BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý (TÀI LIỆU THAM KHẢO LUẬT BẢO HIỂM)

Ngày đăng 31/12/2022
174 Lượt xem

BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý

Trong tình hình dịch bệnh Covid 19 hoành hành, gây nguy hiểm cho xã hội, có tác động tiêu cực đối với mọi mặt của đời sống xã hội trong đó phần đông người lao động trong xã hội bị thiếu việc làm, thất nghiệp. Theo đó vấn đề liên quan đến trợ cấp thất nghiệp được đặt ra với rất nhiều người.

Chính sách BHTN là một trong các chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội được triển khai từ năm 2009. Với tính ưu việt của chính sách BHTN, tỷ lệ lao động tham gia loại hình bảo hiểm này ngày càng tăng.

Theo thống kê, năm 2020 số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là hơn 13,3 triệu người. Tổng số chi quỹ bảo hiểm thất nghiệp thực hiện trong năm 2020 là 18.852 tỷ đồng, tăng 49,2% (tương đương 6.217 tỷ đồng) so với năm 2019[1].

So với các nước trong khu vực và trên thế giới, mục tiêu về tỷ lệ tham gia BHTN trong lực lượng lao động của Việt Nam là không cao (35% vào năm 2020). Cụ thể, Nhật Bản đạt 56,1% vào năm 2008, Đài Loan đạt 49,9% vào năm 2008, Thái Lan đạt 24,4% vào năm 2008 và Trung Quốc đạt 47% - 54,4% vào năm 2007[2].

Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm 2013).

Tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì người tham gia được hưởng rất nhiều quyền lợi như  được hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm.

Về trợ cấp thất nghiệp thì mức hưởng hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở hoặc mức lương tối thiểu vùng tùy theo từng đối tượng; thời gian hưởng được tính theo số tháng đóng, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng; thời điểm hưởng được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm có thẩm quyền (Điều 50 Luật Việc làm 2013).

Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm thì người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm thì được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí (Điều 54 Luật Việc làm 2013). 

Hỗ trợ học nghề thì nếu người lao động đấp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm 2013 như người lao động chấm dứt hợp đồng lao động (trừ trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng); đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động; chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ một số trường hợp: a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; e) Chết; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Thời gian hỗ trợ học nghề theo thời gian học nghề thực tế nhưng không quá 06 tháng. Mức hỗ trợ học nghề theo Quyết định 77/2014/QĐ-TTg cụ thể:

+ Tối đa 01 (một) triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề.

+ Trường hợp khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở dạy nghề thì số ngày lẻ đó được tính tròn là 01 (một) tháng để xác định mức hỗ trợ học nghề.

Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề

Người lao động được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm do người sử dụng lao động tổ chức.

Như vậy có thể thấy việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp tuy là việc làm đơn giản nhưng đem lại nhiều lợi ích cho người tham gia, người tham gia được hưởng nhiều quyền lợi giúp đảm bảo được vấn đề an sinh. Do vậy mỗi người lao động nên quan tâm nhiều hơn tới vấn đề tham gia bảo hiểm thất nghiệp để hạn chế những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm 2013 thì người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện như:

 Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều 43 của Luật này;

Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 43 của Luật này;

Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 của Luật này;

Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.

Tuy nhiên việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

Về thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý Nhà nước về việc làm thành lập (khoản 1 Điều 46 Luật việc làm).

Người lao động được ủy quyền nộp hồ sơ hoặc gửi qua đường bưu điện trong những trường hợp sau: ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền, bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền; hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.

Sau đó thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; trường hợp không đủ điều thì phải trả lời bằng văn bản cho người lao động trong thời gian là 20 ngày kể từ ngày trung tâm việc làm nhận đủ hồ sơ.

Cuối cùng thì tổ chức BHXH thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp ( Điều 46 Luật Việc làm).

Như vậy, người lao động cần phải lưu ý chi tuêts trên đây để tránh tình trạng quá thời hạn giải quyết trợ cấp thất nghiệp (quá 3 tháng). Và thời gian tham gia BHXH của người lao động chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được bảo lưu cho lần tiếp theo đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu trước đó không đáp ứng được điều kiện của luật.

Thực tế theo thống kê trong 6 tháng đầu năm 2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, 412.733 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Qua đó, 380.636 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Gần 913 nghìn lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm và 10.651 người được hỗ trợ học nghề.

 Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho biết, riêng trong tháng 7 năm 2021, Bảo hiểm xã hội các địa phương phối hợp ngành lao động - thương binh và xã hội giải quyết cho 80.021 người hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, 79.087 người hưởng trợ cấp thất nghiệp và 934 người hưởng chế độ học nghề.

Tính đến hết tháng 7 năm 2021, toàn quốc có khoảng 16 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm 32,08% lực lượng lao động. Trong số này, có hơn 14,7 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; gần 1,2 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; hơn 13 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp[3].

Tuy nhiên theo BHXH Việt Nam việc triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Quy định đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng, cán bộ, công chức và mức tiền lương tối đa làm căn cứ đóng giữa BHXH bắt buộc và BHTN không đồng nhất dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý đối tượng tham gia và theo dõi thu BHXH, BHTN đối với đơn vị sử dụng lao động.

Bên cạnh đó, điều kiện hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp còn chưa chặt chẽ, chưa phản ánh đúng bản chất của thất nghiệp; quy định về việc thực hiện chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm còn chưa cụ thể, dẫn đến việc thực hiện còn mang tính hình thức. Điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động còn chưa phù hợp với tình hình thực tế dẫn đến sau 4 năm triển khai Luật Việc làm đến nay vẫn chưa có đơn vị sử dụng lao động nào nộp hồ sơ đề nghị và được thụ hưởng chế độ này.

Ngoài ra, việc quy định cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp dẫn đến tình trạng người lao động cứ đóng đủ 12 tháng chủ động nghỉ việc để hưởng hết trợ cấp thất nghiệp, sau đó chuyển công việc khác dẫn đến nhiều sự biến động  lao động tại các đơn vị, đặc biệt là lao động phổ thông gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Một số giải pháp góp phần hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Một là, áp dụng thêm chế độ hỗ trợ đối với NLĐ tham gia BHTN bị mất việc làm.

Hai là, mở rộng đối tượng tham gia BHTN bằng hình thức tự nguyện.

Ba là, ban hành các quy định đặc thù đối với các đối tượng đặc thù để tăng tính công bằng giữa các đối tượng NLĐ, NSDLĐ.

Bốn là, quy định mức thu BHTN hợp lý hơn.

Năm là, bổ sung chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHTN.

Sáu là, đổi tên gọi “Bảo hiểm thất nghiệp” thành "Bảo hiểm việc làm".

 

[1] Tú Giang, Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Báo điện tử ĐCS Việt Nam.

[2] Yasuhiro Kamimura (2010), “Employment Structure and Unemployment Insurance in East Asia: Establishing Social Protection for Inclusive and Sustainable Growth”, page 4.

[3] Ngân Anh, Hơn 80 nghìn người được giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong tháng 7, Báo Nhân dân, ngày 15/8/2021.

 


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem