Review tiểu thuyết Lời nguyền hai trăm năm của tác giả Khôi Vũ

Ngày đăng 18/09/2023
327 Lượt xem

Lời nguyền hai trăm năm (Khôi Vũ) – Khi cái thực lồng vào trong cái ảo

Văn chương luôn thu hút người đọc bằng những giá trị ẩn sâu bên trong nó với những sút hút li kì khó đoán định. Dòng văn hiện thực huyền ảo cũng chính là một trong những dòng văn lôi cuốn nhiều độc giả bởi lẽ những yếu tố khác biệt của nó khiến cho sức hấp dẫn được nâng cấp hơn rất nhiều. Văn chương vừa phản ánh hiện thực lại lồng ghép vào đấy những yếu tố huyền ảo rồi từ cái ảo phản ánh cái thực, cái hiện thực vừa trần trụi, vừa huyền ảo phơi bày trước mắt người đọc. Đó là màu sắc riêng biệt của những tác phẩm mang dấu ấn của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo mà quyển tiểu thuyết Lời nguyền hai trăm năm của nhà văn Khôi Vũ là một minh chứng điển hình. Đây là mọt tác phẩm có giá trị trong làng văn Việt Nam khi Lời nguyền hai trăm năm là tác phẩm đã vinh dự nhận được giải thưởng Hội nhà Văn Việt Nam năm 1990 và được nhà xuất bản Thanh Niên tái bản năm 2004. Với hơn 100 trang sách, hai câu chuyện song song được tác giả lồng ghép đầy tính liên kết đã khiến cho tác phẩm lôi cuốn người đọc ngay từ những chương truyện đầu tiên.

Khôi Vũ – tác giả của tiểu thuyết Lời nguyền hai trăm năm là một người quê gốc ở Thái Bình, ông tên thật là Nguyễn Thái Hải. Có thể xem các tác phẩm văn chương của Khôi Vũ là những nét vẽ tổng hoà nên bức tranh của xã hội hiện thực miền Nam bởi những hiểu biết của nhà văn này thực sự nổi bật ở không gian văn hoá của khu vực này, Khôi Vũ viết về hiện thực, lên án hiện thực nhưng bằng một cách viết khéo léo, tinh tế.

Lời nguyền hai trăm năm đích thị là một tác phẩm tiêu biểu của Khôi Vũ, tiểu thuyết này bằng kết cấu song song ngược chiều đã khắc hoạ nên một không gian văn hoá kết hợp của cả biển lẫn rừng và mang trong đó cả màu sắc của các dân tộc thiểu số. Chính từ đây điểm nhấn của cái thực cái ảo đan xen khiến cho hiện thực được phản ánh một cách chuẩn mực, chân xác lại hấp dẫn, li kì.

Một chi tiết thú vị xoay quanh tác phẩm chính là hình tượng nhân vật vua biển thực chất được lấy nguyên mẫu từ một nhân vật mà Khôi Vũ đã có điều kiện tri nhận trong thực tế. Theo Bùi Công Thuấn (2017) thì Khôi Vũ đã gặp một nhân vật có tên là Hai Sửu ở Bà Rịa Vũng Tàu. Hai Sửu cũng có biệt tài lặn biển thăm dò luồng cá và từ đó, chúng ta có nhân vật vua biển Hai Thìn. Cũng cần phải nói thêm rằng, bối cảnh làng biển cát mà tác giả xây dựng chính là rừng và biển ở Bình Châu (Xuyên Mộc). Điều này đã được chính Khôi Vũ thừa nhận khi ông chia sẻ trong quá trình viết tác phẩm Lời nguyền hai trăm năm.

Bắt đầu câu chuyện với hình ảnh Hai Thìn – người được mệnh danh là vua biển đang trở về với làng biển Cát sau những ngày đi kinh tế mới. Anh ta phải đi kinh tế mới vì đâu, chỉ vì có quá nhiều tài sản. Song song với đấy là câu chuyện về ông tổ dòng họ Lê, người theo chân Thế Tổ lập nên sự nghiệp và đã ra tay tàn bạo với cha con họ Vũ, để rồi mang lấy một lời nguyền. Lời nguyền dòng họ đến khi tuyệt tự mới hết kẻ ác tâm bắt nguồn từ đấy. Hai câu chuyện cứ thế đan xen vào nhau, những chuyện Hai Thìn làm ở hiện tại và những câu chuyện soi chiếu ở quá khứ qua các đời họ Lê như Gia Trí, Châu Toàn, Phú Quý.

Nếu Hai Thìn ở làng biển Cát sẽ trải qua những khó khăn bước đầu trong việc hoà nhập lại với cuộc sống cũng như các câu chuyện xoay quanh ngư dân làng biển thì những người đàn ông họ Lê kia lần lượt bị lời nguyền linh ứng dù muốn dù không. Một Gia Trí mang theo nỗi ám ảnh về việc mình là kẻ phản bội đã trốn về làng biển sống bên vợ con, một Châu Toàn sớm ý thức không thay đổi được lời nguyền nên chọn một đời phóng đãng, ăn chơi và luôn chỉ nhằm vào lợi ích bản thân, một Phú Quý luôn tâm niệm sẽ không làm điều ác tâm bị ép vào tình thế phải chỉ điểm và rồi hại chết một người bị oan đã bỏ lại tất cả mà đi tu. Và nút mở, hay chính xác là điểm giao của hai câu chuyện nằm ở đây, Phú Quý bỏ đi tu với pháp danh là Thích Huệ Mẫn, còn Hai Thìn chính là con trai của ông ta, hay nói cách khác, Hai Thìn chính là truyền nhân, là người đàn ông tiếp theo của dòng họ Lê đang mang trên mình lời nguyền đã kéo dài hàng trăm năm.

Hai Thìn vẫn chưa có con trai, trước hàng loạt sự thúc ép, liệu anh ta có vì muốn có người nối dõi mà chịu khuất phục trước lời nguyền, chịu làm chuyện trái với lương tâm. Không, Hai Thìn không làm thế, anh kiên quyết không thay đổi quan điểm dẫu bị đe doạ để là người đứng ra trong câu chuyện đòi lại đình thờ cho làng biển Cát, anh bỏ qua xếp đặt của vợ để giữ trọn đạo vợ chồng, và ngay cả giờ phút quyết định sinh mệnh bản thân, anh cũng nhường nốt cơ hội sống sót cho Năm Mộc - người luôn gây khó dễ và cũng chính là tác nhân khiến anh phải đi kinh tế mới. Đến giây phút cuối cùng của đời mình, Hai Thìn vẫn chọn không làm chuyện ác tâm. Nhưng lời nguyền được phá giải, vua biển ra đi mãi, nhưng anh đã kịp để lại đứa con trai trong bụng người vợ của mình, đến đây, lời nguyền ấy chính thức không còn hiệu nghiệm.

Bên cạnh nhân vật trung tâm đã được liệt kê, câu chuyện còn hàng loạt nhân vật giải trung tâm khác với những cuộc đời, câu chuyện riêng biệt. Tất cả họ là những nét chấm phá trên bức tranh tổng thể, tạo nên một không gian vừa huyền bí vừa gần gũi. Đó có thể là một Tòng Mật mang nỗi căm hờn người đàn ông bội bạc, là một Tòng Út sống khổ sở khi mang trên mình trọng tội để rồi bị thần rừng chối bỏ, là Năm Mộc – kẻ bị những lợi ích làm tha hoá dẫn đến việc sử dụng những lý thuyết khuôn sáo để trục lợi cá nhân, … Tất cả họ, chính là những mảnh ghép tạo nên câu chuyện đậm đà tính hiện thực mà không thiếu những yếu tố kì ảo lôi cuốn trong cuốn tiểu thuyết Lời nguyền hai trăm năm.

Không thể phủ nhận những giá trị hiện thực mà Lời nguyền hai trăm năm mang đến. Nó dám bóc trần một khoảng đầu còn nhiều điểm chuệch choạc của một chế độ mới dựng xây, nhưng nó cũng gieo được cho người ta những hi vọng. Tiểu thuyết này đã xây dựng thành công những chi tiết mang đậm tính huyền ảo. Con ó lửa, những cơn gió, biển cả, rừng núi, … tất cả tạo nên một tổng thể đầy chất huyền bí. Bởi lẽ, các sự vật hiện tượng ấy cũng như lời nguyền ứng nghiệm kia tạo nên một không gian vô cùng kì bí, huyền ảo cho tác phẩm. Nhưng Khôi Vũ dùng chính những yếu tố huyền ảo ấy làm công cụ để khắc hoạ, phản ánh một thời đại cứng nhắc, thời đại của một bộ phận vin vào những lý thuyết khuôn sáo, giáo điều để trục lợi cá nhân.

Thế nhưng đó không phải tất cả những gì Khôi Vũ muốn mang lại thông qua tác phẩm này. Những yếu tố huyền ảo kể trên được xây dựng là để tác giả rọi sâu vào tâm hồn nhân vật. Ở một chiều không gian vô thức, nơi người ta có thể gửi gắm những tâm tư của mình cho cơn gió, ngọn sóng, cánh rừng phi lao hay biển cả, đó là lúc con người ta thật nhất. Người ta sẽ dễ dàng mang lòng mình ra mà tỏ bày cùng với những hiện tượng thiên nhiên huyền bí kia. Để nhân vật tự đi sâu vào chiều sâu tâm tưởng cá nhân, Khôi Vũ tạo ra một cuộc mâu thuẫn nội tại nhân vật giữa cái thiện và cái ác, giữa việc chọn làm cái xấu xa hay quyết giữ lại những điều tốt đẹp cho bản thân, giữa những sóng gió bủa vây, giữa bao gian lao thử thách, liệu người ta có đủ vững vàng để giữ được cái tâm trong sáng hay không? Đó mới là những vấn đề lớn, những vấn đề trọng yếu mà Khôi Vũ thổi vào tác phẩm của mình.

Một yếu tố đầy huyền ảo nhưng cũng đầy hiện thực khác nằm trong tác phẩm, đó chính là hình ảnh những người goá phụ bị trời hành. Không hẳn đây là một chi tiết huyền ảo, nhưng nó thực sự kì bí khi họ nảy sinh ham muốn tình dục và được liên hệ với mặt trăng. Hình tượng mặt trăng ấy trở nên bi đát và đau thương hơn bao giờ hết, dẫu cho có huyền ảo hay không, thì yếu tố hiện thực ở đây là không thể bàn cãi. Hiện thực hiện lên đầy khắc nghiệt với những người phụ nữ ấy, họ không thể bày tỏ những điều đau khổ ấy, họ cam nhẫn chịu đựng và tự dày vò bản thân bởi nó. Những người đàn bà tội nghiệp ấy, bỗng chốc hoá thú hoang để thoả mãn những điều mong mỏi, những khao khát thầm kín bên trong một người phụ nữ mất chồng.

Hiện thực huyền ảo đến với Việt Nam một cách vô cùng mới mẻ. Và Khôi Vũ đã khéo léo để dùng những giá trị huyền ảo như một công cụ đích thực để nói lên cái hiện thực, nói lên những suy nghĩ bên trong. Ông đã khai thác tối đa cái tinh chất huyền ảo để khai mở những giá trị hiện thực rồi tổng hoà thành Lời nguyền hai trăm năm.

Lời nguyền hai trăm năm đã mang lại những xúc cảm mới mẻ và khó tả, điểm hấp dẫn đầu tiên ở tác phẩm chính là những yếu tố huyền ảo của nó. Chính những thứ hoang đường ấy, lại hấp dẫn, lôi cuốn đến lạ lùng. Một không gian thoả sức cho người viết lẫn người đọc có cơ hội để thoẻ mãn trí tưởng tượng sáng tạo, thế nhưng, nó không hề tách rời khỏi sự vận động của cuộc đời. Những trang sách được lần giở, những câu chuyện được kể lại, nút thắt được tháo mở khi thực chất hai câu chuyện song song kia đang kể về lời nguyền của một dòng họ, và hiện thực đây nó đang đè trên vai người đàn ông tiếp theo của dòng họ đó.

Lời nguyền hai trăm năm đưa người đọc đến với nhiều trăn trở. Thoạt đầu nó mang đến những hiện thực được bóc trần dưới lớp vỏ huyền ảo. Những tưởng đó mới chính là cốt lõi câu chuyện, là những thông điệp mà Khôi Vũ muốn truyền tải. Nhưng không, Khôi Vũ cho tất cả chúng ta “việt vị”, điều ông muốn mang đến không phải là những phê phán nằm trong lòng chất huyền bí. Điều mà Khôi Vũ mang đến là những suy tưởng về cuộc đời, về phẩm giá con người trước những thử thách. Từ đó ông đặt ra những vấn đề nhân sinh sâu sắc, liệu rằng người ta có đủ bản lĩnh để giữ được thiên lương của mình trước những thách thức và liệu rằng người ta có thật sự bị tha hoá đến biến chất hay không?

Lời nguyền hai trăm năm còn hấp dẫn bởi chính cách kể chuyện của Khôi Vũ. Nó không rườm rà đến mức phức tạp, nhưng nó vẫn đạt đến một tầm mức chỉn chu nhất định. Khéo léo dùng năm để gọi tên chương nhằm giúp người đọc có những hình dung nhất định về cục diện bối cảnh đương thời, đan xen giữa quá khứ với hiện tại cũng như ẩn ý về những quan niệm cá nhân nằm trong tác phẩm. Những yếu tố đó tạo nên một bức tranh tổng hoà đa màu sắc cho tác phẩm.

Lời nguyền hai trăm năm đã thực sự phản ánh được một xã hội thời kì mới độc lập cũng như những điều bất cập sẽ được điều chỉnh của nó. Cuốn tiểu thuyết này tạo nên một tình huống hay, đặt người ta vào hoàn cảnh phải chọn lựa giữa thiên lương và lợi ích, rồi từ đó đặt ra vấn đề nghi vấn về việc liệu người ta có đủ bản lĩnh để đứng vững trước những thử thách và sóng gió của cuộc đời. Điểm hay ở tác phẩm chính là cách Khôi Vũ chọn kể câu chuyện dưới hình thức của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Cái ảo lẫn trong cái thực, cái vô lí nằm ngay trong lòng cái hợp lí. Độc giả tiếp nhận tác phẩm sẽ không bị xoay quanh những trăn trở về những điều huyền ảo viễn tưởng trong tác phẩm, thay vào đó, tác phẩm cho phép độc giả đắm chìm trong không gian nghệ thuật ấy và có được những suy tư cho riêng mình về hiện thực mà nó phản ánh.

Lời nguyền hai trăm năm thu hút độc giả cũng như để lại những giá trị ấn tượng của mình chính từ điểm ấy, đan xen hai câu chuyện kể, thắt nút và mở nút và hoá giải lời nguyền đều đã được Khôi Vũ hoàn thành một cách nhuần nhị nhất để tác phẩm đến với bạn đọc một cách trọn vẹn và hấp dẫn nhất.


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem