Mắt Biếc của Nguyễn Nhật Ánh - tình nào day dứt hơn tình đầu?

Ngày đăng 03/09/2023
450 Lượt xem

Nguyễn Nhật Ánh từ lâu đã là một cái tên không còn quá xa lạ đối với những người yêu mến văn chương Việt Nam. Ông nổi lên là một trong những cây bút tiêu biểu cho thể loại truyện dài hướng đến những tình cảm trong trẻo, đẹp đẽ của lứa tuổi mới lớn. Tên tuổi của Nguyễn Nhật Ánh từ lâu đã là một bảo chứng trên văn đàn Việt Nam. Có lẽ, một trong những tác phẩm làm nên tên tuổi Nguyễn Nhật Ánh đó chính là Mắt Biếc, một câu chuyện tình đẹp, nhưng buồn. Một tình yêu đẹp đến nao lòng nhưng nó cũng đủ những cung bậc để sẵn sàng chạm đến bất cứ trái tim nào đang thổn thức nhịp đập của những xúc cảm đầu đời.

Được Nguyễn Nhật Ánh Viết vào những năm cuối của thế kỉ trước, cũng không hẳn là một ấn phẩm quá đồ sộ khi dung lượng tác phẩm cũng chỉ trên dưới 200 trang, tuy nhiên thật khó để phủ nhận đi những cảm xúc, những giá trị mà tác phẩm này mang lại. Xuất hiện trên văn đàn vào những năm của thập niên 90, cái thời mà sau khi những luồng văn học về cuộc chiến và hậu chiến kết thúc, người ta dần tìm đến những thứ văn chương gần gũi, phản ánh đời sống thực tại hay đơn giản hơn văn học trở về với một trong những chức năng sơ khai của nó, đó là làm đẹp cho tâm hồn con người. Người ta hướng mình đến những điều dung dị, sáng trong, đẹp đẽ. Đó cũng chính là cách Mắt Biếc đến với độc giả.

Mắt Biếc là một câu chuyện mở đầu về những cô bé cậu bé ở làng Đo Đo, nhân vật chính là Ngạn. Ngạn với mối liên hệ thân thiết với cô bạn Hà Lan của mình, đã cho chúng ta thấy được những điều đẹp đẽ, sáng trong nhất của lứa tuổi học trò. Ngạn gọi Hà Lan là Mắt Biếc, như cái cách mà Nguyễn Nhật Ánh đặt tên cho thiên truyện của mình. Cậu thực sự đã yêu đôi mắt ấy. Một đôi mắt đẹp, đẹp đến nỗi người ta sẵn sàng đắm chìm, sẵn sàng lạc lối và dường như sẵn sáng đồng ý mọi điều kiện để có được nó, nhưng tiếc thay, đôi mắt ấy lại mang vương vấn đâu đó một nỗi buồn, hệt như cách báo hiệu một cuộc đời cũng nhuốm màu bi kịch cho chủ nhân của nó. Mắt Biết và Ngạn lớn lên bên nhau, cậu rất nhiều lần muốn làm vui lòng cô bé mà bất chấp hết mọi thứ, từ việc trèo rào hái thị, đánh nhau với bạn học để bảo vệ cô hay giành cho kì được cái dùi trống để cô nàng có thể thoả được ước nguyện được đánh trống trường của mình. Cái cách Ngạn thương thầm Mắt Biếc cho ta thấy được sự chân thành, sự sáng trong của lứa tuổi học trò.

Nhưng rồi, thời thế đổi thay, cả hai buộc phải lớn lên như sự vận động không ngừng của vũ trụ, vậy nên những biến đổi trong mối quan hệ này là không thể tránh khỏi. Mắt Biếc mà Ngạn thầm thương ấy, giờ là một nhan sắc thiếu nữ nổi bật với cái tên Hà Lan. Và dường như, Hà Lan xa Ngạn dần. Chốn phồn hoa đô hội với quá nhiều những cám dỗ, những cạm bẫy bủa vây, Hà Lan dần đã không còn là cô gái trong sáng với một đôi mắt biết nói như ngày xưa nữa. Hà Lan phớt lờ mọi sự cố gắng của Ngạn, cô chạy theo một chàng trai hấp dẫn hơi, Dũng. Anh chàng là anh em họ với Ngạn. Nhưng trái ngược hoàn toàn bởi sự e dè của Ngạn, Dũng là một tay sát gái chính hiệu. Bằng khả năng ăn chơi thượng thừa, Dũng hấp dẫn, lôi cuốn Hà Lan vào vòng xoáy của những cuộc chơi ấy, để rồi cô nàng mất đi chính mình. Đến khi nhận ra những lầm lạc, là đã quá khó để Hà Lan quay về là Mắt Biết của ngày xưa. Quá khó để trở về với những bình yên dung dị của lúc đầu.

Ấy thế nhưng đừng vội trách cứ Hà Lan. Nếu bạn lần giở từng trang sách, bạn sẽ có lời giải cho lý do tại sao Hà Lan lại dần đi theo Dũng, dần ngả vào vòng tay của anh ta. Phải chăng Hà Lan đã chờ đợi quá lâu một tiếng yêu từ Ngạn? Con gái nhạy cảm lắm, làm sao Hà Lan, một cô nàng đa sầu đa cảm đến thế không cảm được tình yêu Ngạn dành cho mình. Cô vốn dĩ đã biết từ rất lâu rồi những bài nhạc tình Ngạn hát cô nghe là những sáng tác của chính anh chứ không phải của một nhạc sĩ nào khác. Nhưng Ngạn cứ mãi chôn chặt cái tình cảm chân thành của mình nơi đáy tim mà không một lần hé mở cho Hà Lan. Anh giấu chặt nó đến nỗi người con gái anh thương trở nên nghi ngờ rằng liệu anh có yêu cô ta hay không, để rồi phải chăng, họ mất nhau chính vì những rụt rè, e ấp đó. Giá như Ngạn mạnh dạn hơn một chút, giá như Hà Lan kiên nhẫn hơn một tí hay hàng loạt những giả thuyết giá như khác thành sự thực, có lẽ họ đã trở thành một cặp đôi đẹp của trong những câu chuyện tình xuất hiện trong văn chương Việt Nam. Nhưng tiếc quá, họ mãi chẳng tìm thấy nhau.

Bỏ qua những tiếc nuối mà cặp đôi đẹp này cũng như chuyện tình giữa họ để lại, bài viết này muốn đề cập đến một khía cạnh khác của Mắt Biếc. Đó là sự day dứt của tình đầu. Tình đầu sẽ luôn là mối tình khiến người ta nhớ đến nhiều nhất bởi những rung động từ nhẹ nhàng, khẽ khàng đến cả những xúc cảm mãnh liệt, chân thành. Có lẽ, cái mà ngay từ đầu Ngạn cảm mến ở Hà Lan chính là đôi mắt long lanh đẹp tựa thiên thần nhưng phảng phất quá nhiều nét u buồn của Hà Lan. Phải chăng cậu bé thời ấy đã sớm được khơi dậy cái bản tính đàn ông rằng cậu thực lòng muốn che chở cả cuộc đời cho cô bé ấy. Và rồi, khi mối tình đó không thành, Ngạn đã chất chứa nó trong lòng quá lâu, quá đậm sâu để rồi cản lối tất cả những cô gái khác tiến đến tiếp cận trái tim cậu. Đến cả cái người được Ngạn mở cửa trái tim mình lần nữa – Trà Long thì thực ra cũng vì đôi mắt ấy, một đôi mắt đẹp hệt như ngày cũ mà Ngạn si mê. Để rồi khi nhận ra dường như cái mình yêu là nhân dạng ấy, anh bỏ đi, bỏ lại Trà Long với bao ngổn ngang suy nghĩ. Có lẽ. sẽ chẳng có gì day dứt, hoài niệm, chất chứa tâm tư bằng những gì mà mối tình đầu tiên để lại trong chúng ta. Có lẽ chúng ta sẽ không hoàn toàn giống Ngạn, không ôm ấp mãi hoài một hình bóng để rồi gieo rắc những đau khổ cho cả mình lẫn người khác. Nhưng chúng ta, đều thật khó để quên được những gì mà mối tình đầu để lại, đều khó mà tìm quên được những hoài niệm xa xôi ấy, phải rồi, vì tình nào day dứt hơn tình đầu đâu. Hiếm có ai có thể vẹn nguyên một mối tình cả một cuộc đời, vì vậy cho nên, những da diết những kỉ niệm mà tình đầu để lại thực sự không dễ phai nhoà.

Nguyễn Nhật Ánh đã thực sự chứng minh khả năng xâm nhập cảm xúc, khả năng quan sát đại tài của mình qua câu chuyện mà ông kể về một mối tình câm, một mối tình ôm ấp trăm năm xuất phát điểm là sự sáng trong, là tình cảm chân thành của độ tuổi mới lớn. Chung quy lại, Mắt Biếc là một quyển sách đáng đọc vì nó thực sự có những phút giây thanh tẩy, làm đẹp thực sự cho tâm hồn người đọc. Đó chính là chức năng lớn của nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng. Bởi, những điều đẹp đẽ được nghệ thuật hoá đấy đến với chúng ta, với duy nhất một mục đích đó là làm đẹp hơn cuộc sống này, tâm hồn này mà thôi. Và sự thuần khiết, những khoảnh tình cảm đẹp đẽ của Mắt Biếc tin chắc sẽ đủ chinh phục nhiều con tim độc giả.


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem