Những dư âm dậy sóng

Ngày đăng 02/09/2023
195 Lượt xem

Tác giả

 Ca dao, tục ngữ ngợi ca nghề giáo cao cả đã có tự bao giờ. Chúng tôi làm nghề tự hào nhiều lắm về lòng biết ơn và kính trọng của nhân dân "Một chữ cũng là thầy”, “không thầy đố mày làm nên”. "Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Truyền thống ấy như nâng nhẹ chúng tôi làm việc vơi đi bao nhọc nhằn, vất vả để dạy chữ, dạy người, mong muốn các em lớn lên trở thành một công dân tốt, có ích cho xã hội. Nhưng mấy ngày nay, cô giáo Nguyễn Đỗ Thị Bảo Trân, giáo viên Trường Tiểu học Cù Chính Lan thành phố Pleiku (Gia Lai)  đang gặp bão tố, phong ba của tầng lớp Phụ huynh học sinh kéo nhau đến cổng trường chăng cờ, kéo ngữ áp đảo cô cũng chỉ vì chữ “C” ghi trong học bạ của học sinh lớp 1 năm học trước. Ôi! Thương đồng nghiệp tôi quá!

Hình ảnh các phụ huynh phản đối cô giáo Nguyễn Đỗ Thị Bảo Trân (Nguồn internet)

Đã trải qua hơn 30 năm công tác trong ngành Giáo dục, tôi đã chở cũng hơn 30 chuyến đò qua sông, cũng gặp không ít những sóng gió, có khi cứ tưởng mình không bám trụ nổi với nghề khi “Ách ngoài đàng mang vào cổ” dửng dưng đến. Tôi cố bình tâm để vượt qua cũng chỉ nghĩ tới các em học sinh thân yêu, mỗi ngày đến trường vô tư, trong trắng như tờ giấy, giảng những bài học hay nhất thu vào lòng trẻ những gì  mà mình học trong trường Sư phạm. Tâm lí trẻ, giáo dục trẻ bằng những ví dụ thực tế có xung quanh các em, để ánh mắt trong veo ấy ngạc nhiên, trầm trồ, ngưỡng mộ, rồi có thể mai sau lại đi cùng đường, cùng nghề với tôi. Và phụ huynh học sinh thuở ấy cũng khác hẳn với phụ huynh học sinh bây giờ nhiều lắm. Không phải cô Bảo Trân bị phụ huynh học sinh phản đối mà tôi đem ra so sánh. 

Sinh thời, Bác Hồ đã căn dặn nghề giáo chúng tôi: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây/Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, chúng tôi thấy vinh dự lắm, tự hào lắm. Nơi nào có người dân sinh sống, nơi ấy có chúng tôi mang con chữ nhọc nhằn, mang lời ca, tiếng hát để các em vui tươi trong giờ học, giờ chơi, sao đồng nghiệp của tôi bị rẻ khinh như thế? Mảnh ghép cuộc sống môi trường giáo dục đang bị nhầm lẫn với thương trường bất động sản, với không gian mạng bị ngã giá xô bồ! Thương thầy cô, thương các em ở ngôi trường Cù Chính Lan (Gia Lai) nhiều lắm.

 Cho tôi được chia sẻ hai vấn đề về học sinh và thầy cô giáo nơi đây.

Thứ nhất: Lòng bao dung để thầy cô vững bước

Chuyến đò qua sông là một năm học kết thúc. Năm học 2022 – 2023, tuy còn nhiều hạn chế nhưng thầy cô ngôi trường mang tên anh hùng diệt xe tăng giặc Pháp thuở xưa Cù Chính Lan có lẽ phải mất nhiều thời gian không ngủ khi sang sông rồi mà chới va chới với leo lên bờ bị một giáo viên gặp nạn. Và cô giáo nếu không có lòng yêu nghề thì chắc cô đã nghỉ việc rồi chứ không còn phải chờ Quyết định chuyển đi ngôi trường khác. Lòng can đảm của cô như chất thép trong thơ của Bác Hồ:

“Gạo đem vào giã bao đau đớn

Gạo giã xong rồi trắng tựa bông

Sống ở trên đời người cũng vậy

Gian nan, rèn luyện mới thành công”.

Giáo viên chúng tôi là vậy đấy! Chúng tôi như bông sen sống trong bùn đen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.” Bao năm trời học nghề mà giũ bỏ nghề thì cô Bảo Trân không bao giờ nghĩ tới, bởi bên cô vẫn còn gia đình, bạn bè, người thân, đồng nghiệp và đâu phải tất cả phụ huynh nhà trường phản đối cô. Trấn an tinh thần để cho cô vững vàng đứng trên bục giảng đánh thức tiếng đàn của cung thanh, cung trầm, tiếng hát trong trẻo giữa núi rừng Tây Nguyên lộng gió, chan hòa nắng. 

Tập thể giáo viên, nhân viên trường tiểu học Cù Chính Lan là niềm động viên, an ủi to lớn nhất, đặc biệt là Chi bộ, Ban giám hiệu trường  Công đoàn cơ sở, Đoàn Thanh niên, và quan trọng hơn tất cả là những thầy cô lớn tuổi, có thể là người cha, người mẹ nâng nhẹ bước đi cho cô Bảo Trân bớt nỗi ưu phiền trong công tác khi cô đến môi trường công tác mới.

Tập thể ngôi trường Tiểu học Lê Lai, dang rộng cánh cổng trường để chào đón thành viên mới bước vào ngôi trường đầy niềm tin và hi vọng, gạt đi những mặc cảm nhỏ nhen ấy để cộng đồng cùng cô Trân làm tốt sự nghiệp trồng người.

Bài học đầu tiên cũng là bài học cuối cùng để cô Trân soi lại mình qua những Mô đun Bồi dưỡng thường xuyên mình đã học thời covid – 19 vẫn còn mới toanh. Âu cũng là chuyện nghề mình bắt gặp, tôi đồng cảm với cô, gắng sức rèn luyện để cùng các em bước nhẹ trên sân trường cùng tà áo dài bay bay trong nắng, dịu dàng mà mến thương.

Thứ hai: Rèn kĩ năng sống cho các em học sinh, gia đình.

Đất nước đã đổi thay, cuộc sống cũng có nhiều thay đổi. Mạng xã hội Zalo, facebook,...là con dao hai lưỡi cắt những vết cắt không được bằng phẳng bức tranh cuộc sống. Còn đâu những ngày dang nắng dầm mưa của lũ trẻ sau buổi học để ra đồng chăn trâu, cắt cỏ mà thay vào đó là trò chơi điện tử trên chiếc điện thoại thông minh đắt tiền của cha mẹ. Trẻ nhỏ mất đi kĩ năng sống ngoài đời, được cha mẹ, ông bà cưng chiều nên mất đi rất nhiều hành vi, việc làm dẫn đến thiếu kĩ năng. Vào lớp học môn âm nhạc không thuộc lời bài hát là chuyện đương nhiên. Giáo viên kiểm tra cá nhân thì biết chỗ nào đâu mà nhắc lại. Trong phút nóng vội thì mới nên cơ sự phụ huynh chăng khẩu hiệu trước cổng trường. Mất hay!

Giá như thường ngày cô giáo và phụ huynh học sinh thông tin tốt hai chiều có lẽ sự việc không đi xa đến như thế. Nhưng cũng chỉ vì “Nhờ zalo, facebook giữ hộ” nên mật ngọt, hương thơm cho đời không thấy mà thấy “gừng cay, muối mặn” là thế đấy! Ta không trách anh zalo, facebook nhưng ta tự trách ta với việc làm và hành động chưa đến mức là đỉnh điểm để cho nghề “bắc cầu kiều” bị xã hội trách móc, rẻ khinh. Nỗi vất vả, gian nan cõng con chữ lên Tây Nguyên qua bài “Buôn Chư – lênh đón cô giáo” là niềm hạnh phúc nhất mà giáo viên trong cả nước vẫn lan tỏa trong bài học tập đọc. Hình ảnh anh hùng Đinh Núp, người con của Tây Nguyên vẫn là mãi mãi ghi nhớ với hàng triệu học sinh qua bài học “Người con của Tây Nguyên”. Trân quý lắm!

Thay lời kết cho bài viết, tôi muốn gửi những ân tình, nghĩa nặng đến cô Nguyễn Đỗ Thị Bảo Trân cái bắt tay thắm thiết để “trồng cây” ở ngôi trường mới vùng Tây Nguyên thật tốt và tin yêu hơn. Để bài hát “Bụi phấn”, “Người giáo viên Nhân dân”... được cô ngân lên da diết, lắng đọng cùng  tiếng đàn ghi ta đọng trong mỗi học sinh, thầy cô và các bậc phụ huynh học sinh. Và trong tôi, lời bài hát ấy ngân vang mãi mãi “Em mơ ước sau này...Cho em bài học hay...”.


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem