PHÁP LUẬT VỀ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP TỰ VỆ TRONG WTO, ĐỀN BÙ THƯƠNG MẠI VÀ CÁC BIỆN PHÁP TRẢ ĐŨA (TÀI LIỆU THAM KHẢO HIỆP ĐỊNH VỀ BIỆN PHÁP TỰ VỆ)

Ngày đăng 20/04/2023
251 Lượt xem

1. Các biện pháp tự vệ thương mại

Về hình thức tự vệ, WTO không có quy định ràng buộc về loại biện pháp tự vệ được áp dụng. Trên thực tế các nước nhập khẩu thường áp dụng biện pháp hạn chế lượng nhập khẩu (hạn ngạch) hoặc tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hoá liên quan.

Biện pháp tự vệ phải được áp dụng theo cách không phân biệt đối xử về xuất xứ hàng hoá nhập khẩu liên quan. Như vậy khác với biện pháp chống bán phá giá và biện pháp chống trợ cấp (chỉ áp dụng đối với nhà xuất khẩu từ một hoặc một số nước xuất khẩu nhất định bị điều tra), biện pháp tự vệ áp dụng cho tất cả các nhà sản xuất, xuất khẩu của tất cả các nước đang xuất mặt hàng đó sang nước nhập khẩu.

Trường hợp biện pháp tự vệ là hạn ngạch, nước nhập khẩu cần tiến hành thỏa thuận với các nước xuất khẩu, chủ yếu về việc phân định hạn ngạch.

Nếu không đạt được thỏa thuận, việc phân bổ sẽ được thực hiện theo thị phần tương ứng của từng nước xuất khẩu trong giai đoạn trước đó.

2. Mức độ và phạm vi áp dụng

2.1. Mức độ tự vệ

Về mức độ tự vệ, căn cứ theo Khoản 1 Điều 5 và Khoản 1 Điều 7 - Hiệp định về biện pháp tự vệ (Hiệp định SG), các nước chỉ có thể áp dụng biện pháp tự vệ ở mức cần thiết - tức là tuân thủ đầy đủ các điều kiện để áp dụng được quy định tại Điều 2 và Điều 4 hiệp định này. Biện pháp tự vệ chỉ nên vừa đủ để ngăn chặn hoặc bù đắp các thiệt hại và tạo điều kiện để ngành sản xuất nội địa điều chỉnh; đồng thời nếu biện pháp tự vệ được áp dụng là định lượng (VD như đặt hạn ngạch nhập khẩu) thì biện pháp này không được làm giảm số lượng hàng hóa nhập khẩu dưới mức nhập khẩu trung bình của 3 năm đại diện gần nhất có số liệu thống kê, trừ khi có minh chứng rõ ràng rằng cần có một mức hạn ngạch cao hơn để ngăn ngừa hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng.

2.2. Phạm vi áp dụng

Căn cứ theo lời mở đầu và Điều 1, Khoản 2 Điều 2 - Hiệp định về biện pháp tự vệ (Hiệp định SG). Biện pháp tự vệ thương mại được áp dụng trong phạm vi các nước thành viên WTO và tham gia ký kết hiệp định GATT 1994 nhưng phải tuân theo các nguyên tắc được quy định tại Điều 19 của GATT 1994. Đồng thời biện pháp tự vệ chỉ được áp dụng đối với hàng hoá, sản phẩm nhập khẩu bất kể từ nguồn nào chứ không áp dụng đối với dịch vụ, đầu tư hay sở hữu trí tuệ.

3. Thời hạn áp dụng

Căn cứ theo Điều 6, Điều 7, Điều 8 và Điều 12 - Hiệp định về biện pháp tự vệ (Hiệp định SG).

Thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời không được vượt quá 200 ngày.

Thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ thông thường không được kéo dài quá 4 năm (trừ trường hợp có gia hạn) và phải giảm dần theo định kỳ sau năm đầu tiên áp dụng. Trường hợp biện pháp được áp dụng trên 3 năm thì phải được xem xét lại vào giữa kỳ để cân nhắc khả năng chấm dứt hoặc giảm mức áp dụng mạnh hơn nữa;

Nếu có gia hạn tự vệ, thì nước áp dụng phải chứng minh được rằng việc gia hạn là cần thiết để ngăn chặn thiệt hại và rằng ngành sản xuất liên quan đang tiến hành tự điều chỉnh. Tổng thời gian tính áp dụng biện pháp cộng với thời gian gia hạn và thời gian áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời (nếu có) không được vượt quá 8 năm.

Không biện pháp tự vệ nào được áp dụng lại đối với việc nhập khẩu một sản phẩm đã bị áp dụng biện pháp này sau khi Hiệp định WTO có hiệu lực trong thời hạn bằng thời hạn mà biện pháp đó đã được áp dụng trước đây, với điều kiện thời hạn không áp dụng phải ít nhất là 2 năm.

Tuy nhiên nếu 1 sản phẩm chưa bị áp dụng biện pháp tự vệ hơn hai lần vòng 5 năm và đã qua ít nhất một năm kể từ lần gần nhất biện pháp tự vệ được áp dụng đối với việc nhập khẩu của sản phẩm đó thì nước nhập khẩu có thể áp dụng lại một biện pháp tự vệ đối với sản phẩm này. Trường hợp này thì thời gian áp dụng không được vượt quá 180 ngày. 

4. Các quốc gia đang phát triển 

WTO thừa nhận cần thiết phải dành cho những nước đang và chậm phát triển những điều kiện thuật lợi hơn trong thương mại quốc tế, dành cho các nước này những chế độ đãi ngộ đặc biệt và khác biệt trong thương mại quốc tế mà không yêu cầu có đi có lại trong các cam kết. Điều 9 Hiệp định về tự vệ thương mại của WTO qui định: Các biện pháp tự vệ thương mại không được áp dụng với hàng hóa có nguồn gốc từ một nước thành viên đang phát triển nếu như thị phần xuất khẩu hàng hóa của nước này tại nước nhập khẩu không vượt quá 3 %. Hoặc nếu có nhiều nước thành viên đang phát triển có thị phần từng nước dưới 3% và tổng thị phần của các nước này không lớn hơn 9 % thì không bị áp dụng tự vệ thương mại. Về phần mình, một nước thành viên đang phát triển lại có quyền mở rộng thời hạn áp dụng tự vệ thương mại với nước khác thêm 2 năm nữa so với thời hạn tối đa được áp dụng tự vệ thương mại thông thường là 8 năm

 WTO có qui định đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam có thể kéo dài thời hạn áp dụng thêm 2 năm, tức là các nước đang phát triển như Việt Nam có quyền áp dụng biện pháp tự vệ với thời hạn không quá 10 năm.

+ Điều XVIII.A và XVIII.C, cho phép các nước đang phát triển có trợ giúp của Chính phủ nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Hiệp định về các biện pháp tự vệ định ra các qui định cho việc áp dụng các biện pháp tự vệ như qui định trong Điều XIX của GATT.

Điều XXVIII của GATT, có thể tiến hành đàm phán lại các cam kết với mục đích giảm gánh nặng từ nhập khẩu.

Các qui định về ngoại lệ chung và các ngoại lệ về an ninh trong GATS và GATT cũng có thể coi như một hình thức tự vệ hợp lệ. 

Ngoài ra, trong Hiệp định Nông nghiệp của WTO còn qui định về các biện pháp tự vệ đặc biệt (SSG). Đây là một công cụ tự vệ cho phép các nước thành viên WTO có thể "đánh thuế" và đặt ra những SSG cụ thể trong Biểu cam kết về nông nghiệp ... SSG cho phép các quốc gia áp thuế bổ sung cho sản phẩm bên cạnh dòng thuế có sẵn trong trường hợp gia tăng nhập khẩu hoặc khi giá nhập khẩu giảm hơn 10% so với giá nhập khẩu tối thiểu cố định. Tuy nhiên, chỉ có 39 nước thành viên WTO đủ tiêu chuẩn sử dụng SSG này do yêu cầu về biểu thuế, phần lớn là các nền kinh tế phát triển và không có quốc gia nào là nước kém phát triển. Do các nước đang và kém phát triển không thể tiếp cận được SSG, các nước thành viên WTO quan tâm đến một cơ chế tự vệ đặc biệt (SSM) thuộc các điều khoản đối xử đặc biệt và khác biệt, cho các nước đang và kém phát triển cơ sở để bảo vệ những sản phẩm nông nghiệp nhạy cảm khỏi việc thâm nhập thị trường của sản phẩm nhập khẩu tương đương.         

6. Đền bù thương mại và các biện pháp trả đũa

Các hành động phân biệt đối xử chống lại các nước được coi là đang có các vấn đề lớn là trái với các quy định. Nếu hành động được tiến hành, nước thực hiện có nghĩa vụ đền bù cho các bên bị ảnh hưởng dưới hình thức cho hưởng thuế thấp và/hoặc các điều kiện tiếp cận thị trường tốt hơn.

Nước áp dụng biện pháp tự vệ có phải bồi thường cho các nước xuất khẩu không?

WTO quy định nước nhập khẩu áp dụng biện pháp tự vệ phải bồi thường tổn thất thương mại cho các nước xuất khẩu liên quan (thường là việc nước nhập khẩu tự nguyện giảm thuế nhập khẩu cho một số nhóm hàng hoá khác đến từ các nước xuất khẩu đó).

Nước nhập khẩu áp dụng biện pháp tự vệ phải tiến hành thương lượng với các nước xuất khẩu về biện pháp đền bù thương mại thoả đáng. Trường hợp không đạt được thỏa thuận, nước xuất khẩu liên quan có thể áp dụng biện pháp trả đũa (thường là việc rút lại những nghĩa vụ nhất định trong WTO, bao gồm cả việc rút lại các nhượng bộ về thuế quan - tức là từ chối giảm thuế theo cam kết WTO - đối với nước áp dụng biện pháp tự vệ).

Tuy nhiên, việc trả đũa không được thực hiện trong 3 năm đầu kể từ khi biện pháp tự vệ được áp dụng (nếu biện pháp áp dụng tuân thủ đầy đủ các quy định của WTO và thiệt hại nghiêm trọng là thiệt hại thực tế).


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem