Tài liệu tình huống giải quyết tình huống công pháp quốc tế (Tài liệu tham khảo Luật biển 1982)

Ngày đăng 10/04/2023
109 Lượt xem

Tác giả

MỞ ĐẦU

Trong thời kì hội nhập và phát triển toàn cầu, các quan hệ hợp tác quốc tế, liên kết giữa các quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới đang được đẩy mạnh và phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, cũng vì sự gia tăng lên của những quan hệ pháp luật quốc tế mà các tranh chấp quốc tế cũng đang diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp, trên nhiều phương diện khác nhau của đời sống. Chính vì lý do đó, vai trò của cơ quan tài phán trong việc giải quyết các tranh chấp là hết sức quan trọng, nhằm duy trì và bảo đảm được sự hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực cũng như toàn thế giới. Do đó, việc xác định thẩm quyền tài phán trong từng loại tranh chấp riêng biệt là rất cần thiết, sao cho đảm bảo được những quyền và lợi ích của các quốc gia liên quan. Sau đây, chúng ta sẽ đi vào giải quyết một bài tập tình huống cụ thể, để qua đó hiểu được cách xác định thẩm quyền tài phán của quốc gia trong loại tranh chấp dưới đây:

Tình huống 10. Tàu thương mại X, treo cờ của quốc gia A, được thuê chở sắt thép từ quốc gia A sang quốc gia B. Ngày 15/3/2005, trong tuyến hành trình tới cảng S của B, tàu X đã đâm va với một tàu chở dầu treo cờ của quốc gia C trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia B. Vụ đâm va đã làm tàu của quốc gia C vỡ đôi và một lượng lớn dầu bị tràn ra biển, đồng thời làm hư hỏng đảo nhân tạo của quốc gia D đặt trong vùng đặc quyền kinh tế của B. Trên cơ sở các quy định của Công ước luật biển 1982, hãy cho biết:

- Thẩm quyền tài phán với vụ tràn dầu thuộc về quốc gia nào? Vì sao?

-  Thẩm quyền tài phán đối với vụ việc đảo nhân tạo của quốc gia D bị hư hỏng trong vùng đặc quyền kinh tế của B thuộc về quốc gia nào? Vì sao?

 

6

 

NỘI DUNG

Câu 1: Thẩm quyền tài phán với vụ tràn dầu thuộc về quốc gia nào? Vì sao?

Thẩm quyền tài phán với vụ tràn dầu thuộc về quốc gia B.

Giải thích:

Chúng ta cần phân tích lại tình huống mà đề bài đã đưa ra: Đây là tranh chấp xảy ra giữa tàu mang cờ của quốc gia A với tàu mang cờ của quốc gia C. Sự kiện làm phát sinh tranh chấp là tàu X (mang cờ của quốc gia A) đã đâm va vào tàu mang cờ của quốc gia C, làm vỡ đôi tàu và khiến một lượng lớn dầu tràn ra biển. Địa điểm diễn ra sự kiện làm phát sinh tranh chấp là tại vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia B.

Vấn đề mà chúng ta cần quan tâm trong tình huống này là địa điểm diễn ra sự kiện làm phát sinh tranh chấp: trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia B. Vì rõ ràng, sự kiện trên đã gây một sự ảnh hưởng xấu đến vùng biển của quốc gia B. Do đó, mặc dù đây là tranh chấp xảy ra giữa quốc gia A và quốc gia C nhưng quốc gia có thẩm quyền tài phán lại là quốc gia B. Bởi vì, căn cứ theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 56 Công ước LHQ về Luật Biển 1982:

“1. Trong vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có:

[…]

b) Quyền tài phán theo đúng những quy định thích hợp của Công ước về việc:

i. Lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình;

ii. Nghiên cứu khoa học về biển;

iii. Bảo vệ và gìn giữ môi trường biển;”

Trong tình huống đề bài, tai nạn đâm va giữa hai con tàu đã làm tràn một lượng dầu và gây thiệt hại đến môi trường biển của quốc gia B. Mà dẫn chiếu theo Điều luật được trích dẫn trên thì quốc gia B có quyền tài phán theo đúng những quy định thích hợp của Công ước về việc bảo vệ và giữ gìn môi trường biển. Tai nạn đâm va và làm tràn dầu ra biển giữa hai quốc gia A và C đã gây thiệt hại đến môi trường biển của quốc gia B. Kết hợp với những phân tích trên, ta có thể đưa ra kết luận, thẩm quyền tài phán với vụ tràn dầu thuộc về quốc gia B.

Câu 2: Thẩm quyền tài phán đối với vụ việc đảo nhân tạo của quốc gia D bị hư hỏng trong vùng đặc quyền kinh tế của B thuộc về quốc gia nào? Vì sao?

Thẩm quyền tài phán đối với vụ việc đảo nhân tạo của quốc gia D bị hư hỏng trong vùng đặc quyền kinh tế của B thuộc về quốc gia B.

Giải thích:

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 60 Công ước LHQ về Luật Biển 1982:

“1. Trong vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có đặc quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng:

a) Các đảo nhân tạo;

b) Các thiết bị và công trình dùng vào các mục đích được trù định ở Điều 56 hoặc các mục đích kinh tế khác;

c) Các thiết bị và công trình có thể gây trở ngại cho việc thực hiện các quyền của quốc gia ven biển trong vùng.”

Như vậy, trước hết ta xác định được việc đảo nhân tạo của quốc gia D được xây dựng trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia B là đã được sự “cho phép” của B. Do đó, quốc gia B cũng sẽ có những quyền lợi và trách nhiệm nhất định đối với sự tồn tại của hòn đảo nhân tạo này.

Tiếp đó, tại Khoản 2 Điều luật trên cũng quy định:

“Quốc gia ven biển có quyền tài phán đặc biệt đối với các đảo nhân tạo, các thiết bị và các công trình đó, kể cả về mặt các luật và quy định hải quan, thuế khóa, y tế, an ninh và nhập cư.”

Quay trở lại với tình huống mà đề bài đã cho, vụ việc tràn dầu ra biển đã làm hỏng đảo nhân tạo của quốc gia D trong vùng đặc quyền kinh tế của B. Rõ ràng, sự việc này đã gây thiệt hại trực tiếp và nghiêm trọng đến hòn đảo nhân tạo nói trên. Đặc biệt, khi xét đến vị trí mà hòn đảo được xây dựng, là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của B, thì điều này đòi hỏi ở B một trách nhiệm nhất định. Khi đó, dựa theo quy định được trích dẫn tại Điều luật trên, thì B sẽ có thẩm quyền tài phán với đảo nhân tạo nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình (Điều luật không có quy định ngoại trừ trong trường hợp đảo nhân tạo thuộc về một quốc gia khác). Hay nói cách khác, thẩm quyền tài phán đối với vụ việc đảo nhân tạo của quốc gia D bị hư hỏng là thuộc về quốc gia B.

KẾT LUẬN

Thông qua việc giải quyết tình huống trên đây, chúng ta đã phần nào hiểu được cách xác định thẩm quyền tài phán của quốc gia trong một số loại tranh chấp cụ thể. Từ đó, ta thấy rõ được tầm quan trọng của thẩm quyền tài phán cũng như trách nhiệm của mỗi quốc gia liên quan khi có tranh chấp xảy ra. Hiểu và vận dụng được vấn đề này sẽ giúp chúng ta nắm bắt sâu rộng hơn về tình hình, diễn biến các tranh chấp đã và đang diễn ra trong phạm vi quốc tế.


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem