Hồi Sinh Đứa Trẻ Bên Trong Bạn (Kỳ 2)

Ngày đăng 21/11/2023
186 Lượt xem

Đứa Trẻ Kỳ Diệu Đã Bị Tổn Thương Như Thế Nào 

Tổn Thương Trong Tâm Hồn 

Tôi tin rằng tất cả những cách mà đứa trẻ kỳ diệu bị tổn thương có thể được tóm gọn lại là sự đánh mất bản thể tôi. Mọi đứa trẻ đều cần biết rằng (a) cha mẹ của mình khỏe mạnh và có thể chăm sóc mình và (b) mình rất quan trọng đối với cha mẹ mình. 

Quan trọng có nghĩa là sự đặc biệt của đứa trẻ được phản chiếu trong con mắt của cha mẹ hoặc những người chăm sóc chính khác. Sự quan trọng cũng được thể hiện bằng năng lượng, và thời gian mà họ dành cho trẻ. Bằng trực giác trẻ biết được rằng mọi người dành thời gian cho những người họ yêu thích, và biết rằng cha mẹ coi nhẹ con cái khi họ không có thời gian dành cho chúng. 

 

Bất kỳ đứa trẻ nào từ một gia đình không hạnh phúc đều sẽ phải nhận vết thương tâm hồn, đánh mất bản thể tôi ở một mức độ nào đó. Một người mẹ nghiện rượu và một người cha chịu tác động của việc đó sẽ không thể có thời gian ở bên cạnh con cái của mình. Người nghiện rượu thì chỉ quan tâm hấp thụ chất cồn còn người lệ thuộc thì bị ảnh hưởng bởi kẻ nghiện ngập kia. Ít nhất là họ không thể gần gũi với con cái về mặt tình cảm. Điều này cũng đúng khi mối quan hệ giữa bố và mẹ đang trong tình trạng đau khổ kéo dài, bao gồm cả nghiện làm việc hoặc hoạt động tôn giáo quá mức, rối loạn ăn uống, nghiện kiểm soát hay chủ nghĩa cầu toàn, hoặc mắc bệnh về tâm thần hoặc thể chất. Dù sự rối loạn đó là gì thì khi cha mẹ mải mê với những vấn đề cảm xúc của riêng mình, họ không thể ở cạnh con cái được. Bác sĩ tâm thần Karen Horney đã viết: “Thông qua nhiều tác động bất lợi, một đứa trẻ có thể không được phép phát triển theo nhu cầu và khả năng cá nhân của mình... Tóm lại, tất cả đều đi theo một thực tế rằng những người sống trong tình trạng như thế đều bị bó buộc thái quá trong chứng rối loạn thần kinh của mình khiến họ không thể yêu thương một đứa trẻ hoặc thậm chí không thể coi trẻ nh7 mọt cá nhân cụ thể.  

Sự thất vọng khi mong muốn được yêu thương như một cá nhân và mong muốn tình yêu thương của mình nhưng lại không được chấp nhận chính là tổn thương lớn nhất mà một đứa trẻ có thể trải qua.

Không một bậc cha mẹ nào trong một gia đình không ấm êm có thể cho con họ những gì nó cần vì bản thân họ cũng đang có quá nhiều nhu cầu không được đáp ứng. Trên thực tế, hầu hết trẻ em từ các gia đình bất hạnh đã bị tổn thương nhiều nhất vào lúc chúng đang thiếu thốn nhất. Tôi nghĩ về câu chuyện về một cậu bé có một người bố nghiện rượu. Năm 7 tuổi, cậu không bao giờ biết liệu bố mình có về nhà hay không. Đến năm 10 tuổi, ông ấy đã bỏ rơi cậu cả về mặt tình cảm lẫn tài chính. Con trai cần có bố; để yêu thương mình như một người đàn ông, con trai cần tình yêu từ một người đàn ông. Con trai cần được gắn bó với một người đàn ông nhưng cậu không bao giờ có được điều đó từ mối quan hệ cha con này. Hầu như lúc nào câu cũng đều sợ hãi và cảm thấy vô cùng bất an trong thân phận của một đứa trẻ không được bảo vệ. Người bố là đại diện cho sự bảo vệ. Thêm vào đó, mẹ cậu lại căm ghét đàn ông một cách vô thức. Có đến ba lần trong một bữa ăn tối, bà đã làm bẽ mặt cậu bằng cách chế nhạo kích thước cậu nhỏ của cậu. Rõ ràng bà ấy nghĩ đây là một trò đùa và bà đã chế nhạo sự nhạy cảm thái quá của cậu. Đây là phần nam tính dễ bị tổn thương nhất của cậu. Thực sự là quá điên rồ khi coi kích thước của bộ phận sinh dục nam là một biểu tượng cho tính đàn ông trong văn hóa của chúng ta. Đây là một cậu bé mong muốn một cách tuyệt vọng được khẳng định bản lĩnh đàn ông của mình, cậu bị phản bội bởi chính người thân quan trọng duy nhất mà cậu có. Mẹ của cậu, nạn nhân của chứng loạn luân tư tưởng chưa được điều trị, đã thể hiện sự khinh miệt và căm giận sâu cay đối với đàn ông lên con trai mình. 

 

Lạm Dụng Tình Dục, Bạo Hành Thể Chất Và Cảm Xúc 

Lạm Dụng Tình Dục 

Khi bị người lớn sử dụng nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục, tức là đứa trẻ đã bị lạm dụng tình dục. Điều này khiến trẻ nghĩ mình chỉ có giá trị duy nhất khi quan hệ tình dục với người lớn. Hậu quả của việc xâm hại đó là đứa trẻ lớn lên tin rằng mình nhất định phải làm một người bạn tình tuyệt vời hoặc phải hấp dẫn về mặt tình dục thì mới được người khác thật sự quan tâm. Có nhiều hình thức lạm dụng tình dục, trong đó các hình thức phi thân thể thường bị hiểu sai nhiều nhất và có thể có tác động điên rồ nhất. 

Để hiểu rõ về lạm dụng tình dục phi thân thể hay lạm dụng tình dục về mặt cảm xúc, chúng ta cần hiểu rằng gia đình là một hệ thống xã hội được chi phối bởi những quy tắc của chính nó. Các quy tắc quan trọng nhất của hệ thống gia đình là: (1) Phản ánh sự tương quan giữa các thành viên, chứ không phải bởi từng thành viên riêng lẻ. (2) Hoạt động theo nguyên tắc cân bằng, do đó, nếu một thành viên mất cân bằng thì thành viên khác sẽ hỗ trợ. Ví dụ, một người bố say xỉn, vô trách nhiệm có thể được cân bằng bởi một người mẹ không bao giờ uống bia rượu và vô cùng có trách nhiệm; một người vợ hay nổi giận, quá khích có thể được bù lại bởi một người chồng điềm đạm, ôn hòa, ăn nói nhẹ nhàng. (3) Được điều chỉnh bởi các quy tắc mềm dẻo và cởi mở thay vì không lành mạnh, cứng nhắc, thiếu linh hoạt. (4) Giữ cân bằng các nhu cầu của mình, linh hoạt và chia sẻ các vai trò, thay vì khắt khe, cứng ngắc. 

Hôn nhân cũng góp phần cấu thành nên hệ thống gia đình. Vì thế khi hôn nhân có các yếu tố rối loạn, nguyên tắc cân bằng và hỗ trợ là vô cùng cần thiết. Nếu không, con cái sẽ phải “bù đắp”. Nếu bố không hài lòng với mẹ, bố có thể tìm đến con gái để được bù đắp về mặt tình cảm. Con gái có thể trở thành búp bê hoặc cô công chúa bé bỏng của bố. Con trai có thể thay thế cho bố, trở thành người đàn ông bé nhỏ và quan trọng của mẹ. Có rất nhiều biến thể và chúng không bị giới hạn bởi giới tính. Một cô con gái có thể trở thành người chăm sóc của mẹ thay cho bố, và một cậu con trai cũng có thể thay mẹ đóng vai trò như một người bạn đời chia sẻ tình cảm với bố. Trong mọi trường hợp, một liên kết dọc hoặc một liên kết giữa các thế hệ được thiết lập. Những đứa trẻ ở đó để lo toan cho cuộc hôn nhân của cha mẹ và bù đắp nỗi cô đơn ở họ. Thường thì người bố hoặc người mẹ sẽ không quan hệ tình dục nữa nhưng nhu cầu tình dục của họ vẫn còn đó. Trẻ có thể cảm thấy không thoải mái với những cái hôn hoặc sự đụng chạm khó hiểu từ bố mẹ. Theo quy tắc kinh nghiệm thì bất cứ khi nào trẻ trở nên quan trọng với bố/ mẹ hơn vợ/ chồng của bố/ mẹ thì khả năng lạm dụng tình dục về mặt cảm xúc dễ tồn tại. Điều này cấu thành hành vi lạm dụng của bố mẹ đối với trẻ. Bố mẹ cần cho con cái thời gian, sự chú ý và định hướng chứ không phải dùng chúng để khỏa lấp nhu cầu của bản thân.  

Xâm hại tình dục gây vết thương tinh thần khủng khiếp hơn bất kỳ loại ngược đãi nào khác. Gần đây, chúng ta đã hiểu về vi phạm tình dục theo những cách mới. Những câu chuyện kinh hoàng liên quan đến sự xâm phạm thân thể chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Giờ chúng ta đã hiểu biết hơn rất nhiều của chứng phô dâm và thị dâm trong gia đình. Yếu tố quan trọng trong những kiểu lạm dụng như thế dường như nằm ở tình trạng nội tại của các bậc cha mẹ, nghĩa là có thể do họ bị kích thích bởi sự khỏa thân của chính mình hoặc bằng cách nhìn vào cơ thể của con mình.  

Rất nhiều vụ xâm hại tình dục trong gia đình xuất phát từ sự xâm phạm ranh giới. Trẻ có thể không có nơi nào riêng tư và an toàn cả. Có lẽ bố mẹ đã xông vào phòng tắm khi trẻ đi vệ sinh. Họ có thể tra hỏi trẻ không ngừng về mọi chi tiết trong đời sống tình dục của trẻ. Trẻ nhỏ có thể bị ép buộc phải cúi xuống và chịu đựng việc thụt rửa chỗ kín không cần thiết.  

Sự xâm hại tình dục cũng xuất phát từ việc bố mẹ thiếu ranh giới giới tính phù hợp với con cái của mình. Điều này thường được biểu hiện thông qua những lời nhận xét và thảo luận không phù hợp. Có một cô bé mà tôi biết thường không thoải mái khi ở cạnh bố của mình. Ông ấy thường xuyên vỗ nhẹ vào mông cô và nói về “cặp mông gợi cảm” rồi ước mình ở độ tuổi thích hợp để có “một phần của cô”. Cô bé ấy đã rất buồn vì những nhận xét như vậy. Sau này, cô đã tìm đến những người đàn ông lớn tuổi hơn mình, những người đã bị mông của cô kích thích.  

Mẹ của một cô gái khác đã chia sẻ đời sống tình dục của mình với con gái. Bà nói rằng bố cô là một người tình tệ hại như thế nào và kích cỡ bộ phận sinh dục của ông ấy nhỏ ra sao. Bằng cách biến cô trở thành “em gái”, bà đã vi phạm nghiêm trọng ranh giới của con gái mình. Cô đã bị lôi kéo tới mức cô không còn bản sắc tình dục của riêng mình. Cô trải qua nhiều cuộc tình với những người đàn ông đã có gia đình nhưng cuối cùng cô luôn tử chối quan hệ tình dục với họ và cô bỏ họ. Cô nói rằng để đạt được cực khoái cô phải tưởng tượng mình chính là mẹ! 

Một hình thức lạm dụng tình dục khác bắt nguồn từ việc thiếu sự chỉ dẫn của bố mẹ về tình dục. Bố mẹ của một cô bé mà tôi biết không cung cấp cho cô bất cứ thông tin gì về giới tính củ chính cô. Khi bắt đầu có kinh nguyệt, cô đã vô cùng hoảng sợ vì cho rằng mình đã mắc bệnh nặng. 

Việc xâm hại tình dục cũng bắt nguồn từ anh chị em ruột. Quy tắc kinh nghiệm ở đây là khoảng cách 2 tuổi giữa các anh chị em. Việc trẻ em cùng tuổi thường tham gia khám phá tình dục là bình thường trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, nếu một đứa trẻ thực hiện hành vi không phù hợp trong mức độ hiểu biết ở lứa tuổi của mình đối với một đứa trẻ bằng tuổi khác, thì có thể coi đó là một dấu hiệu cho thấy đứa trẻ bị tấn công đã từng bị xâm hại và giờ đang xâm hại tình dục một đứa trẻ khác. 

Có một trường hợp mà tôi biết như sau, một người bị chính bạn thân nhất của mình giao cấu nhiều lần lúc cả hai được 6 tuổi rưỡi. Hóa ra người bạn thân nhất của cậu bé này đã từng bị người chú xâm hại qua đường hậu môn. Rồi người bạn thân này đã tái hiện hành động ngược đãi với cậu bé. 

Con cái tin tưởng vào cha mẹ sẽ tạo ra những kết nối trong tưởng tượng để duy trì niềm tin đó. Một người bạn mà tôi biết đã phủ nhận và tự lừa dối mình trước một cái kết cay đắng rằng người cha nghiện rượu của cậu ấy thực sự yêu thương cậu ấy. Cậu ấy đã tưởng tượng rằng ông ấy thực sự đã nghĩ về cậu ấy rất nhiều nhưng chỉ vì ông ốm yếu quá nên không có thời gian để yêu thương cậu ấy mà thôi. Không ai thích bị lợi dụng cả. Khi trưởng thành, khi biết mình đã bị lợi dụng, chúng ta sẽ rất tức giận. Trẻ em không biết mình bị lợi dụng nhưng “đứa trẻ bên trong” sẽ mang theo vết thương lòng này. Khi bị lạm dụng tình dục, chúng ta cảm thấy mình không đáng yêu như thực tế và trở nên ghét tình dục và nghiện tình dục để cảm thấy mình quan trọng. 

Bạo Hành Thể Chất 

Bạo hành thể chất cũng gây nên những tổn thương trong tâm hồn. Đứa trẻ bị đánh đập, bị vặn cổ, bị bắt phải lựa chọn dụng cụ để tra tấn chính mình thật khó có thể tin tưởng rằng mình là người đặc biệt, tuyệt vời và duy nhất. Làm sao trẻ có thể làm được việc đó trong khi bản thân đang bị hành hạ thể chất bởi chính người chăm sóc mình? Hình phạt về thân thể cắt đứt sợi dây kết nối cá nhân với cha mẹ. Hãy tưởng tượng bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu như người thân thiết nhất của bạn bước đến và tát vào mặt bạn. 

Chúng ta không thể biết được có bao nhiêu gia đình tồn tại vấn nạn bạo hành bởi những số liệu thống kê đó được giấu kín trong các phòng cấp cứu của bệnh viện, dưới sự xấu hổ của gia đình và trên hết là nỗi hoảng sợ rằng mình sẽ tổn thương nhiều hơn nữa nếu nói ra.  

Đánh đập phụ nữ và trẻ em là một truyền thống rất phổ biến từ ngày xưa. Chúng ta vẫn tin vào nhục hình. Ngay bản thân tôi cách đây ba năm vẫn bào chữa cho hành vi ấy bằng một hình thức giảm nhẹ. Không có bằng chứng xác thực nào chứng minh rằng đòn roi và trừng phạt thân thể không để lại hậu quả lâu dài cả. Chỉ ở một khía cạnh biến thái nào đó thì đứa trẻ mới có thể tin rằng mình có giá trị hơn khi bị đánh đập, tát hoặc đe dọa. Hơn nữa, trẻ em chứng kiến sự bạo hành cũng là nạn nhân của sự bạo hành. Tôi vẫn còn cảm nhận được phản ứng vật lý trong cơ thể khi nghĩ về một người bạn của tôi - cậu ấy học ở trường dòng. Tôi đã chứng kiến một nữ tu ở trường tiểu học của cậu ấy tát vào mặt cậu ấy ít nhất cả chục cái; rõ ràng, bà ấy đã mất kiểm soát. Cậu ấy là một đứa trẻ cứng đầu và chắc chắn cần được chỉ bảo. Bốc của cậu ấy là một kẻ nghiện rượu đầy bạo lực thường xuyên đánh đập các con mình. Nhưng tôi nhớ rất rõ khi ngồi đó, mặt tôi nhăn lại trước mỗi cái tát của nữ tu, và hiểu rằng điều này cũng có thể xảy ra với mình vì trường học của tôi cũng cho phép giáo viên sử dụng bạo lực với học sinh. Bất kể trường học nào cho phép trừng phạt về thân thể đều tiềm ẩn nguy cơ giáo viên bị mất kiểm soát khi thực hiện hình thức ngược đãi này. 

Tôi sẽ không thể quên được cái đêm mười năm sau đó, khi bận của tôi gọi điện thoại cho tôi từ khu giam giữ của bệnh viện huyện nơi cậu ấy ở chỉ để nói với tôi rằng cậu ấy muốn tự sát. Đứa trẻ đẹp đẽ đã đến thế giới này với cảm giác đặc biệt, độc nhất và không thể thay thế nay đâu rồi? 

Bạo Hành Cảm Xúc 

Bạo hành cảm xúc cũng khiến cho tinh thần bị tổn thương. La hét và quát mắng chính là xâm hại ý thức của trẻ về giá trị bản thân. Những bậc cha mẹ hay mắng con cái là “ngu ngốc”, “ngớ ngẩn”, “điên rồ”, “khốn nạn”, v.v... sẽ khiến trẻ bị tổn thương bằng từng lời nói. Bạo hành về cảm xúc cũng thể hiện trong tính cứng nhắc, cầu toàn và tích kiểm soát. Chủ nghĩa cầu toàn tạo ra cảm giác hổ thẹn sâu sắc rất có hại. Cho dù bạn có làm gì thì bạn cũng không đáp ứng được sự mong đợi. Lợi dụng cảm giác hổ thẹn này nên nhiều gia đình sử dụng chủ nghĩa cầu toàn, sự kiểm soát và đổ lỗi như những quy tắc để ép buộc trẻ. Mọi điều bạn nói, bạn làm, bản cảm thấy hay bạn nghĩ đều không đúng. Bạn không nên cảm thấy những gì bạn đang cảm thấy, ý tưởng của bạn thật sự điên rồ, còn ham muốn của bạn đúng là ngu ngốc. Mọi người liên tục thấy bạn sai sót và lầm lỗi. 

 

Ngược Đãi Nơi Học Đường 

Sự chế nhạo độc hại vẫn tiếp tục diễn ra khi bạn đến tuổi đi học. Bạn ngay lập tức bị đánh giá và xếp loại. Bạn phải thi đua để thể hiện mình ổn. Trẻ em thường bị gọi lên trước bục giảng và bị chế giễu công khai. Nhìn ở một khía cạnh nào đó, bản thân việc chấm điểm cũng là một hình thức để chế nhạo. Gần đây tôi có an ủi con trai của một người bạn khi thằng bé chỉ đạt điểm F cho bức tranh mà nó đã vẽ vào ngày đầu tiên ở trường. 

Trường học cũng là môi trường cho phép sự chế nhạo giữa bọn trẻ với nhau. Những đứa trẻ trở nên rất tàn nhẫn trong việc trêu chọc những bạn khác. Khóc lóc được coi là đặc biệt nhục nhã. Cùng với sự chế nhạo trong nhóm bạn bè, trường học có thể được coi là nơi trói buộc kép đối với nhiều trẻ em. Trẻ bị bố mẹ và thầy cô thúc giục phải học tốt và chăm chỉ nhưng khi học tốt thì bị những đứa trẻ khác đem ra làm trò cười. 

Trong trường lớp, chúng ta bắt đầu nhận thức được những điều như nguồn gốc dân tộc và địa vị kinh tế xã hội. Tôi đã chứng kiến sự xấu hổ của một người bạn  học chung tiểu học vì gia đình cậu ấy không đủ tiền mua xe đạp cho cậu ấy, cậu ấy phải đi bộ đến trường. Điều này càng trở nên trầm trọng bởi cậu ấy theo học ở một ngôi trường mà hầu hết bọn trẻ đều có xe đạp để đi học. Ở tuổi đi học, trẻ em nhận thức rất nhanh về địa vị xã hội. 

Sự Chế Nhạo Về Văn Hóa 

Văn hóa có một khả năng đặc biệt hoàn hảo để làm tổn thương tinh thần của chúng ta. Nào là những người đàn ông với kích thước của quý lớn, nào là những phụ nữ có vòng ngực to và bộ mông săn chắc. Nếu của quý của bạn không to thì bạn bị coi là kém cỏi. Một cậu bạn của tôi đã kể cho tôi nghe cảm giác tổn thương khi tắm trong phòng thay đồ sau buổi tập bóng đá. Những đứa con trai to lớn sẽ trêu chọc những đứa bé hơn và lôi chúng ra làm trò cười. Cậu bạn tôi đã cầu nguyện rằng bọn chúng sẽ không chọn cậu ấy. Cậu ấy đã cười trong lo lắng và đã hùa theo bọn chúng bắt đầu trò đùa với một người khác. 

Tôi cũng nhớ những đứa trẻ to béo, xấu xí và việc đến trường trở thành cơn ác mộng mỗi ngày với chúng. Hay những đứa trẻ vụng về, yếu đuối đều bị chế nhạo vào giờ giải lao và trong các trò chơi. 

Những trải nghiệm như thế để lại cho ta vết sẹo đến suốt đời. Nhiều người lớn lên trong nghèo khó nên đến giờ họ vẫn cảm thấy xấu hổ mỗi khi bước vào một câu lạc bộ đồng quê hoặc bất kỳ một nơi nào khác tương tự như thế. Thường thì họ biết rằng mình khá giả hơn những người xung quanh nhưng họ vẫn cảm thấy sự xấu hổ độc hại về văn hóa ấy. 

Trẻ em nhận ra từ rất sớm rằng trong cuộc sống có những khác biệt thực sự về địa vị kinh tế và xã hội giữa bản thân và bạn bè. Trẻ nhận thức sâu sắc về phong cách ăn mặc và những khu dân cư giàu có. Áp lực đồng trang lứa ở phương diện này ngày càng trở nên tồi tệ khi năm tháng đi qua. Luôn có thước đo giá trị của bạn trong khi hầu như lúc nào bạn cũng không đủ tiêu chuẩn. Thông điệp luôn là: Con người thật của bạn không ổn. Bạn phải sống theo cách mà chúng tôi muốn. 

Cảm Giác Xấu Hổ Độc Hại 

Tất cả những kiểu lạm dụng này đều gây ra cảm giác xấu hổ độc hại, cảm giác sai sót, cảm giác thấp kém, và cảm giác không bao giờ đạt yêu cầu. Cảm giác xấu hổ độc hại còn tồi tệ hơn cảm giác tội lỗi. Cảm giác tội lỗi là khi bạn đã làm sai điều gì đó nhưng bạn có thể sửa chữa được, nghĩa là bạn có khả năng làm gì đó để giải quyết nó. Nhưng cảm giác xấu hổ độc hại là khi có điều gì đó không ổn với bạn, bạn không thể làm gì để thay đổi nó cả, bạn sai lầm và thiếu sót. Cảm giác xấu hổ độc hại chính là cốt lõi tận cùng của “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương. 

Từ bài thiền có ảnh hưởng mạnh mẽ được viết đầu tiên bởi Leo Booth, tôi đã điều chỉnh lại và thêm vào đó một số khía cạnh của cảm giác xấu hổ độc hại được chỉ ra trong cuốn sách Bradshaw On: Healing the Shame That Binds You (tạm dịch: Cùng Bradshaw Xóa Bỏ Cảm Giác Xấu Hổ Đang Trói Buộc Bạn). Tôi muốn chia sẻ nó với bạn ở đây. 

Tên Tôi Là Xấu Hổ Độc Hại 

Tôi đã ở đó trong quan niệm của bạn 

Trong giao cảm của sự xấu hổ nơi mẹ bạn 

Bạn cảm thấy tôi trong khối nước ối, nơi bào thai của mẹ bạn 

Tôi đến với bạn trước cả khi bạn biết nói 

Trước cả khi bạn có thể hiểu 

Trước khi bạn có bất kỳ nhận thức nào 

Tôi đến gặp bạn khi bạn đang tập đi 

Khi bạn không được bảo vệ và phải chịu đầy nguy hiểm bao quanh 

Khi bạn dễ bị tổn thương và thiếu thốn  

Trước khi bạn có bất kỳ ranh giới nào 

TÊN CỦA TÔI LÀ XẤU HỔ ĐỘC HẠI 

 

Tôi đến gặp bạn khi bạn là một điều kỳ diệu 

Trước khi bạn có thể nhận ra tôi ở đó 

Tôi đã cắt đứt linh hồn của bạn  

Tôi đã đâm xuyên qua tâm can bạn 

Tôi đã mang đến cho bạn cảm giác sai lầm và thiếu sót 

Tôi đã mang đến cho bạn cảm giác không tin tưởng, xấu xí, ngu ngốc, hoài nghi, vô dụng, và không xứng đáng 

Tôi đã khiến cho bạn cảm thấy mình dị hợm  

Tôi đã nói rằng có điều gì đó không ổn với bạn 

Tôi đã làm vấy bẩn tâm hồn thánh thiện của bạn 

TÊN CỦA TÔI LÀ XẤU HỔ ĐỘC HẠI 

 

Tôi đã tồn tại trước cả lương tri 

Trước cả tội lỗi 

Trước cả đạo đức 

Trước cả cảm xúc 

Tôi là tiếng nói bên trong thì thầm những lời lên án bạn 

Tôi là cơn chấn động trong tâm trí bạn mà bạn không thể chuẩn bị tinh thần từ trước 

TÊN CỦA TÔI LÁ XẤU HỔ ĐỘC HẠI 

 

Tôi sống trong bí mật 

Bên rìa ẩm ướt của bóng tối, của sự trầm cảm và tuyệt vọng 

Luôn lén theo dõi bạn, khiến bạn mất cảnh giác để tấn công bạn từ phía sau 

Không được mời, không được mong đợi 

Tôi là người đầu tiên xuất hiện 

Ở đó vào thời khắc của khởi đầu 

Với cha Adam, mẹ Eva 

Với người anh Cain 

Tôi đã ở trong ngọn tháp Babel, làm kẻ tàn sát những người vô tội 

TÊN CỦA TÔI LÀ XẤU HỔ ĐỘC HẠI 

 

Tôi đến từ những người chăm sóc “không biết xấu hổ”, tôi khiến bạn bị bỏ rơi, chế giễu, lạm dụng, thờ ơ 

Tôi được tiếp thêm sức mạnh từ những cơn thịnh nộ kinh hoàng từ cha mẹ 

Những lời nhận xét tàn nhẫn từ anh chị em 

Sự sỉ nhục giễu cợt từ những đứa trẻ khác 

Sự phản chiếu xấu xí từ những kẻ làm gương 

Từ những cái động chạm ghê tởm và đáng sợ 

Cái tát cái cấu véo, cái giằng co làm tan vỡ lòng tin 

Tôi mạnh mẽ hơn bởi  

Văn hóa phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính 

Sự lên án chính nghĩa của những kẻ mang niềm tin mù quáng vào tôn giáo 

Nỗi sợ hãi và áp lực của trường học 

Tính đạo đức giả của các chính trị gia 

Sự xấu hổ suốt nhiều thế hệ trong những gia đình bất hạnh 

TÊN CỦA TÔI LÀ XẤU HỔ ĐỘC HẠI 

 

Tôi có thể biến đổi một người phụ nữ, một người da đen, một người đồng tính, một người phương Đông, một đứa trẻ được yêu quý thành một con điếm, một kẻ mọi đen, một tên bống, một tên khựa, một thằng con hoang ích kỷ. 

 

Tôi mang một nỗi đau dai dẳng 

Một nỗi đau sẽ chẳng nguôi ngoai 

Tôi là thợ săn rình rập bạn ngày đêm 

Ở khắp mọi nơi 

Tôi không có ranh giới 

Bạn cố gắng trốn tránh tôi 

Nhưng bạn không thể 

Bởi vì tôi sống bên trong bạn, tôi làm cho bạn cảm thấy tuyệt vọng như thể không có lối thoát 

TÊN CỦA TÔI LÀ XẤU HỔ ĐỘC HẠI 

 

Nỗi đau của tôi không thể chịu đựng được đến nỗi bạn phải chuyển tôi cho người khác bằng sự kiểm soát, cầu toàn, xúc phạm, chỉ trích, đổ lỗi, ghen tị, phán xét, quyền lực và cơn thịnh nộ. 

Nỗi đau của tôi dữ dội đến nỗi  

Bạn phải che giấu tôi bằng những cơn nghiện, những vai diễn cứng nhắc, sự tái hiện và phòng vệ bản ngã trong vô thức. 

Nỗi đau của tôi dữ dội đến nỗi  

Bạn bị tê liệt và không còn cảm nhận sự hiện diện của tôi nữa 

Tôi khiến bạn tin rằng tôi đã biến mất, rằng tôi không tồn tại khiến cho bạn cảm nhận sự thiếu vắng và trống rỗng. 

TÊN CỦA TÔI LÀ XẤU HỔ ĐỘC HẠI 

 

Bản chất của tôi là sự lệ thuộc 

Là làm cho tâm hồn suy sụp 

Là logic của những điều ngớ ngẩn 

Là sự tái hiện bắt buộc  

Là tội phạm, bạo lực, loạn luân, hiếp dâm 

Tôi là cái miệng phàm ăn gây ra mọi cơn nghiện 

Tôi là kẻ ham muốn vô độ 

Tôi là Ahaverus, Kẻ Do Thái Lang Thang, là Người Hà Lan Bay trong truyện của Wagner, người đàn ông dưới lòng đất của nhà văn Dostoyevvski, kẻ mị tình của Kierkegaard, tiến sĩ Faust của đại văn hào Goethe. 

Tôi biến con người bạn thành điều bạn làm và bạn có 

Tôi giết chết tâm hồn của bạn còn bạn lại truyền tôi qua nhiều thế hệ 

TÊN CỦA TÔI LÀ XẤU HỔ ĐỘC HẠI 

 

Bài thiền này tóm lược những cách thức mà đứa trẻ tuyệt vời bên trong chúng ta bị tổn thương. Đánh mất đi bản ngã cũng là đánh mất đi tâm hồn. Đứa trẻ kỳ diệu bị bỏ rơi và đơn độc một mình. Như Alice Miller viết trong For Your Own Good (tạm dịch: Vì Lợi Ích Chính Bạn) thì điều đó còn tồi tệ hơn việc trở thành kẻ sống sót trong trại tập trung. 

“Ở trại tập trung, các tù nhân bị ngược đãi... trong thâm tâm họ, họ được tự do căm ghét những kẻ bắt bớ họ. Cơ hội được trải nghiệm những cảm xúc của riêng mình, họ thậm chí chia sẻ chúng với những tù nhân khác, giúp họ không phải từ bỏ bản ngã của mình... Cơ hội này không dành cho những đứa trẻ. Chúng không được ghét bỏ cha mình... Chúng không thể căm ghét ông ấy. Chúng sợ mất đi tình yêu của ông ấy... Thế nên, không giống như các tù nhân khác trong trại tập trung, bọn trẻ phải dđối mặt với kẻ hành hạ mà chúng yêu quý.” 

 

Đứa trẻ tiếp tục sống trong sự dằn vặt, đau khổ tới mức bất lực và chỉ trích, ngược đãi người khác, ngược đãi chính mình, tự định hướng và thể hiện bản thân theo những cách duy nhất mà chúng biết. Hồi sinh đứa trẻ đó chính là giai đoạn đầu tiên trong hành trình trở về nguồn cội củ chúng ta.


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem