Khái quát về vấn đề miễn trách nhiệm trong mua bán hàng hóa quốc tế theo quy định của CISG (Tài liệu tham khảo pháp luật)

Ngày đăng 13/04/2023
184 Lượt xem

Tác giả

Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Khái niệm

  Hoạt động thương mại quốc tế được thực hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau mà đặc biệt là thương mại hàng hóa. Mua bán hàng hóa là một trong những giao dịch chủ yếu, có vai trò quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế hiện đại, hoạt động này không chỉ diễn ra trong phạm vi một quốc gia, được thực hiện bởi các thương nhân tại quốc gia đó mà còn mở rộng ra phạm vi lãnh thổ ngoài quốc gia và được thực hiện bởi các thương nhân nước ngoài. Hình thức pháp lí của hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế chính là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế(hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế) là loại hợp đồng phổ biến trong thương mại quốc tế hiện nay, được quy định trong cả văn kiện quốc tế và các văn bản pháp luật quốc gia. hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể được hiểu là hợp đồng mua bán hàng hóa và có tính chất quốc tế. Đó là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên có nghĩa vụ giao hàng hóa cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận hàng hóa và trả tiền cho bên bán với những đặc trưng riêng biệt là mang tính chất quốc tế.

Việc xác định thế nào là tính chất quốc tế là tùy theo quan điểm của pháp luật từng nước và các văn kiện quốc tế khác nhau. Cụ thể, theo điều 1 Công ước Lahay 1964 về mua bán quốc tế các động sản hữu hình, tính chất quốc tế được xác định là cơ sở trụ sở thương mại của các bên đóng ở các nước khác nhau và hàng hóa được chuyển từ nước người bán sang nước người mua hoặc việc kí kết hợp đồng diễn ra ở các nước khác nhau.

Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế không đưa ra một khái niệm cụ thể mà chỉ có thể hiểu hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên có “trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau” (Điều 1). Tiêu chí duy nhất để xác định tính quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa theo Công ước này là trụ sở thương mại. Điều 10 Công ước quy định rằng:“Nếu một bên có hơn một trụ sở thương mại trở lên thì trụ sở thương mại của họ sẽ là trụ sở nào có mối liên hệ chặt chẽ nhất đối với hợp đồng và đối với việc thực hiện hợp đồng đó, có tính tới những tình huống mà các bên đều biết hoặc đều dự đoán được vào bất kỳ lúc nào trước hoặc vào thời điểm hợp đồng”. Và:”Trong trường hợp các bên không có trụ sở thương mại thì sẽ lấy nơi cư trú thường xuyên của họ làm căn cứ xác định”.

Luật Thương Mại 2005 không đưa ra khái niệm hay định nghĩa hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mà chỉ quy định các hình thức mua bán hàng hóa quốc tế, đó là:“Mua bán hàng quốc tế được thực hiện dưới các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu” (Điều 27). Nghĩa là hoạt động mua bán hàng hoá được coi là mua bán hàng hoá quốc tế không phụ thuộc vào nơi cư trú, trụ sở hay quốc tịch của các bên là Việt Nam hay nước ngoài. Luật thương mại năm 2005 lấy tiêu chí vận chuyển hàng hoá qua biên giới để xác định quan hệ mua bán hàng hoá là mua bán hàng hoá quốc tế.

Theo cách hiểu chung nhất, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được xác định là sự thỏa thuận giữa các bên chủ thể mà bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận hàng hóa và trả tiền cho bên bán, đồng thời hợp đồng này mang yếu tố nước ngoài. Đó là các yếu tố liên quan đến quốc tịch, nơi cư trú hoặc trụ sở của các chủ thể liên quan đến nơi xác lập hợp đồng, nơi thực hiện hợp đồng hoặc nơi có tài sản là đối tượng của hợp đồng.

Đặc điểm

Thứ nhất, về chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế chủ yếu là các thương nhân và trong một số trường hợp đặc biệt là nhà nước, có quốc tịch khác nhau, hoặc có trụ sở thương mại, nơi cư trú tại các quốc gia khác nhau.

Thứ hai, về đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Hàng hóa là đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải thỏa mãn các quy định về quy chế hàng hóa được phép mua bán, trao đổi theo pháp luật của nước bên mua và bên bán. Pháp luật của các quốc gia khác nhau có những quy định khác nhau về những hàng hóa được phép trao đổi mua bán nên có những hàng hóa theo quy định của nước này thì được phép trao đổi mua bán nhưng theo quy định của pháp luật nước khác thì lại cấm trao đổi mua bán. Vì vậy chỉ những hàng hóa được pháp luật quốc gia của các bên kí kết hợp đồng quy định là được phép trao đổi mua bán thì mới có thể trở thành đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

Thứ ba, nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mua bán. Bên bán có nghĩa vụ giao hàng và nhận thanh toán còn bên mua có nghĩa vụ thanh toán và nhận hàng. Các nội dung này được hình thành thông qua sự thỏa thuận tự nguyện giữa các bên và phải phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan. Các bên có nghĩa vụ thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung đã được thỏa thuận.

Vấn đề miễn trách nhiệm trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Khái niệm

Trong quá trình các chủ thể thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, nếu bên nào có hành vi vi phạm sẽ phải chịu các chế tài trước bên bị vi phạm. Tuy nhiên, điều này không phải đúng trong mọi trường hợp đó là khi việc vi phạm hợp đồng thuộc vào những trường hợp miễn trách nhiệm. Miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là trường hợp bên vi phạm hợp đồng không bị áp dụng các hình thức chế tài thông thường áp dụng khi có vi phạm hợp đồng. Đây là một nội dung quan trọng trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của các bên, góp phần đảm bảo sựu cân bằng quyền lợi, chia sẻ rủi ro, ngăn ngừa sự trốn tránh trách nhiệm giữa các bên.

Các trường hợp miễn trách nhiệm trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng không chỉ là nghĩa vụ đối với các bên trong hợp đồng mà còn là nguyên tắc luật định. Tuy nhiên, không phải lúc nào hợp đồng cũng được thực hiện một cách suôn sẻ, hoàn hảo và đặc biệt đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Có những biến cố xảy ra làm ảnh hưởng quá trình thực hiện hợp đồng, hoặc những trở ngại nằm ngoài sự kiểm soát của các bên và dẫn đến việc một bên vi phạm hợp đồng. Do đó, vẫn áp dụng các biện pháp chế tài đối với những trường hợp như vậy là bất bình đẳng đối với bên vi phạm. Chính vì vậy, việc xây dựng các quy định miễn trách nhiệm trong hợp đồng là rất cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hợp đồng. Theo quy định tại các Điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam, trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có các căn cứ miễn trách nhiệm sau:

Miễn trách nhiệm do gặp sự kiện bất khả kháng: Sự kiện bất khả kháng có thể hiểu cơ bản là các sự kiện tự nhiên hoặc xã hội, xảy ra một cách khách quan, nằm ngoài ý chí của các bên, họ không thể biết trước hay dự đoán trước vào thời điểm giao kết hợp đồng và khi sự kiện đó xảy ra, bên vi phạm không thể tránh được hay khắc phục được hậu quả của nó. Đây là căn cứ miễn trách nhiệm phổ biến nhất trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mà các bên luôn chú ý tới.

Miễn trách nhiệm do lỗi của bên bị vi phạm: Khi bên vi phạm không thể thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng hay thực hiện không đúng, không đầy đủ xuất phát từ lỗi của bên bị vi phạm thì họ được miễn trách nhiệm trong hợp đồng.

Miễn trách nhiệm do người thứ ba có quan hệ với một bên trong hợp đồng gặp phải sự kiện bất khả kháng: Trường hợp này cũng được quy định trên cơ sở của sự kiện bất khả kháng nhưng sự kiện đó không xảy ra với bên nào trong hợp đồng mà bên thứ ba có quan hệ hợp đồng với một bên đương sự gặp phải sự kiện bất khả kháng. Trong trường hợp này, bên không vi phạm nghĩa vụ hợp đồng cũng được miễn trách nhiệm dù họ vi phạm hợp đồng.

Miễn trách nhiệm theo thỏa thuận trong hợp đồng: Các bên có thể thỏa thuận với nhau về các trường hợp miễn trách nhiệm trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Khi một bên gặp phải trường hợp đã thỏa thuận, họ cũng được miễn trách nhiệm.

Một số trường hợp miễn trách nhiệm khác: miễn trách nhiệm do tình trạng phá sản của các bên, miễn trách nhiệm theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hệ quả pháp lí xảy ra các trường hợp miễn trách nhiệm trong mua bán hàng hóa quốc tế

Khi một bên rơi vào các trường hợp đươc miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, bên vi phạm sẽ được miễn trách nhiệm quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có sự thay đổi cơ bản, có thể ảnh hưởng đến sự tồn tại của hợp đồng. Sự thay đổi này phụ thuộc vào quy định của từng quốc gia.

Trong trường hợp các bên tự thỏa thuận thì hậu quả pháp lí đối với các trường hợp đó được áp dụng theo thỏa thuận trong hợp đồng.


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem