KHÁI QUÁT PHÁP LUẬT VỀ BIỆN PHÁP TỰ VỆ TRONG WTO (TÀI LIỆU THAM KHẢO LUẬT THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ)

Ngày đăng 20/04/2023
66 Lượt xem

1. Căn cứ pháp lý

Các nguyên tắc về việc sử dụng biện pháp tự vệ trong WTO được quy định tại: 

Điều XIX GATT 1994

Hiệp định về biện pháp tự vệ (Hiệp định SG). Hiệp định đã cụ thể hóa, làm rõ và củng cố các quy tắc của GATT

Việt Nam khi nội luật hóa, nội dung các quy định về biện pháp tự vệ tuân thủ các nguyên tắc và quy định của WTO về vấn đề này.

2. Khái quát Hiệp định về các biện pháp tự vệ (SG)

Hiệp định về các biện pháp tự vệ (SG) đề cập đến việc bảo hộ khẩn cấp ngành kinh tế nội địa khỏi sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu.

Mở đầu Hiệp định SG đã nêu, áp dụng rõ ràng như nhau cho tất cả các Thành viên, nhằm mục đích: 

Làm rõ và củng cố các nguyên tắc của GATT, đặc biệt là các nguyên tắc của Điều XIX.

Nhằm thiết lập lại sự giám sát đa phương trên cơ sở các biện pháp tự vệ và triệt tiêu các biện pháp nhằm né tránh sự giám sát này.

Khuyến khích điều chỉnh cơ cấu đối với các ngành bị ảnh hưởng bất lợi do tăng nhập khẩu, qua đó tăng cường chứ không phải là hạn chế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Hiệp định gồm 14 điều và 1 phụ lục. Có thể chia hiệp định thành 4 phần chính: 

Các quy định chung (Điều 1 và 2) 

Các quy tắc điều chỉnh việc các Thành viên áp dụng các biện pháp tự vệ mới (tức là các quy định được áp dụng sau khi Hiệp định WTO có hiệu lực) (Điều 3-9)

Các quy tắc liên quan đến các biện pháp có từ trước đã được áp dụng trước khi WTO có hiệu lực (Điều 10 và 11)

Các nghĩa vụ và thể chế đa phương liên quan đến việc áp dụng các biện pháp tự vệ (Điều 12-14).

Những nội dung chủ yếu của Hiệp định:

Hiệp định dành phần lớn nội dung để xây dựng quy định cấm đối với những biện pháp được gọi là “vùng xám” và thiết lập một “điều khoản hoàng hôn” đối với tất cả các hành động tự vệ. Hiệp định quy định rằng một thành viên không được dự kiến, ban hành hay duy trì bất kỳ hành động hạn chế xuất khẩu tự nguyện nào, thỏa thuận marketing có trật tự hoặc bất cứ các biện pháp tương tự nào khác đối với bên xuất khẩu hoặc bên nhập khẩu

Hiệp định đề ra những thủ tục điều tra tự vệ, bao gồm thông báo thẩm vấn công khai và các biện pháp thích hợp khác để các bên có liên quan đưa ra các chứng cứ, bao gồm những chứng cứ về việc liệu một biện pháp có vì lợi ích chung hay không. Trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời dựa trên sự xác định sơ bộ về thiệt hại nghiêm trọng.

Hiệp định đưa ra tiêu chuẩn của “thiệt hại nghiêm trọng” và những yếu tố cần được xem xét để xác định tác động của nhập khẩu. Biện pháp tự vệ chỉ nên áp dụng ở giới hạn cần thiết nhằm ngăn chặn hay khắc phục những thiệt hại nghiêm trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều chỉnh.

Hiệp định ấn định thời hạn cho tất cả các biện pháp tự vệ. Nhìn chung thời hạn áp dụng một biện pháp tự vệ không quá 4 năm, tuy nhiên thời hạn này có thể được gia hạn tối đa 8 năm, với điều kiện cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu xác định sự cần thiết phải kéo dài thời hạn, và nếu có bằng chứng rằng ngành kinh tế đó đang được điều chỉnh. Bất cứ biện pháp nào, khi được gia hạn với thời gian hơn một năm, phải được tiếp tục nới lỏng trong thời gian gia hạn

3. Điều kiện áp dụng tự vệ thương mại.

Một nước nhập khẩu chỉ có thể áp dụng biện pháp tự vệ sau khi đã tiến hành điều tra và chứng minh được sự tồn tại đồng thời của các điều kiện sau: 

Hàng hoá liên quan được nhập khẩu tăng đột biến về số lượng

Ngành sản xuất sản phẩm tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp với hàng hoá đó bị thiệt hại hoặc đe dọa thiệt hại nghiêm trọng

Có mối quan hệ nhân quả giữa hiện tượng nhập khẩu tăng đột biến và thiệt hại hoặc đe dọa thiệt hại nói trên. 

Điều kiện chung: Việc tăng đột biến lượng nhập khẩu gây thiệt hại nói trên phải là hiện tượng mà nước nhập khẩu không thể lường trước được khi đưa ra cam kết trong khuôn khổ WTO. Song song với các điều kiện chung này, một số nước khi gia nhập WTO phải đưa ra những cam kết riêng liên quan đến biện pháp tự vệ. Trường hợp của Việt Nam, không có ràng buộc hay bảo lưu nào lớn về các biện pháp tự vệ này, do đó việc áp dụng biện pháp tự vệ ở Việt Nam đối với hàng hóa nước ngoài, nếu có, sẽ tuân thủ đầy đủ các quy định của WTO về vấn đề này.

4. Thủ tục điều tra và nghĩa vụ liên quan.

Hiệp định về Biện pháp tự vệ của WTO có đưa ra một số các nguyên tắc cơ bản mà tất cả các thành viên phải tuân thủ, ví dụ:

Đảm bảo tính minh bạch (Quyết định khởi xướng vụ điều tra tự vệ phải được thông báo công khai; Báo cáo kết luận điều tra phải được công khai vào cuối cuộc điều tra…)

Đảm bảo quyền tố tụng của các bên (các bên liên quan phải được đảm bảo cơ hội trình bày các chứng cứ, lập luận của mình và trả lời các chứng cứ, lập luận của đối phương);

Đảm bảo bí mật thông tin (đối với thông tin có bản chất là mật hoặc được các bên trình với tính chất là thông tin mật không thể được công khai nếu không có sự đồng ý của bên đã trình thông tin);

Các điều kiện về biện pháp tạm thời (phải là biện pháp tăng thuế, và nếu kết luận cuối cùng của vụ việc là phủ định thì khoản chênh lệch do tăng thuế phải được hoàn trả lại cho bên đã nộp; không được kéo dài quá 200 ngày…)

Trên thực tế, một vụ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ thường đi theo trình tự sau đây:

Tình hình nhập khẩu;

Tình hình thiệt hại;

Mối quan hệ giữa việc nhập khẩu và thiệt hại;

Bước 1: Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu;

Bước 2: Khởi xướng điều tra;

Bước 3: Điều tra và công bố kết quả điều tra về các yếu tố:

Bước 4: Ra Quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp tự vệ

Chú ý: Việc điều tra và áp dụng biện pháp tự vệ, mặc dù có nhiều yếu tố giống một trình tự tố tụng tư pháp (một vụ kiện tại tòa án) nhưng đây bản chất là một thủ tục hành chính, do một cơ quan hành chính nước nhập khẩu tiến hành, để xử lý một tranh chấp thương mại giữa các nhà xuất khẩu nước ngoài (về nguyên tắc là từ tất cả các nước đang xuất khẩu hàng hóa liên quan vào nước nhập khẩu) và ngành sản xuất nội địa liên quan của nước nhập khẩu. Việc này được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật nội địa nước nhập khẩu và về nguyên tắc không phải là công việc giữa các Chính phủ (Chính phủ các nước xuất khẩu và Chính phủ nước nhập khẩu).

Tuy nhiên, do vấn đề này đã được ràng buộc bởi các nguyên tắc bắt buộc có liên quan trong Hiệp định SG của WTO nên các thành viên có thể thông qua WTO để xử lý những trường hợp nước nhập khẩu tiến hành điều tra mà vi phạm WTO.

Việt Nam đã là thành viên của WTO, vì vậy nếu một nước thành viên WTO tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp tự vệ đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam mà không tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc về trình tự, thủ tục hoặc điều kiện áp dụng biện pháp tự vệ của WTO thì Việt Nam hoàn toàn có thể khởi kiện nước đó ra WTO (theo cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO). Tuy nhiên, về cơ bản việc này chỉ khả thi nếu có các thông tin thực tế mà doanh nghiệp cung cấp về việc vi phạm nguyên tắc WTO của nước điều tra.

WTO quy định nước nhập khẩu áp dụng biện pháp tự vệ phải bồi thường tổn thất thương mại cho các nước xuất khẩu liên quan (thường là việc nước nhập khẩu tự nguyện giảm thuế nhập khẩu cho một số nhóm hàng hoá khác đến từ các nước xuất khẩu đó).

Nước nhập khẩu áp dụng biện pháp tự vệ phải tiến hành thương lượng với các nước xuất khẩu về biện pháp đền bù thương mại thoả đáng. Trường hợp không đạt được thoả thuận, nước xuất khẩu liên quan có thể áp dụng biện pháp trả đũa (thường là việc rút lại những nghĩa vụ nhất định trong WTO, bao gồm cả việc rút lại các nhượng bộ về thuế quan - tức là từ chối giảm thuế theo cam kết WTO - đối với nước áp dụng biện pháp tự vệ).

Tuy nhiên, việc trả đũa không được thực hiện trong 3 năm đầu kể từ khi biện pháp tự vệ được áp dụng (nếu biện pháp áp dụng tuân thủ đầy đủ các quy định của WTO và thiệt hại nghiêm trọng là thiệt hại thực tế).


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem