Giải quyết tình huống liên quan đến tư cách chủ thể Luật Quốc tế

Ngày đăng 14/04/2023
70 Lượt xem

Tác giả

TÌNH HUỐNG:

“A là một tỉnh của quốc gia B. Ngày 10/1/2005, sau cuộc trưng cầu dân ý diễn ra tại tỉnh A, A đã tách ra khỏi lãnh thổ của nước B và tuyên bố thành lập nước Cộng hòa A. Cùng ngày, Bộ ngoại giao của quốc gia B ra tuyên bố công khai công nhận nền độc lập của quốc gia A. Ngược lại, quốc gia C đã tuyên bố không công nhận A là một quốc gia trong quan hện quốc tế trong khi một số quốc gia khác không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào. 9 tháng sau tuyên bố độc lập của A, A chính thức trở thành thành viên của Liên hợp quốc. Hãy cho biết:

- Tư cách chủ thể luật quốc tế của A có bị ảnh hưởng do C không công nhận nền độc lập của A và nhiều quốc gia chưa đưa ra tuyên bố công nhận hay không? Vì sao?

- Vì muốn phản đối tư cách chủ thể của quốc gia A, quốc gia C đã dùng sức ép kinh tế, phong tỏa tất cả các tài khoản cá nhân và pháp nhân mang quốc tịch của quốc gia A tại ngân hàng của nước này. Đồng thời, quốc gia C tiến hành hỗ trợ tiền và vũ khí cho lực lượng phản động để tiến hành các cuộc bạo động trên lãnh thổ của quốc gia A. Hãy cho biết, hành vi của quốc gia C có phù hợp với luật quốc tế không? Tại sao?”

TRẢ LỜI:

1. Tư cách chủ thể luật quốc tế của A có bị ảnh hưởng do C không công nhận nền độc lập của A và nhiều quốc gia chưa đưa ra tuyên bố công nhận hay không? Vì sao?

Chủ thể luật quốc tế là thực thể độc lập tham gia và những quan hệ do luật quốc tế điều chỉnh, có đầy đủ quyền, nghĩa vụ và khả năng gánh vác trách nhiệm pháp lý quốc tế từ những hành vi mà chính chủ thể thực hiện. Quốc gia được coi là chủ thể cơ bản của Luật quốc tế với thuộc tính pháp lý- chính trị là chủ quyền.

Công nhận quốc tế là hành vi chính trị- pháp lý của quốc gia công nhận dựa trên nền tảng các động cơ nhất định nhằm xác nhận sự tồn tại của thành viên mới trong cộng đồng quốc tế, khẳng định quan hệ của quốc gia công nhận đối với chính sách, chế dộ chính trị, kinh tế... của thành viên mới và thể hiện ý định muốn được thiết lập quan hệ bình thường, ổn định với thành viên mới của cộng đồng quốc tế trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống quốc tế.

Tư cách chủ thể luật quốc tế của A không bị ảnh hưởng do C không công nhận nền độc lập của A và nhiều quốc gia chưa đưa ra tuyên bố công nhận. Bởi lẽ, công nhận không tạo ra tư cách chủ thể của luật quốc tế nhưng công nhận tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia mới khi tham gia vào quan hệ quốc tế.

Một quốc gia khi mới ra đời đã là chủ thể của luật quốc tế, quyền năng chủ thể của luật quốc tế cùng từ đó mà phát sinh. Quyền năng chủ thể luật quốc tế là những phương diện thể hiện khả năng pháp lý đặc trưng của những thực thể pháp lý được hưởng những quyền và gánh vác những nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý trong quan hệ quốc tế theo quy định của luật quốc tế. Một thực tế có tư cách quốc gia khi nó được hình thành trên cơ sở đáp ứng đầy đủ bốn yếu tố cơ bản sau: dân cư thường xuyên, lãnh thổ xác định, Chính phủ và có năng lực tham gia vào các quan hệ với các chủ thể quốc tế khác.

Chủ quyền là cơ sở tạo nên quyền năng chủ thể quốc tế của quốc gia, chủ quyền quốc gia được hiểu là quyền năng tối cao của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của mình và quyền độc lập của quốc gia trong quan hệ quốc tế. Trong phạm vi lãnh thổ của mình, quốc gia có quyền năng chính trị tối cao thể hiện qua các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, trong quan hệ quốc tế quốc gia có thể hoàn toàn độc lập không bị lệ thuộc vào quốc gia khác trong giải quyết các vấn đề đối ngoại của mình. Khi một thực thể có tư cách quốc gia tức nó đã có chủ quyền thì quyền năng chủ thể luật quốc tế của nó mang tính chất nguyên thủy, tự nhiên ,sẵn có. Không một thực thể nào có quyền quyết định trao hay không trao quyền quyết định mọi vấn đề của đất nước cho quốc gia này.

Như vậy, công nhận sự tồn tại của một quốc gia ra mới đối với quốc gia tiến hành việc công nhận là hành vi pháp lý dựa trên chủ quyền quốc gia. Pháp luật quốc tế không đặt ra nghĩa vụ phải công nhận quốc gia mới cho mỗi chủ thể thể luật quốc tế mà . Tiến hành các hành vi công nhận mang tính pháp lý, chính trị quốc gia công nhận thường dựa trên những động cơ, mục đích nhất định nhằm thực hiện ý định mong muốn thiết lập quan hệ bình thường và ổn định ở nhiều lĩnh vực khác nhau với quốc gia được công nhận. Việc công nhận hay không công nhận của quốc gia đối với quốc gia mới xuất hiện không làm ảnh hưởng đến tư cách chủ thể luật quốc tế của quốc gia đó mà quốc gia đó có tư cách chủ thể ngay từ khi ra đời.

Công nhận không tạo ra tư cách chủ thể của luật quốc tế, nhưng việc công nhận là cơ sở để duy trì thiết lập và phát triển quan hệ bình thường của quốc gia. Việc các quốc gia công nhận sự tồn tại của quốc gia mới, chính phủ mới đã thể hiện ý chí muốn thiết lập quan hệ ổn định, bình thường với thành viên đó. Tạo cho quốc gia mới có điều kiện để tham gia vào các quan hệ quốc tế, tham gia xây dựng luật quốc tế, tham gia tổ chức quốc tế, hội nghị quốc tế, tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế liên quan đến mình.

Trong tình huống trên, việc không công nhận nền độc lập của quốc gia C và nhiều quốc gia chưa đưa ra tuyên bố công nhận đối với quốc gia A cũng sẽ không ảnh hưởng đến tư cách chủ thể của luật quốc tế của quốc gia A mà chỉ ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế giữa quốc gia A và quốc gia C.

2. Vì muốn phản đối tư cách chủ thể của quốc gia A, quốc gia C đã dùng sức ép kinh tế, phong tỏa tất cả các tài khoản cá nhân và pháp nhân mang quốc tịch của quốc gia A tại ngân hàng của nước này. Đồng thời, quốc gia C tiến hành hỗ trợ tiền và vũ khí cho lực lượng phản động để tiến hành các cuộc bạo động trên lãnh thổ của quốc gia A. Hãy cho biết, hành vi của quốc gia C có phù hợp với luật quốc tế không? Tại sao?

Hành vi của quốc gia C là không phù hợp với luật quốc tế. Vì:

Hành vi quốc gia C dùng sức ép kinh tế, phong tỏa tất cả các tài khoản cá nhân và pháp nhân mang quốc tịch của quốc gia A tại ngân hàng của nước này và tiến hành hỗ trợ tiền và vũ khí cho lực lượng phản động để tiến hành các cuộc bạo động trên lãnh thổ của quốc gia A đã vi phạm nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác.

Khoản 7 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc quy định: “ Hiến chương này hoàn toàn không cho phép Liên hợp quốc được can thiệp vào những công việc thực chất thuộc thẩm quyền nội bộ của bất cứ quốc gia nào, và không đòi hỏi các thành viên của Liên hợp quốc phải đưa những công việc loại này ra giải quyết theo quy định của Hiến chương; tuy nhiên, nguyên tắc này không liên quan đến việc thi hành những biện pháp cưỡng chế nói ở chương VII.”

Hiến chương Liên hợp quốc lần đầu tiên trong lịch sử đã công nhận nguyên tắc “không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác” với tư cách là một trong bảy nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế. Công việc nội bộ là công việc nằm trong thẩm quyền giải quyết của mỗi quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của mình và độc lập trong quan hệ quốc tế.

Nội dung của nguyên tắc này bao gồm:

+ Cấm can thiệp vũ trang và các hình thức can thiệp hoặc đe dọa can thiệp khác nhằm chống lại chủ quyền, nền tảng chính trị, kinh tế văn hóa, xã hội của quốc gia.

+ Cấm dùng các biện pháp kinh tế, chính trị và các biện pháp khác để bắt buộc quốc gia khác phụ thuộc vào mình.

+ Cấm tổ chức, khuyến khích các phần tử phá hoại hoặc khủng bố nhằm lật đổ chính quyền của quốc gia khác.

+ Cấm can thiệp và cuộc đấu tranh nội bộ ở quốc gia khác.

+ Tôn trọng quyền của mỗi quốc gia tự lựa chọn cho mình chế độ chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa phù hợp với nguyện vọng của dân tộc.

Trong tình huống trên quốc gia, C dùng sức ép kinh tế, phong tỏa tất cả các tài khoản cá nhân và pháp nhân mang quốc tịch của quốc gia A tại ngân hàng của nước này và tiến hành hỗ trợ tiền và vũ khí cho lực lượng phản động để tiến hành các cuộc bạo động trên lãnh thổ của quốc gia A .Như nội dung của nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ đã nêu ở trên, không quốc gia nào có thể sử dụng hay khuyến khích sử dụng các biện pháp cưỡng ép bằng kinh tế, chính trị hay các hình thức khác nhằm buộc Quốc gia khác phải phụ thuộc mình khi thực hiện các quyền chủ quyền và nhằm bảo đảm các lợi thế ở bất kỳ hình thức nào. Cũng vậy, không quốc gia nào được tổ chức, hỗ trợ, khuyến khích, tài trợ, kích động hay dung thứ cho hành vi lật đổ, khủng bố hay các hoạt động vũ trang trực tiếp nhằm lật đổ bằng bạo lực thể chế của quốc gia khác, hoặc can thiệp vào các cuộc bạo động dân sự ở quốc gia khác.

Do đó, hành vi của quốc gia C đã vi phạm nội dung cấm dùng các biện pháp kinh tế, chính trị và các biện pháp khác để bắt buộc quốc gia khác phụ thuộc vào mình và cấm tổ chức, khuyến khích các phần tử phá hoại hoặc khủng bố nhằm lật đổ chính quyền của quốc gia khác của nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác.


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem