Review sách: Hoàng Tử Bé Câu chuyện của những đứa trẻ không bao giờ lớn

Ngày đăng 31/08/2023
280 Lượt xem

Hoàng Tử Bé Câu chuyện của những đứa trẻ không bao giờ lớn

Tác giả của cuốn tiểu thuyết Hoàng Tử Bé là một nhà văn người Pháp, tên Antoine de Saint Exupéry được sinh ra tại Lyon. Trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, ông đã được gia đình cho định cư ở Thụy Sĩ. Mãi đến năm 1917, ông mới trở về Pháp. Khi chiến tranh thế giới thứ hai nổi ra, ông đã tham gia không quân, sự nghiệp của ông kết thúc khi máy bay của ông mất tích ở Địa Trung Hải. 

Tác phẩm Hoàng Tử Bé của Antoine de Saint Exupéry được dịch giả Nguyễn Thành Long biên dịch sang tiếng Việt. Trong tác phẩm là những nỗi đau của cuộc sống, có thể tác giả đã từng trải qua. Bằng hình thức đối đáp giữa hai nhân vật, tác giả đã thể hiện những tư tưởng đạo lý. Có thể thấy, các giá trị đạo đức được khơi dậy trong lòng người đọc theo cách vô cùng đơn giản thông qua cuốn sách Hoàng Tử Bé. Nhưng nếu như ta ngẫm nghĩ suy niệm, thì những câu chuyện tác giả sáng tác có sức gợi và tạo ra một chiều kích vô cùng triết học.

Hoàng Tử Bé là một cuốn tiểu thuyết dành cho những đứa trẻ, hoặc những ai đã từng là một đứa trẻ. Từ ngữ “đứa trẻ” được tác giả sử dụng mang theo hướng ngụ ý là phần nhiều. Đó là hình ảnh một đứa trẻ mộng mơ trong mỗi con người chúng ta, và ai trong chúng ta cũng có một đứa trẻ không bao giờ lớn. Đối với những người bình thường, có thể đứa trẻ ấy sẽ héo mòn đi theo năm tháng. Nhưng đối với những người có tâm hồn mộng mơ, những điều vụn vặt trong trái tim của họ được lấp đầy bằng những thứ thức ăn tinh thần bí ẩn, thì họ chính là một người vô cùng hạnh phúc.

Tình huống truyện trong Hoàng Tử Bé bắt đầu khi nhân vật tôi gặp một chuyến tai nạn máy bay. Anh ta phải đối mặt với hoàn cảnh bị đói ăn và bị khát nước, tình huống hiểm nghèo khiến anh ta cảm giác bản thân còn trơ vơ hơn những kẻ bị đắm tàu ở giữa biển cả. Trong cơn hoạn nạn, nhân vật tôi đã được một cậu bé cứu sống, hai người bắt đầu bầu bạn với nhau. Giữa họ dường như không còn quá nhiều khoảng cách, bởi suy cho cùng thì nhân vật tôi cũng đã từng là một cậu bé mộng mơ như cậu bé kia. 

Tuy bị lạc trong một hành tinh có tên là thiên thạch B.612, nhưng ở nơi đó cũng không khác gì trái đất là mấy. Nhân vật tôi vẫn nhận thức được những thứ đơn giản thường ngày, như hoa hồng, con cừu, hay những thứ đồ chơi vẽ vời của trẻ con. Hành tinh này chỉ to bằng một ngôi nhà ở trái đất. Nhưng nó là một thiên đường tuyệt vời dành cho những đứa trẻ ham chơi.

1. Thế giới mộng mơ của một tâm hồn yêu đời

Khi đọc tác phẩm, sẽ có những lúc chúng ta rơi vào trạng thái không thể phân biệt được câu chuyện đang là đối thoại hay độc thoại. Bởi kết cấu truyện rất dễ khiến người ta đưa ra một giả thuyết: đứa trẻ - vị hoàng tử chính là hóa thân của nhân vật tôi. Liệu rằng nhân vật tôi sau khi trường thành đã bị vùi nén mộng mơ quá nhiều. Nhưng đứa trẻ trong lòng anh ta chưa bao giờ biến mất. Trong khoảng thời gian anh ta bị mất sức dẫn đến cái chết, những thước phim mộng mơ từ thời tấm bé đã đưa anh ta đến cõi thiên đường. Giúp anh ta có được một phần an ủi trước lúc bị sự thật khắc nghiệt chôn vùi. 

Tựa như cuốn sách Cây cam ngọt của tôi, cuốn sách Hoàng tử bé luôn đưa người đọc tới một quãng đời mơ mộng của những đứa trẻ “hư”. Chúng là những đứa trẻ không chấp nhận được việc bị áp bức trưởng thành, nó sống theo bản năng cảm tính của con người, luôn thích chơi và tin vào trò chơi ấy. Điều này không phù hợp với cuộc sống lý tính - thứ được người ta quy định là điều tối quan trọng trong cuộc sống hằng ngày.  

Tình tiết trong Hoàng tử bé khiến tôi đặc biệt chú ý đó là chi tiết giữa con cừu và hoa hồng, liệu con cừu có ăn hoa hồng hay không? Con cừu tượng trưng cho hiện thực xã hội còn hoa hồng tượng trưng cho đời sống mộng mơ. Cuộc đời cảm tính sẽ đem đến cho chúng ta niềm vui, vì thứ tối quan trọng trong những sự lựa chọn cảm tính chính là làm những điều mình thích, chơi những gì mình muốn và ở bên cạnh người mình yêu. Khác hẳn hoàn toàn với cuộc đời lý tính, khi bất kể việc gì cũng phải cân đo đong đếm xem bản thân có được lợi ích hay thiệt hại về mặt tiền bạc vật chất. 

Hoa hồng vô cùng đẹp, nhưng hoa hồng chỉ dừng lại ở sự đẹp. Nó chỉ đơn thuần cung cho chúng ta nguồn sống về mặt tinh thần. Con con cừu mới thực sự đem đến cho chúng ta giá trị vật chất, giúp nuôi sống con người từ khía cạnh lý tính. Nhưng nếu cuộc sống chỉ đơn giản là việc duy trì nguồn sống, thì nó sẽ trở nên nhàm chán đến nhường nào? Tuy vậy, nhưng cuộc sống chỉ có những thứ thức ăn tinh thần, thì cuộc sống sẽ khó để có thể duy trì. 

Trong thần thoại Nhật Bản, cũng có một tình tiết tương tự, đó là khi hoàng tử lúa được lựa chọn giữa công chúa hoa và công chúa đá. Nếu như lựa chọn công chúa đá, người sẽ có một giang sơn vững bền, một cuộc sống phồn vinh mãi mãi. Nhưng chọn cuộc sống với đá chính là chấp nhận một cuộc đời trơ trơ, không có tính thẩm mỹ về mặt cảm xúc. Còn nếu lựa chọn công chúa hoa, thì giang sơn của ngài sẽ trở nên tươi đẹp và muôn sắc màu, tuy nhiên, cuộc sống của ngài sẽ chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, bởi tính chất của hoa là mau chóng lụi tàn. Hoàng tử lúa đã không thể chấp nhận cuộc sống một màu nhàm chán với công chúa đá, người sẵn sàng chấp nhận việc có thể chết đi, có thể lụi tàn theo năm tháng, chỉ cần tinh thần ngài được nuôi dưỡng. 

Cuộc sống sẽ chẳng còn gì nếu như chỉ để tồn tại. Tồn tại chẳng có nghĩa lý gì nếu không được sống, không được tự do yêu đương và làm những điều bản thân cho là đúng đắn. Câu chuyện tình cảm/ cảm xúc là những điều mà lý trí không thể đoán định được. Những việc làm ta cho là đúng đắn nhưng khi áp lăng kính cảm tính vào thì cũng chưa chắc. Đôi khi lựa chọn thắng cuộc chưa chắc là kẻ thắng, nhưng lựa chọn thua cuộc thì đã chính là thua. Hoàng tử lúa có thể chấp nhận sự chết, miễn là anh ta được đẹp, được tận hưởng những điều đẹp đẽ và mỹ miều. Những sắc hoa tươi mới là thứ đẹp đẽ ai cũng nhận thấy, nhưng hiếm có ai cảm nhận và hiểu được vẻ đẹp của sự lụi tàn. 

2. Hiện thực nhàm chán của cuộc sống

Cuộc sống hằng ngày luôn bắt những đứa trẻ phải nhanh chóng trưởng thành, nhanh chóng thích nghi được với những thứ lừa lọc đến mức không còn tin vào những giá trị của những loại tình cảm đẹp. Họ luôn cho rằng xã hội này xấu xa, nhưng lại quên đi rằng họ chính là một phần làm nên xã hội. Họ luôn muốn dạy con cái phải tính toán thiệt hơn, vì sợ hãi trước những manh móng lừa gạt của xã hội. Nhưng họ cũng quên mất rằng bởi vì những sự dạy dỗ đó mới khiến cho xã hội ngày càng trở nên phức tạp. Đôi khi, con người chúng ta quên mất rằng chính chúng ta là một phần tử của xã hội. Chính chúng ta là người làm cho xã hội này tốt hay xấu. 

Nếu có một điều ước để thay đổi cuộc sống, tôi hy vọng rằng con người có thể đối xử với nhau đơn giản hơn một chút. Yêu thương nhau một chút, và nhường nhịn nhau một chút. Nếu như có lỡ bị cuộc đời vùi dập, đừng nên vùi dập lại cuộc đời. Hãy trao đi niềm tin và tình yêu thử một lần, bạn nhé!

 


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem