Khái quát về cộng đồng kinh tế ASEN và tự do hóa thương mại dịch vụ

Ngày đăng 15/04/2023
144 Lượt xem

Tác giả

Khái quát cộng đồng kinh tế ASEAN

Cộng đồng kinh tế ASEAN (tiếng Anh: ASEAN Economic Community, viết tắt: AEC) là một khối kinh tế khu vực của 10 quốc gia thành viên ASEAN chính thức được thành lập vào ngày 31 tháng 12 năm 2015, khi bản tuyên bố thành lập chính thức có hiệu lực. AEC là một trong ba trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong Tầm nhìn ASEAN 2020. Hai trụ cột còn lại là: Cộng đồng chính trị- An ninh ASEAN và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN.

Qua các văn bản pháp lí của ASEAN có thể hiểu Cộng đồng kinh tế ASEAN là liên kết kinh tế của ASEAN, hình thành trên cơ sở hệ thống thể chế và thiết chế pháp lí, nhằm xây dựng ASEAN trở thành một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, có tính cạnh tranh cao, phát triển đồng đều giữa các nền kinh tế thành viên và hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế toàn cầu.

Cộng đồng kinh tế ASEAN thàn lập với mục tiêu tổng thể là tạo ra “một khu vực kinh tế ASEAN phát triển ổn định, thịnh vượng, đồng đều, có tính cạnh tranh cao và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu”.

Theo các văn bản pháp lí của ASEAN, nội dung của AEC bao gồm:

Một là, thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất. Thị trường cơ sở sản xuất thống nhất của ASEAN bao gồm 5 yếu tố cốt lõi: Tự do thương mại hàng hóa; tự do thương mại dịch vụ; tự do đầu tư; tự do dòng vốn; tự do di chuyển lao động lành nghề. Ngoài ra thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cũng bao gồm hai thành phần quan trọng là: các lĩnh vực hội nhập ưu tiên; thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp.

Hai là, khu vực kinh tế cạnh tranh cao. Trong khu vực kinh tế cạnh tranh cao của ASEAN có 6 yếu tố: Chính sách cạnh tranh; bảo vệ người tiêu dùng; quyền sở hữu trí tuệ; phát triển cơ sở hạ tầng; thuế; thương mại điện tử

Ba là, khu vực phát triển kinh tế đồng đều. Với khu vực phát triển kinh tế đồng đều của AEC tập trung vào 2 nội dung chính: phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên.

Bốn là, khu vực hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế toàn cầu. ASEAN phải được xây dựng thành một khu vực hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế toàn cầu: Tiếp cận thống nhất đối với các quan hệ kinh tế đối ngoại; tăng cường sự tham gia của ASEAN vào mạng lưới cung ứng toàn cầu.

Khái quát về tự do hóa thương mại dịch vụ

a) Về dịch vụ

Cho đến nay cũng chưa có định nghĩa thống nhất về dịch vụ. Các quốc gia khác nhau có cách hiểu về dịch vụ không giống nhau, tùy thuộc vào trình độ kinh tế của từng quốc gia. Xuất phát từ đặc trưng của dịch vụ có thể hiểu dịch vụ là các hoạt động của con người, được kết tinh thành các loại sản phẩm vô hình nhằm đáp ứng các nhu cầu của con người.

b) Về thương mại dịch vụ

Thương mại dịch vụ (trade in services) là khái niệm chỉ các hoạt động thương mại trong lĩnh vực dịch vụ. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Hiệp định GATS, các hoạt động thương mại dịch vụ trong phạm vi quốc tế được thực hiện theo 4 phương thức:

Phương thức 1 (Mode 1): Cung cấp dịch vụ qua biên giới. Đây là phương thức mà dịch vụ được cung cấp từ lãnh thổ của quốc gia thành viên này đến lãnh thổ của quốc gia thành viên khác.

Phương thức 2 (Mode 2): Tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài. Theo phương thức này, người tiêu dùng dịch vụ là công dân của quốc gia thành viên sử dụng dịch vụ tại lãnh thổ quốc gia thành viên khác.

Phương thức 3 (Mode 3): Hiện diện thương mại. Phương thức này liên quan trực tiếp đến việc đầu tư tại thị trường quốc gia khác để thiết lập công việc kinh doanh.

Phương thức 4 (Mode 4): Hiện diện thể nhân. Đây là phương thức mà công dân của một quốc gia thành viên trực tiếp có mặt và cung cấp dịch vụ tại quốc gia thành viên khác.

Đây cũng là những phương thức thực hiện các hoạt động thương mại dịch vụ được ghi nhận trong các văn bản pháp lý của ASEAN.

c) Cơ sở pháp lý của tự do hóa thương mại dịch vụ trong ASEAN

Các nhà lãnh đạo ASEAN đã tiến hành những nỗ lực đầu tiên nhằm đảm bảo sự tự do của thương mại dịch vụ trong khu vực bằng việc ký kết Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) vào ngày 15/12/2015 trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 5 tại Bangkok (Thái Lan) nhằm xóa bỏ phần lớn những rào cản dịch vụ giữa các quốc gia ASEAN, mở rộng phạm vi và mức độ tự do hóa thương mại dịch vụ so với các quy định của GATS. AFAS chính là cơ sở pháp lý nền tảng cho việc thực hiện tự do hóa thương mại dịch vụ của ASEAN. Trên cơ sở phù hợp với những đặc điểm của ASEAN, Nghị định thư sửa đổi Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ đã được ký kết năm 2003, tạo cơ sở cho việc áp dụng công thức –X trong việc thực hiện các cam kết về dịch vụ của các quốc gia ASEAN.

Các quốc gia ASEAN đã tiến hành các vòng đàm phán về dịch vụ trong khuôn khổ các hội nghị bộ trưởng kinh tế ASEAN. Đến nay, đã có 5 vòng đàm phán được tổ chức. Kết quả của những vòng đàm phán này là 9 gói cam kết đã được ký kết. Ngoài ra, đã có 5 gói cam kết bổ sung trong lĩnh vực tài chính và 6 gói cam kết bổ sung về vận tải hàng không được các bộ trưởng tài chính và bộ trưởng giao thông vận tải hàng không ASEAN thông qua. Nhằm đẩy nhanh quá trình thực hiện tự do hóa thương mại dịch vụ đối với Phương thức thứ 4, Thỏa thuận ASEAN về di chuyển của thể nhân đã được ký kết tại Cambodia năm 2012.Đến nay đã có 8 thỏa thuận được ký kết liên quan đến 7 lĩnh vực.

Theo các văn bản pháp lý này, cho đến nay ASEAN cũng mới chỉ thực hiện tự do hóa thương mại dịch vụ trong một số lĩnh vực dịch vụ, tuy nhiên, mức độ các cam kết mở cửa ASEAN cao hơn những nghĩa vụ được quy định tại GATS.

 

 


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem