Bàn luận về phẩm chất cần có của người quản lý

Ngày đăng 21/09/2023
161 Lượt xem

Từ khi vượn người tiến hóa thành người đứng thẳng, xã hội loài người được khai thế, những người đứng thẳng đầu tiên đã xây dựng và tổ chức nên những bộ lạc nguyên thủy. Những bộ lạc nguyên thủy đó là những cộng đồng người đầu tiên trên thế giới rộng lớn, xinh đẹp này. Rồi từ chế độ, cơ cấu bộ lạc mà phát triển thành vương quốc.

Khi chế độ phong kiến cơ bản sụp đổ trên thế giới hiện đại, các quốc vương trở nên ít ỏi và “khan hiếm”, thế nhưng dù nhân loại có trải qua bao nhiêu hình thái xã hội đi chăng nữa, thì một sự thật hiển nhiên vẫn muôn đời ngự trị trong sự tồn tại của chân lý đối với thế giới loài người: Đó là dù bao nhiêu quốc gia xóa bỏ vương quyền, dù bao nhiêu đất nước lãnh tụ đại diện cho nhân dân thay lời quân chủ tuyên thệ tận lực với quốc gia và các đấng thần linh, dù bao nhiêu vùng đất không cần dùng đến ngai vàng của hoàng đế nữa; thì khái niệm “nhà quản lý” vẫn tồn tại, chẳng qua khái niệm này biến thiên theo “trục phát triển hình thái con người và xã hội” của chúng ta mà thôi.

Trong một quốc gia mà nền cộng hòa được hoan nghênh và coi như điều thiết yếu, hiển nhiên, thì sẽ rất dễ hiểu khi quốc gia đó không có ngai vàng, quốc vương, vương vị và vương quyền, ngay cả đến tên quốc gia đó cũng sẽ trở nên một điều trái khuấy nếu như ai đó cố tình đọc nó thành “Vương Quốc A” “Vương Quốc B”, “Vương Quốc C” - rất có thể người dân sẽ nổi giận và đét vào mông tên ngốc thiếu hiểu biết đã cô tình đọc sai như vậy (Điều này cực kỳ đúng nếu nó xảy ra ở nước Nga - đất nước mà các anh hùng của nó ngang bướng khủng khiếp vì họ đại diện cho thiên nhiên Nga khắc nghiệt, bao nỗi thống khổ của nhân dân Nga - nội lực Nga).

Nhưng kể cả trong một quốc gia như vậy, thì các nhà quản lý từ tầm vi mô đến vỹ mô vẫn nhiều như sao trên trời, đông như đại quân của Hãn Bạt Đô (con trai Thành Cát Tư Hãn). Từ điều này có thể thấy rằng một chế độ quân chủ có thể bị xóa bỏ, nhưng mô thức “nhà quản lý” và cả “khu rừng” nuôi dưỡng, bảo vệ nó vẫn là bất hoại, bất tử, bất diệt. Từ thời xa xưa, các vị vua cũng chỉ là các nhà quản lý ở tầng cao nhất trong tầm mức từ vi mô đến vỹ mô; và họ có thể bỏ mạng trong máy chém của cuộc cách mạng Pháp hay bị đồng chí Vladimir Ilyich Lenin đại diện cho tầng lớp lao khổ yêu cầu thoái vị; nhưng kỳ thực chẳng có nhà quản lý thời hiện đại nào biết đến “mùi vị” máy chém của cách mạng hay “hương vị” một toán người đông như kiến cỏ tự xưng là “người dân lao khổ” xông vào nơi cư ngụ và yêu cầu thoái vị.

Thực tế là các vị vua có thể bị xử bay đầu hay yêu cầu thoái vị nhưng các nhà quản lý thời hiện đại thì không hề - họ vẫn an nhiên tự tại cùng số tiền được chuyển vào tài khoản ngân hàng mỗi tháng; bởi vì xã hội có thể không chấp nhận các ông vua nhưng lại coi việc chấp nhận những nhà quản lý thời hiện đại là điều hết sức bình thường. Việc này nói lên điều gì khi nhà vua cũng chỉ là người quản lý? Đơn giản thôi, người ta có thể không cần bạn quản lý theo kiểu nhà vua “trẫm chính là nhà nước”, nhưng người ta không thể không cần bạn quản lý nếu bạn đủ năng lực, tố chất và phẩm đức khi nhu cầu được quản lý là thật sự cần thiết. Vậy nhân cách của nhà quản lý gồm những điều gì? 

Thứ nhất: Nhà Quản Lý Cần Phải Biết Phát Huy Mọi Ưu Điểm Mà Bản Thân Có Và Phải Biết Cách Không Để Nhược Điểm Của Mình Dẫn Đến Rắc Rối Và Thất Bại.

"Một vị vua phải tham vọng hơn bất cứ ai, phải cười to hơn bất cứ ai, phải dám xông pha hơn bất cứ ai, phải nổi trội hơn bất cứ ai về tất cả mặt tốt và phải biết chọn lựa khuyết điểm cho mình sao cho khuyết điểm đó không gây hại cho sự nghiệp và không ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống. Ngươi không cần làm vua, ngươi chỉ cần sống như một vị vua".

(Alexander Đại Đế - Vua Chinh Phạt) 

Là nhà quản lý phải có tham vọng, không những thế tham vọng nhất thiết phải cao hơn một người bình thường. Đối với một nhà quản lý, câu slogan này luôn đúng: “Hãy vươn tới trời cao, bởi vì nếu bạn không thể chạm tay tới mặt trời thì bạn cũng sẽ đứng giữa muôn vàn tinh tú”. Nhà quản lý phải phát triển tham vọng của mình lên mức cao nhất nhưng vẫn phải không trở nên ngông cuồng, điên rồ, muốn vậy phải biết dè chừng sự ngông cuồng, điên rồ bởi vì phải chăng sự khôn ngoan nhất trong mọi sự khôn ngoan là biết rõ, nắm chắc sự ngu xuẩn của mình.

Điều này cũng giống như một thanh cực phẩm đại bảo kiếm luôn cần tới một bao kiếm cũng lợi hại không thua kém gì nó. Điều này làm tôi liên tưởng tới bài học đầu tiên của người kiếm sĩ: “Một người đàn ông không phung phí nước mắt, anh ta chỉ khóc vì điều thật sự xứng đáng; cũng như vậy một kiễm sĩ không bao giờ rút gươm ra khỏi vỏ nếu không phải là vì một lý do chính đáng; bởi kiếm tuốt khỏi vỏ, đồng nghĩa với việc máu phải đổ, dù là nhiều hay ít”. 

Là nhà quản lý, ngoài tham vọng ra thì cũng phải có tinh thần dám xông pha. Anh ta phải bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình tựa như câu thơ “hảo nhi lang, cả đời nhiệt huyết, xông lên phía trước, mở rộng biên cương.” Nếu không dám xông pha thì cả đời chỉ như ếch nghe sách Mạnh Tử, biết thì nói “ộp”; không biết cũng nói “ộp”. Bởi vì đâu có cơ hội kiểm chứng được tất cả những gì học được. Và cũng sẽ chỉ như ếch ngồi đáy giếng, coi trời bằng vung, tuyệt không sống sót nổi khi nước dâng lên ngập miệng giếng. Không chơi, thì không thể thắng mà trong nhiều trường hợp không thắng cũng không khác thua là mấy!  

Càng là nhà quản lý ở cấp độ cao, càng phải phát triển, bộc lộ tất cả những ưu điểm của mình lên tầng mức cao nhất. Điều này được Iskandar – Alexander Đại Đế gọi là nổi trội hơn tất cả mọi người về tất cả mặt tốt. Vì sao lại như vậy? Bởi vì không phải một toa tàu từng chở một con sư tử là quan trọng nhất trong đoàn tàu, cũng không phải là đầu tàu quan trọng nhất vì nó kéo tất cả toa tàu đi, mà là người lái tàu mới chính quan trọng nhất. Và một người quản lý giống như là người lái tàu trong câu chuyện đó - anh ta phải có trách nhiệm với đội ngũ dưới quyền - anh ta phải lèo lái và kéo tất cả mọi người tiến lên phía trước để đến cái đích thắng lợi, phát triển. Vì vậy cách tốt nhất để làm điều đó là nổi trội hơn tất cả mọi người về tất cả mặt tốt. Nhiều khi, chỉ cần bộc lộ những thứ tốt đẹp mà kẻ đối nghịch không có là đã giành chiến thắng. Và như Iskandar nói “phải biết chọn lựa khuyết điểm cho mình sao cho khuyết điểm đó không gây hại cho sự nghiệp và không ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống”.  

Thứ hai: Một nhà quản lý phải biết truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần, lan tỏa năng lượng, và tập hợp được mọi người trong trạng thái làm việc tốt nhất. 

"Tôi không sợ một đội quân sư tử do cừu chỉ huy, tôi chỉ sợ một đội quân cừu do sư tử dẫn dắt vì một đội quân sư tử nhưng do một con cừu vô dụng chỉ huy thì những con sư tử đó cũng sẽ chết như một đàn cừu; nhưng nếu một con sư tử thực thụ dẫn dắt một đàn cừu, nó sẽ biến tất cả con cừu trong bầy thành từng con sư tử". 

(Iskandar – Vua Chinh Phạt) 

"Kẻ mạnh nhất không phải là kẻ tàn bạo, gian xảo nhất, mà là kẻ tập hợp được nhiều chiến binh can đảm đứng sau lưng mình nhất ".

(Lý Thuấn Thuần) 

"Nếu con muốn khoảng hơn trăm người đi theo con thì con chỉ cần chứng minh lòng can đảm, trí tuệ và đức nhân của kẻ chỉ huy trong một vài trận đánh, nhưng nếu con khiến hàng trăm người trở nên can đảm hơn bao giờ hết khi đứng sau lưng con thì con sẽ có cả thiên hạ". 

(Sayyour Bhargamar Roocky) 

"Năng lực thật sự của hắn - sức mạnh lớn nhất của hắn là làm cho tất cả những người đứng sau lưng hắn trở nên can đảm nhất, mạnh mẽ nhất, cơ trí nhất. Tất cả chỉ vì một lòng tin bất diệt của họ dành cho người đàn ông này; tựa như lòng tin của người phàm dành cho thần Maari ".

(Roah Veeryarar) 

Tâm lý có tính chất lan tỏa, tựa như nhiệt lượng của mặt trời, người quản lý phải tựa như vừng dương - cháy sáng lòng quyết tâm, cháy sáng hy vọng, luôn tiến lên kể cả khi đã chết. Là người được mọi người dưới quyền coi như hình mẫu của “vị thần tiến công”. Là người mà cấp dưới nguyện “một lòng phò vương giữa đời chìm nổi”. Người đó phải luôn đi đầu đón phong ba để nâng tầm bản thân và nâng tầm tổ chức. Người đó phải là hình mẫu để người cấp dưới ngưỡng vọng và khao khát mãnh liệt tiếp bước.

Họ phải là người thổi bùng ngọn lửa, khi nó đang kìm nén thành từng tiếng rít; họ phải như cơn sóng ngầm chuyển mình cuồn cuộn, đang chực chờ bật dậy giữa lòng đại dương; họ phải như những tiếng sấm rền vang gầm gừ giữa không trung như chực chờ phóng xuống mặt đất. Họ phải như thế, họ phải như thế để người dưới luôn tin tưởng và trao trọn linh hồn cùng vận mệnh để mà phụng sự. Và rồi cuối cùng, họ sẽ đưa đội nhóm, tổ chức, doanh nghiệp đến một “Valhalla” hay Elysium hoặc El-Dorado - thiên đường của những người “từ tốt đến vỹ đại”. 

Thứ ba: Nhà quản lý phải là người can đảm, dám đương đầu 

"Kẻ đạo tặc hèn nhát sẽ chuồn đi trong đêm tối, nhưng nếu ngươi sải chân và xông lên trong tiếng nhạc thì ngươi là một vị vua chinh phạt "

(Iskandar – Vua Chinh Phạt) 

Con người không phải bẩm sinh là đã có lòng can đảm, nhưng ắt có tiềm năng từ khi cất tiếng khóc chào đời. Nếu không có lòng can đảm, chúng ta không thể rèn luyện đức tính một cách nhất quán, chúng ta không thể có sự tử tế, chân thành, khoan dung, quảng đại và trung thực. ( Maya Angelou) 

Bạn nghĩ gì về lòng can đảm? Một đứa trẻ khi được hỏi câu này sẽ hình dung ra ngay con sư tử biểu tượng của sức mạnh và lòng can đảm, bởi vì hầu hết trẻ em được dạy rằng sư tử là chúa tể muôn loài. Ngay cả trong phù thuỷ xứ oz, một truyện thiếu nhi nổi tiếng của Lyam Frank Baum xuất bản năm 1900 và được MGM chuyển thể thành phim năm 1939, nhân vật sư tử đã mất đi phẩm chất đặc trưng của một con sư tử phải có: đó chính là sự can đảm. Đến cuối bộ phim con sư tử mới khám phá ra rằng lúc nào lòng can đảm cũng tồn tại bên trong nó - chỉ là nó không biết bộc lộ bản chất đó thôi.

Sự sợ hãi đã làm tê liệt khả năng nhận thức của sư tử đến nỗi nó sống như một kẻ hèn nhát, chứ không phải là một con thú dũng mãnh mà bất cứ động vật nào cũng khiếp sợ. Chúng ta luôn nghĩ rằng đã là sư tử thì phải dũng cảm dù gặp bất kỳ trở ngại nào.

Vua sư tử, bộ phim hoạt hình có doanh thu khổng lồ đứng thứ ba tại Hoa Kỳ, đã phác hoạ thành công hình tượng sư tử Mufasa- vua của vùng đất đầy tự hào và cậu con trai Simba. Mufasa là một sư tử gan dạ có vai trò, trách nhiệm bảo vệ gia đình và lãnh địa. Tuy nhiên lòng dũng cảm và sự mạnh mẽ của nó không dễ dàng truyền lại cho Simba bởi cậu còn quá nhỏ và vẫn đang học hỏi ý nghĩa của lòng can đảm. Nhưng Sacr, chú của Simba, ngay lập tức tìm cách đảo ngược tất cả những gì Mufasa đã dạy Simba bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi vào đầu chú sư tử con.

Có lẽ bạn chưa nhận ra rằng chính bạn cũng là một con sư tử, ít ra là theo lối nói hình tượng. Bạn hoàn toàn có lòng can đảm, nhưng liệu bạn có biết cách bộc lộ và phát huy nó hay không? Bạn giống Mufasa hay Simba ở đoạn đầu bộ phim? Người bình thường không dám chấp nhận rủi ro và họ biết rõ điều đó. Họ chọn cảm giác thoải mái và an toàn, thay vì chọn cơ hội. Người bình thường tiếp tục làm công việc họ không thích vì họ sợ thay đổi. Người bình thường sợ phải đề cập đến một số vấn đề trong mối quan hệ của mình. Họ đi nhà thờ, nhưng nếu có thắc mắc gì thì họ cũng không dám hỏi vì sợ bị người khác đánh giá thấp và tẩy chay. Người bình thường giống như nhân vật sư tử trong phim Phù Thuỷ Xứ OZ, luôn run rẩy và mải miết đi tìm sự can đảm mà nó tưởng rằng đã mất.

Thật ra bạn luôn có lòng can đảm! Cũng như sư tử xứ OZ và Simba, bạn luôn có lòng can đảm. Hãy khoan vui mừng, vì nhiều thử thách sẽ xuất hiện và bạn phải đương đầu với chúng để bộc lộ và phát huy lòng can đảm của mình. Giống các chú sư tử kia, bạn sẽ phải đối diện với các sự thật khó chấp nhận của chính mình. Trước tiên, bạn là một nhà quản lý và bạn phải giành chiến thắng trong những trận chiến quan trọng của cuộc sống. Bạn sẽ phản ứng ra sao? Bạn sẽ bỏ chạy hay sẽ đối mặt với hiểm nguy khi biết mình có khả năng thiên bẩm để vượt qua bất cứ trở ngại nào cần vượt qua? Một nhà quản lý xem việc xử lý vấn đề như những công việc thường ngày. Họ tìm thấy niềm vui trong đó. Họ coi đó là một phần con người mình. Mỗi vấn đề lại như một đôi tạ giúp họ rèn luyện để trở nên mạnh mẽ hơn. Nhà quản lý luôn bộc lộ và phát huy sức mạnh trong mỗi khoảnh khắc cuộc đời. 

Trong cuộc đời mỗi người lại có những sự kiện khác nhau và những trải nghiệm khó khăn khiến họ phải đương đầu đã đánh thức lòng can đảm ngủ yên đâu đó ở sâu trong con người chính họ. Nhà quản lý không tìm kiếm hiểm nguy nhưng không ngại đối mặt với hiểm nguy và xem đó là cơ hội để đánh thức lòng can đảm tất nhiên là họ biết khi nào cần phải làm vậy.

Vài năm trước, có một pho tượng phật đắp bằng thạch cao nằm ngay trong trung tâm một thị trấn nhỏ ở Thái Lan. Khi cần xây dựng nhà cửa, người ta phải di dời bức tượng đi nơi khác. Nhưng pho tượng nặng hơn mọi người tưởng. Công nhân phải dùng dây xích cột pho tượng vào xe và cố gắng kéo đi. Thế là lớp vỏ bên ngoài nứt ra hé lộ phần cốt bên trong. Bên dưới lớp vỏ thạch cao được sơn phủ cẩn thận là pho tượng phật bằng vàng khối. Pho tượng đã đứng trong thị trấn hàng trăm năm qua, vậy mà không ai biết giá trị thật của nó.

Nghe nói nhiều thế kỷ trước, nơi đây bị một bộ lạc hiếu chiến tấn công. Dân làng muốn bảo vệ bức tượng quý nhưng không kịp di chuyển, nên họ phủ lên pho tượng vàng một lớp thạch cao và sơn - giải pháp này đã thành công. Pho tượng ấy cũng như bạn và tôi vậy. Đôi khi chúng ta không hành động như sư tử, mà để cho những sự việc bên ngoài che khuất con người thật của mình. Một số người quên mất họ đã từng là sư tử, rằng bản thân cũng có lòng can đảm. Để làm lộ phần lõi vàng bên trong, người ta phải dùng đến sợi dây xích để kéo nó đi. Nhà quản lý xem sức ép, áp lực như một cơ hội để bộc lộ vẻ đẹp tiềm ẩn và đánh thức lòng can đảm đang ngủ quên. 

Nhiều khi, tính tự ti gắn liền với sự thiếu can đảm. Chúng ta có thể thất bại trong học hành và công việc, hoặc chúng ta ăn uống quá mức... Còn nhiều và rất nhiều những sự việc và khả năng khác nữa. Cách chúng ta đối mặt với sự việc cho thấy chúng ta thiếu lòng can đảm. Tính tự ti có mối quan hệ trực tiếp với lòng can đảm, bộc lộ và phát huy lòng can đảm chính là công nhận tiềm năng của bản thân. Đó là khi bạn phát hiện ra tiềm năng và giá trị của mình đã giúp bạn đối mặt với mọi kẻ thù đang tìm đủ mọi cách làm nhụt chí bạn trong quá trình khai phá tiềm năng ấy.

Những người không nhận ra tiềm năng của mình thường bị trói buộc bởi nỗi sợ hãi - họ sợ những điều họ không biết. Nỗi sợ hãi đó thường cản trở khả năng đấu tranh, khiến họ trở nên thấp kém và vô giá trị. Lấy ví dụ về câu chuyện trong kinh thánh liên quan đến trận đấu giữa David và Goliath. Tôi không tin David có lòng can đảm bẩm sinh để chiến đấu chống lại người khổng lồ mà tất cả những vị tiền bối của anh đều sợ hãi.

Thật ra, có nhiều bản dịch của kinh thánh khi Goliath xuất hiện, tất cả mọi người đều bỏ chạy. Bạn hãy tưởng tượng xem, họ là những chiến binh kỳ cựu đã được huấn luyện để sẵn sàng hy sinh, vậy mà họ vẫn khiếp sợ! Can đảm là thái độ dám đối mặt với hiểm nguy hay nỗi sợ hãi lớn nhất của bạn. can đảm là dám hành động khi cảm thấy sợ hãi, là sự đối diện trực tiếp với nỗi sợ hãi và triệt tiêu cũng như xem thường nó. Điều đó hoàn toàn khả thi và tự nhiên.

Khi vô số doanh nghiệp thất bại thì việc khởi đầu hoạt động kinh doanh của chính bạn thật đáng sợ. Trở nên già nua và mất dần khả năng vật lý của cơ thể cũng thật đáng sợ. Nhưng nếu là chiến binh chân chính thì sự can đảm sẽ xuất hiện. Can đảm là phản ứng chống lại nỗi sợ. David thoạt đầu sợ hãi nhưng chàng đã dám chống lại Goliath. Vậy điều gì khiến David trở nên can đảm như vậy? Có một số khả năng sau:

1. David đã rèn luyện lòng can đảm khi đối đầu với Goliath.

2. David biết mình sẽ được gì nếu chiến thắng.

3. David vận dụng thế mạnh của mình chứ không sao chép của người khác.

4. David tin rằng thượng đế sẽ phù hộ chàng nếu chàng dũng cảm và khôn ngoan.

Bất kể niềm tin tôn giáo của bạn là gì thì đây vẫn là một câu chuyện ý nghĩa. David đã chống lại sự tự ti bằng cách luyện tập thường xuyên. Chàng chỉ là một người chăn cừu bình thường. Đã bao nhiêu lần chúng ta tự hỏi: "Mình là ai mà lại làm được việc này?". Trước khi hạ Goliath, David đã hạ được gấu và sư tử. Chàng đã từng bước tôi luyện lòng can đảm và năng lực. Đôi khi người ta cần bỏ qua vài bậc thang để lên đỉnh cho nhanh nhưng đôi khi không nên làm thế. Nếu bạn sở hữu một ngôi nhà, nhưng bạn không có một tài khoản đầu tư nào, thì đừng trút toàn bộ vốn liếng vào thương vụ đầu tiên.

Hãy hạ "con gấu" trước đã. Hãy lấy một phần tiền để đầu tư vào thương vụ nhỏ, rồi đến thương vụ lớn hơn. Nếu có nỗi sợ hãi nào ngăn cản bước tiến của bạn đến những điều thật sự có ý nghĩa, hãy rèn luyện để đối mặt với nó. Đừng đối mặt một cách thiếu suy nghĩ mà hãy tiếp cận nó từng bước, từng bước một với thái độ tích cực. Hãy luyện tập, hãy trở nên chai lì trước thất bại. Sự can đảm chính là chiến lược vươn tới thành công.

Trong câu chuyện David và Goliath, David đã hỏi nhà vua rằng mình sẽ nhận được phần thưởng gì nếu hạ được Goliath. Nhà vua hứa sẽ miễn thuế suốt đời cho chàng (và cả các thế hệ con cháu sau này) và gả công chúa xinh đẹp cho chàng. David luôn nghĩ đến phần thưởng này và xem đây là môt nhân tố khống chế nỗi sợ hãi, giúp mình chiến đấu và giành chiến thắng. Khi bạn liên tục nghĩ đến phần thưởng sẽ nhận được, bạn sẽ vượt lên mọi nỗi sợ hãi. Nhà quản lý bộc lộ và phát huy lòng can đảm chỉ vì đó là bản chất của họ nhưng họ có khả năng bộc lộ và phát huy lòng can đảm hơn nữa khi tự vẽ nên trong tâm trí những phần thưởng xứng đáng. 

David đã thử loại vũ khí nhà vua ban tặng, nhưng nó không phù hợp với vóc dáng nhỏ bé của chàng. Vì thế, chàng quay về với kỹ năng thành thục của mình: dùng ná cao su. Mặc dù đây là loại vũ khí chưa từng được dùng trong các cuộc quyết đấu, nhưng chàng vẫn chọn nó để tận dụng thế mạnh của mình. Nhờ đó, David trở nên can đảm hơn. 

Việc kinh doanh cũng vậy. Đâu là điểm mạnh của bạn? Kiến thức, kỹ năng tổ chức, tính sáng tạo hay là động lực? Bạn có thể tận dụng và phát huy các điểm mạnh đó ra sao? Điều này không có nghĩa là bạn nên dối bản thân rằng bạn không có điểm yếu. Ngược lại, bạn cần hiểu rõ cả điểm mạnh lẫn điểm yếu của mình - và bạn phải phấn đấu để vượt qua những điểm yếu đó. Việc nhân biết ưu và khuyết điểm của bản thân sẽ giúp bạn thêm tự tin và can đảm. 

Hãy tạm gác niềm tin và học thuyết tôn giáo sang một bên. Trong câu chuyện trên, Goliath là một chiến binh lão luyện, được đào tạo thuần thục trước khi đấu với David. Goliath có vũ khí tốt hơn: một ngọn giáo và một cái khiên. Hắn ta cũng vượt trội hơn David cả về tầm vóc lẫn sức mạnh. Tuyến phòng thủ duy nhất của David là thượng đế vì thượng đế bảo hộ và chúc phúc cho chính nghĩa. Chỉ bấy nhiêu là đủ. 

Chúng ta có thể đạt được thành công về tài chính mà không cần thượng đế không? Có chứ! Ý thức của bạn rất mạnh mẽ, tại sao bạn lại loại nó đi? Thật không hợp lý chút nào vì ý thức là phần lớn nhất trong bạn. Bạn là một linh hồn bên trong thể xác cụ thể. Nhà quản lý phải khám phá bản chất tâm linh của mình. Họ thấy thoải mái với phần tâm linh đó và tin rằng nó sẽ dẫn đường chỉ lối cho họ.  

Đối với nhà quản lý, lòng can đảm là điều tất yếu không thể thiếu. Các nhà quản lý không bao giờ muốn trả giá cho sự hèn nhát bởi họ hiểu cái giá của nó quá đắt. Khi bạn không bộc lộ và phát huy lòng can đảm, một phần trong con người bạn đã chết đi. Bạn không có quyền hèn nhát - nếu bạn muốn sống một cuộc đời đầy ý nghĩa. 

Tóm lại, bạn cần bộc lộ và phát huy lòng can đảm. Nếu bạn vẫn còn thiếu phẩm chất này, hãy làm tất cả những gì cần thiết để rèn luyện nó. Những người bình thường chỉ vươn lên khi họ có đủ mọi điều kiện tối ưu. Vấn đề là không phải hoàn cảnh nào cũng hội đủ mọi điều kiện tối ưu cho việc tiến bước. Điều gì xảy ra nếu mẹ Teresa cứ chờ đợi cho các điều kiện ở những khu ổ chuột được cải thiện rồi mới quyết định chăm sóc những bệnh nhân nghèo hèn và khốn khổ trong vùng. 

Phần thưởng hấp dẫn thường ẩn sau những thách thức lớn lao. Bạn không thể chiến thắng nếu bạn không cố gắng chiến đấu tích cực nhất. Điều này liên quan đến yếu tố tổn thất. Người bình thường vì sợ hãi, không muốn thiệt thòi một việc nào đó to tát. Họ quan tâm tới phí tổn đến nỗi họ không thể thấy phần thưởng giá trị nằm phía sau thách thức. 

Tôi biết rất nhiều người thông minh và tài năng nhưng lại trắng tay, mặc dù họ gần như có tất cả những bí quyết để điều hành một tập đoàn thành công. Họ cam chịu thất bại vì họ sợ chịu tổn thất: Nếu việc kinh doanh thất bại thì sao? Nhỡ mình phá sản thì sao? Nhỡ chẳng ai cần đến dịch vụ mình cung cấp thì làm thế nào? Nhà quản lý sẽ hỏi câu khác: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi không mạo hiểm?” 

Hoàn cảnh thường không quá quan trọng nếu bạn là một chiến binh chân chính. Cho dù bạn e ngại đầu tư vào bất động sản hay mua một chiếc xe hơi mới, kết hôn, khởi nghiệp kinh doanh, gia nhập tôn giáo, tham gia hội đoàn, hay bước chân vào thị trường chứng khoán, bạn quyết định không làm những điều cần làm là do bạn không hiểu rằng bạn đủ dũng khí để vươn lên và vượt qua mọi bức tường mà bạn dựng lên trong tâm trí mình. Giải pháp là hãy triệt tiêu mọi nỗi sợ hãi và hành động thật mãnh liệt, khôn ngoan và can đảm. Bản thân nỗi sợ hãi cũng không phải là vấn đề quá lớn. Vấn đề lớn ở đây là bạn không dám đối mặt và vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình.  

Bạn đã bao giờ nghe đến câu chuyện của Chuck Yeager về việc phá vỡ giới hạn âm thanh chưa? Đó là một minh chứng hùng hồn cho điều này. Yeager là thành viên của Hiệp Hội Diễn Giả Quốc Gia. Trong các bài nói chuyện của mình, ông thoải mái thừa nhận rằng mình cũng có những lúc sợ hãi. Là phi công thử nghiệm của không quân Mỹ, Yeager là người đầu tiên bay nhanh hơn tốc độ âm thanh. Ông đã vận hành máy bay với sự can đảm tuyệt vời. Tất cả những phi công từng cố gắng phá vỡ giới hạn âm thanh đều biết rằng họ có thể chết trong giai đoạn tăng tốc, nếu không thể kiểm soát được máy bay khi nó bắt đầu rung lắc dữ dội. 

Đối với nhà quản lý, cuộc sống phải gắn liền với việc phá vỡ các giới hạn có thể phá vỡ để vươn tới đẳng cấp cao hơn, xa hơn. Một khi đã tận dụng được lòng can đảm để đạt đến đẳng cấp, bạn sẽ phải giữ vững sức mạnh để tiếp tục tiến lên bất chấp thách thức càng ngày càng lớn. Sự can đảm có rất nhiều đích đến. Đó là một hành trình liên tục, xuyên suốt, không ngừng nghỉ, buộc bạn phải luôn hành động.  

Yeager biết rằng trước đó đã có hai người phi công cũng bay cùng loại máy bay này và họ đã chết khi cố gắng vượt qua tốc độ âm thanh. Khi tăng tốc máy bay mỗi lúc một rung lắc mạnh hơn. Vì cho rằng mình không thể bay nhanh hơn nên họ đã cố gắng giảm tốc độ và sau đó họ gặp nạn. Yeager cũng có trải nghiệm tương tự. Ông càng tăng tốc, máy bay càng rung lắc. Chỉ có một sự khác biệt duy nhất. Ông luôn nghĩ rằng: "Nếu phải chết, mình sẽ chết một cách xứng đáng". Và ông tăng tốc hơn nữa. Bùm! Ông đã phá vỡ giới hạn âm thanh và chiếc máy bay gần như ngừng rung lắc ngay lập tức. 

Ngay trước khi bạn bứt phá để vượt lên đẳng cấp kế tiếp, cơ thể bạn cũng giống như chiếc máy bay kia - sẽ run bần bật. Hãy nghĩ đến lúc bạn mua ngôi nhà đầu tiên. Tay bạn có lẽ hơi run khi bạn ký giấy tờ để vay một khoản tiền lớn. Nhưng rồi sau đó, bạn bắt đầu thấy thoải mái trở lại. Lòng can đảm triệt tiêu mọi nỗi sợ hãi và thúc đẩy bạn thành công. Nhà quản lý hiểu nguyên tắc này và không tự biến mình thành kẻ ngốc chỉ biết tự rút lui khi cuộc sống trở nên khó khăn. Đó là lý do người bình thường không tạo ra được những thành quả phi thường như nhà quản lý.  

Khi bạn sợ hãi và muốn bỏ cuộc, bạn hãy hành động mạnh mẽ hơn để vươn xa hơn. Những người nhút nhát thường có khuynh hướng dừng lại với cảm giác họ không thể thực hiện được dự định. Và họ rút lui trong thất bại. Còn bạn, lúc sợ hãi bạn hãy tìm cách "bật" một động cơ nội tại để có thể hành động mãnh liệt hơn, dứt khoát hơn. Aaron D. Lewis vẫn hay nói rằng: "Nỗi sợ hãi chạy nhanh hơn lòng can đảm, nhưng nó lại không bao giờ đủ mạnh để hoàn thành cuộc đua".  

"Can đảm là quyết tâm không để bất cứ đối tượng nào áp đảo. Sức mạnh tinh thần này có khả năng loại bỏ quá trinh hình tượng hoá quá khứ"

(Martin Luther King, Jr.) 

Có nhiều kiểu can đảm và chúng xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Bác tôi không phải một doanh nhân hay một nhà văn nổi tiếng. Nhưng ông là một người vỹ đại, lúc nào cũng thể hiện lòng can đảm tuyệt vời. Ông đã chăm sóc vợ suốt hai năm cuối đời bà. Bệnh của vợ ông nặng đến mức cần được chăm sóc như một đứa bé sơ sinh. Ông đã làm vệ sinh cho vợ và đã luôn ở bên bà đến tận giây phút bà qua đời. Nhiều người nói bác tôi nên đưa vợ ông đến nhà dưỡng lão, nhưng ông không muốn như vậy. Vì thế bác tôi đã làm mọi việc để chăm sóc vợ mình. Ông đã can đảm đối mặt với công việc không mấy dễ chịu hàng ngày. 

Ông làm tôi nhận ra rằng, dù bạn là ai, bạn vẫn có khả năng bộc lộ và phát huy lòng can đảm theo một cách nào đó. Bởi lòng can đảm luôn tồn tại bên trong con người bạn.  

Lòng can đảm không nhất thiết phải thể hiện bằng lời với những ngôn từ lớn lao. Một sự việc có thể dễ dàng với người này nhưng lại đáng sợ với người khác. Có người chịu đựng đau đớn thể xác một cách nhẹ nhàng nhưng lại sợ hãi đến mức yếu đuối trong một mối quan hệ tinh thần. Có người thấy chia sẻ cảm xúc là việc dễ dàng nhưng lại không đủ dũng khí để khởi nghiệp kinh doanh hay đảm nhiệm một công việc có áp lực cao. Trên đời này, ai cũng có nỗi sợ hãi đặc thù của riêng mình. Bản thân nỗi sợ hãi của bạn cũng là điều tự nhiên, đừng cố gắng suy luận ý nghĩa của nó hay so sánh nó với nỗi sợ hãi của những người khác. 

Tìm cách bào chữa cho sự việc thay vì giải quyết nó sẽ làm chúng ta mất can đảm. Người bình thường hay lo lắng về cảm xúc và tinh thần của bọn trẻ. Vì lo chúng tổn thương nên họ bảo bọc chúng quá mức. Lâu dần, đứa trẻ bắt đầu tin rằng nó chỉ cần tìm cách để không thua cuộc, chứ không cố gắng phát triển năng lực một cách tối đa. Khi trở thành người lớn, chúng bắt đầu suy nghĩ: "Mình chỉ muốn chắc chắn rằng mình không bị mất việc" hoặc" Mình sẽ chỉ bắt chuyện với người nào chắc chắn không làm mình tổn thương".  

Bạn không thể chiến thắng khi cố tìm cách né tránh nguy cơ bị tổn thương. Một số bậc cha mẹ còn khuyên đứa con mình không nên tự khởi nghiệp, mà nên duy trì công việc hiện tại vì các khoản phúc lợi và khoản lương hưu mà chúng sẽ nhận được sau ba mươi năm. 

Để giành chiến thắng trong cuộc sống, bạn phải có lòng can đảm. Bạn phải ra quyết định dựa vào sự khôn ngoan, quyết tâm và dũng khí của mình. Hãy luôn tin tưởng bản thân để đến đúng nơi bạn cần đến. 

Thực tế là bạn luôn có sẵn những yếu tố cần thiết để thành công. Người luôn nỗ lực sẽ đạt được mục tiêu. Những người bình thường luôn muốn rút lui khỏi cuộc chiến cam go và không cố gắng gì cả sẽ trụ lại ở tầng đáy của cuộc sống này. Người bình thường có thể được định nghĩa là người tốt nhất trong số những người tệ nhất hoặc người tệ nhất trong số những người tốt nhất. 

Bạn phải thật sự can đảm mới biết cách chấp nhận thất bại và tiếp tục cố gắng. Những bài học bạn thu được từ thất bại sẽ mở ra cho bạn một lối đi mới.  

Đôi khi có những việc tưởng chừng là bộc lộ và phát huy lòng can đảm nhưng lại là che đậy sự hèn nhát và bất an. Vấn đề là ta phải biết phân biệt lòng can đảm chân chính của nhà quản lý và sự man rợ vì sự man rợ là che đậy sự hèn nhát, bất an và thể hiện sự độc ác. 

Can đảm là phẩm chất quan trọng trước nhất, mọi phẩm chất khác đều đến sau nó. Nếu một nhà quản lý không can đảm thì sẽ không thể dẫn dắt tổ chức, doanh nghiệp, đội nhóm đến chiến thắng. Bởi vì trong việc vận dụng những tri thức và kỹ năng vào quản lý để đưa đội nhóm, tổ chức, doanh nghiệp đến thành công chung không giống như việc ta chơi một ván cờ vua hay một ván cờ tướng.

Đối với việc đánh một ván cờ vua hay một ván cờ tướng chỉ cần suy nghĩ nước cờ đúng nhất và hay nhất là chắc chắn giành phần thắng. Trong việc chơi cờ, kỳ thủ hiếm khi nào bị áp lực bủa vây, kể cả đó có là giải đấu cấp quốc tế. Vì cờ vua là môn thể thao thiên về trầm tĩnh, cẩn trọng, ý tưởng và lý thuyết hơn là can đảm, táo bạo và bứt phá. Nhưng rất nhiều chuyện trong thực tiễn cuộc sống này không như vậy, trong đó phải kể đến việc quản lý, dẫn dắt. Có một câu nói như sau làm tôi cảm khái: “Nếu ước mơ của bạn không làm bạn sợ hãi thì nó không đủ lớn để bạn phải cố gắng thực hiện”.

Trong nhiều trường hợp, nhà quản lý vừa là người mang trọng trách thực hiện ước mơ của chính mình vừa lãnh nhận trách nhiệm to lớn là hiện thực hóa ước mơ của tất cả đội ngũ dưới quyền - những người đã tin tưởng đặt trọn niềm tin và sức lực vào bản thân nhà quản lý - cũng như cả tổ chức/ doanh nghiệp đã đặt niềm tin và kỳ vọng vào bản thân nhà quản lý đó; vì vậy trách nhiệm rất to lớn và nặng nề, vì thế không thể tránh khỏi áp lực đè nặng và nỗi sợ hãi tất yếu sẽ phát sinh khi áp lực vừa tác động lên tâm trí. Giải pháp duy nhất là kích hoạt lòng can đảm vốn có, vốn luôn hiện hữu trong tâm trí dù đôi khi sự hiện diện của nó như những cái bóng trắng mờ nhạt lẩn khuất dưới những “cánh rừng tâm trí” phủ “sương mù của sự hoài nghi, do dự”.

Chỉ có một trái tim thủ lĩnh - một trái tim ngập trong dòng máu nhiệt huyết và can đảm ở hình thái mãnh liệt và chân chính nhất mới có thể thức tỉnh khỏi cái bóng trắng lẩn khuất trong đám sương mù đó để mang tới sức mạnh và thời cơ mở đường cho thắng lợi ngự trị khoảnh khắc sự kiện hiện tại. Vì vậy, lòng can đảm của nhà quản lý là tối quan trọng và cực kỳ cần thiết.  

Nhưng nhà quản lý cũng không thể lạm dụng lòng can đảm vì như vậy lòng can đảm sẽ bị kích đến thái cực của hình thái thái quá và thế là phẩm chất quý giá này sẽ bị phản tác dụng. Khi đó con tàu thay vì băng băng qua cơn bão lại lao đầu vào trung tâm cơn bão và bị “quái vật Kraken” - quái vật sinh ra từ sự điên rồ khi lòng can đảm bị đẩy quá thái cực tích tực, nuốt chửng trong cặp hàm với những cái răng tua tủa sắc nhọn như những thanh gươm khổng lồ. 

Giới hạn giữa điên rồ và sự tối thượng khi lòng can đảm đã lên đến hình thái sức mạnh cao nhất là rất mong manh. Một nhà quản lý phải mang “con mắt của bão tố” để có thể cảm nhận được giới hạn này một cách rõ ràng, chắc chắn nhất. Và quan trọng nhất là cảm nhận/ nhìn rõ bằng “con ngươi của giông tố” để đạt được cảnh giới khi lòng can đảm đã chạm tới giới hạn cao nhất mà không đi quá nó để trở thành sự điên rồ. 

Thứ tư: Nhà quản lý phải biết kết nối mọi người 

"Bản đồ thu nhỏ cả thế giới, mỗi chúng ta chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ, nhỏ đến mức không nhìn thấy được. Nhưng cùng nhau, đoàn kết lại, chúng ta sẽ trở thành cả một đạo quân, chúng ta sẽ chinh phạt cả thế giới, và sau khi chết đi, chúng ta sẽ trở thành những anh linh của trời đất". 

(Iskandar – Vua Chinh Phạt) 

"Mỗi người chúng ta chỉ như một giọt nước, gió có thể thổi khô chúng ta, đất có thể hút cạn chúng ta. Nhưng cùng nhau, đoàn kết lại chúng ta sẽ trở thành đại dương dậy sóng, chúng ta sẽ trở thành cuồng phong bão tố, chúng ta sẽ đánh bại, sẽ nhấn chìm, sẽ quật ngã mọi kẻ đối nghịch". 

(Garuda Phathaan) 

Một người quản lý thực thụ không thể thiếu đi khả năng kết nối mọi người dưới quyền mình trong đội nhóm, tổ chức lại với nhau. Để giải quyết một vấn đề thật sự lớn thì chỉ dựa vào sức manh, năng lực của 1 người là không bao giờ đủ, vì vậy phải huy động sức mạnh của những người dưới quyền, mà để như thế thì rất cần năng lực kết nối mọi người của nhà quản lý. 

Tại sao kết nối mọi người thoạt nhìn có vẻ là dễ nhưng kỳ thực lại rất khó? Bởi vì mỗi chúng ta là một bản thể riêng, chúng ta có nét đặc thù trong bản chất và sự độc lập trong tư tưởng, nhận thức, cảm quan và hành động. Để nối kết chừng ấy con người với những sự khác biệt như vậy, quả thực không phải việc dễ, nếu không muốn nói là rất khó.  

Có một câu chuyện sau nêu bật được quan điểm này: “Chiến tranh nổ ra giữa một bầy chó và một đàn sói. Bầy chó bầu một người Hy Lạp làm thủ lĩnh, Trong suốt một tuần mà người Hy Lạp không làm gì cả, anh ta chỉ trốn trong lều và thưởng thức món bánh sandwich phết bơ đậu phộng. Bọn chó lo lắng đến mức loạn hết cả lên. Cuối cùng chúng cử một con chó can đảm nhất đến trước lều của người Hy Lạp và dò hỏi. Người Hy Lạp từ tốn bước ra khỏi lều và trả lời: “Đàn sói là một đội quân có tổ chức chặt chẽ và kỷ luật đến mức đáng sợ.

Trên chiến trường, chúng nhuần nhuyễn, am hiểu ngón nghề giết chóc nhưng có một thứ chúng còn nhuần nhuyễn, am hiểu hơn cả ngón nghề giết chóc là tinh thần hiệp đồng tác chiến và tâm ý của đồng đội. Hổ là chúa sơn lâm nhưng cũng không xâm phạm vào lãnh thổ bầy sói. Vì sức mạnh để sói đe dọa hổ đến từ bầy đàn và sức mạnh của bầy đàn đến từ từng con sói. Còn các ngươi, các ngươi được tập hợp từ nhiều hộ gia đình người Hy Lạp khác nhau.

Có một sự khác biệt không hề nhẹ giữa từng ấy màu lông, từng ấy nòi giống. Ta dành thời gian 1 tuần qua không phải chỉ để ăn bánh sandwich phết bơ đậu phộng mà trên hết là để các ngươi tạo ra tinh thần cố kết với nhau. Nhưng trong khoảng thời gian vừa rồi có thể nói rằng các ngươi đã làm rất tốt, các ngươi đã bắt đầu hình thành được sự cố kết trong đạo quân này - bằng chứng là các ngươi đã biết cử một kẻ can đảm nhất đến tận đây để dò hỏi ta, ta thật sự có phần ngạc nhiên vì sự tiến bộ này. Được, vậy thì từ ngày mai chúng ta sẽ bắt đầu luyện tập””.  

Có thể nói người Hy Lạp trong câu chuyện là một nhà quản lý có năng lực cao trong việc cố kết các thành viên trong nhóm nhưng bên cạnh đó câu chuyện còn cho chúng ta thấy được rằng; thứ nhất: sự cố kết trong đội nhóm là cực kỳ quan trọng vì nó có thể là yếu quyết thắng lợi nếu không cũng là nghệ thuật giành lợi thế; thứ hai: cố kết trong đội nhóm rất quan trọng nhưng không phải là điều dễ dàng vì yếu tố cá thể, điều kiện và hoàn cảnh của từng cá nhân không những có tồn tại mà còn có thể là vấn đề rào cản lớn nếu không được giải quyết thấu đáo; thứ ba: Người quản lý phải là người có năng lực cao trong việc nối kết những người dưới quyền bất chấp mọi khó khăn và tính phức tạp của điều này mang lại.  

Thứ năm: Người quản lý phải thông tuệ chiến thuật lẫn chiến lược hơn người bình thường và hơn tất cả những người dưới quyền.  

“Một vị vua phải biết tìm ra con đường tốt nhất trong mọi tình huống dù là khó khăn sơn cùng thủy tận lẫn thuận lợi”. 

Trong cuộc sống, cũng như trong việc quản lý, nhiều khi đưa ra lựa chọn đúng, đưa ra quyết định đúng còn quan trọng hơn sự nỗ lực và tất cả những điều khác. Nếu vì bất cứ lý do gì mà bạn ra quyết định, lựa chọn sai lầm khi bạn đứng trên cương vị một nhà quản lý thì không chỉ bạn mà tất cả những người trong đội nhóm, doanh nghiệp, tổ chức dưới quyền bạn cũng sẽ nhận lãnh hậu quả do bạn gây ra. Kể cả khi bạn ở vào một tình thế quá ngoặt nghèo, khi bạn không thể đưa ra quyết định, lựa chọn hoàn toàn tối ưu thì việc lãnh nhận kết quả xấu cũng là điều không tránh khỏi. Vì vậy là một nhà quản lý, bạn nhất định phải có tầm nhìn chiến thuật lẫn chiến lược, phải có cách tư duy của một nhà cầm quân, óc phán đoán của một thám tử, và cuối cùng là phải có sự thực tế của một chiến binh để có thể luôn đưa ra lựa chọn tốt nhất trong mọi tình huống, kể cả đó có là tình huống éo le, khó khăn, phức tạp nhất. 

Để làm được điều này hiển nhiên không phải điều dễ dàng, cũng giống như ai cũng có thể biết chơi cờ nhưng việc đi những nước cờ khôn ngoan nhất trong bất kỳ ván cờ nào thì quả là việc khó.  

Như người Trung Hoa có câu: “Khôn ngoan cả đời, hồ đồ một khắc”. Nếu xét về góc độ tâm lý học thì hiện tượng này khá phổ biến. Tỉ dụ như trong trận chiến sông Xích Bích giữa phe Tào Ngụy và phe Ngô-Thục, người đứng đầu Bắc Ngụy đã quyết định đưa ra đấu pháp sai lầm đến mức quái lạ và buồn cười. Về sau, lật lại những tình tiết của chiến dịch, các sử gia hiện đại đánh giá rằng ngay cả đứa con nít ba tuổi cũng biết rằng không nên nối các chiến thuyền đồ sộ bằng xích sắt lại với nhau.

Thật khó hiểu là tại sao một người nổi tiếng đa mưu túc trí như Tào Tháo lại đưa ra đấu pháp kỳ lạ đến mức ngớ ngẩn này. Điều này, chỉ có thể giải thích dưới góc nhìn của Tâm Lý Học - Tào Tháo đã bất chợt đi một nước cờ quá thấp trí, khác hẳn với những gì khôn ngoan mà vị lãnh chúa này đã thể hiện trong gần như cả một đời của ông. Nhưng dù sao, Tào Tháo cũng đã sai lầm, và sai lầm này không phải chỉ một mình ông lãnh nhận mà cả những thuộc hạ, tướng sĩ dưới quyền cũng phải cay đắng lãnh nhận. Đây là câu chuyện lịch sử thời chiến, nhưng bài học mà nó để lại cho những nhà quản lý thời hiện đại ngày nay vẫn luôn nóng hổi. Quả thực là sai một ly không những đi một dặm mà có khi một ly sai lầm đó sẽ đi đến kết thúc thất bại cho cả cục diện mà chúng ta đang dấn thân vào.

Tuy rằng sau trận chiến trên sông Xích Bích, đế chế Bắc Ngụy vẫn tồn tại nhưng quả thật trận thua cay đắng đó đã thật sự đánh dấu sự chấm hết cho tham vọng hủy diệt hai thế lực liên minh Ngô-Thục để bá chủ Trung Nguyên, thống nhất lãnh thổ Trung Hoa cổ đại - đó như là cây đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài chôn cất giấc mộng “thiên hạ quy tâm - thống nhất Trung Hoa” của Ngụy Võ Đế Tào Tháo. Những nhà quản lý lớp hậu bối chúng ta phải xem đây là bài học cốt tủy mang tính chất răn dạy chúng ta về sự coi trọng tính chuẩn xác trong việc ra quản lý với tư cách một nhà quản lý. 

Thứ sáu: Nhà quản lý phải là người hiểu thấu đức “Nhân” 

"Ta không làm vua để tìm bảo thạch chiếu sáng các chòm sao, ta làm vua để yêu mến những hòn đá ven đường" 

(Vua Arthur – Vua Hiệp Sĩ) 

Tình yêu, sự đồng tình, lòng thương cảm và độ lượng xưa nay vẫn là những mỹ đức được người đời công nhận, là phần cao thượng nhất trong tâm hồn con người. Lòng Nhân được xem là đạo đức tối thượng trên hai khía cạnh. Trước hết, nó là cái cao quý nhất trong số những mỹ đức cần thiết đối với đạo của kẻ bề trên. Đồng thời, nó là chuẩn mực tạo nên phong thái mà kẻ làm vua cũng như  nhà quản lý tất phải có. Dùng lòng nhân từ để đội lên đầu kẻ làm vua có lẽ thích hợp hơn là dùng vương miện; dùng lòng nhân từ để thống trị đất nước thì có lẽ hơn hẳn kẻ chỉ biết dùng quyền thế để thống trị đất nước.

Đây là một quan niệm minh bạch được thể hiện trong nền văn hóa của tất cả các nước. Các nhà hiền triết Trung Hoa, dù là Khổng Tử hay Mạnh Tử, đều nhiều lần nhấn mạnh ý nghĩa của việc dùng Nhân để cai trị xã hội; điều kiện đầu tiên để làm người quân tử là phải có lòng Nhân. Khổng Tử trình bày sự quan trọng của đức hạnh như sau: “Cho nên, người có phẩm chất cao thượng trước hết đều coi trọng sự tu dưỡng đức hạnh. Có đức hạnh thì mới có người ủng hộ, có người ủng hộ thì mới có được đất đai, có đất đai thì mới có của cải, có của cải thì mới có cái cung cấp để sử dụng.

Đức là gốc, của cải là ngọn”. Qua đó, ta thấy Khổng Tử coi đức là quan trọng hơn tất cả. Ông còn nói: “Trên ưa việc nhân mà dưới không chuộng việc nghĩa, điều này chưa chắc đã có”. Khi luận bàn câu này, Mạnh Tử nói: “Kẻ bất nhân mà giành được đấy nước, chuyện ấy có đấy; kẻ bất nhân mà giành được thiên hạ chi nhân tâm, chuyện này không có”. Các nhà nho ngày xưa của Trung Quốc, kể cả Khổng Tử, Mạnh Tử, đều coi nhân là điều kiện tiên quyết của kẻ làm vua. “Nhân là yêu thương người”. Nhân ở đây cũng có nghĩa là thấu hiểu tình người, biết nhân đạo. 

Chế độ thống trị phong kiến có một tệ nạn là dễ sinh ra chủ nghĩa quân phiệt (chủ nghĩa lạm dụng vũ lực), mà Nhân là lối thoát nảy sinh từ tệ nạn đấy. Kẻ bị thống trị thì hiến dâng hết tính mạng, thân xác, sự tôn nghiêm của mình; còn kẻ thống trị thì chỉ dựa vào ý chí của bản thân để ban phát lòng nhân cho kẻ bị trị. Cho nên, nếu không thực hành Nhân thì chủ nghĩa cực quyền sẽ phát triển hết mức, chế độ chuyên chế cũng được đội cái mũ có tên “nền chuyên chế phương Đông). Kịch bản này hoàn toàn có thể xảy ra ở cấp độ đội nhóm, tổ chức, doanh nghiệp nếu nhà quản lý không có đức Nhân. 

Các nhà pháp luật học đã đúng khi đánh giá rằng câu nói của Đại Đế Fredrich đã mở ra thời đại dân chủ đầu tiên: “Quốc vương là kẻ đầy tớ [công bộc] số một của quốc gia”. Cũng vào thời ấy, Vua Yozan ở Yoneyawa, một vùng hẻo lánh tại Đông Bắc Nhật Bản cũng nói: “Vua là kẻ lập quốc, chứ không phải lập dân. Vua là do dân lập nên”. Điều đó cho thấy chế độ phong kiến cũng không quá hủ bại như nhận định của đại đa số chúng ta. Có thể các vua chúa phong kiến không cho rằng họ có trách nhiệm trước thần dân của mình, nhưng không phải vị vua nào cũng ăn chơi hưởng lạc, rũ bỏ trách nhiệm với tiên tổ và trời đất.

Theo quan điểm phong kiến, vua là cha mẹ của dân, được trời cử xuống để trông coi và bảo vệ dân. Trên thực tế, quan điểm này không đúng hoàn toàn nhưng cũng không sai hoàn toàn, xét đúng sai dựa trên quan điểm này phải dựa vào chủ thể (vị vua đó là ai?). Quan điểm này mang tính chất tuyên truyền nhưng đồng thời cũng là chuẩn mực chung của hệ tư tưởng phong kiện mặc định cho đấng Thiên Tử.

Trong Kinh Thi , một kinh điển của Trung Hoa cổ đại có viết: “Khi triều đình nhà Ân còn chưa mất lòng dân thì họ còn có thể hợp ý trời”. Khổng Tử cũng nói trong sách Đại Học rằng: “Kẻ làm vua một nước, chỉ khi nào yêu cái dân yêu, ghét cái dân ghét, thì mới đáng là cha mẹ dân”. Quan điểm này của Khổng Tử vẫn có chỗ chưa thỏa đáng, nó không hoàn toàn đúng nhưng nó đúng ở mức độ căn bản, nó không phải là hoàn toàn vô giá trị, bậc vua chúa tài đức vẫn phải tôn trọng và học tập quan điểm này của Khổng Tử. Theo quan điểm này, nhà vua yêu cái dân yêu, ghét cái dân ghét thì yêu cầu của dân mới thống nhất được với ý chí của đức vua, hay nói cách khác dựa theo quan điểm này là dân chủ sinh ra trong cực quyền. Chính vì thế mà võ sĩ đạo kiên quyết ủng hộ sự thống trị phụ quyền vì thống trị phụ quyền khác với chuyên chế.

Trong chế độ chuyên chế, nhân dân chẳng qua miễn cưỡng phải phục tùng; còn dưới sự thống trị phụ quyền, nhân dân có sự quy thuận tự hào, sự phục tùng tôn nghiêm. Ngạn ngữ cổ từng nói, vua nước Anh là Vua Của Ác Quỷ, vì bầy tôi của vua nhiều lần phản nghịch và cướp ngôi, các bầy tôi đều như loài quỷ dữ. Còn vua của nước Pháp là Vua Của Thuế Má vì ông ta đánh thuế dân chúng rất nặng. Chỉ vua Tây Ban Nha được gọi là Vua Của Con Người vì dân chúng Tây Ban Nha cam tâm tình nguyện phục tùng nhà vua. Truyền thuyết trên chưa chắc sai nhưng cũng chưa chắc đúng nhưng nó đã cho chúng ta thấy khả năng về quan điểm của lịch sử đối với những vị vua kể trên. Và những nhà quản lý thời hiện đại chúng ta phải lấy những điều này để tự soi rọi thâm tâm, cách hành xử của chúng ta để đạt đến đức Nhân. 

Nhà chính trị người Nga Pobyedonostseff từng so sánh chính xác cơ sở xã hội nước Anh với nước Nga. Ông cho rẳng, xã hội các nước đại lục châu âu xây dựng trên cơ sở lợi ích cộng đồng, riêng xã hội nước Anh có đặc điểm phát triển cao nhân cách độc lập. Ông nói, tại các nước đại lục châu Âu, đặc biệt là các quốc gia của dân tộc Slave, nhân cách cá nhân có liên quan tới một kiểu liên kết xã hội nào đó, nói cho đến cùng nhân cách cá nhân của họ hòa nhập nhưng không hòa tan vào nhân cách chung của xã hội hay nói cách khác là đồng điệu nhưng không bị đồng hóa.

Bismarck từng nói: “Sự chuyên chế trước hết đòi hỏi kẻ thống trị phải có lòng vô tư, trung thực, tận tụy với nhiệm vụ, có nghị lực và nội tâm khiêm nhường”. Về vấn đề này, xin cho phép tôi trích một câu của Hoàng Đế Nước Đức nói tại Coblenz: “Ngôi vua là sự bố thí của Thượng Đế, nó có nghĩa là Hoàng Đế phải thực thi nghĩa vụ nặng nề và trách nhiệm to lớn trước Thượng Đế, nếu đức vua thực hiện được trách nhiệm và nghĩa vụ này thì không ai có thể ép đức vua thoái vị, dù là nghị viện, các thần hay bất kỳ cơ quan nào”. Từ đây cho thấy đức Nhân là yếu tố then chốt cho sự củng cố sự vững chắc đối với vị trí, vị thế của nhà quản lý.   

Nhân là đức hạnh như mẹ hiền. Nếu nói đạo nghĩa chính trực và sự răn dạy nghiêm khắc là phẩm chất của đàn ông, thì theo cách nói này, nhân từ thể hiện sự dịu dàng của phụ nữ. Các vị vua luôn được nhắc nhở rằng chớ nên chìm đắm trong lòng nhân từ vô nguyên tắc, mà phải có đầy đủ những lời răn bảo chính nghĩa. Người Nhật thường dẫn một câu nói của lãnh chúa Masemune: “Quá ư nghĩa thì cứng ngắc, quá ư nhân thì mềm yếu”. 

Ở vào cương vị của nhà quản lý, ta không thể quá ư nghĩa hay quá ư nhân mà phải cân bằng “nhân, nghĩa, lễ, trí, dũng, tín”. May sao, nhân từ là đức hạnh chứ không phải của hiếm. Có một lời bàn bất thành văn: “Người cương nghị nhất lại là người hiền lành nhất; nhân ái gần với dũng cảm”. Tuy nhân ái gần với lòng dũng cảm nhưng nó không hoàn toàn là dũng cảm. Nhà quản lý phải nhớ rõ điều này để tránh bị lu mờ lòng can đảm.


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem