình bày nội dung tố cáo.
  • Về chủ thể tố cáo: là công dân có năng lực hành vi dân sự và đảm bảo về độ tuổi.
  • Về đối tượng tố cáo: bao gồm hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân và hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Các hành vi bị cấm tố cáo: Cố ý tố cáo sai sự thật; kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật, mạo danh người khác để tố cáo; lợi dụng việc tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; quyên tạc, vu khống, gây rối an ninh, trật tự công cộng, xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín của người khác; vi phạm các quy định khác của pháp luật về tố cáo.

  1. Nguyên tắc giải quyết khiếu nại, tố cáo
  • Nguyên tắc giải quyết khiếu nại

Điều 4 Luật Khiếu nại 2011 quy định rõ nguyên tắc khiếu nại và giải quyết khiếu nại đó là: “…phải được thực hiện theo quy định của pháp luật; bảo đảm khách quan, công khai, dân chủ và kịp thời”. Luật cũng xác định nguyên tắc trách nhiệm của các chủ thể có trách nhiệm giải quyết khiếu nại. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, xử lý nghiêm minh người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm cho quyết định giải quyết khiếu nại được thi hành nghiêm chỉnh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

  • Nguyên tắc giải quyết tố cáo

Điều 4 Luật Tố cáo 2018 quy định nguyên tắc giải quyết tố cáo như sau: “1. Việc giải quyết tố cáo phải kịp thời, chính xác, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định pháp luật. 2. Việc giải quyết tố cáo phải bảo đảm an toàn cho người tố cáo; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo”.

Người tố cáo có trách nhiệm trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được; chịu trách nhiệm về nội dung tố cáo của mình và bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra. Nghiêm cấm người tố cáo cố ý sai sự thật; kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; mạo danh người khác để tố cáo; lợi dụng tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, gây rối an ninh trật tự công cộng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

  1. Thủ tục giải quyết khiếu nại và tố cáo

Thủ tục giải quyết khiếu nại và giải quyết tố cáo được tiến hành theo hai trình tự hoàn toàn khác nhau, được quy định cụ thể trong Luật Khiếu nại 2011, Luật tố cáo 2018. Đáng lưu ý là vấn đề thời hiệu; đối với khiếu nại, thời hiệu được tính là 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được có hành vi hành chính; đối với khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức, thời hiệu được tính là 15 ngày, kể từ ngày nhậ được quyết định kỷ luật. Trong khi đó, pháp luật không quy định thời hiệu    tố cáo.

Một số lưu ý khi giải quyết khiếu nại, tố cáo:

  • Trường hợp đơn vừa có nội dung khiếu nại vừa có nội dung tố cáo thì phải tách thành hai nội dung giải quyết theo con đường tố cáo, con đường khiếu nại tương ứng;
  • Trường hợp tiêu đề của đơn không thống nhất với nội dung thì phải xem xét nội dung. Nếu tiêu đề là đơn khiếu nại nhưng nội dung là tố cáo thì giải quyết theo con đường tố cáo, ngược lại, tiêu đề là đơn tố cáo nhưng nội dung là khiếu nại thì phải giải quyết theo con đường khiếu nại.
  1. Khiếu nại, tố cáo trong hoạt động công chứng
  1. Khiếu nại trong hoạt động công chứng

Khiếu nại liên quan đến hoạt động công chứng được thể hiện cũng khá đa dạng cả về chủ thể khiếu nại, đối tượng khiếu nại và thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

  • Về chủ thể khiếu nại: Tùy theo tính chất khiếu nại, đối tượng khiếu nại mà chủ thể khiếu nại khác nhau. Cũng có thể là công chứng viên; người yêu cầu công chứng; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan…đều trở thành người có quyền khiếu nại. Chẳng hạn: bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm công chứng viên; từ chối yêu cầu công chứng…
  • Về đối tượng khiếu nại: Hầu như các quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến tổ chức và hoạt động công chứng đều trở thành đối tượng khiếu nại, bao gồm: tập sự hành nghề công chứng; bổ nhiệm, miễn nhiệm, bổ nhiệm lại, cấp thẻ công chứng viên; thành lập, chuyển đổi, giải thể, thay đổi nội dung hoạt động, hợp nhất, sáp nhận, đăng ký hành nghề, thu hồi quyết định cho phép thành lập tổ chức hành nghề công chứng…
  • Về giải quyết khiếu nại: Việc giải quyết khiếu nại liên quan đến hoạt động công chứng do Trưởng phòng, Trưởng Văn phòng công chứng; Giám đốc Sở Tư pháp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Bộ trưởng Bộ Nội vụ, hoặc có thể khởi kiện vụ án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Ví dụ: Công chứng viên A bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng bằng quyết định của Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh B với lý do công chứng viên đang bị xử lý vi phạm hành chính. Công chứng viên A không đồng ý và khiếu nại quyết định này. Giám đốc Sở Tư pháp là người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại lần đầu theo trình tự do Luật Khiếu nại 2011 quy định. Sau khi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở Tư pháp, công chứng viên A không đồng ý và tiếp tục khiếu nại tiếp. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B giải quyết. Hoặc công chứng viên A có thể khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân tỉnh B theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

         Một số trường hợp khiếu nại và giải quyết khiếu nại cụ thể:

  • Thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Trưởng phòng, Trưởng Văn phòng công chứng giải quyết khiếu nại lần đầu, Giám đốc Sở Tư pháp giải quyết khiếu nại lần thứ hai đối với các trường hợp khiếu nại sau đây: Từ chối công chứng; vi phạm thời hạn công chứng; địa điểm công chứng; thu phí, thù lao, chi phí khác trong hoạt động công chứng; công chứng trái pháp luật; lưu trữ hồ sơ, cấp bản sao văn bản công chứng…
  • Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm giải quyết khiếu nại lần đầu và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết khiếu nại lần hai đối với các khiếu nại liên quan đến tổ chức và hoạt động công chứng thuộc các trường hợp: Thành lập Phòng công chứng, giải thể hoặc chuyển đổi Phòng công chứng; Quyết định cho phép thành lập, đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, thay đổi thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng, thay đổi và thu hồi quyết định cho phép thành lập Văn phòng công chứng, cho phép chuyển nhượng, hợp nhất, sáp nhập, chấm dứt hoạt động Văn phòng công chứng, tạm đình chỉ hành nghề công chứng viên…
  • Bộ trưởng Bộ Tư pháp giải quyết khiếu nại lần đầu đối với các khiếu nại liên quan đến tổ chức và hoạt động công chứng trong các trường hợp: Việc bổ nhiệm công chứng viên; bổ nhiệm lại công chứng viên; miễn nhiệm công chứng viên.
  • Giải quyết khiếu nại đối với hành vi từ chối bổ nhiệm công chứng viên: Trong thời hạn 30 ngày, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phải ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu. nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp thì người khiếu nại có quyền khởi kiện ra Tòa án.
  • Giải quyết khiếu nại đối với quyết định miễn nhiệm công chứng viên:

          Vì không được quy định trong Luật Công chứng nên không có quyền khiếu nại quyết định miễn nhiệm công chứng viên của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Áp dụng Luật Khiếu nại 2011, trong thời hạn không quá 30 ngày, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phải ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp thì người khiếu nại có quyền khởi kiện ra Tòa án.

  • Giải quyết khiếu nài đối với quyết định kỷ luật:

+ Đối với Phòng công chứng: Các Phòng công chứng là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, do vậy những người làm việc tại các Phòng công chứng là viên chức nhà nước. Việc kỷ luật đối với viên chức nhà nước được áp dụng theo quy định của Luật Khiếu nại 2011; Luật viên chức 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2019 và Nghị định số 27/2012/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật viên chức. Viên chức bị xử lý kỷ luật thì có quyền khiếu nại đối với quyết định kỷ luật, thời hiệu khiếu nại lần đầu là 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định kỷ luật. Thời hiệu khiếu nại lần 2 là 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu. Thời hạn thụ lý là 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại. Thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày khiếu nại.

+ Đối với Văn phòng công chứng: Vì người lao động tại Văn phòng công chứng không phải là cán bộ, công chức do đó người lao động phải khởi kiện tại Tòa án để giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động.

  • Giải quyết khiếu nại đối với việc thu phí, lệ phí: Trưởng Phòng công chứng, Trưởng Văn phòng công chứng có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Trưởng Phòng công chứng, Trưởng Văn phòng công chứng, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm giải quyết. Quyết định của Giám đốc Sở Tư pháp là quyết định cuối cùng.
  • Giải quyết khiếu nại đối với hành vi công chứng trái pháp luật: Hiện nay việc giải quyết này tồn tại 3 quan điểm như sau:

+   Quan điểm 1: Theo quy định tại Điều 52 Luật Công chứng 2014, người yêu cầu công chứng đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật.

+   Quan điểm 2: Trưởng Phòng công chứng, Trưởng Văn phòng công chứng có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Trưởng Phòng công chứng, Trưởng Văn phòng công chứng, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm giải quyết. Quyết định của Giám đốc Sở Tư pháp là quyết định cuối cùng.

+   Quan điểm 3: Khi nhận được đơn khiếu nại, Giám đốc Sở Tư pháp có thể giao Thanh tra Sở tiến hành thanh tra chuyên ngành đột xuất để xác định hành vi vi phạm. Nếu có hành vi vi phạm thuộc Nghị định số 82/2020/NĐ-CP thì Chánh Thanh tra Sở ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền.

  • Giải quyết khiếu nại đối với hành vi từ chối cho phép thành lập Văn phòng công chứng: Trong thời hạn không quá 90 ngày, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại lần hai tới Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
  • Giải quyết khiếu nại đối với hành vi từ chối cấp giấy đăng ký hoạt động cảu Văn phòng công chứng: Trong thời hạn không quá 30 ngày, đối với vụ việc phức tạp thì không quá 45 ngày Giám đốc Sở Tư pháp phải ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì người khiếu nại có quyền khiếu nại tiếp đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc khởi kiện ra Tòa án.
  1. Tố cáo trong hoạt động công chứng

Trên thực tế, nội dung tố cáo về các hành vi vi phạm pháp luật về công chứng rất đa dạng, phức tạp, đối tượng bị tố cáo có thể là công chứng viên, Triowngr Phòng công chứng, Trưởng Văn phòng công chứng, người yêu cầu công chứng, có thể kể gồm các hành vi như sau:

  • Thực hiện công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có một trong số bất động sản mà tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, không tuân thủ Điều 42 Luật Công chứng;
  • Thực hiện không đúng quy định về công chứng đối với bất động sản đã được thế chấp để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ và hợp đồng thế chấp đã được công chứng mà sau đó được tiếp tục công chứng để thế chấp bảo đảm cho một nghĩa vụ khác.
  • Thực hiện công chứng di chúc cho cá nhân không phải là người lập di chúc hoặc người lập di chúc bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình hoặc khi có căn cứ cho rằng việc lập di chúc có dấu hiệu bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép;
  • Thực hiện công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản không kiểm tra tính xác thực về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản hoặc không kiểm tra để xác định người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản hoặc khi có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật;
  • Công chứng viên nhận lưu giữ di chúc không niêm phong bản di chúc trước mặt người lập di chúc, không ghi giấy nhận lưu giữ và không giao cho người lập di chúc;
  • Tổ chức hành nghề công chứng nhận lưu giữ di chúc trước khi giải thể hoặc chấm dứt hoạt động không thỏa thuận với người lập di chúc về việc chuyển cho tổ chức hành nghề công chứng khác lưu giữ di chúc hoặc không trả lại di chúc và phí lưu giữ di chúc cho người lập di chúc trong trường hợp không thỏa thuận được…
  • Tiết lộ thông tin các tài liệu công chứng mà không được sự đồng ý của chủ giấy tờ bằng văn bản trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
  • Sách nhiễu, gây khó khăn cho người yêu cầu công chứng;
  • Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người yêu cầu công chứng ngoài phí công chứng, thù lao công chứng và chi phí khác đã được xác định, thỏa thuận;
  • Thực hiện công chứng trong trường hợp mục đích và nội dung của hợp đồng, giao dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội;
  • Thực hiện công chứng trong trường hợp công chứng liên quan đến tài sản, lợi ích của bản thân mình hoặc của những người thân thích là vợ hoặc chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, ông bà nội, ông bà ngoại, anh chị em ruột của mình, của vợ hoặc chồng, cháu là con của con trai, con gái, con nuôi.
  • Giải quyết tố cáo đối với hành vi công chứng trái pháp luật của công  chứng viên:

      Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hành vi công chứng trái pháp luật trong hoạt động công chứng gây thiệt hại, đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của người khác, người yêu cầu công chứng có quyền khởi kiện ra Tòa án, đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật.

      Người yêu cầu công chứng cũng có thể làm đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của công chứng viên. Trong trường hợp này, Trưởng Phòng công chứng, Trưởng Văn phòng công chứng có trách nhiệm kiểm tra, xác minh và quyết định thụ lý trong thời hạn 10 ngày. Trường hợp phải xác minh ở nhiều địa điểm thì thời hạn thụ lý không quá 15 ngày. Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 60 ngày kể từ ngày thụ lý, vụ việc phức tạp thì không quá 90 ngày kể từ ngày thụ lý. Có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày, vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày. Trường hợp không đồng ý với quyết định xử lý tố cáo của Trưởng Phòng công chứng, Trưởng Văn phòng công chứng, người tố cáo có quyền tố cáo đến Giám đốc Sở Tư pháp để giải quyết theo thẩm quyền.

  • Giải quyết tố cáo đối với hành vi công chứng trái pháp luật của Trưởng Phòng công chứng, Trưởng Văn phòng công chứng:

      Người yêu cầu công chứng có thể khởi kiện ra Tòa án giải quyết, đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật.

      Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm giải quyết tố cáo trong thời hạn không quá 90 ngày kể từ ngày thụ lý. Trường hợp không đồng ý với quyết định xử lý tố cáo của Giám đốc Sở Tư pháp, người tố cáo có quyền tố cáo đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong thời hạn không quá 90 ngày kể từ ngày thụ lý, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm giải quyết…

  • Giải quyết tố cáo đối với hành vi tiêu cực, tham nhũng của nhân viên hoặc của công chứng viên

      Trưởng Phòng công chứng, Trưởng Văn phòng công chứng có trách nhiệm giải quyết tố cáo theo quy định chung. Trường hợp không đồng ý với quyết định xử lý tố cáo của Trưởng Phòng công chứng, Trưởng Văn phòng công chứng thì người tố cáo có quyền tố cáo tiếp đến Giám đốc Sở Tư pháp. Trường hợp không đồng ý với quyết định xử lý tố cáo của Giám đốc Sở Tư pháp, người tố cáo có quyền tố cáo đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trường hợp có đủ dấu hiệu phạm tội thì truy cứu trách nhiệm hình sự.

  • Giải quyết tố cáo đối với hành vi tiêu cực, tham nhũng của Trưởng Phòng công chứng, Trưởng Văn phòng công chứng

      Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm giải quyết tố cáo. Trường hợp không đồng ý với quyết định xử lý tố cáo của Giám đốc Sở Tư pháp, người tố cáo có quyền tố cáo đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cáp tỉnh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm giải quyết theo thủ tục chung.

  1. Nguồn tài liệu

          Bài tiểu luận về khiếu nại, tố cáo trong hoạt động công chứng trên đây có thể hoàn thành là nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ các nguồn tham khảo sau đây:

  • Luật Khiếu nại 2011;
  • Luật Tố cáo 2018;
  • Luật Công chứng 2014;
  • Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp…
  • Giáo trình kỹ năng hành nghề công chứng tập 1 của Học viện Tư pháp.

 


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem