Sự truyền bá Phật giáo ra bên ngoài Ấn Độ và sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với văn hóa Việt Nam (Tài liệu tham khảo Phật giáo Ấn Độ)

Ngày đăng 23/04/2023
172 Lượt xem

Tác giả

I. Sự truyền bá đạo Phật ra bên ngoài Ấn Độ.

1, Sự truyền bá đạo Phật sang các nước khác.

Dưới triều đại vua A Dục, nhà vua đã gửi rất nhiều đoàn truyền giáo đi khắp nơi trên thế giới từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây. Đặc biệt, một trong những đoàn truyền giáo đó có con trai vua A Dục Trưởng Lão Mahida (con vua A Dục đã xuất gia), đem Phật giáo truyền sang Tích Lan, sau lại có con gái vua A Dục mang một cây Bồ Đề giống, nơi đức Phật thành đạo đến trồng ở Tích Lan, Phật giáo theo đây gọi là Nam truyền hay Nguyên Thủy, kinh điển dùng chữ Pali, từ đây Phật giáo truyền sang Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Phật giáo từ Ấn Độ, truyền sang phương Bắc, dùng kinh điển chữ Phạn, còn gọi là Bắc Tông hay Đại Thừa, trước tiên truyền vào Tây Tạng vào khoảng giữa thế ký III, rồi từ đó truyền sang Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam.

Ngày nay Phật Giáo lan truyền khắp thế giới, người ta ưa chuộng đạo Phật vì Giáo lý hợp với tinh thần tự do, khoa học và nhất là phương pháp Thiền, một phương pháp đã lôi cuốn mọi người để tu tập. Sự hiểu biết về Phật giáo đã đi qua ba thành phần chính: Những nhà học giả Tây Âu, giới có học và thành phần trí thức. Đồng thời những di dân nhập cư từ Á Châu mang theo những hình thái Phật Giáo khác nhau cùng họ đi đến Châu Âu, Bắc Mỹ và Úc Châu. Quan điểm ‘đến và thấy chính mình’ của Đạo Phật đã thu hút nhiều người phương Tây. Với sự phát triển truyền đạt và giao thiệp cởi mở, người Tây Âu đã có thể khám phá thêm về Phật Giáo ở thế kỷ này hơn bất kỳ thời gian nào trước đây. Tính tự nhiên và sự đặt nặng việc thực hành của Đạo Phật đã lôi cuốn được nhiều người trên thế giới hơn bao giờ hết. Hôm nay, nhiều trung tâm Phật giáo đã có mặt trải dài đến Australia, New Zealand, Europe, Bắc và Nam Mỹ. Hầu như tất cả truyền thống Phật Giáo chính yếu đều đã có mặt đã và đang tiếp tục thu hút sự cảm kích của những người phương Tây trong tất cả chiều hướng của đời sống.

2, Sự truyền bá đạo Phật sang Việt Nam. 

Sự du nhập của Phật giáo vào nước ta ở những bước căn bản đầu tiên thật ra không phải xuất phát từ Trung Hoa, mà chính là được truyền sang trực tiếp từ Ấn Độ. Thuở ban sơ có nhiều vị sư Ấn Độ theo lái buôn, họ đi đường biển sang truyền đạo trực tiếp ở Việt Nam trước công nguyên.

Xét về mặt địa lý Việt Nam nằm ở bán đảo Đông Dương, là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu tiếp xúc với các nước trong khu vực: Ấn Độ và Trung Hoa là hai nước có nền văn minh lớn cổ xưa. Việt Nam nằm cạnh hai nước, cho nên chịu nhiều ảnh hưởng của hai nền văn minh này. Đạo Phật được truyền bá vào Việt Nam ngay từ đầu Công nguyên bằng hai con đường; đường thủy thông qua con đường buôn bán với thương gia Ấn Độ.

 Đạo Phật truyền vào Việt Nam bằng con đường hòa bình, những giáo lý của đạo Phật về bình đẳng, bắc ái, cứu khổ, cứu nạn…gần gũi với cư dân Việt Nam do đó dễ được chấp nhận. Mặt khác thời kỳ này còn có các tín ngưỡng bản địa của cư dân nông nghiệp lúa nước, cộng với sự tồn tại của Nho giáo, đạo Lão được Trung Quốc truyền vào, tuy nhiên các tín ngưỡng, tôn giáo đó còn có nhiều mặt khiếm khuyết đối với đời sống tâm linh cộng đồng và đạo Phật đã bổ sung vào chỗ thiếu hụt ấy. Vì vậy đạo Phật ở Việt Nam được giao thoa bởi các tín ngưỡng bản địa, cũng như ảnh hưởng bởi đạo Lão ở Việt Nam.

II. Ảnh hưởng của Phật giáo đến văn hóa Việt Nam.

1, Ảnh hưởng Phật Giáo đến chính trị-xã hội.

Phật giáo tuy là một tôn giáo xuất thế, nhưng Phật Giáo Việt Nam có chủ trương nhập thế, tinh thần nhập thế sinh động này nổi bật nhất là các thời Đinh, Lê, Lý, Trần. Trong các thời này các vị cao tăng có học thức, có giới hạnh điều được mời tham gia triều chính hoặc làm cố vấn trong những việc quan trọng của quốc gia. Thời vua Đinh Tiên Hoàng đã phong cho thiền sư Ngô Chân Lưu làm Tăng Thống, thời Tiền Lê có ngài Vạn Hạnh, ngài Đỗ Pháp Thuận, ngài Khuông Việt cũng tham gia triều chính. Trong đó đặc biệt thiền sư Vạn Hạnh đã có công xây dựng triều đại nhà Lý khi đưa Lý Công Uẩn lên làm vua, chấm dứt chế độ tàn bạo của Lê Long Đỉnh, ông vua Ngọa Triều còn có biệt danh kẻ róc mía trên đầu sư. Thời nhà Trần có các thiền sư Đa Bảo, thiền sư Viên Thông… đều được các vua tin dùng trong bàn bạc quốc sự như những cố vấn triều đình.

Đến thế kỷ 20, Phật tử Việt Nam rất hăng hái tham gia các hoạt động xã hội như cuộc vận động đòi ân xá cho Phan Bội Châu. Đến thời Diệm, Thiệu (1959-1975) cũng thế, các tăng sĩ và cư sĩ miền Nam tham gia tích cực cho phong trào đấu tranh đòi hòa bình và độc lâp cho dân tộc, nổi bật là những cuộc đối thoại chính trị giữa các tăng sĩ Phật Giáo và chính quyền. Đến cuối thế kỷ 20, ta thấy tinh thần nhập thế này cũng không ngừng phát huy, đó là sự có mặt của các thiền sư Việt Nam trong quốc hội của nước nhà.

2, Ảnh hưởng Phật Giáo đến ngôn ngữ.

Trong lĩnh vực giáo hóa đồ chúng, tiếng nói của Phật giáo đã góp phần cân bằng đời sống tinh thần của con người trong xã hội. Vì thế Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đối với quần chúng, nhất là ngôn ngữ, có những từ mà không biết tự bao giờ mọi người thường dùng trở thành quen thuộc trong sinh hoạt như: Nhân duyên, nhân quả, nghiệp chướng, nghiệp lực, luân hồi, kiếp số, tùy hỷ, tùy duyên, hoan hỷ, từ bi, nhẫn nhục, v.v... Ảnh hưởng đạo lý đáng kể của lớp từ ngữ này đã làm thay đổi tư tưởng con người hướng đến cách sống thiết thực, lạc quan, thoát ly khỏi trạng thái tâm lý tiêu cực và sẵn sàng thực hiện hạnh nguyện lợi tha cao cả vì con người. Đó chính là tâm điểm mà đạo Phật có mặt trên thế gian, cũng là yếu tố thiết thực giúp đạo Phật tồn tại, ngày càng phát triển đi sâu vào quần chúng.

3, Ảnh hưởng phật giáo đến các ca dao dân ca.

Ca dao dân ca là một thể loại văn vần truyền khẩu, dễ hiểu trong dân gian, được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Ca dao dân ca phổ biến dưới dạng thơ lục bát bao gồm nhiều đề tài khác nhau, tư tưởng đạo lý của phật giáo cũng thường được ông cha ta đề cập đến trong ca dao dân ca dưới đề tài này hay khía cạnh khác để nhắc nhở, khuyên răng dạy bảo, với mục đích xây dựng một cuộc sống an vui phù hợp với truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam.

Có thể nói trong tâm hồn của mỗi con người Việt Nam đều có chứa đựng ít nhiều triết lý nhà phật và những hình ảnh về ngôi chùa, về phật, trải qua hàng ngàn năm gắn bó mật thiết với làng xã Việt Nam: Đất vua, chùa làng là một hình ảnh gần gũi với dân, với làng, với nước như vậy, nếu ai xúc phạm đến chùa, phật thì cũng có thể hiểu là xúc phạm đến đạo lý, đến quốc gia.

Trong tất cả những ảnh hưởng, lớn nhất và sâu rộng nhất cũng vẫn là sự ảnh hưởng của đạo Phật, một tôn giáo, một nền giáo dục đã có mặt với dân tộc từ buổi đầu của công nguyên. Ví như chúng ta vẫn thường biết rằng đạo Phật là đạo hiếu, lời dạy của phật về việc nhớ ơn và báo ơn cha mẹ là những cảm giác suy tư in đậm trong lòng của người Việt, và đã thể hiện linh động và triền miên ngang qua ca dao dân ca, mà chúng ta thấy tràn ngập khắp dân gian Việt Nam:

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”

Ngang qua các câu ca dao của Việt Nam về hình ảnh của ngôi chùa, về quan niệm hiếu hạnh, quan niệm nhân quả, ta thấy sự ảnh hưởng của phật giáo đã ăn sâu vào đời sống của dân tộc Việt Nam.

4, Ảnh hưởng phật giáo đến các tác phẩm văn học.

Bên cạnh ca dao bình dân, trong các tác phẩm văn học của các nhà thơ, nhà văn chúng ta cũng thấy có nhiều bài thơ, tác phẩm chịu ảnh hưởng ít nhiều của Phật giáo.

Tác phẩm chữ Nôm nổi tiếng trong thế kỷ thứ 18 là Cung Oán Ngâm Khúc của nhà thơ Việt Nam Nguyễn Gia thiều (1741-1798), tác phẩm viết bằng thơ nôm. Thể song thất lục bát, dài 356 câu, là khúc ngâm của người cung nữ bị vua ruồng bỏ, oán than về thân phận mình. Nội dung tác phẩm chịu nhiều ảnh hưởng của Phật giáo, nhất là triết lý ba pháp ấn Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Khi diễn tả thân phận con người vốn khổ đau và mang tính vô thường, ông viết:

“Gót danh lợi bùn pha sắc xám

Mặt phong trần nắng rám mùi dâu

Nghĩ thân phù thế mà đau

Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê.”

Theo cái nhìn của phật giáo, khi mô tả nỗi khổ chúng sanh thường được dùng ẩn dụ như khỗ ải (bể khổ). Cái khổ ấy từ đâu mà có, vốn từ chỗ lầm chấp, vô minh của con người mà có, từ chỗ mê lầm ấy mà được hình dung bằng mê tân (bến mê). Như thế danh từ bể khổ của Phật giáo đã giúp ông Nguyễn Gia Thiều diễn tả thấu đáo nỗi khổ đau của kiếp người, cái khổ đau ấy, cái vô thường ấy không những chi phối ở con người mà còn ở cả cây cỏ, hoa, lá, thế giới vô tình, tất cả chịu chung qui luật khắc nghiệt ấy.

Cuối thế kỷ thứ 19, Mạnh Chu Trinh, một nhà thơ Việt Nam, một người tài hoa về thơ, giỏi và thích kiến trúc, ông đã từng vẽ kiểu và trùng tu chùa Thiên Trù ở Hương Tích. Cũng trong thời gian xây dựng chùa này mà ông đã sáng tác nhiều bài thơ độc đáo về phong cảnh Hương Tích và tất nhiên thơ của ông cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc tinh thần của Phật Giáo, chẳng hạn như bài:"Hương Sơn Phong Cảnh".

Điểm qua một số thơ văn Việt nam có những ảnh hưởng của Phật Giáo như trên ta thấy tư tưởng, triết học Phật Giáo đã để lại dấu ấn của mình sâu đậm trên diễn đàn tư tưởng của Việt Nam.

5, Ảnh hưởng Phật Giáo đến phong tục, tập quán.

Phong tục tập quán thể hiện đặc sắc và tính đặc thù về văn hóa của mỗi dân tộc. Thông qua việc tìm hiểu phong tục tập quán, người ta tìm lại được những giá trị văn hóa mang bản chất truyền thống của các dân tộc. Đối với người Việt Nam, những phong tục tập quán chịu ảnh hưởng Phật giáo khá nhiều.

- Ảnh hưởng phật giáo qua tập tục ăn chay, thờ phật, phóng sanh và bố thí:

Về ăn chay, hầu như tất cả người Việt Nam đều chịu ảnh hưởng nếp sống văn hóa này. Ăn chay hay ăn lạt xuất phát từ quan niệm từ bi của Phật giáo. Vì khi đã trở về với phật pháp, mỗi người phật tử phải thọ giới và trì giới, trong đó giới căn bản là không sát sanh hại vật, mà trái lại phải thương yêu mọi loài. Trong hành động lời nói và ý nghĩa, người phật tử phải thể hiện lòng từ bi. Điều không thể có được khi con người còn ăn thịt, còn uống máu chúng sanh. Để đạt được mục đích đó, người Phật tử phải dùng đến phương pháp ăn chay.

Cũng xuất phát từ tinh thần từ bi của đạo phật tục lệ bố thí và phóng sanh đã ăn sâu vào đời sống sinh hoạt của quần chúng. Đến ngày rằm và mùng một, người Việt thường hay mua chim, cá, rùa… để đem về chùa chú nguyện rồi đi phóng sanh. Người Việt cũng thích làm phước bố thí và sẵn sàng giúp đỡ kẻ nghèo khó, hoạn nạn, vào các ngày lễ hội lớn họ tập trung về chùa. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại những biểu hiện mang tính chất hình thức trên này càng bị thu hẹp. Thay vào đó mọi người tham gia vào những đợt cứu trợ, tương tế cho các đồng bào gặp thiên tai, hoạn nạn, hoàn cảng sống gặp khó khăn đúng với truyền thống đạo lý của dân tộc lá làng đùm lá rách.

- Ảnh hưởng Phật giáo qua tập tục cúng rằm, mùng một và lễ chùa:

Theo đúng truyền thống tập tục cúng rằm, mùng một là tập tục cúng sóc vọng, tức là ngày mặt trời mặt trăng thông suốt nhau, cho nên thần thánh, tổ tiên có thể liên lạc, thông thương với con người, sự cầu nguyện sẽ đạt tới sự cảm ứng với các cõi giới khác và sự cảm thông sẽ được thiết lập là ngày trong sạch để các vị tăng kiểm điểm hành vi của mình, gọi là ngày Bố tát và ngày sám hối, người tín đồ về chùa để tham dự lễ sám hối, cầu nguyện bỏ ác làm lành và sửa đổi thân tâm. Quan niệm ngày sóc vọng là những ngày trưởng tịnh, sám hối, ăn chay là xuất phát từ ảnh hưởng của Phật giáo Đại thừa. Ngoài việc đi chùa sám hối, ở nhà vào ngày rằm và mùng một, họ sắm đèn, nhang, hương hoa để dâng cúng Tam Bảo và tổ tiên Ông Bà, thể hiện lòng tôn kính, thương nhớ những người quá cố và cụ thể hóa hành vi tu tâm dưỡng tánh của họ.


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem