Tác phẩm Một nghìn lẻ một đêm - đỉnh cao của nghệ thuật kể chuyện

Ngày đăng 31/08/2023
298 Lượt xem

 

1. Truyện khung với tác phẩm Nghìn lẻ một đêm

Trần Thị Hồng Vân trong Về nguồn gốc truyện kể “Nghìn lẻ một đêm” đã nhận định: đứng đầu những tác phẩm văn học dân gian đó là kiệt tác Nghìn lẻ một đêm. Trong đó, bà cho rằng thể loại văn học Trung cổ Arap được thế giới đánh giá cao không phải là những tác phẩm văn xuôi do giới tri thức đương thời sáng tác. Những tác phẩm truyện kể dân gian mới là thứ được đánh giá cao, dù thời điểm chúng được tạo thành, chúng được xếp vào tầng lớp văn học cấp thấp. Có thể thấy, nhu cầu thẩm mỹ của mỗi thời đại lại một thay đổi, những câu chuyện của người hát rong trên đường phố, dùng để cho tầng lớp tiện dân để mua vui. Nay lại trở thành những kiệt tác văn học thế giới, trong đó, Nghìn lẻ một đêm là một truyện kể điển hình.

Nghìn lẻ một đêm được sáng tác theo kết cấu truyện khung, đây là một đặc điểm nghệ thuật đáng chú ý ở các tác phẩm chuyện kể dân gian. Bởi lối kể chuyện theo công thức gồm các tiểu truyện liên kết với nhau và đều nằm trong một gốc truyện nền, khiến cho người kể truyện dễ dàng khơi gợi sự tò mò đối với người nghe. Trong thời kì Phục hưng ở Châu Âu, có thể tìm thấy kết cấu này ở tác phẩm Mười ngày của Giovanni Boccaccio. 

Về phần khái niệm truyện khung, theo Nguyễn Ngọc Bảo Trâm (2009) nhận định: “Kiểu truyện khung (frame story hay frame narrativeframe tale) là kiểu truyện mà tác phẩm là một câu chuyện dài có khả năng hàm chứa trong bản thân nhiều truyện kể khác được liên kết lại. Một câu chuyện có mở đầu và kết thúc đóng vai trò là truyện trung tâm (main story) hay còn gọi là truyện nền (basic story) để tạo nên một khung truyện làm cơ sở cho những truyện kể khác có thể kết nối, tập hợp lại với nhau theo cấu trúc truyện lồng truyện để từ đó tạo nên một tác phẩm có dung lượng lớn và nội dung phong phú.”

2. Nghệ thuật mở và đóng thông qua cốt truyện nền của Nghìn lẻ một đêm

Trong Nghìn lẻ một đêm, truyện nền được lấy bối cảnh vào triều đại Xatxanien – được mô tả là một vương triều thịnh trị ở nước Ba Tư cổ, thời điểm các nhà vua đã mở rộng biên cương sang tận các nước như Ấn Độ, Trung Hoa. Câu chuyện bắt đầu khi vua cha băng và nhường ngôi lại cho con trai trưởng là Saria. Hoàng tử Saria lên ngôi vua và đã thử lòng em trai bằng cách cho chàng một cuộc sống không nắm quyền lực trong tay. Nhưng Sadonang vẫn rất vui lòng và yêu mến vua anh, bởi thế, chàng đã được vua anh cắt đất và phong thành vua. Hai anh em họ phát triển hai đất nước thịnh trị, nhân dân ấm no hạnh phúc. 

Biến cố xảy ra bắt đầu từ cuộc hẹn gặp vì nhớ vua em của vua anh, qua đó, vua anh đã sai người đến đất nước của vua em và mời vua em trở lại đất nước của mình. Sau đó, vua em rất vui vẻ cùng đoàn tháp tùng đi gặp vua anh, nhưng giữa đường nghỉ chân, chàng vì nhớ nhung hoàng hậu nên đã trở về thăm nàng. Kết quả chàng đã bắt gặp ả hoàng hậu ngoại tình một cách trắng trợn khi chàng đi vắng. Sadonang ôm nỗi thất vọng về phụ nữ đi đến gặp vua anh. Chàng lại vô tình phát hiện hoàng hậu của vua anh ngoại tình một cách có hệ thống với các ả hầu của mình, bởi ả nghĩ vua anh và vua em cùng các cận thần đã đi ra ngoài đi săn. 

Niềm thất vọng về phụ nữ trong lòng vua em đã dâng trào đến mức trở thành tuyệt vọng và trở nên vui vẻ theo lối bất lực. Vua Sadonang cảm thấy chàng không cần phải mang nỗi u uất chỉ vì một ả đàn bà không đáng. Nên chàng đã chào đón vua anh Saria bằng thái độ niềm nở, khác hẳn với lúc từ khi chàng đến hoàng cung của anh. Những chuyển biến về cảm xúc của Sadonang khiến Saria chưa kịp thích nghi đã vội xoay vòng, nên vua anh đã buộc vua em phải trình bày rõ lý do của những điều đó. 

Khi vua em trình bày về câu chuyện hai nàng hoàng hậu của cả hai anh em đều ngoại tình. Vua anh đã thất vọng đến mức tiêu cực, tâm lý chạy trốn thúc giục ngài rời bỏ hoàng cung và đi hành khất ở nơi xa. Vua em không cam lòng nhưng cũng không muốn cãi lời anh, nên chàng đã chấp nhận với điều điện rằng: khi nào hai người họ gặp được người bất hạnh hơn, thì họ buộc phải quay về hoàng cung. Qua chuyến hành trình, họ đã gặp được một mỹ nhân và bị nàng ép làm tình nhân thứ 99 và 100. Trong đó, nàng là một người con gái có tình cảnh đáng thương, nàng vốn là cô dâu sắp đám cưới nhưng lại bị gã hung thần bắt đi trong chính ngày hệ trọng ấy. Hắn đã nhốt nàng trong một chiếc hòm thủy tinh bị khóa bằng 4 chiếc chìa khóa để phòng trừ nàng ngoại tình và chỉ mở ra khi có nhu cầu ân ái. Tuy số phận của nàng bất hạnh, nhưng dưới con mắt của những người đàn ông bị vợ ngoại tình, có lẽ hai anh em Saria và Sadonang sẽ thấy gã hung thần kia mới thật đáng thương (?).

Sau khi trở về hoàng cung, vua anh lập tức xử tử người đàn bà ngoại tình và những người đồng phạm của ả, nhằm trị tội những kẻ thích đáng. Tuy nhiên, ngài còn ra một lệnh khiến đất nước trở nên hoang mang, rúng động. Ngài đã yêu cầu một ngày phải có một trinh nữ tiến cung làm vợ vua và người con gái đó sẽ bị xử tử trong rạng sáng hôm sau để nàng ta không có cơ hội ngoại tình. Danh tiếng của vua anh từ một đấng minh quân nhà nhà ủng hộ trở thành một tên vua hung bạo khiến ai ai cũng phải khiếp sợ. Có thể coi đây là bước ngoặc mang tính chất chuyển lớn nhất của câu chuyện. Từ đây, nhân vật Seherazat xuất hiện kéo theo các bộ tiểu truyện, tạo nên kết cấu truyện khung cho tác phẩm. Theo đó, truyện nền kết thúc chính là cánh cửa khép lại dành cho các tiểu truyện, lúc này, mâu thuẫn lớn được phá vỡ. Nhà vua Saria đã không còn mối hận thù dành cho phụ nữ, không còn cảnh những cô gái trinh vô tội bị giết hại. Đất nước lại quay về thời kì thanh bình, bởi nhà vua sáng suốt anh minh của họ đã quay trở lại. 

Tiến hành kể các tiểu truyện, Seharazat đã tài trí mang theo em gái, xin phép nhà vua được ngủ cùng đêm cuối cùng. Nhân lúc mọi chuyện ăn nằm xác thịt xong xuôi, em gái sẽ xin chị kể chuyện cho nghe, nàng Seharazat bắt đầu kể chuyện và các câu chuyện đều bị bỏ lửng ngay lúc sáng sớm. Điều này đã giúp nàng không bị bạo chúa giết ngay bởi tính tò mò, lòng ham thú muốn được nghe kể tiếp câu chuyện đang dở. Thực tế, tác phẩm được lưu truyền trong dân gian, nên kết cấu được các người hát rong, người kể chuyện đường phố ảnh hưởng khá nhiều. Nơi đây, họ sẽ bỏ lửng kết thúc để khán giả tò mò, nhằm kéo khách đến trong lần sau. 

 


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem