TÀI LIỆU THAM KHẢO TOÀ ÁN HÌNH SỰ QUỐC TẾ

Ngày đăng 12/01/2023
81 Lượt xem

Tác giả

I.   Toà án quân sự quốc tế Nuremberg

1.   Quá trình thành lập và phán quyết của Toà án quân sự quốc tế Nuremberg

Ngày 13/10/1943, các nước chiến thắng trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2 gồm Anh, Mỹ và Liên bang Xô viết đã cùng nhau tuyên bố rằng những thành viên của Chính phủ Đức quốc xã, những thành viên của Đảng Đức quốc xã, đã thực hiện những tội ác nghiêm trọng ở các nước mà Đức đã chiếm đóng và cai trị, sẽ bị đưa về những nước này để xét xử. Những người mà tội ác của họ ảnh hưởng trên nhiều lãnh thổ và không xác định được chính xác lãnh thổ nơi thực hiện tội phạm thì sẽ bị xét xử theo một thỏa thuận chung của các nước Đồng minh.

Tiếp theo sau Tuyên bố Moscow 1943, ngày 8/8/1945, Anh, Pháp, Mỹ và Liên Xô đã ký Hiệp ước London về trừng trị các cá nhân thuộc khối trục phát xít thực hiện chiến tranh tại châu Âu. Đây là văn bản pháp lý quốc tế để thành lập Toà án quân sự quốc tế Nuremberg.

Sau khi được khai mạc vào ngày 18/10/1945, Toà án quân sự quốc tế Nuremberg đã bắt đầu việc xét xử vào ngày 20/10/1945 và tổng số 24 người đã bị truy cứu nhưng chỉ có 21 người ra trước Toà. Tòa án công bố phán quyết vào ngày 30/9 và ngày 01/10/1946; trong đó 12 người bị tuyên phạt tử hình, 3 người bị tuyên phạt tù chung thân, 4 người bị xử phạt tù từ 10 đến 20 năm tù, 3 người được tha bổng, 4 nhóm được coi là tội phạm có tổ chức. Số người bị tuyên phạt bao gồm cả lãnh đạo của Đảng Nazy.

2.   Thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự quốc tế Nuremberg

Thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự quốc tế Nuremberg được nêu rõ trong Hiệp ước London 1945 và Quy chế của Toà án.

Thứ nhất, về đối tượng bị xét xử, theo Hiệp ước London 1945, Toà án quân sự quốc tế Nuremberg được thành lập để xét xử những người phạm tội quan trọng trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2 ở châu Âu nhưng không xác định được địa điểm phạm tội cụ thể. Những người này có thể thực hiện tội phạm đơn lẻ hoặc với vai trò là thành viên của tổ chức hoặc một nhóm nhất định. Toà án quân sự quốc tế Nuremberg chỉ có thẩm quyền xét xử đối với những đối tượng hạn hẹp.


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem