Review sách: Cơ hội của Chúa – tôn giáo là điểm tựa khi con người cùng quẫn (?)

Ngày đăng 31/08/2023
156 Lượt xem

 

Nguyễn Việt Hà (1962 - ?) tên thật là Trần Quốc Cường, sinh ra tại Hà Nội. Thực tế, bút danh của ông được lấy từ tên vợ, điều này cho thấy tác giả là một người chồng lãng mạn. Xuất thân trong gia đình tiểu thị dân, từng làm nhân viên Ngân hàng Công thương nên tầm nhìn của ông đối với những sự kiện lịch sử có thể coi là khá “đời”. Tác phẩm Cơ hội của Chúa đã thể hiện rõ bộ mặt kinh tế Việt Nam giai đoạn chuyển đổi hình thái từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường. Có thể thấy, tác giả đã sử dụng thành công những kinh nghiệm quý báu của bản thân để xây dựng nên những thế giới quan sinh động trong tác phẩm. 

Nguyễn Việt Hà là nhà văn xuất sắc, ông từng được mời dự giao lưu văn chương tại Mỹ năm 2002. Sự nghiệp văn chương của ông khá dài trải, các sáng tác bao gồm những thể loại khác nhau có thể kể đến như: truyện ngắn, tạp văn, tiểu thuyết, kịch, v.v. Ở thể loại truyện ngắn, tác giả đã đạt được thành công qua tác phẩm Sếp và tôi, trong cuộc thi do Tạp chí sông Hương tổ chức vào năm 1993 với danh hiệu giải nhì. Những truyện tập truyện ngắn tiếp theo có thể kể đến là: Thiền giả (1998), Của rơi (2004), v.v. Ngoài ra, có thể kể đến những tạp văn như: Nhà văn thì chơi với ai, Mặt của đàn ông, Đàn bà uống rượu, Con giai phố cổ, v.v. Đối với thể loại tiểu thuyết có thể kể đến những sáng tác: Ba ngôi của người, Khải huyền muộn, Cơ hội của Chúa. Có thể dễ dàng nhận thấy tương quan tôn giáo trong bộ ba tiểu thuyết được liệt kê phía trên của Nguyễn Việt Hà. Tuy nhiên, trong bài phân tích này, chúng tôi chỉ điểm qua những nét đặc sắc trong tác phẩm Cơ hội của Chúa, từ đó sẽ gợi mở về thế giới quan tôn giáo trong tác phẩm.

Tác phẩm Cơ hội của Chúa được Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1999. Trong đó, tác giả đã sáng tác trong một khoảng thời gian dài từ tháng 3 năm 1989 đến tháng 2 năm 1997. Đây được xem là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Việt Hà, bởi trước đó ông thường sáng tác truyện ngắn hay tạp văn. Ra đời không lâu, Cơ hội của Chúa đã gặp phải nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề lập trường chính trị, nên tác phẩm đã bị ngừng tiêu thụ. Nguyên nhân cho sự kiện trên được Bùi Thị Nhung (2015) giải thích là do tại thời điểm 1999, tiểu thuyết Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi tư duy truyền thống. Bởi khoảng gần mười năm sau đó, Cơ hội của Chúa đã được tái bản trở lại và được đông đảo công chúng đón nhận. Từ đây, có thể thấy Nguyễn Việt Hà đã là một trong những nhà văn góp công cho việc hiện đại hóa văn học nước nhà.

Trong tác phẩm Cơ hội của Chúa, Nguyễn Việt Hà đã sử dụng một câu trong Kinh thánh như lời đề từ cho tác phẩm: “Sự cùng quẫn cuối cùng của con người đấy là cơ hội của Chúa”. Bởi thế, nên nội dung tác phẩm xoay quanh cuộc sống đời thường, kể về những đoạn tình cảm và những phi vụ trên thương trường. Thông qua đó, tác giả đã thể hiện nhân sinh quan trong những câu truyện triết lý. Với thi pháp đa thanh và góc nhìn nội quan, các nhân vật lần lượt thay nhau kể chuyện. Từ đây, tác phẩm văn học trở thành một văn bản chứa đựng nhiều luồng ý kiến khác nhau, xoay quanh một vấn đề gốc. Thi pháp trên khiến người đọc cảm nhận tác phẩm tương đương với việc nhận thức những vấn đề thường nhật. Từ đây, vấn đề tiếp nhận của độc giả cũng được giới phê bình nghiên cứu quan tâm.

Câu chuyện trong Cơ hội của Chúa xoay quanh các nhân vật: Hoàng, Tâm, Nhã, Thủy, v.v. Giữa họ là những mối dây ràng buộc của tình bạn, tình yêu, tình anh em; và dung hòa trong bức tranh chung của thời đại kim tiền, những nảy sinh trong các mối quan hệ đẩy họ đến gần hoặc kéo họ ra xa nhau. Trong đó, Hoàng là một cựu sinh viên xuất sắc trường đại học Tổng hợp, anh được Nhã (cô bạn thân) xin cho làm viên chức nhưng không có cơ hội thăng tiến, còn bị cho nghỉ phép dài hạn. Hoàng sống cuộc đời lãng tử, anh từng theo ban nhạc, còn viết văn và có những người bạn trong giới văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, anh lại thường xuất hiện trong tác phẩm với hình tượng bợm rượu, tửu lượng của anh được các nhân vật trong truyện đề cao. Đến mức, anh khiến người ta chán ghét với hình tượng vô công rỗi nghề, hay xin tiền của em trai và bạn thân. Đối với hình tượng nhân vật Hoàng, theo Nguyễn Việt Hà: “Bản chất của nhân vật Hoàng trong Cơ hội của Chúa là trong trắng, nhưng khi anh ta phải đối diện với cuộc đời nhiều hoen ố tệ bạc thì bị ăn đòn.” 


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem