KHÁI NIỆM LUẬT HÀNG HẢI QUỐC TẾ, ĐỐI TƯỢNG ĐIỀU CHỈNH, PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU CHỈNH CỦA LUẬT HÀNG HẢI QUỐC TẾ

Ngày đăng 05/04/2023
601 Lượt xem

Mời bạn đọc ghé thăm thư viện giáo trình pháp luật của openworld.vn. Bao gồm các giáo trình luật dùng trong các trường đại học, cao đẳng cho sinh viên

 

 

KHÁI NIỆM LUẬT HÀNG HẢI QUỐC TẾ, ĐỐI TƯỢNG ĐIỀU CHỈNH, PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU CHỈNH CỦA LUẬT HÀNG HẢI QUỐC TẾ

Khái niệm

Luật hàng hải quốc tế có thể hiểu là tổng thể những nguyên tắc, những quy phạm pháp luật quốc tế điều chỉnh những quan hệ phát sinh từ hoạt động hàng hải có yếu tố nước ngoài, bao gồm:

Các bên chủ thể không cùng quốc tịch, không cùng nơi cư trú hoặc nơi đóng trụ sở

Hàng hóa, hành khách là đối tượng của hợp đồng vận chuyển bằng đường biển được vận chuyển qua biên giới quốc gia

Việc giao kết hợp đồng vận chuyển bằng đường biển thực hiện ở nước ngoài

Các hoạt động hàng hải bao gồm các quy định về tàu biển, thuyền viên, cảng biển, luồng hàng hải, cảng cạn, vận tải biển, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và các hoạt động khác liên quan đến việc sử dụng tàu biển vào mục đích kinh tế, văn hoá, thể thao, công vụ và nghiên cứu khoa học (điều 1 Luật hàng hải Việt Nam)

Đối tượng điều chỉnh:

Pháp luật hàng hải quốc tế điều chỉnh các quan hệ pháp luật rất phong phú phát sinh trong quá trình hoạt động vận chuyển hàng hải quốc tế mà chủ yếu là vận chuyển hành khách và hàng hoá bằng đường biển giữa các quốc gia từ cảng biển của nước này đến cảng biển của nước khác.

Theo quy định của pháp luật hàng hải quốc tế được ghi nhận trong rất nhiều công ước quốc tế về hàng hải cũng như trong bộ luật hàng hải của Việt Nam thì hoạt động hàng hải là những hoạt động liên quan đến việc sử dụng tàu biển vào các mục đích kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, thể thao, du lịch và công vụ nhà nước di chuyển trên biển và các vùng nước cận kề liên quan với biển.

Thực chất ở đây là việc nghiên cứu chủ yếu các vấn đề pháp lý liên quan đến tàu biển trong vận chuyển quốc tế. Nó bao gồm một số quan hệ cơ bản như sau:

Quan hệ giữa chủ tàu, người thuê tàu, người khai thác tàu với chủ hàng, người gửi hàng, người nhận hàng;

Quan hệ của con tàu biển với cảng biển, người cung cấp các dịch vụ trong cảng biển;

Các quan hệ nội bộ của các đối tượng trên;

Giải quyết các tranh chấp trong vận chuyển hàng hải.

Bốn lĩnh vực trên đây có thể nói thuộc các quan hệ dân sự, song tàu biển và các phương tiện vận tải biển còn phải chịu sự chi phối bắt buộc về mặt hành chính (quản lí hành chính đối với tầu biển) như: đăng ký, đăng kiểm, an toàn, an ninh hàng hải, các vấn đề liên quan đến phòng và chống ô nhiễm môi trường biển… Đây cũng là một trong những đặc thù quan trọng trong đối tượng điều chỉnh của Luật hàng hải quốc tế.

Phương pháp điều chỉnh:

Phương pháp mệnh lệnh: Phương pháp mệnh lệnh được áp dụng trong mối quan hệ quyền lực của nhà nước, các cơ quan công quyền của nhà nước với các cá nhân, pháp nhân và với các cơ quan công quyền khác của nhà nước.

Ví dụ, con tàu chỉ được ra, vào cảng khi những người có trách nhiệm như chủ tàu, chủ hàng, đại lý của chủ tàu hoặc thuyền trưởng đã hoàn thành các thủ tục theo quy định của pháp luật hoặc tàu phải sử dụng hoa tiêu bắt buộc hoặc chỉ được di chuyển trong vùng nước cảng biển khi được phép của của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Phương pháp thoả thuận, bình đẳng: Phương pháp này được áp dụng trong mối quan hệ giữa các bên tham gia hợp đồng hàng hải như hợp đồng thuê tàu, hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường biển, hợp đồng cho thuê thuyền viên, hợp đồng cung ứng dịch vụ hàng hải, hợp đồng bốc xếp hàng hoá, giao nhận vận chuyển hàng hoá bằng đường biển... Trong các hợp đồng hàng hải này, các bên tham gia hợp đồng có quyền thoả thuận với nhau trong việc ký kết hợp đồng. Để đơn giản và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hàng hải , và bằng kinh nghiệm đúc kết lâu đời của ngành hàng hải, nhiều hợp đồng mẫu đã được chuẩn hoá với các điều kiện và trách nhiệm cũng như quyền miễn trách nhiệm cụ thể của các bên tham gia hợp đồng, nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc thoả thuận và bình đẳng.

Phương pháp tự định đoạt: Theo phương pháp này, các chủ thể có thể tự quyết định tham gia hoặc không tham gia vào quan hệ hàng hải. Cụ thể như, các bên tham gia hợp đồng hàng hải có quyền tự định đoạt có giao kết hợp đồng hay là không, hoặc có quyền quyết định các biện pháp bảo đảm như bắt giữ tàu hoặc cầm giữ hàng hải…

Phương pháp tự chịu trách nhiệm: Theo phương pháp này, các chủ thể tham gia trong quan hệ pháp luật phát sinh từ hoạt động hàng hải phải tự chịu trách nhiệm với nhau và phải bồi thường đối với những thiệt hại xảy ra theo hợp đồng đã thoả thuận hoặc tự chịu trách nhiệm đối với chính tài sản của mình hoặc theo pháp luật quy định.

Phương pháp gián tiếp: Phương pháp này được áp dụng trong việc chọn luật hoặc xác định thẩm quyền xét xử khi có xung đột pháp luật. Việc chọn luật áp dụng có liên quan đến nhiều yếu tố. Trong Luật hàng hải thường người ta có thể áp dụng các nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật như:

Nguyên tắc áp dụng luật nơi ký kết hợp đồng (Lex loci contractus).

Nguyên tắc áp dụng luật của nước có toà án hoặc trọng tài giải quyết tranh chấp

Nguyên tắc áp dụng luật của nước nơi xảy ra tổn thất

Nguyên tắc áp dụng luật của nước nơi mà chủ tàu đặt trụ sở, hoặc nguyên tắc áp dụng luật của nước nơi mà tàu mang cờ;

….

 Như vậy, do đặc điểm của quan hệ hàng hải quốc tế rất đa dạng mà phương pháp điều chỉnh của Luật hàng hải quốc tế được sử dụng dựa vào sự kết hợp linh hoạt của nhiều phương pháp khác nhau nhằm bảo đảm tính phù hợp của nó với các quan hệ hàng hải và hiệu quả điều chỉnh.


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem