Các loại cổ phiếu trong đầu tư chứng khoán và tìm hiểu sâu về cổ phiếu bluechip

Ngày đăng 06/09/2023
80 Lượt xem

Tác giả

Trong những năm trở lại đây, ngày càng có nhiều người quan tâm tới thị trường chứng khoán. Đây được xem là thị trường dễ tham gia và có khả năng sinh lời tốt, tạo ra nguồn thu nhập thụ động. 

Trong đó, cổ phiếu là một sản phẩm chứng khoán cơ bản, được giao dịch một cách phổ biến nhất trên thị trường chứng khoán. Vậy cổ phiếu là gì? Có bao nhiêu loại cổ phiếu và sự khác nhau giữa chúng là gì? Hãy cùng mình tìm hiểu ngay sau đây nhé.

Và cuối cùng, mình sẽ đưa tổng hợp các thông tin, kiến thức về cổ phiếu Bluechip để mọi người cùng tham khảo. Từ đó, cung cấp thêm kiến thức trong hành trình đầu tư của mình. 

I.    KIẾN THỨC CHUNG VỀ CỔ PHIẾU VÀ ĐẦU TƯ CỔ PHIẾU

1.    Cổ phiếu là gì?

Cổ phiếu có tên tiếng anh là Stock, là một loại chứng khoán nhằm xác định quyền sở hữu cổ phần của công ty, đơn vị phát hành. Những người nắm giữ cổ phiếu sẽ trở thành cổ đông của công ty, doanh nghiệp phát hành

Ngoài ra, cổ phiếu còn là một lại tài sản chuyển nhượng, có thể chuyển từ chủ sở hữu này sang người sở hữu khác bằng nhiều hình thức như: thừa kế, tặng, thế chấp... Mệnh giá và giá trị của cổ phiếu sẽ bị tác động trực tiếp từ thị trường chung và quan trọng là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. 

2.    Đầu tư cổ phiếu là gì?

Việc đầu tư cổ phiếu hay chơi cổ phiếu là một hình thức đầu tư đang rất được quan tâm hiện nay. Đây là hình thức mua bán cổ phiếu với kỳ vọng tạo ra lợi nhuận từ việc chênh lệch giá cổ phiếu lúc mua vào và lúc bán ra. Thông qua đó, nhà đầu tư sẽ mua ở những thời điểm giá thấp hơn và nắm giữ cổ phiếu, đợi tới lúc giá trị cổ phiếu tăng, khi đó sẽ bán ra nhằm thu được lợi nhuận tốt nhất.

Để đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư cần phải có tài khoản chứng khoán, tiền đầu tư để thực hiện các giao dịch mua bán trên sàn chứng khoán. Để đầu tư hiệu quả, nhà đầu tư cần phải có kiến thức về thị trường chứng khoán chung, những kiến thức về tài chính, từ đó có thể lựa chọn được những mã cổ phiếu tiềm năng và thực hiện mua bán một cách tối ưu, không bị rơi vào những bẫy thị trường.

** Ví dụ về việc đầu tư cổ phiếu:

Nhà đầu tư mua 1.000 cổ phiếu của công ty A niêm yết trên sàn chứng khoán với  giá trị tại thời điểm mua là 20.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy giá trị cổ phiếu mà nhà đầu tư sở hữu là 1.000 x 20.000 = 20.000.000 đồng.

Sau một thời gian hoạt động cũng như những tác động của thị trường chung, giá trị cổ phiếu mà nhà đầu tư nắm giữ sẽ có sự thay đổi.

•    Trong trường hợp công ty làm ăn phát triển, thị trường chung ổn định thì giá cổ phiếu của công ty A lên 50.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy giá trị cổ phiếu nhà đầu tư nắm giữ lúc này là 1.000 x 50.000 = 50.000 triệu, nhà đầu tư lãi 30.000 đồng so với lúc mua.

•    Tuy nhiên, nếu việc kinh doanh của công ty A gặp sự cố, thị trường chung có biến động mạnh, giá cổ phiếu công ty A giảm còn 10.000 đồng/cổ phiếu. Lúc này giá trị cổ phiếu nhà đầu tư nắm giữ lúc này chỉ có 1.000 x 10.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy nhà đầu tư đang bị lỗ.

Qua đây ta cũng thấy được, cổ phiếu là kênh đầu tư dễ tham giá, có khả năng thu về lợi nhuận cao. Tuy nhiên, cũng có những rủi ro khi đầu tư. Vì vậy, hãy lựa chọn kỹ thời điểm và mã cổ phiếu đầu tư phù hợp.

3.    Giá cổ phiếu

Giá cổ phiếu là giá trị của cổ phiếu được quy đổi bằng tiền tại một thời điểm nhất định. Giá cổ phiếu có thể thay đổi một cách liên tục bởi nhu cầu thị trường cũng như những yếu tố tác động khác. Trong giao dịch mua bán cổ phiếu, giá của cổ phiếu sẽ được định giá theo nhiều phương pháp khác nhau và theo thỏa thuận giá giữa người mua và người bán.

Mục đích của nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán là lợi nhuận từ chênh lệch giá trị mua và bán. Vì vậy cần phải theo dõi những biến động giá cổ phiếu để đưa ra quyết định đầu tư cho phù hợp.

Việc định giá cổ phiếu sẽ được thực hiện thông qua nhiều cách và nhiều phương pháp khác nhau. Việc của nhà đầu tư và xác định giá cổ phiếu sát nhất với giá trị thực mà nó có.

Hiện tại thị trường cổ phiếu trong nước có gần 2000 doanh nghiệp được niêm yết trên cả 3 sàn, và con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên. Điều này khiến cho các nhà đầu tư mới rất khó khăn và bối rối khi không biết nên chọn cổ phiếu hay nhóm cổ phiếu nào để theo dõi và đầu tư. Vậy để có thể phân loại các cổ phiếu thành các nhóm nhỏ hơn và có thể xác định khi nào thì nhóm đó nên được lựa chọn trong danh mục “watch list” của bạn, hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để cùng giải đáp vấn đề này!

II.    CÁC LOẠI CỔ PHIẾU TRONG ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

1.    Cổ phiếu phổ thông 

Cổ phiếu phổ thông – đôi khi được gọi là cổ phiếu thường – đại diện cho quyền sở hữu một phần vốn góp của công ty. Sở hữu cổ phiếu thường cho phép nhà đầu tư được hưởng lợi nhuận biến động dựa trên lợi nhuận công ty tạo ra, khoản lợi nhuận này thường được phân phối dược dạng cổ tức.

Nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu thường có quyền biểu quyết để bầu ra hội đồng quản trị của công ty và các chính sách lớn của công ty như mua bán sáp nhập công ty khác.

Trong trường hợp công ty đó phá sản, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu thường sẽ được hưởng quyền lợi dựa trên phần tài sản thanh lý, nhưng chỉ sau khi các chủ nợ và những cổ đông nắm giữ cổ phiếu ưu đãi được thanh toán. Cổ phiếu thường còn đóng vai trò như một khoản thưởng cho sự đóng góp của ban điều hành và nhân viên (cổ phiếu ESOP).

2.    Cổ phiếu ưu đãi 

Cổ phiếu ưu đãi, cho phép nhà đầu tư được trả cổ tức một cách đều đặn trước khi lợi nhuận được phân phối cho cổ đông thường. Như đã đề cập ở trên, cổ đông nắm giữ cổ phiếu ưu đãi được thanh toán lợi ích trước các cổ đông phổ thông trong trường hợp công ty phá sản.

Tuy nhiên cổ phiếu ưu đãi không có quyền biểu quyết và cũng như khó có lợi nhuận từ lãi vốn khi không được mua bán trên sàn như cổ phiếu phổ thông. Đây sẽ là một lựa chọn phù hợp với những nhà đầu tư tìm kiếm thu nhập đều đặn ngoài trái phiếu.

3.    Cổ phiếu tăng trưởng

Như tên gọi của chúng cho thấy, cổ phiếu tăng trưởng đề cập đến các cổ phiếu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn so với thị trường chung. Nói một cách học thuật hơn thì các cổ phiếu tăng trưởng có xu hướng hoạt động tốt hơn trong “giai đoạn kinh tế mở rộng” và “lãi suất thấp”.

Đây là nhóm cổ phiếu có tăng trưởng doanh thu hàng năm lớn hơn 15%. Nhóm cổ phiếu này thường có đặc điểm: 

•    Ít trả cổ tức

•    Có định giá P/E và P/B cao

•    Đầu tư tài sản hàng năm lớn

•    Rủi ro tương đối cao khi đầu tư nếu tăng trưởng không duy trì

•    Thông thường có lợi thế cạnh tranh khác biệt

Các cổ phiếu tăng trưởng ở Việt Nam có thể kể đến là: FPT, MWG, nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Lợi nhuận mà các nhà đầu tư nhận về khi đầu tư vào các doanh nghiệp này là từ lãi về vốn khi họ bán cổ phiếu. Tuy nhiên, dù là “con đẻ” của các doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng đầu tư vào các cổ phiếu tăng trưởng có thể khá rủi ro. Vì không có cổ tức nên cơ hội sinh lời duy nhất mà nhà đầu tư kiếm được đó là họ phải bán cổ phần của mình.

Ví dụ, cổ phiếu công nghệ như FPT tăng trưởng tốt hơn đáng kể trong những năm gần đây, được thúc đẩy bởi sự mở rộng mạnh mẽ của nền kinh tế và khả năng tiếp cận nguồn vốn rẻ. 

4.    Cổ phiếu thu nhập

Cổ phiếu thu nhập là cổ phiếu trả cổ tức cao hơn thị trường một cách đều đặn từ nguồn lợi nhuận hoặc tiền mặt dư thừa của công ty.

Thông thường, những cổ phiếu này nằm ở trong lĩnh vực tiện ích, đặc điểm của các doanh nghiệp này là có độ biến động thấp và ít tăng vốn hơn so với cổ phiếu tăng trưởng, làm cho chúng phù hợp với những nhà đầu tư có mức độ ngại rủi ro cao, những người tìm kiếm nguồn thu nhập đều đặn. 

5.    Cổ phiếu Bluechip

Cổ  phiếu Bluechip là danh sách cổ phiếu do các công ty có giá trị vốn hóa lớn phát hành. Đây là những công ty dẫn đầu ngành và toàn thị trường chứng khoán, ảnh hưởng trực tiếp đến biến động giá cổ phiếu trên sàn giao dịch.

Loại cổ phiếu này có các đặc điểm như: 

•    Vốn hoá lớn 

•    Yếu tố cơ bản tốt

•    Thường biến động giống thị trường

•    Thương hiệu và uy tín lớn

•    Có bề dày về lịch sử và thông thường tình hình tài chính lành mạnh

•    Ít bị sai lệch về định giá do ai cũng hiểu khá rõ nhóm cổ phiếu này. 

Ví dụ cổ phiếu blue chip ở Việt Nam là nhóm 30 cổ phiếu vốn hoá lớn (VN30): VNM, VCB, VIC, MSN…

Với những đặc điểm trên, cổ phiếu blue chip thường được nhiều nhà đầu tư săn đón. Đây cũng là sự lựa chọn phù hợp cho những nhà đầu tư mới, vì sẽ giúp bạn giảm thiểu nhiều rủi ro. 

Tuy nhiên, vì đây là nhóm cổ phiếu ổn định, nên thường sẽ tăng trưởng chậm. Ngoài ra, vì giá cổ phiếu cao, nhà đầu tư khó tìm được thời điểm thích hợp để mua cổ phiếu với giá tốt.

6.    Cổ phiếu Penny

Cổ phiếu penny là thuật ngữ dùng để chỉ các cổ phiếu thường được giao dịch với mức giá thấp hơn giá trị sổ sách, công ty có vốn hóa thấp và ít danh tiếng. Loại cổ phiếu này thường có các đặc điểm sau:

•    Biến động rất cao

•    Giá cổ phiếu rất thấp

•    Thanh khoản ít

•    Thường chưa được niêm yết chính thức (Giao dịch trên Sàn Upcom)

•    Tình hình tài chính không quá lành mạnh

•    Thương hiệu ít người biết đến.

Là người mới, bạn có thể sẽ bị thu hút bởi mức giá thấp của cổ phiếu penny. Nhưng đây là loại cổ phiếu có rất nhiều rủi ro mà bạn cần tránh. Loại cổ phiếu này thường có thanh khoản kém và cũng có rất ít cơ hội tăng trưởng. Nhiều cổ phiếu penny bị hủy niêm yết khỏi các sàn HOSE và HNX, chỉ có thể giao dịch ở các thị trường phi tập trung (UPCoM). Trừ khi đã nhìn thấy cơ hội thực sự và nghiên cứu kỹ lưỡng, nếu không bạn không nên đầu tư vào cổ phiếu penny.

Ví dụ về cổ phiếu penny ở Việt Nam: DHA, TCI, AMS…

7.    Cổ phiếu giá trị

Cổ phiếu giá trị giao dịch ở giá thấp hơn so với lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của công ty có thể tạo ra, những cổ phiếu này thường được thị trường định giá ở mức hấp dẫn hơn so với ngành chung do chưa nhiều người phát hiện được tiềm năng của nó.

Các cổ phiếu giá trị - chẳng hạn như tài chính, năng lượng, bất động sản – có xu hướng hoạt động tốt hơn trong giai đoạn kinh tế phục hồi, vì các công ty này thường tạo ra các dòng thu nhập đáng tin cậy trong khi giá của chúng đang bị đánh giá thấp. Đặc điểm:

•    P/E và P/B thấp

•    Tăng trưởng rất thấp

•    Trả cổ tức cao

•    Ít đầu tư tài sản cố định hàng năm

•    Giá cổ phiếu khá ít biến động.

Cổ phiếu này thường được những nhà đầu tư dài hạn lựa chọn, vì cho rằng giá cổ phiếu sẽ tăng trưởng trong dài hạn. 

Một số ví dụ tại Việt Nam là: VEA, DPM, DCM, QTP…

8.    Cổ phiếu dòng tiền

Cổ phiếu thường xuyên trả cổ tức đều và cao, vượt lãi suất ngân hàng. Đặc điểm của loại cổ phiếu này là:

•    Dòng tiền hàng năm rất đều và ổn định

•    Kết quả kinh doanh rất ít biến động

•    Có lịch sử trả cổ tức tốt trong quá khứ, và dự kiến tiếp tục duy trì trong tương lai.

•    Các công ty này thường liên quan đến hàng tiêu dùng thiết yếu, tiện ích (điện nước thực phẩm thiết yếu…)

Ví dụ về cổ phiếu dòng tiền ở Việt Nam: BMP, NT2, VEA, QNS…

Cổ phiếu này thường là sự lựa chọn cho những nhà đầu tư có khả năng chịu đựng rủi ro thấp, yêu thích dòng tiền và có tính an toàn cao.

9.    Cổ phiếu chu kỳ và cổ phiếu không theo chu kỳ

Cổ phiếu chu kỳ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi hoạt động của nền kinh tế chung và thường tuân theo các chu kỳ thị trường: mở rộng, chậm lại, suy thoái và phục hồi.

Các cổ phiếu này thường biến động nhiều hơn và cho hiệu suất tốt hơn các cổ phiếu khác trong thời điểm nền kinh tế tăng trưởng mạnh lên khi người tiêu dùng có thu nhập cao hơn, từ đó chi tiêu tiêu dùng nhiều hơn .

Ví dụ về cổ phiếu theo chu kỳ bao gồm những doanh nghiệp sản xuất như Tập đoàn Hòa Phát (HPG) hay Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM). 

Mặt khác, cổ phiếu không theo chu kỳ thường nằm trong các ngành "chống suy thoái", những cổ phiếu này có xu hướng hoạt động tốt một cách đều đặn bất kể nền kinh tế. Cổ phiếu không theo chu kỳ thường tốt hơn cổ phiếu chu kỳ trong nền kinh tế suy thoái. 

10.     Cổ phiếu phòng thủ

Cổ phiếu phòng thủ là những cổ phiếu thường mang lại lợi nhuận đều đặn trong hầu hết các điều kiện kinh tế và môi trường thị trường chứng khoán. Các công ty này thường bán các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu, chẳng hạn như sản xuất mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, chăm sóc sức khỏe và tiện ích.

Cổ phiếu phòng thủ có thể giúp bảo vệ danh mục đầu tư khỏi bị thua lỗ trong thời gian thị trường gặp sự kiện bán tháo hoặc thị trường giá xuống (down trend). Cổ phiếu phòng thủ cũng có thể là cổ phiếu giá trị, cổ phiếu thu nhập, cổ phiếu không theo chu kỳ hoặc cổ phiếu blue-chip. 

11.    Cổ phiếu IPO

Khi một công ty cổ phần muốn phát hành cổ phiếu ra công chúng và trở thành một công ty đại chúng, công ty sẽ phát hành cổ phiếu thông qua 1 “đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng” (IPO). Cổ phiếu được bán trong đợt IPO thường được phân phối với mức giá nhỏ hơn giá cổ phiếu khi thực hiện niêm yết lên sàn giao dịch chứng khoán.

Các cổ phiếu IPO này cũng có thể bị hạn chế giao dịch trong 1 khoảng thời gian để ngăn các nhà đầu tư bán tất cả cổ phiếu của họ khi cổ phiếu bắt đầu giao dịch.

12.     Cổ phiếu ESG

Các cổ phiếu được gọi là cổ phiếu ESG (môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp) nhấn mạnh đến việc bảo vệ môi trường, công bằng xã hội và thực hành quản lý đạo đức. 

Ví dụ: cổ phiếu ESG có thể là một công ty đồng ý giảm lượng khí thải carbon của mình với tốc độ lớn hơn các mục tiêu quốc gia và ngành hoặc một công ty sản xuất năng lượng tái tạo.

Cổ phiếu ESG đã trở nên phổ biến và trở thành “trend” với thế hệ millennials trong những năm gần đây - một thế hệ có ý thức xã hội, những người có nhiều khả năng đầu tư vào những thứ họ tin tưởng và ủng hộ.

III.    CỔ PHIẾU BLUECHIP

1.    Cổ phiếu Bluechip là gì?

Cổ phiếu Bluechip là loại cổ phiếu được phát hành bởi các công ty lớn, với mức độ uy tín cao và tài chính dồi dào để chi trả cổ tức cho nhà đầu tư một cách minh bạch. Bên cạnh đó, công ty còn phải có vốn hóa lớn, được thành lập và hoạt động với số năm tương đối dài.

Cổ phiếu họ phát hành sẽ mang lại lợi nhuận tốt cho nhà đầu tư, dù đứng trước sự thay đổi hay suy thoái thị trường, cổ phiếu Blue chip vẫn sẽ tăng trưởng ổn định hơn so với các loại cổ phiếu khác.

Vì thế thông thường, các công ty, doanh nghiệp top dẫn dầu của từng lĩnh vực mới phát hành cổ phiếu Bluechip ra thị trường. Với một vài cái tên quen thuộc trên toàn thế giới như: IBM, Microsoft, CocaCola, Boeing,… hoặc VCB, CTG, VNM, REE, FPT,… ở Việt Nam. 

Cũng bởi vì yếu tố thương hiệu cùng tình hình kinh doanh, tài chính mạnh mẽ nên loại hình cổ phiếu Bluechip được rất nhiều nhà đầu tư tin tưởng và săn đón.

2.    Tại sao gọi là Blue Chip?

Cụm từ này bắt nguồn từ cách gọi tiền trong trò chơi Poker ở những sòng bài Casino. Blue có nghĩa là màu xanh dương, Chip chính là những tấm thẻ đổi tiền. Những tấm thẻ đổi tiền (coin) màu xanh dương sẽ có giá trị cao nhất khi bạn chơi Poker. Cho nên cụm từ Blue chip để hình dung cổ phiếu chất lượng được phát hành bởi những công ty lớn.

3.    Các điều kiện để trở thành bluechip?

Sau khi bạn đã nắm được khái niệm cổ phiếu Bluechip là gì, thì tiếp theo Timo sẽ điểm qua các đặc điểm nổi bật mà loại hình chứng khoán này mang lại. Cụ thể như sau:

•    Có số vốn hoá lớn: Các doanh nghiệp, tổ chức phát hành cổ phiếu Bluechip đều phải có vốn hoá trên 10.000 nghìn tỷ đồng.

•    Có lịch sử hình thành lâu đời: Khi đó, sản phẩm của doanh nghiệp phát hành cổ phiếu Bluechip phải có lịch sử hoạt động, tăng trưởng ổn định, vững bền theo thời gian. Ngoài ra, cổ phiếu cũng phải đủ khả năng để đảm bảo sự phát triển tiếp tục trong tương lai. Khác với các công ty công nghệ mang tới sự phát triển nhanh chóng, sự phát triển bền vững từ cổ phiếu Bluechip sẽ luôn là yếu tố hấp dẫn mọi nhà đầu tư.

•    Sự đóng góp lớn đối với thị trường: Nhà đầu tư sẽ hoàn toàn có thể yên tâm về sự đảm bảo của dòng tiền khi lựa chọn nhóm cổ phiếu này nhờ vào tình hình kinh doanh ổn định, ít biến động, rủi ro thấp. Do đó mà cổ phiếu Bluechip còn có khả năng nâng đỡ, dẫn dắt và tác động trực tiếp đến các chỉ số của thị trường.

•    Chỉ số thị trường ấn tượng: Nhóm cổ phiếu này thường sẽ nằm trong nhóm có chỉ số (Index) ấn tượng nhất của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam thì các cổ phiếu này được đưa vào nhóm VN30 – Index. 

•    Chi trả cổ tức minh bạch: Mặc dù không phải cổ phiếu Bluechip nào cũng chi trả cổ tức cho chủ sở hữu nhưng phần lớn vẫn sẽ có. 

Nhà đầu tư có thể yên tâm khi đầu tư vào cổ phiếu Bluechip vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp phát hành (Nguồn: Internet)

4.    Đặc điểm của cổ phiếu bluechip

Vì đây là cổ phiếu của tổ chức dẫn đầu trong ngành kinh tế, nên nó sẽ hội tụ đầy đủ những điểm nổi bật nhất so với cổ phiếu khác:

•    Tính an toàn cao: Do doanh nghiệp có sức mạnh tài chính lớn, nợ thấp cũng như điểm xếp hạng tín dụng mạnh. Nguy cơ vỡ nợ khó có thể xảy ra nên nhà đầu tư yên tâm về lợi nhuận nhận được và không sợ mất vốn.

•    Cổ phiếu Bluechip mang lại dòng tiền ổn định cho nhà đầu tư vì mô hình kinh doanh của doanh nghiệp rất bền vững, ít có sự biến động và ít bị ảnh hưởng bởi thị trường.

•    Các doanh nghiệp phát hành được quản lý bởi những chuyên gia có kinh nghiệm và năng lực tốt nhất. Họ sẽ điều hành tổ chức phát triển, duy trì tốc độ tăng trưởng lâu dài.

•    Giá cổ phiếu Blue chip thường tăng trong thời gian dài. Nắm giữ càng lâu nhà đầu tư càng lời.

5.    Ưu điểm, nhược điểm của cổ phiếu bluechip

Ngoài các đặc điểm nổi bật được đề cập bên trên, bạn cũng cần nên hiểu rõ ưu và nhược điểm của cổ phiếu Bluechip là gì trước khi quyết định đầu tư.

a.    Ưu điểm của cổ phiếu Bluechip

-    Tính an toàn cao do được phát hành bởi doanh nghiệp lớn.

-    Lợi nhuận bền vững dài hạn và giá trị vốn hóa cao

-    Khả năng sống sót của doanh nghiệp qua khủng hoảng kinh tế, biến động thị trường cao.

b.    Nhược điểm của cổ phiếu Bluechip

-    Tốc độ tăng trưởng chậm: Cổ phiếu Bluechip có mức tăng trưởng ổn định, bền vững khá an toàn. Chính vì vậy mà cổ phiếu này khó có cho nhà đầu tư một mức đột phá như tăng mạnh hoặc giảm mạnh trong thời gian ngắn như các loại cổ phiếu khác trên thị trường. 

-    Lợi nhuận thu được thấp hơn một số cổ phiếu khác.

-    Vốn đầu tư lớn: Thông thường giá của cổ phiếu Bluechip khá cao vì chúng thuộc các công ty lớn đầu ngành và có tiềm năng phát triển bền vững. Chính vì thế mà các nhà đầu tư cần phải bỏ số vốn tương ứng để có thể thu được lợi nhuận hấp dẫn và ít rủi ro. Cổ phiếu Bluechip  thích hợp với những nhà đầu tư với vốn lớn và kế hoạch đầu tư lâu dài.  

6.    Các lưu ý khi mới đầu tư vào bluechip 

6.1. Lựa chọn blue chip uy tín, ít biến động 

Việc lựa chọn những cổ phiếu Blue chip uy tín không khó khi bạn có thể tìm được danh sách những công ty lớn trên thị trường. Tuy nhiên, yếu tố cần quan tâm ở đây là sự ít biến động giá cổ phiếu mà công ty phát hành ra. Bởi vì chỉ những tổ chức, doanh nghiệp có lịch sử lâu dài, phát triển bền vững mới đảm bảo cổ phiếu của họ ổn định trong dài hạn.

Chúng ta có thể bắt gặp những công ty về công nghệ được rót vốn rất lớn từ các chủ đầu tư. Tuy nhiên, thị trường công nghệ phát triển cực kỳ nhanh và cạnh tranh cao, nó thường biến động mạnh và ít có sự ổn định khi thị trường thay đổi. Cổ phiếu của tổ chức này không được coi là Blue chip. Nhà đầu tư đừng nhìn vào sự phát triển chớp nhoáng ấy mà hy vọng một tương lai dài hạn tốt đẹp phía trước. 

Chúng ta có thể thực hiện so sánh giá của tổ chức Blue chip qua các năm dựa vào số liệu giao dịch cụ thể trên sàn giao dịch chứng khoán. Hoặc bản thân mỗi người có thể sử dụng phần mềm định giá cổ phiếu để tự xác định giá của chúng ở quá khứ hoặc tương lai. 

6.2. Có một chiến lược đầu tư an toàn 

Sau khi đã có được một danh sách các cổ phiếu Blue chip phù hợp với nhu cầu của bạn, lúc này nhà đầu tư cần xây dựng một số chiến lược chính xác. Có hai vấn đề bạn cần quan tâm lúc này

•    Chia nhỏ số tiền đầu tư: Không tập trung hết toàn bộ vốn của mình vào cổ phiếu Blue chip. Lợi nhuận của loại cổ phiếu này khá thấp nên sẽ khó thỏa mãn mong muốn kiếm lời nhiều và nhanh chóng. Bạn có thể chia ra thành nhiều khoản đầu tư khác nhau: Một ít vào trái phiếu, chứng chỉ quỹ,… còn lại sẽ mua cổ phiếu Blue chip. Làm như vậy thì nhà đầu tư sẽ có được nhiều nguồn thu nhập hơn, khả năng sinh lời tốt hơn.

•    Đa dạng hóa danh mục đầu tư với 3-5 Blue chip: Thị trường có nhiều cổ phiếu Blue chip như vậy, không lý nào bạn chỉ chọn một trong số chúng để nắm giữ. Hãy mua nhiều hơn 1 cổ phiếu Blue chip để hiệu quả đầu tư được nâng cao. Bạn tự đánh giá tiềm năng phát triển của những cổ phiếu và đưa ra quyết định nắm giữ hoặc chuyển nhượng. Đôi khi giá của cổ phiếu này tăng bạn có thể hưởng mức chênh lệch nếu bán chúng ra thị trường. Trong khi đó bạn vẫn đang nắm giữ cổ phiếu khác và duy trì nhận cổ tức. Đây thật sự là một cách đầu tư rất thông minh mà mỗi nhà đầu tư không nên bỏ qua.

7.    Danh sách các cổ phiếu Bluechip Việt Nam trên sàn HoSE

Sau đây sẽ là một số cổ phiếu Bluechip nổi bật tại Việt Nam trên sàn HoSE để bạn có thể tham khảo.

Tên công ty/doanh nghiệp    Mã chứng khoán    Mức vốn hóa thị trường    Giá cổ phiếu gần nhất    Doanh thu thuần (2020)

Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk)    VNM    210.249,52 tỷ đồng    77.300 đồng    59.636.286  tỷ đồng

Công ty CP FPT    FPT    59.341,62 tỷ đồng    91.600 đồng    11.466.154 tỷ đồng

Tập đoàn Vingroup    VIC    354.140,48 tỷ đồng    78.100 đồng    110.462.372 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam    VCB    349.747,14 tỷ đồng    82.500 đồng    36.225.229 tỷ đồng

Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động    MWG    59.757,13 tỷ đồng    131.400 đồng    108.546.020 tỷ đồng

Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát    HPG    152.576,67 tỷ đồng    46.200 đồng    90.118.543 tỷ đồng

Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận    PNJ    18.916,90 tỷ đồng    102.800 đồng    17.511.018 tỷ đồng

Tổng Công ty Khí Việt Nam    GAS    179.911,30 tỷ đồng    109.200 đồng    64.150.007 tỷ đồng

Công ty Dược Hậu Giang    DHG    12.891,56 tỷ đồng    108.700 đồng    3.755.619 tỷ đồng

Công ty CP Tập đoàn Masan    MSN    101.962,51 tỷ đồng    140.500 đồng    77.217.808 tỷ đồng

Tóm lại, bạn đã có thể hiểu được đặc điểm và giá trị của cổ phiếu Bluechip là gì cũng như các công ty cung cấp lớn nhất tại Việt Nam qua bài viết trên. Mặc dù có nhiều ưu điểm và rủi ro thấp nhưng lãi suất nhận được từ loại cổ phiếu này có thể sẽ không cao bằng các cổ phiếu thông thường khác. Vì thế khi lựa chọn đầu tư vào mã chứng khoán nào, bạn cũng phải cần cân nhắc và phân tích thật kỹ càng.


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem