TÀI LIỆU GIỚI THIỆU LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN

Ngày đăng 11/08/2023
173 Lượt xem

Tác giả

Ngày 15/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (Luật số 14/2022/QH15), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2023, Luật gồm những nội dung cơ bản như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN (SỬA ĐỔI)

1. Cơ sở chính trị

Thực hiện các giải pháp được đưa ra tại Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng là nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng sát với thực tiễn của đất nước và phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Nhóm tội phạm về tham nhũng là nhóm tội phạm nguồn của tội rửa tiền được đánh giá có nguy cơ rửa tiền từ mức “trung bình cao” đến mức “cao”. Do vậy, hiệu quả công tác điều tra, truy tố và xét xử tội phạm về rửa tiền sẽ góp phần đáng kể tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Việc hoàn thiện quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền là một trong những yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả điều tra, truy tố và xét xử tội phạm về rửa tiền.

Tại Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 05/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ  và Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố” ban hành kèm theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 07/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất chỉnh sửa Luật Phòng, chống rửa tiền và các văn bản hướng dẫn phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

2. Cơ sở về thực hiện điều ước quốc tế và cam kết quốc tế

a) Về các điều ước quốc tế

Ngày 18/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 605/QĐ-TTg về Phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước Palécmô và Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Công ước Palécmô bao gồm nhiều điều khoản về chống tội phạm có tổ chức và yêu cầu những nước đã thông qua Công ước này phải thực hiện các điều khoản của Công ước bằng cách nội luật hóa, bao gồm cả các quy định về phòng, chống rửa tiền như hình sự hóa đầy đủ tội rửa tiền, xây dựng các biện pháp để phòng ngừa và phát hiện mọi hành vi rửa tiền trao quyền hợp tác và trao đổi thông tin giữa các cơ quan có thẩm quyền, thành lập một đơn vị tình báo tài chính của quốc gia và thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Để triển khai Công ước trên, điểm 2 (a) mục II Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước Palécmô đã quy định về nhiệm vụ rà soát để hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp luật về phòng, chống tội phạm cho phù hợp với Công ước và Nghị định thư, trong đó có Luật Phòng, chống rửa tiền.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã gia nhập Công ước Liên hợp quốc về Chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và hướng thần (Công ước Viên 1988) vào tháng 11/1997 và phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (Công ước Merida) tháng 8/2009.

Công ước Viên chủ yếu đề cập đến các điều khoản để chống buôn bán bất hợp pháp ma túy và các vấn đề liên quan đến thi hành pháp luật. Mặc dù trong Công ước Viên không sử dụng thuật ngữ rửa tiền nhưng khoản 1 Điều 3 Công ước đã đưa ra định nghĩa về khái niệm này và yêu cầu các nước hình sự hóa hoạt động đó.

Công ước Merida yêu cầu các quốc gia thành viên phải: xây dựng các biện pháp chống rửa tiền; phòng ngừa và phát hiện việc chuyển tài sản do phạm tội mà có; thành lập đơn vị tình báo tài chính có trách nhiệm nhận, phân tích và chuyển giao cho các cơ quan có thẩm quyền báo cáo về các giao dịch tài chính đáng ngờ; hình sự hóa các tội phạm liên quan đến tài sản do phạm tội mà có trong đó có tội tham nhũng, đồng thời có các biện pháp xử lý tội tham nhũng hiệu quả, tăng cường hợp tác quốc tế.

Như vậy, theo yêu cầu của các Công ước nêu trên, các quốc gia thành viên, tham gia hoặc phê chuẩn Công ước đều phải có các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn các hành vi buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và hướng thần, phạm tội có tổ chức xuyên quốc gia và hành vi tham nhũng, tài trợ khủng bố. Để thực hiện các biện pháp này, các quy định pháp luật về biện pháp phòng ngừa, phát hiện hành vi rửa tiền, tài trợ khủng bố cũng cần được áp dụng có hiệu quả để phòng ngừa, phát hiện các hành vi nêu trên. Do vậy, việc sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền là một yêu cầu để thực thi có hiệu quả các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã gia nhập hoặc phê chuẩn.

b) Về thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam

Năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về Phòng, chống rửa tiền (APG) và phải thực hiện các chuẩn mực quốc tế về rửa tiền/tài trợ khủng bố/tài trợ phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt  hiện là 40 Khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF); cam kết tham gia vào các vòng đánh giá đa phương của APG.

Năm 2019, APG thực hiện đánh giá đa phương lần thứ 2 đối với Việt Nam và kết quả Báo cáo đánh giá đa phương về công tác phòng, chống rửa tiền của Việt Nam (Báo cáo đánh giá đa phương) được thông qua tại Hội nghị toàn thể của FATF vào tháng 3/2022. Tại Báo cáo đánh giá đa phương nhận định: (i) Về khuôn khổ pháp lý, quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam vẫn còn những thiếu hụt, không đáp ứng hoặc mới đáp ứng được một phần tại 27/40 Khuyến nghị của FATF, trong 27/40 khuyến nghị này có 5/6 khuyến nghị cốt lõi; (ii) Về hiệu quả thực thi: hiện có 2/11 Mục tiêu trực tiếp (IO) được đánh giá hiệu quả “Khá”; 2/11 IO được đánh giá là hiệu quả “Trung bình”; 7 IO bị đánh giá hiệu quả “Thấp”. Với kết quả đánh giá đa phương này, Việt Nam đã bị đưa vào quy trình rà soát tăng cường sau đánh giá đa phương của APG và quy trình rà soát các nước có thiếu hụt nghiêm trọng của FATF.

Trong một năm, kể từ khi bị áp dụng quy trình rà soát các nước có thiếu hụt nghiêm trọng của FATF (từ tháng 3/2022 - 3/2023), Việt Nam sẽ phải khắc phục những thiếu hụt được xác định trong Báo cáo đánh giá đa phương. Sau thời gian này, nếu Việt Nam không thể hiện được sự tiến bộ đối với 09 IO đang bị xếp hạng ở mức Thấp hoặc Trung bình và không đáp ứng các yêu cầu về cải thiện khuôn khổ pháp lý, Việt Nam sẽ bị đưa vào Danh sách các nước có thiếu hụt nghiêm trọng về phòng chống RT/TTKB/TTPBVKHDHL (gọi tắt là Danh sách Xám) - Danh sách công khai toàn cầu của FATF.


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem