Mổ Xẻ Sự Sợ Hãi - Phân Tích Lịch Sử (Kỳ 1)

Ngày đăng 19/08/2023
444 Lượt xem

Ở Isfahan (nay là Iran), cho tới cuối thế kỷ 11, Nizam al-Mulk, vị tể tướng hùng mạnh của Sultan Malik Shah, người trị vì đế quốc đạo Islam vào thời kỳ đó, nhận ra một mối đe dọa nhỏ nhưng khó chịu. Ở miền bắc Ba Tư có một giáo phái gọi là Nizari Ismailis, một tôn giáo kết hợp thuyết thần bí với kinh Koran. Lãnh tụ của họ, Hasan-i-Sabah, đã chiêu mộ được hàng ngàn người cải đạo vốn căm ghét sự kiểm soát khắc nghiệt về tôn giáo và các hoạt động chính trị của đế quốc này. Tầm ảnh hưởng của Ismailis đang lớn dần, và điều gây phiền hà nhất cho Nizam al-Mulk là sự tuyệt đối bí mật trong hoạt động của họ: Không thể nào biết ai đã cải đạo trong giáo phái, vì những thành viên của nó tiến hành điều này rất riêng biệt và giấu kín lòng trung thành của họ. 

 
Vị tể tướng cố hết sức theo dõi các hoạt động của họ, cho tới khi ông nghe được một số tin tức khiến ông phải ra tay hành động. Trong nhiều năm, dường như hàng ngàn những kẻ cải đạo Ismailis này đã tìm cách luồn lách vào các tòa lâu đài chủ chốt, và giờ đây họ đã chiếm được chúng dưới danh nghĩa Hasan-i-Sabah. Điều này mang đến cho họ quyền kiểm soát một phần miền bắc Ba Tư, một dạng nhà nước độc lập nằm bên trong đế quốc. Nizam al Mulk là một nhà quản lý rộng lượng nhưng ông biết sự nguy hiểm khi cho phép những giáo phái như Ismailis phát triển. Sớm dập tắt họ tốt hơn là đối đầu với cách mạng. Vì thế, năm 1092, vị tể tướng thuyết phục nhà vua điều hai lực lượng tới phá hủy các lâu đài và tiêu diệt giáo phái Nizari Ismailis. 

 
Những tòa lâu đài được bảo vệ nghiêm ngặt, và vùng nông thôn quanh chúng tràn ngập những người ủng hộ. Cuộc chiến lâm vào tình thế bế tắc, và cuối cùng các lực lượng của nhà vua buộc phải quay về, nhưng vài tháng sau, khi vị tể tướng đi từ Isfahan tới Baghdad, một tu sĩ sufi tới gần chiếc kiệu chở ông, rút một chiếc dao găm từ chiếc áo và đâm chết ông. Sát thủ bị phát hiện là người Ismailis giả dạng tu sĩ sufi, và hắn thú nhận với những người bắt giữ rằng bản thân Hasan đã ký lệnh cho hắn làm điều đó. 

 
Vài tuần sau cái chết của Nizam al-Mulk là cái cái chết vì các nguyên nhân tự nhiên của nhà vua. Do không còn vị tể tướng mmư mô để giám sát việc kế vị, đế quốc bị rơi vào một thời kỳ rối loạn nhiều năm. Tuy nhiên, tới năm 1105, đế chế đã được phục hồi ít nhiều và sự chú ý lại tập trung vào Ismaillis. Với một vụ sát nhân, họ đã khiến cho toàn đế quốc rung động. Họ phải bị tiêu diệt. Một chiến dịch mới và rất sôi nổi được phát động để chống lại giáo phái đó. Và chẳng bao lâu sau người ta phát hiện ra rằng cuộc ám sát Nizam al-Mulk không phải là một hành động báo thù riêng lẻ như có vẻ thế vào lúc đó, mà là một chính sách của Ismaillis, một cách thức tiến hành chiến tranh mới kỳ lạ và đáng sợ. Trong vài năm kế tiếp, các thành viên chủ chốt trong bộ máy cầm quyền của nhà vua mới, Muhammad Tapar, cũng bị ám sát theo cùng một cách thức: Sát thủ xuất hiện từ đám đông, và tung ra nhát dao chết người. Hành vi này thường được thực hiện nhiều nhất vào ban ngày; tuy vậy, đôi khi nó diễn ra khi nạn nhân đang ngủ, một thành viên Ismailis đã bí mật thâm nhập vào những người giúp việc của ông ta. 

 
Một làn sóng sợ hãi bao trùm lên hệ thống thứ bậc trong đế quốc. Không thể nói ai là một người Ismailis; những tín đồ của giáo phái này rất kiên nhẫn, có kỷ luật làm chủ được nghệ thuật giữ kín niềm tin và hòa đồng ở mọi nơi. Việc bắt giữ và hành hình kẻ ám sát chẳng tác dụng gì, họ sẽ tố cáo nhiều người trong nội bộ nhà vua là những gián điệp được Ismailis trả tiền hoặc là những kẻ cải đạo bí mật. Không ai biết là họ có nói đúng hay không, nhưng sự ngờ vực rơi xuống tất cả mọi người. 

 
Lúc bấy giờ các viên quan trọng thần, phán quan và các quan lại địa phương phải đi đường với những vệ sĩ bao quanh. Nhiều người bắt đầu mặc những chiếc áo giáp dày thật bất tiện. Ở một số thành phố không ai có thể đi từ nhà này sang nhà kia mà không được cho phép, điều này khiến cho sự bất bình lan rộng trong cư dân và giáo phái Ismailis dễ chiêu mộ người hơn. Mọi kiểu tin đồn được lan truyền bởi những người đã trở nên điên cuồng vì hoang tưởng. Sự chia rẻ nổ ra trong hệ thống thứ bậc khi một số người chủ chiến nhưng một số người lại rao giảng sự hòa giải như lả giải pháp duy nhất. 

 
Trong lúc đế quốc cố đàn áp Ismailis bằng cách nào đó, các vụ giết người vẫn tiếp diễn- nhưng chúng diễn ra rất rời rạc. Nhiều tháng trôi qua mà không xảy ra vụ nào, và rồi đột nhiên có hai vụ trong một tuần. Không có một nhịp độ hay nguyên nhân thật sự nào về thời điểm chúng xảy ra hay quan chức nào bị hạ sát. Các quan chức bàn tán không ngớt để tìm ra quy luật hành động bằng cách phân tích từng động thái của Ismaillis. Họ không nhận ra rằng giáo phái nhỏ bé này đã ngự trị trong suy nghĩ của họ. 

 
Năm 1120, Sanja, nhà vua mới, quyết định hành động, hoạch định các chiến dịch quân sự để chiếm các tòa lâu đài của Ismailis với lực lượng áp đảo và biến khu vực quanh chúng thành một doanh trại vũ trang. Ông vô cùng cảnh giác để ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào nhằm ám sát mình, thay đổi các giờ giấc ngủ nghỉ và chỉ cho phép những người ông biết rõ tới gần. Bằng cách bảo đảm an toàn cá nhân, ông tin rằng ông có thể thoát khỏi sự sợ hãi đang bủa vây quanh ông. 

 
Khi các công việc chuẩn bị cho cuộc chiến đã hoàn tất, Hasan-i-Sabah cử hết sứ giả này đến sứ giả khác đến gặp Sanja để đàm phán về việc chấm dứt các vụ giết người. Tất cả đều bị tống cổ đi. Tình thế có vẻ đã xoay chiều: Lúc này chính giáo phái Ismailis phải hoảng sợ. 

 
Một buổi sáng không lâu khi chiến dịch được tiến hành, nhà vua thức giấc và phát hiện một con dao găm cắm sâu dưới đất cách vị trí ngực ông trên giường chừng vài bộ. Làm thế nào nó cắm được ở đó? Nó có nghĩa là gì? Càng nghĩ tới nó ông càng run lên vì sợ hãi- rõ ràng đó là một thông điệp. Ông không kể cho ai biết chuyện này, vì có thể tin được ai đây? Ngay cả các bà vợ của ông cũng bị nghi ngờ. Cuối ngày hôm đó, ông hoàn toàn suy sụp. Chiều đó ông nhận được một thông điệp từ chính Hasan: "Nếu tôi không muốn cho nhà vua an lành, lưỡi dao cắm vào đất cứng đò hẳn đã ngập vào lồng ngực mềm của ngài". 

 
Sanjar thấy đã quá đủ. Ông không thể trải qua thêm một ngày như thế nữa, ông không muốn sông trong sự thường xuyên sợ hãi, tâm trí đầy sự phập phồng ngờ vực. Ông nghĩ tố hơn nên đàm phán với tên quỷ sứ này. Ông hủy bỏ chiến dịch và hòa giải với Hasan. 

 
Trong nhiều năm, khi thế lực chính trị của Ismailis lớn lên và giáo phái đã mở rộng sang Syria, các sát thủ của nó gần như trở nên hoang đường. Những tên ám sát không bao giờ cố tẩu thoát, giết người xong, họ bị bắt giữ, hành hạ và tử hình, nhưng những tên mới vẫn tiếp tục, và dường như không gì có thể ngăn cản họ hoàn thành công việc của mình. dường như họ bị quỷ ám để hiến mình cho mục đích. Một số người gọi họ là hashhashin, nguồn gốc của từ ả rập hashish, vì họ hành động như thể kẻ nghiện ma túy. những đoàn quân thập tự chinh châu âu tới miền Đất Hứa nghe những câu chuyện về những hashhashin ma quỷ này đã kể cho nhau nghe, và từ này dần chuyển hóa thành "assasins" [kẻ ám sát], từ asassins mãi mãi đi vào ngôn ngữ cũng như biệt danh Ông Già Trên Núi của Hasan-i-Sabah đã đi vào lịch sử. 

 

Phân Tích: 

Hasan-i-Sahba có một mục tiêu, đó là tạo ra một nhà nước cho giáo phái của ông ở miền bắc Ba Tư, cho phép nó tồn tại và phát triển trong lòng đế quốc Islam giáo. Với con số nhân lực tương đối nhỏ của mình và các thế lực chống lại, ông không thể hy vọng nhiều, do đó ông đã sử dụng chiến lược khủng bố có tổ chức để giành quyền lực chính trị, đây là chiến dịch khủng bố đầu tiên trong lịch sử. Kế hoạch của Hasan khá đơn giản. Trong thế giới Islam giáo, một nhà lãnh đạo được kính trọng có thẩm quyền đáng kể vì vậy cái chết của ông ta sẽ gieo rắc sự hỗn loạn. Thế là Hasan chọn cách tấn công các nhà lãnh đạo này, nhưng theo một cách thức khá hiếm có: Không có một khuôn mẫu nào trong những lựa chọn của ông và khả năng trở thành nạn nhân kế tiếp là một nỗi lo sợ mà ít người chịu nổi. Thật ra, ngoại trừ những tòa lâu đài mà họ chiếm giữ, giáo phái Ismailis hoàn toàn yếu ớt và dễ tổn hại nhưng bằng cách kiên nhẫn đưa người của mình thâm nhập vào sâu trong bộ máy nhà vua, Hasan đã tạo ra ảo giác rằng họ ở khắp nơi. Chỉ có khoảng năm mươi cuộc ám sát được ghi nhận trong suốt cuộc đời ông, thế nhưng ông đã chiếm được nhiều quyền lực chính trị nhờ vào chúng như thể ông có một đội quân lớn. 

  

Quyền lực này không thể đến bằng cách làm cho các cá nhân sợ hãi. Nó phụ thuộc vào hiệu quả của các vụ sát hại lên toàn bộ nhóm xã hội. Những quan chức yếu nhất trong hệ thống thứ bậc là những người không thể chống đỡ được sự hoang tưởng và việc gieo rắc nghi ngờ cùng những lời đồn đại sẽ lan rộng ra và tiêm nhiễm vào những người ít yếu đuối hơn. Kết quả là một tác động gợn sóng – những đợt cảm xúc từ giận dữ đến đầu hàng chạy ngược xuôi khắp tuyến. Một nhóm mắc phải dạng hoảng sợ này sẽ không còn cân bằng và sẽ sụp đổ với cú đẩy nhẹ nhất. Ngay cả kẻ mạnh nhất và quyết tâm nhất cuối cùng cũng sẽ bị tiêm nhiễm – giống như vua Sanjar. Những nỗ lực an ninh và cuộc sống khắc khổ phải chịu đựng như một cách tự bảo vệ đã tiết lộ ra rằng ông nằm dưới tác động của sự sợ hãi này. Chỉ một con dao găm cắm trên mặt đất cũng đủ làm ông suy sụp. 

 

Bạn phải hiểu: Chiến thắng đạt được không bởi số người bị giết mà bởi số người sợ hãi


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem