Đề tài Nghiên Cứu Khoa Học: Trần Hưng Đạo Từ Chính Sử Đến Tiểu Thuyết Lịch Sử "Đức Thánh Trần" Của Nhà Văn Trần Thanh Cảnh

Ngày đăng 30/08/2023
454 Lượt xem

1. Lý do chọn đề tài

Hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước, Việt Nam ta có bề dày lịch sử cùng nhiều nét văn hóa truyền thống tốt đẹp. Lịch sử Việt Nam là một nguồn tư liệu phong phú và đáng trân quý. Tuy nhiên, tình hình chung thì việc dân ta biết sử ta còn quá hạn chế. Mà việc dân ta thông thạo sử nước ngoài (đặc biệt là lịch sử Trung Quốc) thì lại là một điều quá hiển nhiên, đây là một thực tế đáng buồn.

Có thể nói, trừ những học sinh, sinh viên chuyên ngành hay những người đam mê với bộ môn lịch sử ra, thì dường như không một ai còn quan tâm và hiểu biết lịch sử dân tộc cả. Vậy nguyên nhân ở đây là gì? Là do lịch sử nước ta thua kém lịch sử nước bạn hay sao? Hay còn một nguyên nhân nào khác?

Đối với lịch sử nước ngoài, điển hình là lịch sử Trung Quốc thì lại được người dân Việt Nam ta biết đến một cách rộng rãi, có khi là thuộc lòng. Vì Trung Quốc, họ biết cách biến tấu từ chính sử khô khan thành những bộ tiểu thuyết, những bộ phim một cách đầy màu sắc và sinh động. Nên việc có thể đưa tri thức lịch sử đến phổ biến toàn dân và vươn ra thế giới là điều đương nhiên.

Để có được những bộ phim xuất sắc, thì cần có một kịch bản hay, mà muốn có một kịch bản hay, thì nhất định không thể thiếu được cốt truyện tốt, muốn có một cốt truyện tốt, thì lại phải cần nhiều nguồn tài liệu so sánh đáng tin cậy. Ở thể loại tiểu thuyết lịch sử - một thể loại đặc biệt khi pha trộn giữa cái có thật và cái hư cấu. Mà cái có thật được dựa trên chính sử, cái hư cấu là những yếu tố được thêm thắt vào để nhằm gia tăng tính hấp dẫn và thú vị cho câu chuyện. Hiện nay, ở Việt Nam ta tuy chưa có những bộ truyện nổi tiếng được như Tam quốc diễn nghĩa hay Thủy hử... có thể phát triển mạnh mẽ, phổ biến rộng rãi với tất cả mọi người dân trong nước và vươn ra thế giới. Tuy nhiên, không thể phủ nhận là đã có sự gia tăng về số lượng cũng như chất lượng. Với sự xuất hiện của các tác phẩm như Bão táp triều Trần (Hoàng Quốc Hải), Sông Côn mùa lũ (Nguyễn Mộng Giác), Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh), Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), Từ Dụ thái hậu (Trần Thùy Mai),… tiểu thuyết lịch sử đã có thể chứng minh được giá trị của bản thân và khẳng định được những tiềm năng đã bị bỏ quên trong quá khứ từ bấy lâu.

Một trong những tác giả viết về tiểu thuyết vịnh sử mà tôi ấn tượng nhất, đó có lẽ là nhà văn Trần Thanh Cảnh. Ông vốn là một dược sĩ nhưng được đông đảo độc giả biết đến là một nhà văn. Ông đã khẳng định được tên tuổi của mình ngay từ những tác phẩm đầu tiên. Năm 2015, với sự ra đời của tác phẩm Kỳ nhân làng Ngọc, ông đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.

Cuốn sách Đức Thánh Trần là kiến giải của nhà văn Trần Thanh Cảnh về vương triều Trần lẫy lừng ba lần kháng Nguyên toàn thắng. Về cuộc đời và sự nghiệp của một trong những vị tướng hiển hách nhất lịch sử Việt Nam: Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Trong đó, tác giả đã thần thánh hóa nhân vật lịch sử Trần Quốc Tuấn, nhấn mạnh và khẳng định phẩm chất thần thánh, vị thế thần thánh, uy vọng thần thánh của Hưng Đạo Đại Vương.

Thực hiện đề tài này, tôi mong muốn có thể cung cấp cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về nhân vật Trần Hưng Đạo từ chính sử đến tiểu thuyết lịch sử. Đặc biệt, có dịp tìm hiểu sâu về tiểu thuyết lịch sử - một thể loại hiện đang mới lạ và hấp dẫn trong nền văn chương đương đại. Hy vọng đề tài này sau khi được triển khai, có thể trở thành một nguồn tài liệu để cho các nhà viết tiểu thuyết, các nhà viết kịch, hay những người học sau này sử dụng với mục đích sáng tác hay nghiên cứu.

2. Tổng quan tình hình nghiên cứu.

Về nhân vật Trần Hưng Đạo, tôi chưa tìm thấy công trình nào nghiên cứu công phu về ông.

Đối với nghiên cứu về tiểu thuyết lịch sử, chúng tôi tìm được nhiều công trình nghiên cứu, có thể kể đến những ví dụ tiêu biểu sau:

Đầu tiên là Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh từ lịch sử đến tiểu thuyết: Luận văn Thạc sĩ Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014. Tác giả Lê Thị Kim Loan hệ thống lại các ý kiến xoay quanh về tiểu thuyết lịch sử, đồng thời đưa tiểu thuyết Hồ Quý Ly đối sánh với lịch sử để có cái nhìn rõ hơn.

Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX đến đến 1945 (diện mạo và đặc điểm), Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Quốc gia Hà Nội, 1998). Tác giả Bùi Văn Lợi chỉ ra rằng việc nghiên cứu tiểu thuyết lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XX đến năm 1945 chưa được quan tâm đúng mực. Tác giả đã nghiên cứu sâu hơn vấn đề này, đồng thời tìm ta những nét khác biệt của tiểu thuyết lịch sử so với một số thể loại tiểu thuyết khác như tiểu thuyết hiện thực, tiểu thuyết kiếm hiệp, tiểu thuyết trinh thám…

Bài viết Về tiểu thuyết lịch sử (Nhiều tác giả. 2016. Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ. Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia), tác giả Trần Đình Sử cung cấp cho người đọc các hình thái của tiểu thuyết lịch sử trong thời đại tân chủ nghĩa lịch sử. Tác giả lưu ý đến người nghiên cứu cần phân biệt tiểu thuyết lịch sử với truyện sử, kí sự lịch sử.

Nguyễn Thùy Minh bảo vệ Luận văn Thạc sĩ Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam nhìn từ góc độ loại hình thể loại (qua việc khảo sát một số tác phẩm những năm gần đây), năm 2009 tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Hà Nội. Luận văn nghiên cứu các phương thức tự sự trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam như: người kể chuyện, điểm nhìn, giọng điệu thời gian và kết cấu văn bản. Từ đó, tác giả cung cấp cái nhìn khái quát hơn về đặc trưng, sự vận động, phát triển của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam từ năm 1986 đến nay.

Bài viết Tiểu thuyết lịch sử - một khuynh hướng nổi bật trong văn xuôi quốc ngữ Nam Bộ đầu thế kỷ XX đăng trên Website http://www.khoavanhocngonngu.edu.vn/, tác giả Phan Mạnh Hùng chỉ ra những nguyên nhân phát triển của tiểu thuyết lịch sử Nam Bộ. Đồng thời cho thấy tiểu thuyết lịch sử Nam Bộ hướng tới đối tượng độc giả bình dân nên tính nghệ thuật của tác phẩm chưa được nâng cao. Do đó, số lượng tác phẩm tuy nhiều nhưng chưa thỏa mãn nhu cầu của độc giả.

Nhìn chung chưa có nhiều công trình nghiên cứu công phu về Trần Hưng Đạo. Còn về tiểu thuyết lịch sử, chúng tôi tìm được nhiều tư liệu phong phú. Từ các công trình trên, chúng tôi tiếp thu, học hỏi lý thuyết về tiểu thuyết lịch sử để tiến hành đi sâu vào nghiên cứu Trần Hưng Đạo từ chính sử đến tiểu thuyết lịch sử.

3. Mục tiêu nghiên cứu

Với đề tài này, tôi đặt ra mục tiêu là đi sâu tìm hiểu về nhân vật Trần Hưng Đạo từ góc độ chính sử đến góc độ trong tiểu thuyết lịch sử của Trần Thanh Cảnh. Từ đó, rút ra những nét riêng của Trần Thanh Cảnh trong việc hư cấu lịch sử.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Nhân vật Trần Hưng Đạo từ chính sử đến tiểu thuyết lịch sử Đức Thánh Trần của nhà văn Trần Thanh Cảnh.

Phạm vi nghiên cứu: Tôi xác định phạm vi nghiên cứu ở hai tác phẩm chính là bộ Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Lịch sử Việt Nam của Viện Sử học và tiểu thuyết lịch sử Đức Thánh Trần của Trần Thanh Cảnh. Cùng với đó là các bài nghiên cứu, luận văn, luận án về Trần Hưng Đạo lẫn tiểu thuyết lịch sử.

5. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp phân tích: Tôi dựa theo đặc trưng thể loại để tiến hành phân tích tác phẩm.

Phương pháp so sánh – đối chiếu: Phương pháp này nhằm đối chiếu nhân vật trong tác phẩm Đức Thánh Trần của Trần Thanh Cảnh so với nguyên mẫu trong lịch sử, nhằm khẳng định sự sáng tạo, quan niệm trong phong cách sáng tác của nhà văn.

Phương pháp lịch sử: Tôi sử dụng phương pháp lịch sử vào việc cắt nghĩa, lí giải vấn đề hư cấu nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử của Trần Thanh Cảnh, đảm bảo tính thuyết phục cho kết quả nghiên cứu.

Phương pháp liên ngành: Tôi vận dụng những kiến thức về lịch sử, văn hóa, xã hội để tìm hiểu và cắt nghĩa cách thức triển khai các thủ pháp nghệ thuật hư cấu của tác giả Trần Thanh Cảnh.

6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

Ý nghĩa khoa học:

Về mặt ý nghĩa khoa học, đề tài nghiên cứu về Trần Hưng Đạo từ chính sử đến tiểu thuyết lịch sử có những đóng góp như sau:

Đầu tiên, công trình sẽ cung cấp một đề tài nghiên cứu mới vào nghiên cứu tiểu thuyết lịch sử nói chung và nhân vật lịch sử Trần Hưng Đạo trong tiểu thuyết lịch sử nói riêng.

Kế đến, đề tài này bổ sung cho nguồn tư liệu nghiên cứu về Trần Hưng Đạo thông qua tiểu thuyết lịch sử của Trần Thanh Cảnh. Tôi hy vọng bản thân có thể cung cấp một cái nhìn mới, cụ thể và sâu sắc hơn về nhân vật, và quan điểm của tác giả Trần Thanh Cảnh về các nhân vật trong lịch sử.

Cuối cùng, đề tài cung cấp cho người nghiên cứu những kiến thức về mặt lý luận, hỗ trợ tích cực đọc hiểu giá trị tác phẩm thuộc tiểu thuyết lịch sử, nâng cao giá trị thẩm mỹ của tác phẩm khi đến với bạn đọc.

Ý nghĩa thực tiễn:

Tôi nhận thấy ở mặt thực tiễn, công trình nghiên cứu sẽ có một số đóng góp như sau:

Đề tài sẽ góp phần trong việc nhìn lại nhân vật Trần Hưng Đạo từ quá khứ đến hiện tại, là công trình đầu tiên nghiên cứu về Trần Hưng Đạo từ chính sử đến tiểu thuyết lịch sử của Trần Thanh Cảnh.

Tôi hy vọng đề tài này sẽ góp phần làm tư liệu cho những người làm công tác sáng tác, nghiên cứu, giảng dạy, và những người có nhu cầu tiềm hiểu về nhân vật Trần Hưng Đạo.


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem