Điển cố văn học trong đời sống hiện đại (Tài liệu tham khảo văn học)

Ngày đăng 05/05/2023
141 Lượt xem

Tác giả

MỞ ĐẦU

 Trong Việt Nam văn học sử yếu, Dương Quảng Hàm định nghĩa về điển như sau : “Điển (nghĩa đen là việc cũ) là một chữ hoặc một câu ám chỉ đến một việc cũ, một tích đời xưa làm cho người đọc sách phải nhớ đến sự việc ấy, sự tích ấy mới hiểu được ý nghĩa và cái lý thú của câu văn”. Đây là một phương thức tu từ đặc trưng được sử dụng phổ biến trong văn học thời trung đại. Điển với những đặc tính cô đọng, hàm súc, uyên thâm, trang nhã không chỉ là chuẩn thẩm mĩ mà còn là yêu cầu có tính quy phạm đối với các tác phẩm. Đồng thời, dụng điển còn là một trong những tiêu chí để nói lên ở các tác gia trung đại sự tài hoa, uyên bác. Chính vì vậy, điển và sử dụng điển trở nên quen thuộc và được ưa chuộng trong đời sống trung đại, không chỉ ở văn chương mà trên nhiều lĩnh vực khác như hành chính, giáo dục, khoa cử…

Sự vận động của lịch sử văn học dân tộc, trên một phương diện nào đó, có thể thấy qua sự việc sử dụng điển cố trong sáng tác của các tác giả ở những giai đoạn khác nhau. Văn học thời trung đại sử dụng một lượng lớn điển cố. Sang đầu thế kỉ XX, văn học nước ta tiến hành quá trình hiện đại hóa một các toàn diện để đưa văn chương từ phạm trù trung đại bước sang phạm trù hiện đại. Quá trình ấy hoàn thành, cũng là lúc người ta khước từ dần các quy phạm có tính chặt chẽ, khắc khe đã từng chi phối mười thế kỷ văn học trước đó để đến với lối văn chương tự do, linh hoạt, gần gũi hơn. Đây cũng là điều tất yếu trong sự tự thân vận động của văn học, bởi ở trong một thời đại mới, với những quan niệm, nhu cầu thẩm mĩ mới, văn học cũng phải đổi mới chính mình.

Trong những đặc trưng thi pháp của văn học trung đại, điển cố có lẽ là phương diện mà văn học hiện đại khước từ nhanh nhất. Bởi điển cố vốn khó hiểu, chưa đựng nhiều ý nghĩa uyên thâm, liên quan đến những câu chuyện xưa cổ, chủ yếu gắn với lịch sử, văn hóa Trung Hoa cổ trung đại, nó như là món đồ cổ chỉ có thể ngắm nhìn mà rất khó để tiếp cận, cắt nghĩa, chiếm lĩnh. Vận dụng điển vào trong văn học hiện đại vừa khó đôi khi lại còn bị xem là… lạc hậu. Khi nền Hán học không còn, điển cố cũng trở nên dần xa lạ, nhất là đối với những người trẻ. Đây là lí do để nhiều người cho rằng, điển cố đã không còn “đất dụng võ” trong đời sống hiện đại.

Thế nhưng tồn tại trong hàng nghìn năm, điển cố có sức sống tự thân của riêng nó. Trong đời sống ngôn ngữ, văn chương hiện đại, điển cố chưa hẳn “biệt vô âm tín” như quan niệm nhiều người. Nhiều điển vẫn được sử dụng thường xuyên, phổ biến. Có điều chúng ta ít để ý mà thôi. Bởi đó hầu hết đều là những điển cố quen thuộc, được sử dụng hằng ngày đến mức hầu như ai cũng hiểu ý nghĩa mà không cần bận tâm về nguồn gốc, câu chuyện của nó. Trong phạm vi có hạn, bài viết không đi vào khảo sát, thống kê một cách đầy đủ tất cả những điển cố được sử dụng trong đời sống hiện đại. Chúng tôi chỉ nêu ra một số điển được xem là thông dụng nhất để minh chứng cho một điều, điển cố vẫn tồn tại và có những giá trị nhất định trong đời sống ngôn ngữ, văn chương, báo chí… hiện đại.

MỘT SỐ ĐIỂN CỐ PHỔ BIẾN TRONG ĐỜI SỐNG HIỆN ĐẠI

 Điển Mạnh Thường Quân. Điển này xuất hiện thường xuyên trên các tờ báo hiện nay. Chẳng hạn trên báo Tuổi Trẻ online (TTO), bài NSND Kim Cương trào quà cho nghệ sĩ nghèo của Linh Đoan đăng ngày 7.2.2015 có câu : “Sáng 7-2 tại nhà hát Thành phố, NSND Kim Cương và các mạnh thường quân đã trao quà xuân cho 140 nghệ sĩ lão thành và công nhân hậu đài gặp khó khăn”. Trong ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày, điển Mạnh Thường Quân cũng thường xuyên xuất hiện. Điển này xuất phát từ trong Xuân Thu Chiến Quốc. Sách này có chép về câu chuyện Mạnh Thường Quân, người nước Tề, giàu có nhưng hiếu khách, trọng người hiền, hay chiêu đãi kẽ sĩ, người đói khổ tìm đến nhờ giúp đỡ thì không từ chối một ai, cho nên môn khách trong nhà lúc nào cũng đông. Điển Mạnh Thường Quân chỉ cho những người có tấm lòng rời rộng, hay làm việc nghĩa, hay giúp đỡ người khác trong lúc khó khăn mà không cần đền đáp.

 Điển gương vỡ lại lành. Thơ Tố Hữu có câu : “Đời ta gương vỡ lại lành / Cây khô cây lại đâm cành nở hoa” (Ba mươi năm đời ta có Đảng). Trong báo chí, điển này cũng hay được dùng đến. Chẳng hạn trên TTO, ngày 26.8.2011 có đăng bài Quyền sở hữu nhà khi vợ chồng “gương vỡ lại lành” ? của Hoàng Linh, trong đó có câu : “Như vậy, trường hợp của cha mẹ bạn tuy đã “gương vỡ lại lành” song theo quy định của pháp luật thì không được công nhận là vợ chồng”. Điển này vốn dịch từcâu phá kính trùng viên lấy tích trong Tình sử của Trung Quốc chép về chuyện công chúa nước Trần, thờ Ngũ đại, tên là Lạc Xương sánh duyên cùng chàng nho sĩ Từ Đức Ngôn. Khi nước xảy ra chiến tranh, vợ chồng phải xa cách, Lạc Xương lấy chiếc gương mình vẫn soi hằng ngày đập ra làm hai mảnh, trao cho chồng một nửa, hẹn sau này đem ra chợ Trường An để tìm nhau. Khi kinh thành thất thủ, công chúa rơi vào tay Việt Công nhưng quyết quyên sinh không chịu làm nàng hầu cho địch. Việt Công biết nàng đức hạnh nên không nỡ bức nên truyền giam Lạc Xương vào cung cấm. Còn Từ Đức Ngôn phải chạy giặc khắp nơi. Đến dịp xuân về, chợt nhớ lời hẹn xưa bèn đem nửa chiếc gương ra chợ thì gặp người hầu thân tín của vợ bằng trao gương và thơ cho nàng mang về. Công chúa nhận được gương, biết chồng được sống bèn ôm gương mà khóc. Việt công cảm động, cho người ra chợ Trường An mời Từ Đức Ngôn vào thành, tiếp đãi trọng thể rồi tái hợp cho vợ chồng. Điển gương vỡ lại lành để chỉ cho vợ chồng, lứa đôi, những người xa cách nay được sum họp, đoàn viên.

 Điển Mắt xanh. Điển “lọt mắt xanh” chỉ cho sự bằng lòng, vừa ý. Điển này được sử dụng khá thường xuyên trong giao tiếp và phương tiện đại chúng. Chẳng hạn, trên Thanh Niên online (TNO), bài Gia đình nghệ thuật kỳ nữ Kim Cương: Cô đào hát bội lọt mắt xanh vua Thành Thái của tác giả Hoàng Kim đăng ngày 10.7.2014 có câu : “Đó là chuyện bà Ba Ngoạn lọt vào mắt xanh của vua Thành Thái khi ông đi du ngoạn phương nam”. Điển này dịch từ chữ Thanh nhãn lấy trong tích về Nguyễn Tịch, một trong Trúc Lâm thất hiền (bảy người hiền rừng trúc) ở thời Tam Quốc, người có đôi mắt rất lạ. Người đến chơi với ông, nếu là kẻ tiểu nhân tậm thường thì mắt ông có màu trắng. Còn nếu là người hiền, đức độ thì mắt ông lại đổi ra màu xanh.

 Điển Vu quy. Đây là điển dường như không người Việt nào mà không biết, bởi nó là gắn với lễ cưới của người con gái khi lấy chồng, lễ Vu quy. Điển này có nguồn gốc từ Kinh Thi. Bài Đào yêu trong phần Quốc phong của tập thơ cổ xưa nhất của Trung Hoa này có những câu : Đào chi yêu yêu / Chước chước kì hoa / Chi tử vu quy / Nghi kỳ thất gia (Đào tơ mơn mởn xinh tươi / Hoa hồng thơm đặc dưới trời xuân trong / Hôm nay nàng đã theo chồng / Nên bề gia thất ấm nồng thuận vui – Tạ Quang Phát dịch thơ).

 Điển dâu bể (bể dâu). Điển này xuất hiện trong ca từ nhiều bài hát, trên báo chí, văn chương. Chẳng hạn, nhạc sĩ Thanh Sơn có một ca khúc tên Chỉ là đời dâu bể, trong đó có câu : “Ngang trái đổi thay đời là dâu bể, em về thương tiếc chuyện ban đầu”. Hay như trong bài thơ Mẹ ơi của Đồng Đức Bốn cũng có câu : “Cõi người còn lắm bể dâu / Con lấy lục bát bắc cầu mà đi”. Hoặc như trên TTO, ngày 17.6.2011 đăng phóng sự có nhan đề Những người “bắt mạch” đất trời - Ky 4: Ở lại cùng dâu bể Mường Lay; ngày 28.4.2014 đăng phóng sự Đường 9 – Dâu bể trăm năm; này 10.10.2010 trên mục Văn hóa – Giải trí có đăng bài Ngược dòng lịch sử của tác giả Hà Hương, trong đó có câu : “1.000 năm lịch sử, bao chứa trong đó cả những thăng trầm và dâu bể sẽ được diễn tả trong chương trình nghệ thuật kéo dài 70 phút: Thăng Long – Hà Nội: Thành phố rồng bay”. Điển dâu bể dịch từ thành ngữ Thương hải biến vi tang điền (biển xanh biến thành ruộng dâu), chỉ những biến đổi to lớn trong cuộc đời. Điển này lấy tích trong Thần tiên truyện, kể chuyện đời Đông Hán, tiên nhân Vương Phương Bình (vốn làm quan tới chức Trung tán đại phu, sau từ quan, đi tu tiên rồi đắc đạo) giáng xuống nhà Thái Kinh, cho mời Ma Cô tiên nữ đến. Tiên nữ bảo cùng tiên nhân rằng : “Tiếp thị lai dĩ, dĩ kiến Đông hải tam vi tang điền”, nghĩa là : Từ khi tiếp hầu ông đến nay, đã thấy biến Đông ba lần biến làm ruộng dâu.

 Điển Tào khang. Điển này xuất hiện thường xuyên trong nhiều bài hát, trên báo chí cũng như trong thơ văn. Trong ca khúc Cô dâu miền Tây của Cao Minh Thu có câu : “Mừng sang rước dâu rộn ràng, mừng duyên mới chúc câu tào khang”. Trong bài hát Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang của Vũ Đức Sao Biển có câu : “Đường dù xa ong bướm, xin đó đừng phụ nghĩa tào khang”. Bài thơ Còn gì cho em của Trương Nam chi có câu : “Tình đôi ta không trọn nghĩa tào khang / Thì em ơi phải chăng là định mệnh”. Trên TNO, ngày 5.1.2015 có đăng bài Vết nứt ly hôn của tác giả Uyên Linh, cuối bài có câu : “Bạc tiền có thể làm ra, tình đã hết thì cũng còn nghĩa tào khang”. Điển tao khang (tào khang, tào khương) lấy tích từ trong Hậu Hán thư. Câu chuyện như sau : Chị của vua Quang Vũ là Hồ Dương công chúa mới góa chồng. Vùa bèn bàn với quần thần và có ý định chọn Tống Hoằng làm chồng công chúa. Vua bảo chị ngồi sau bình phong, cho gọi Tống Hoằng đến hỏi : Giàu đổi bạn, sang đổi vợ có phải là thói thường của người ta không. Hoằng trả lời : Bạn chơi trong lúc nghèo hèn không được quên, vợ của thời ăn trấu cám thì không được đuổi ra khỏi nhau (Bần tiện chi giao bất khả vong / Tao khang chi thê bất hạ đường). Điển này chỉ cho tình cảm gắn bó của vợ chồng trong lúc nghèo khổ, khó khăn.

 Điển Công dã tràng. Dã tràng hay còn gọi còng gió là con vật sống gần biển quen thuộc với nhiều người. Điển Công dã tràng cũng thường xuyên được sử dụng trong đời sống hiện đại. Nhạc sĩ Từ Huy có bài hát tên Dã Tràng, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận có ca khúc Kiếp dã tràng được ca sĩ Phan Đình Tùng thể hiện rất thành công. Hay như trong bài thơ Dặn vợ sắp cưới của Nguyên Sa có câu : “Mặc cho nó viết những lời thống khổ / Cho dã tràng nghe, cho giun dế đau”. Hoặc như trên TTO, ngày 9.8.2013, mục Thời sự - suy ngẫm có đăng bài Công dã tràng của tác giả Mai Vinh; trên báo Người Lao động online, này 3.5.2014 có đăng bài Người biến cát và nước biển thành bê tông của Kim Trần, trong phần sa-pô có câu : “Nhiều năm qua, giới khoa học TPHCM vẫn “xì xào bàn tán” chuyện một nhà khoa học bỏ “công dã tràng” nghiên cứu loại vữa bê tông bằng cát biển và nước biển”. Điển công dã tràng chỉ cho những việc làm nhọc công và không đem lại kết quả gì. Điển này lấy tích trong sacsg Văn học toàn thư, phần Thần thoại kể vể chuyện người thợ Săn có tên Dã Tràng vì bắn chết con rắn cái bất nghĩa nên được thưởng viên ngọc thần kì có thể nghe tiếng nói của muôn thú. Nhà vua nghe tin đến mượn dùng rồi vô ý làm rơi xuống biển sau. Dã Tràng tiếc ngọc, ngày đêm chở cát lấp biển mong tìm lại được vật báu. Thế nhưng ngọc không tìm được, chàng thợ săn kiệt sức chết đi và hóa thành con dã tràng xe cát đêm ngày.

 Ngoài ra, còn nhiều điển khác cũng được sử dụng khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực của đời sống hiện đại, quen thuộc với mọi người như : lầu xanh, vàng đá, tri âm, mây mưa, ông tơ bà nguyệt, ván đã đóng thuyền, xe tơ, trúc mai, thao lược, Vũ môn, chị Hằng, Lưu Linh, Sở Khanh, Ngư lang Chức nữ, tạo hóa,…

MỘT VÀI NHẬN XÉT

 Nhìn chung, những điển này khá quen thuộc với nhiều người, được sử dụng lâu dần thành quen, tư cách là một điển cố dần bị thay bởi tư cách là một từ ngữ thông thường. Nghĩa là với những điển này, nội dung câu chuyện bị quên dần và người ta không còn bận tâm nữa, người nói / viết cũng như người nghe / đọc chỉ quan tâm đến ý nghĩa rút ra của nó. Đây là một trong những lí do khiến nhiều người, nhất là người trẻ lầm tưởng đó không phải là điển, hay nhiều người thái quá khi cho rằng điển không còn được sử dụng trong đời sống hiện đại.

 Điển cố là sản phẩm của lịch sử, văn hóa, thẩm mĩ cổ trung đại, là phương thức tu từ được ưu chuộng và được sử dụng phổ biến ở thời trung đại. Trong thời hiện đại, lĩnh vực thường xuyên sử dụng điển cố nhất là văn chương lại khước từ các quy phạm có tính chặt chẽ của thi pháp văn học trung đại, tưởng như điển cố sẽ không còn điều kiện để tồn tại trong hoàn cảnh lịch sử cũng như yêu cầu, thị hiếu thẩm mĩ mới. Vậy mà rất nhiều điển vẫn được sử dụng một cách phổ biến, thông dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống, không chỉ văn chương mà còn ở cả âm nhạc, báo chí, giao tiếp thường nhật… Điều này nói lên rằng, điển cố có một sức sống tự thân bền bỉ cũng như khả năng thích ứng linh hoạt trong hoàn cảnh mới.

 Lý giải điều này, có thể thấy, một trong những cách để có thể thích nghi trong đời sống hiện đại là điển cố đã dần từ bỏ những câu chuyện xa xôi, cổ xưa mà nó mang trong mình để chỉ giữ lại ý nghĩa khái quát được rút ra từ những câu chuyện ấy. Ví như, với điển Mạnh Thường Quân, câu chuyện họ Mạnh hào hiệp không còn quan trọng nữa, nó mờ dần để chỉ còn lại ý nghĩa khái quát là chỉ cho những người có tấm lòng rời rộng. Dĩ nhiên, đây là cách mà con người hiện đại đã làm. Nó cũng phản ánh phần nào thực trạng thiếu hiểu biết về văn hóa cổ, nhất là trong giới trẻ hiện nay.

 Có thể nói, “Văn chương như là quá trình dụng điển” (Ngô Tự Lập). Văn học ở thời kì nào cũng thường xuyên dụng điển, dĩ nhiên, ở từng thời kì khác nhau sẽ có những cách thức không giống nhau. Văn học hiện đại cũng như một số lĩnh vực khác của đời sống hiện đại (âm nhạc, báo chí, giao tiếp…) vẫn sử dụng một lượng lớn các điển cố được kế thừa từ trong di sản văn hóa, văn học trung đại để lại. Đó hầu hết là những điển có nguồn gốc từ lịch sử, văn hóa cổ trung Trung Quốc nhưng đã được dân chủ hóa triệt để. Đây cũng là một trong những điểm độc đáo trong nghệ thuật dụng điển của người Việt trong quá trình tiếp biến văn hóa Trung Hoa.


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem