TÀI LIỆU ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA QUỐC TẾ BẰNG ĐƯỜNG BIỂN (TÀI LIỆU THAM KHẢO LUẬT ĐƯỜNG BIỂN LUẬT HÀNG HẢI)

Ngày đăng 13/04/2023
211 Lượt xem

Nhìn chung, pháp luật Việt Nam về hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, từ đó mà thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Những vấn đề chủ yếu nhất liên quan đến vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển đã được điều chỉnh bằng hệ thống các văn bản pháp lý cụ thể, chi tiết. Với việc học hỏi thông lệ quốc tế, các quy định pháp luật Việt Nam về vấn đề này tạo ra một khung pháp lý ổn định, vững chắc cho các doanh nghiệp vận tải Việt Nam làm quen và tham gia thị trường thế giới; đồng thời cũng tạo môi trường pháp lý thân thiện để các bạn hàng ngoài nước, những nhà đầu tư nước ngoài hướng đến hợp tác với Việt Nam. Không những thế, hệ thống pháp luật này còn phù hợp với hệ thống pháp luật trong nước, với điều kiện kinh tế xã hội trong nước và hướng tới tiếp cận với môi trường pháp lý quốc tế. Tóm lại, hệ thống pháp luật Việt Nam điều chỉnh hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển là tương đối hệ thống và phù hợp.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu kể trên vẫn tồn tại những thực trạng khá tiêu cực khi áp dụng pháp luật như đã nêu ở phần II. Một số nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là:

Thứ nhất, tàu không thực hiện đầy đủ chế độ bảo dưỡng, sửa chữa và trang bị bổ sung để duy trì trạng thái kỹ thuật, thuyền viên và sỹ quan thiếu khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh, thiếu tính mẫn cán, tinh thần trách nhiệm trong công việc, hệ thống quản lý an toàn và an ninh không được duy trì một cách tự giác...

Thứ hai, việc kiểm tra khả năng đi biển của tàu, việc quản lý các quy chuẩn về chất lượng tàu chưa được xem xét một cách đúng mức.

Thứ ba, trong quá trình thực hiện hợp đồng, nhà xuất khẩu Việt Nam còn thiếu sự hiểu biết về vận đơn

Thứ tư, trình độ của thẩm phán trong giải quyết tranh chấp còn kém.

 

Cuối cùng, các bên không có cách hiểu thống nhất về những định nghĩa chung về hoạt động vận chuyển. Ngay cả khái niệm về “người vận chuyển” với cách hiểu khác nhau như đã phân tích ở trên cũng gây ra thiệt hại, rồi thế nào là tàu “luôn luôn nổi” ... Do vậy, sẽ dễ dàng hơn cho các bên nếu pháp luật Việt Nam có những văn bản dưới luật hướng dẫn những vấn đề này.

Dựa vào đánh giá thực trạng trên, người viết xin đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn và các quy định về đảm bảo khả năng đi biển của tàu;

Thứ hai, nâng cao trình độ của thẩm phán trong việc giải quyết tranh chấp hàng hải, cải cách thời hiệu khiếu kiện về các mất mát, hư hỏng với hàng hóa theo pháp luật.

Thứ ba, Việt Nam nên sớm gia nhập các điều ước quốc tế và ký kết thêm các hiệp định song phương.

Ngoài việc hoàn thiện pháp luật, các doanh nghiệp vận chuyển cần nâng cao trình độ nghiệp vụ cũng như trình độ pháp lý hơn, trau dồi kỹ năng giao tiếp bằng Tiếng Anh cũng như cải thiện trách nhiệm trong công việc để việc hoàn thiện pháp luật về hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế đạt hiệu quả hơn.

KẾT LUẬN

Khi thế giới mở rộng giao thương và mở cửa cho các thành quả kinh tế của các quốc gia khác, vận tải biển trở thành hoạt động kinh doanh phổ biến và cần thiết hơn bao giờ hết, đặc biệt là đối với mọi doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Vận tải đường biển là một trong những loại hình vận tải then chốt, đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong hoạt động giao thương quốc tế hiện nay. Với nhiều lợi thế so với vận tải đường bộ và đường hàng không, đa số các đơn vị doanh nghiệp đều lựa chọn đường biển nhằm tối ưu hoá chi phí và thời gian vận chuyển. Tại Việt Nam, khối lượng vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng phương thức vận tải đường biển chiếm hơn 80% tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu quốc gia. Như vậy có thể thấy, vận chuyển hàng hóa bằng đường biển đóng vai trò quan trọng nhất trong tất cả các phương thức vận tải.

Hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển là loại hợp đồng phổ biến trong thương mại và hàng hải, nhưng cũng là hợp đồng phức tạp, liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau của quan hệ thương mại và hàng hải quốc tế. Dựa vào các dấu hiệu cơ bản, ta có thể nhận dạng hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển khác so với các loại hợp đồng có yếu tố quốc tế khác, do có những đặc thù riêng. Hiểu biết được hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển sẽ góp phần đáng kể vào việc nâng cao hiểu biết của cá nhân, tổ chức về luật hàng hải quốc tế, bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của các bên khi tham gia kí kết và thực hiện hợp đồng. Trên cơ sở đó, phát triển dịch vụ vận tải hàng hóa quốc tế bằng đường biển và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại hàng hải của Việt Nam.


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem