Bình luận xung quanh vụ việc Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG)

Ngày đăng 16/10/2023
311 Lượt xem

Tác giả

Những ngày vừa qua, hàng loạt các báo đài, các trang mạng xã hội đưa tin về việc Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai có quyết định số 01/2023/QĐ-MTTPS mở thủ tục phá sản với Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã CK: DLG) sau khi xem xét đơn yêu cầu của Công ty Lilama 45.3 (tỉnh Quảng Ngãi).

Theo quyết định này, trong 30 ngày từ 09/10/2023, chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho quản tài viên hoặc cho thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản là ông Lê Đình Nam. Giấy đòi nợ thể hiện rõ các thông tin bắt buộc là: tổng số nợ phải trả, gồm khoản nợ, số nợ đến hạn và khoản tiền lãi đến hạn nhưng chưa thanh toán, số nợ chưa đến hạn, số nợ có bảo đảm và phương thức bảo đảm, số nợ không có bảo đảm mà Tập đoàn Đức Long Gia Lai phải trả, khoản tiền bồi thường theo hợp đồng (nếu có). Hết thời hạn 30 ngày, Tòa án căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ phá sản để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. 

Quyết định này được công bố trên các phương tiện truyền thông dẫn đến sự ngỡ ngàng của hàng loạt dư luận xoay quanh về câu chuyện mở thủ tục phá sản. Hàng loạt các bài báo đưa tin, nhưng phần lớn lại trùng lặp về nội dung cũng như thể hiện lại nội dung của quyết định đó. Vì thế, vẫn còn nhiều câu hỏi xoay quanh mà người đọc chưa tìm được lời giải đáp. Cụ thể:

1/ Tại sao lại có Quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai?

Quyết định mở thủ tục phá sản này xuất phát từ đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản từ phía Công ty cổ phần Lilama 45.3. Cụ thể, cuối tháng 7/2023, Công ty cổ phần Lilama 45.3 có đơn gửi Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai yêu cầu mở thủ tục phá sản với Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai. Cụ thể, tại Bản án số 03/2023/KDTM-PT ngày 08/02/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai và quyết định thi hành án số 1044/QĐ-CCTHADS ngày 15/3/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Pleiku, DLG phải trả cho Lilama 45.3 khoản nợ gốc là 14.764.848.038 đồng và lãi chậm thanh toán là 2.362.501.654 đồng. Thụ lý đơn, Tòa án yêu cầu Đức Long Gia Lai giải trình nguyên nhân dẫn tới mất khả năng thanh toán và các báo cáo tài chính, bảng kê chi tiết tài sản, danh sách chủ nợ và nhiều tài liệu khác liên quan.

Khi thông tin được đưa trên các phương tiện truyền thông, người đọc khá hoang mang và chưa có cái nhìn đầy đủ về câu chuyện này. Một trong số đó ngầm mặc định doanh nghiệp đã phá sản. Tuy nhiên, trên thực tế theo quy định của pháp luật không phải như vậy. Thuật ngữ “Phá sản” thường được sử dụng để chỉ những chủ thể bị lâm vào tình trạng hỗn loạn về tài chính và không còn khả năng thanh toán các khoản nợ. Có nhiều mức độ phá sản khác nhau, bao gồm từ tình trạng bị mất khả năng thanh toán tạm thời cho đến những trường hợp chấm dứt sự hoạt động của doanh nghiệp với tư cách một thực thể kinh doanh. Đồng thời, có quyết định mở thủ tục phá sản không đồng nghĩa doanh nghiệp bị phá sản, mà chỉ khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định phá sản. Cụ thể, theo khoản 2, Điều 4, Luật Phá sản năm 2014 thì “Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản”.

2/ Tình hình kinh doanh của Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai hiện như thế nào?

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo soát xét bán niên 2023 của DLG, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 511,6 tỷ đồng, giảm 29,2% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế của DLG ghi nhận khoản lãi 34,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 361,3 tỷ đồng. Lợi nhuận công ty mẹ đạt 27,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 370 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của công ty 5.701,9 tỷ đồng, trong đó phần lớn nằm ở tài sản cố định đạt 2.509 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn và dài hạn là 2.348 tỷ đồng. Tổng cộng lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn là 211 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty cũng trích lập dự phòng 1.362 tỷ đồng với nợ phải thu ngắn hạn khó đòi.

Về cơ cấu nợ, tổng nợ phải trả của DLG ghi nhận tại 4.568,7 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong khi đó, công ty đi vay 2.945 tỷ đồng, chiếm 64% tổng nợ phải trả. 

Vốn chủ sở hữu tính đến cuối quý II là 1.133 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là khoản âm 2.042 tỷ đồng.

3/ Đức Long Gia Lai nói gì khi có Quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai

Sau khi có Quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Tường Cọt - Tổng Giám đốc Đức Long Gia Lai đã gửi văn bản đề nghị xem xét lại về Quyết định mở thủ tục phá sản số 01/2023/QĐ-MTTPS ngày 9/10 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai. Ông Cọt cho rằng theo yêu cầu của Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai tại thông báo ngày 25/7, công ty có công văn số 97/ĐLGL-VP ngày 9/8 giải trình về việc giải quyết công nợ với Công ty Cổ phần Lilama 45.3 và khả năng thanh toán công nợ của công ty. Đồng thời, công ty cung cấp cho tòa án báo cáo tài chính các năm 2021, 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, qua đó thể hiện rõ việc công ty có đủ khả năng thanh toán các khoản nợ.

Đồng thời, trong biên bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hồi đầu tháng 9, DLG khẳng định “Công ty không bị mất khả năng thanh toán và có tổng tài sản gần 6.000 tỷ đồng; nguồn tài chính đủ khả năng trả nợ cho các đối tác, khách hàng, ngân hàng từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như công nợ phải thu từ các đối tác. Khoản nợ của Lilama 45.3 rất nhỏ, chiếm chưa đến 0,14% tổng tài sản của công ty, hoàn toàn nằm trong khả năng thanh toán của công ty. Do đó, công ty không thuộc đối tượng phải áp dụng Luật Phá sản”, trích văn bản giải trình của DLG.

Ngoài ra, doanh nghiệp cho biết đã làm việc, đưa ra lộ trình trả nợ và sẵn sàng trả nợ cho Lilama 45.3 sau khi hai bên thống thất lộ trình thanh toán, nhưng phía Lilama 45.3 chưa đồng ý.

4/ Thị giá cổ phiếu DLG trên thị trường chứng khoán đang diễn biến như thế nào?

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 13/10, cổ phiếu DLG của Đức Long Gia Lai bị bán tháo mạnh, giảm hết biên độ xuống 2.420 đồng/cổ phiếu. Đến phiên giao dịch ngày hôm nay ngày 16/10, cổ phiếu DLG tiếp tục nằm sàn, giảm hết biên độ xuống còn 2.260 đồng/cổ phiếu. So với mức giá trên 10.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm 2022, cổ phiếu DLG giảm rất sâu. Đến giữa phiên giao dịch sáng, giá cổ phiếu có dấu hiệu tăng nhẹ, đến đầu chiều giao dịch ở mức 2.310 – 2.330 đồng/cổ phiếu. Có thể khẳng định, đây là dấu hiệu tích cực sau khi DLG công bố thông tin về việc đã và đang tiến hành đề nghị xem xét lại về quyết định mở thủ tục phá sản.

 


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem