Đại Chiến Lược - Phân Tích Lịch Sử (Kỳ 4)

Ngày đăng 16/09/2023
295 Lượt xem

Lớn lên trong hoàng cung Macedonia, Alexander(356-322 tr. CN) được xem là một thanh niên khá lạ lùng. Ông thích những trò tiêu khiển trai trẻ thông thường như ngựa và chiến tranh; từng chiến đấu bên cạnh cha ông, vua Philip II, trong nhiều trận đánh, ông đã chứng tỏ được sự dũng cảm của mình. Nhưng ông cũng yêu thích triết học và văn học. Thầy của ông là triết gia vỹ đại Aristotle, chịu ảnh hưởng của ông ấy nên ông thích tranh luận về chính trị và khoa học, ông nhìn nhận thế giới một cách rất mực thản nhiên. Olympias- mẹ của ông, là một phụ nữ bí ẩn, tin vào những điều huyền hoặc. Bà đã có những viễn tượng vào ngày sinh ra Alexander rằng một ngày nào đó ông sẽ thống trị toàn thế giới được biết đến. Bà kể cho ông nghe về chúng và những câu chuyện về Achilles, người mà gia đình bà xem như một bậc gia tiên. Alexander yêu quý mẹ của ông và xem những tiên đoán của bà là điều nghiêm túc. Ngay từ rất sớm, ông đã xem mình là một người còn cao hơn cả một vị hoàng tử.

Alexander được đưa lên làm người kế vị vua Philip II, và đất nước của ông thừa kế đã lớn mạnh một cách đáng kể trong thời kỳ mà vua cha ông trị vì. Trong suốt nhiều năm, vua Philip II đã xây dưng quân đội Macedonia thành một lực lượng đứng đầu trong toàn cõi Hy Lạp. Ông đã đánh bại Thebes, Athensn và đã thống nhất tất cả những thành bang của Hy Lạp (ngoại trừ Sparta) vào một liên minh Hy Lạp dưới quyền lãnh đạo của mình. Ông ta là một nhà cai trị mánh khóe, đáng sợ. Thế rồi, năm 336 tr. CN, một quý tộc bất bình đã ám sát ông ta. Đột nhiên thấy Macedonia có thể dễ xâm hại, Athens tuyên bố ly khai khỏi liên minh. Những thành bang khác cũng làm theo. Lúc bấy giờ, các bộ tộc phía bắc đe dọa sẽ xâm lược Macedonia. Hầu như chỉ trong một đêm đế quốc bé nhỏ của Philip đã tan rã.

Khi Alexander lên ngôi, ông mới hai mươi tuổi, và nhiều người cho là ông chưa sẵn sàng. Đó là một thời điểm tồi tệ để học hỏi công việc trị vì; các tướng lĩnh và các lãnh tụ chính trị ở Macedonia muốn che chở ông dưới đôi cánh của họ. Họ khuyên ông đi chầm chậm để củng cố vị trí của ông ở trong quân đội lẫn ở Macedonia và rồi sẽ dần dần cải cách liên minh thông qua sức mạnh và mưu mẹo. Đó là điều cha ông đã làm. Nhưng Alexander không nghe theo; ông có một kế hoạch khác. Không để cho những kẻ thù bên trong và bên ngoài Macedonia có thời gian tổ chức chống lại ông, ông dẫn quân đội nam tiến và tái chinh phạt Thebes trong một loạt hành binh nhẹ nhàng. Kế đến, ông tiến quân tới Athens. Sợ ông trừng phạt, họ cầu xin tha thứ và xin tái nhập liên minh. Alexander chấp nhận thỉnh cầu của họ.

Vị vua trẻ táo bạo đã chứng tỏ bản thân là một nhà cầm quân uy mãnh và khó có thể lường trước- tấn công một cách táo bạo nhưng lại tỏ ra thương hại athens một cách bất ngờ. Khó mà hiểu được ông, nhưng những cuộc hành binh đầu tiên với tư cách nhà vua đã khiến cho nhiều người ngưỡng mộ. Tuy nhiên, động thái tiếp theo của ông còn lạ lùng và táo bạo hơn: Thay vỉ hoạt động để củng cố thành quả và liên minh mong manh của mình, ông dự tính tiến hành cuộc thánh chiến chống đế quốc Ba Tư, kẻ thù lớn nhất của Hy Lạp. Khoảng 150 trước đó, quân Ba Tư cố xâm lăng Hy Lạp. Họ gần như thành công, và việc cố thêm lần nữa để chinh phạt hẳn Hy Lạp vẫn còn là giấc mơ của họ. Với sự đe dọa thường trực từ Ba Tư, người Hy Lạp khó có thể sống yên thân, và ngành thương mại hàng hải của họ bị người Ba Tư câu thúc.

Năm 334 tr. CN, Alexander chỉ huy một đội quân thống nhất gồm 35.000 binh lính Hy Lạp băng qua eo biển Dardanelle tiến vào vùng Tiểu Á, phần cực tây của đế quốc Ba Tư. Trong trận giao chiến đầu tiên với Granicus, quân Hy Lạp đã đánh tan tác quân Ba Tư. Các tướng lĩnh của Alexander chỉ có thể ngưỡng mộ sự táo bạo của ông: Có vẻ như ông đã sẵn sàng chinh phục Ba Tư, hoàn thành lời tiên tri của mẹ ông khi trước. Ông thành công nhờ tốc độ và nắm lấy thế chủ động. Lúc này, các tướng lĩnh và binh sĩ mong ông tiến thẳng vào Ba Tư để kết liễu quân thù vốn đang có vẻ yếu ớt một cách đáng ngạc nhiên.

Một lần nữa, Alexander làm tiêu tan những kỳ vọng này, đột ngột quyết định thực hiện điều mà ông chưa bao giờ làm trước đó: Dành thời gian củng cố. Điều này có vẻ khôn ngoan khi ông mới lên cầm quyền, nhưng lúc này dường như việc đó đã đem lại cho quân Ba Tư cái họ cần: Thời gian phục hồi và củng cố. Thế là Alexander dẫn quân không phải về hướng tây mà là hướng nam, xuống miền duyên hải Tiểu Á, giải phóng những thị trấn địa phương khỏi sự cai trị của Ba Tư. Kế tiếp, ông hành quân theo đường zíc zắcvề hướng tây rồi lại về hướng nam, băng qua phoenicia tiến vào Ai Cập, nhanh chóng đánh bại những lực lượng đồn trú yếu ớt ở đó. Người Ai Cập ghét những nhà cầm quyền Ba Tư và chào đón Alexander như là người giải phóng của họ. Lúc này Alexander có thể sử dụng những kho ngũ cốc mênh mông của Ai Cập để nuôi quân Hy Lạp và giúp cho nền kinh tế Hy Lạp vững chắc, trong khi tước khỏi Ba Tư những nguồn tài nguyên quý giá.

Như vậy, những chiến thắng nhỏ này có một mục đích chiến lược lớn lao hơn. Nhưng ngay cả như vậy, cũng chưa có nghĩa là Hy Lạp có thể đánh bại Ba Tư trong chiến trận- và dường như Alexander làm cho cuộc chiến này trở nên khó khăn hơn. Darius, vua Ba Tư, đang tập trung các lực lượng của ông ta ở đông ngạn sông Tigris; ông có quân số đông, chọn được những vị trí tốt và có thể chờ đợi một cách thoải mái cho đến khi alexander vượt sông. Chẳng lẽ alexander đã đánh mất đi sở thích chiến đấu của mình? Chẳng lẽ văn hóa Ba Tư và Ai cập đã làm ông ta mềm yếu? Có vẻ là như thế: Ông bắt đầu mặc trang phục và làm theo các tập quán của Ba Tư. Thậm chí người ta còn trông thấy ông thờ phụng những thần linh của người Ba Tư.

Khi quân Ba tư rút lui về bờ đông sông Tigris, những khu vực rộng lớn của người Ba Tư đã lọt vào tay của quân Hy Lạp. Lúc này Alexander dành nhiều thời gian không phải cho chiến tranh mà là cho chính trị, cố tìm xem cách nào là tốt nhất để cai trị những khu vực này. Ông quyết định xây dựng trên hệ thống mà người Ba Tư đã có sẵn, giữ nguyên các chức vụ trong bộ máy cầm quyền, thu cống nập giống như Darius đã làm. Ông chỉ thay đổi những phương tiện khắc nghiệt vốn không được người dân ưa thích từ nhà cầm quyền Ba Tư. Tin đồn từ sự quảng đại và cao thượng của ông nhanh chóng lan rộng tới những đối tượng mới. Thị trấn nối tiếp thị trấn đầu hàng quân Hy Lạp mà không hề chống cự, họ còn vui mừng được trở thành một bộ phận của đế quốc đang phát triển của Alexander, rộng lớn hơn Hy Lạp và Ba Tư. Ông là một nhân tố hợp nhất, vị thần linh giám hộ nhân từ.

Cuối cùng năm 3331 tr. CN, Alexander tiến quân tấn công lực lượng chủ yếu của Ba Tư ở Arbela. Bị tước đi dụng ích của hải quân, vùng đất trù phú ở Ai Cập, nguồn cung cấp và cống vật của hầu hết các thuộc địa của nó, đế quốc Ba Tư đã sụp đổ ngay từ khi đó. Chiến thắng của Alexander ở Asrbela chỉ đơn giản xác nhận về mặt quân sự điều mà ông đã đạt được nhiều tháng trước: Giờ đây ông là người cai trị đế quốc Ba Tư hùng mạnh một thời. Hoàn thành lời tiên tri của mẹ ông, ông đã kiểm soát được hầu hết thế giới được biết đến.

Phân tích: Những thủ thuật của Alexander Đại Đế đã làm cho ban tham mưu của ông bối rối. Chúng dường như không có một lô gích, một sự nhất quán nào cả. Chỉ sau đó, khi nhìn lại, người Hy Lạp mới thật sự nhận ra những thành tựu tuyệt vời của ông. Lý do mà họ không hiểu ông là vì Alexander đã phát minh ra một cách tư duy và hành động rất tân kỳ: Nghệ thuật của tổng chiến lược.

Trong tổng chiến lược, ta nhìn ra bên ngoài thời điểm hiện tại, vượt khỏi những trận chiến và những quan ngại trước mắt. Ta tập trung vào điều mà ta muốn thành tựu ở cuối con đường. Kiểm soát được sự cám dỗ để đối phó với những sự kiện khi chúng xảy ra, ta phải xác định được từng hành động theo các mục tiêu tối hậu của ta. Ta phải suy nghĩ không phải trong phạm vi những trận đánh đơn lẻ mà là toàn chiến dịch.

Alexander có được chiến lược tân kỳ này là nhờ mẹ ông và Aristotle. Mẹ ông đã cho ông một nhận thức về định mệnh và một mục tiêu: Thống trị toàn bộ thế giới đã biết. Từ tuổi lên ba, ông có thể nhìn bằng con mắt tinh thần vai trò mà ông giữ khi ông lên ba mươi tuổi. Từ Aristotle ông học được quyền năng kiểm soát các cảm xúc của mình, nhìn sự vật một cách bình thản, suy nghĩ đón đầu trước về kết quả của những hành động.

Lần theo dấu vết những động thái ngoắt nghéo trong các cuộc hành binh của Alexander, ta sẽ thấy tính nhất quán trong tổng chiến lược của chúng. Những hành động nhanh chóng chống lại kẻ thù, đầu tiên là quân Thebes rồi quân Ba Tư đã tác động đến tâm lý binh linh và những người chỉ trích ông. Không có gì giúp một đội quân bình ổn lại tốt hơn là chiến trận. Cuộc thập tự chinh đột ngột của ông chống lại kẻ thù đáng ghét Ba Tư là con đường hoàn hảo nhất để thống nhất người Hy Lạp. Tuy vậy, khi đã đến Ba Tư, tốc độ là một chiến thuật sai lầm. Nếu Alexander tiến tới, ông sẽ nhận ra mình kiểm soát quá nhiều đất đai trong thời gian quá nhanh. Việc điều hành nó có thể làm cạn kiệt những nguồn lực của ông và trong khi đuổi theo một quyền lực rỗng không những kẻ thù có thể nổi lên ở mọi nơi. Tốt hơn là tiến tới một cách chậm rãi, xây dựng lên cái đã có sẵn, để chiếm được lòng người. Thay vì lãng phí tiền của để xây dựng hải quân, tốt hơn hết là chỉ cần làm hải quân Ba Tư trở nên vô dụng. Để chi trả cho kiểu chiến dịch mở rộng sẽ mang tới một thành công dài hạn, trước hết phải nắm bắt những cvùng đất phì nhiêu của Ai Cập. Không một hành động nào của Alexander là phí phạm. Những ai nhìn thấy các kế hoạch của ông đã đơm hoa kết quả, theo những cách mà tự thân họ không thể nào đoán trước, đều nghĩ ông là một dạng thần linh và tất nhiên, sự kiểm soát của ông đối với những sự kiện tụt sâu vào tương lai có vẻ giống với thần linh hơn là phàm nhân.

Để trở thành một chiến lược gia tổng thể trong cuộc sống, ta phải đi theo con đường của Alexander. Đầu tiên, ta phải gạn lọc đời ta – giải mã câu đố cá nhân của chính ta bằng cách xác định định mệnh của đời ta là đạt được điều gì, chiều hướng mà theo đó các kỹ năng và tài năng của ta thôi thúc ta. Tự mường tượng tới việc hoàn thành định mệnh này một cách chi tiết, như Aristotle đã khuyên, hãy tập làm chủ các cảm xúc của mình và tự rèn luyện để suy nghĩ sâu xa: “Hành động này sẽ đưa tôi tiến tới mục tiêu, hành động kia chẳng đưa tôi tiến tới đâu cả”. Được dẫn dắt bởi các tiêu chuẩn đó, ta sẽ sống tốt trong đời.

 

Hãy làm ngơ sự khôn ngoan theo quy ước về điều ta nên hoặc không nên làm. Nó có thể đúng ở một vài khía cạnh, nhưng điều đó không có nghĩa là nó liên quan tới các mục tiêu và định mệnh của chính ta. Ta cần phải có đủ nhẫn nại để xếp đặt trước nhiều bước – để tiến hành một chiến dịch thay vì chỉ giao tranh trong những trận đánh. Con đường đi tới mục tiêu của ta có thể là gián tiếp, những hành động của ta có thể là kỳ lạ đối với những kẻ khác nhưng càng như thế thì càng tốt: Những kẻ đó càng khó hiểu về ta bao nhiêu ta càng khó bị đánh bại. Đi theo con đường này, ta sẽ đạt được sự bình thản, viễn cảnh của đỉnh Olympus sẽ phân biệt ta khỏi những người khả tử khác, dù đó là những kẻ mơ mộng vốn không hề thực hiện được điều gì hay là những kẻ thực tế tầm thường chỉ đạt được những điều bé nhỏ.


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem