Đặc điểm và thành tựu trên lĩnh vực hội họa của văn minh Trung Quốc cổ trung đại (tài liệu tham khảo hội họa thời cổ trung đại Trung Quốc)

Ngày đăng 10/04/2023
307 Lượt xem

Tác giả

MỞ ĐẦU

Từng có nhận định cho rằng, Trung Quốc là cái nôi của tinh hoa văn hóa phương Đông và quả thực, lịch sử phát triển của Trung Quốc từ thời cổ trung đại đến hiện tại đã chứng minh được điều đó. Nhằm tìm hiểu rõ về văn minh Trung Quốc cổ trung đại, hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về một lĩnh vực mà nền văn minh này đã tạo nên sức ảnh hưởng sâu rộng với những thành tựu đặc sắc, đó là hội họa Trung Quốc. Cụ thể, chúng ta sẽ tập trung vào nghiên cứu “Đặc điểm và thành tựu trên lĩnh vực hội họa của văn minh Trung Quốc cổ trung đại”.

NỘI DUNG

Đặc điểm của hội họa Trung Quốc cổ trung đại

Hội họa Trung Hoa nếu theo đề tài thì bao gồm ba thể loại chính: Hoa điểu, sơn thủy, và nhân vật. Thể theo lối vẽ và phong cách hội họa, chia tranh Trung Quốc làm 2 dạng: tranh màu tả thực và tranh thủy mặc ngụ ý với những nét chấm phá truyền thần.

1.Thể loại tranh

Tranh tả thực: Tranh tả thực (Tề tất họa), tức lối vẽ hết sức chi tiết sát với cảnh thực, ở VN gọi là công bút. Công bút là lối vẽ có từ xưa, trước hết vẽ bằng bút nét mảnh hình vẽ rồi sau dùng màu tô lên, làm sao càng giống thực tế càng tốt. Lối vẽ này tỉ mỉ và mất nhiều công phu. Phong cách dạng tranh này tinh tế, chuẩn xác, toát lên ý vị quý phái, bề thế, được các họa sĩ phái cung đình tôn sùng.

Tranh thủy mặc: Tranh thủy mặc ngụ ý (Thô tất họa) cơ bản chỉ sử dụng mực đen hay màu thanh nhạt, đường nét giản đơn, phác họa nên chất liệu và ngụ ý của cảnh vật. Họa phái này không nhấn mạnh cảnh vật trong tranh có sát đúng với đối tượng được miêu tả hay không, mà áp dụng rộng rãi các thủ pháp: khái quát, khuếch đại, vận dụng suy tưởng với mức độ lớn nhất, gửi gắm tình cảm, cá tính của mình vào đối tượng được phác họa. Tác phẩm dạng này mang tính tức cảnh, tùy hứng, nhấn mạnh hiệu quả bất ngờ, ngẫu hợp, vì thế nhiều tác phẩm này không dễ sao lại.

2. Lối dụng bút

Hội họa Trung Quốc gồm hai lối dụng bút cơ bản và đối lập nhau, đó là: công bút và ý bút.

Công bút là lối vẽ có từ xa xưa, công phu, tỉ mỉ, trước hết lấy lấy bút nét mảnh vẽ hình vẽ rồi dùng màu tô lên, sao cho càng giống thực tế càng tốt. Có khi phải tỉa tót đến từng chân tơ kẽ tóc, mất rất nhiều thời gian. Ý bút là lối vẽ dùng hội hoạ để diễn đạt tư tưởng, không phải truyền thần sự vật. Mọi vật được vẽ ra theo chính cái thấy bằng tâm tư của hoạ sĩ, thể hiện chính tâm hồn người vẽ.

3. Hình thức tranh

Hội họa Trung Hoa thường chia làm năm loại chính là bình, sách, quyển, trục, phiến.

Bình: Là bốn, sáu hay tám bức tranh treo dọc (trục) cùng khuôn thước (nhưng đôi khi bức đầu và bức cuối nhỏ hơn một chút) trên vẽ cùng một đề tài hoặc liên tục, hoặc tương phản như mai, lan, cúc, trúc hay xuân, hạ, thu, đông. Tranh loại này có thể treo trên tường hay dùng trên những phiến gỗ xếp để ngăn phòng, cách biệt từ khu vực nọ sang khu vực kia mà ta gọi là bình phong (chắn gió).

Sách: Là nhiều bức tranh đóng thành một tập, thường là do một họa sĩ hoặc vẽ có thể cùng một đề tài nhưng khác chi tiết, hoặc nhiều đề tài, nhiều thể loại.

Quyển: Là loại tranh cuộn theo chiều ngang vốn do gốc tích từ những thanh tre hoặc gỗ nối với nhau thành một chuỗi. Quyển mở từ phải sang trái vì người Trung Hoa đọc từ trên xuống dưới, phải sang trái nên khi xem một họa quyển, người ta cũng đi theo thứ tự đó. Chiều dài quyển không giới hạn có khi chỉ một mảnh nhưng có khi rất dài. Nhiều họa sĩ ghi lại cảnh vật của sông Dương tử hay Vạn Lý Trường Thành trên cùng một quyển chiều dài hàng trăm thước. Có thể coi đó là một bức tranh hoặc nhiều bức tranh cộng lại.

Trục: Là do quyển biến thể, treo theo chiều dọc và là hình thức thông dụng hơn cả.

Phiến: Tức là hình vẽ trên quạt, có hai loại, phẳng và xếp lại được. Loại phẳng hình tròn hay nửa vuông, nửa tròn. Loại xếp xuất hiện sau (khoảng đời Tống) do người Tàu du nhập từ bên ngoài chứ không phải họ nghĩ ra. Phiến nguyên thủy là những hình vẽ trang điểm cho các quạt dùng trong triều đình, vua chúa, phi tần và các quan. Người ta thường vẽ hoặc viết một bài thơ trên đó. Họa Sử có ghi là đời Tấn, Ðào Uyên Minh, Vương Hi Chi, và Thạch Lý Long đều thích vẽ quạt, đi đâu cũng mang theo. Thời này cầm quạt là một cái “mốt” của nho gia để ra vẻ văn nhân nhàn nhã nhưng vì quạt dễ hư hỏng nên không còn lưu lại được đến ngày nay bao nhiêu.

4. Phương pháp vẽ tranh

Phần lớn tranh Trung Quốc thời kì cổ trung đại tuân theo các quy tắc trong Lục pháp (6 phép tắc) của Tạ Hách viết ra từ thế kỷ thứ 5 dựa trên những tư tưởng triết học cổ đại, từ quan niệm về Đạo, về vũ trụ, về âm – dương, về sự đối lập hài hòa của sự vật và của các cặp phạm trù như cương nhu, sáng tối…, về sinh mệnh của vũ trụ và con người là khuôn mẫu có tính khoa học cao, cho đến nay vẫn phát huy tác dụng. Ðó là:

Khí vận sinh động: tạo được sắc thái và không khí sống động như thật.

Cốt pháp dụng bút: dựng được cấu trúc bằng nét bút.

Ứng vật tượng hình: tả được hình tướng của sự vật sao cho đúng.

Tuỳ loại phú thái: dùng màu sắc thích hợp.

Kinh doanh vị trí: sắp xếp bố cục hợp lý.

Truyền di mô tả: sao chép tranh của tiền nhân (với mục đích trau dồi, học hỏi).

5. Cấu trúc không gian trong tranh

Cấu trúc không gian trong tranh Trung Quốc cổ trung đại thường theo 3 phương pháp:

Thứ nhất, là phương pháp thấu thị tiêu điểm: hình ảnh phong cảnh nhìn thấy trước mắt, hay tưởng tượng, được thu nhỏ lại trên bức họa, nhưng tuyến nhìn của người quan sát không tập trung vào một tiêu điểm cố định như trong phép vẽ phối cảnh của hội họa phương Tây, khiến cho không gian bức họa giống như một không gian hình mũi dùi.

Thứ hai, là phương pháp “chim nhòm” (cúi nhìn), hay phương pháp “lấy lớn quan sát nhỏ”: cũng có nghĩa là xuất phát từ trời đất để quan sát, hay đặt sự vật cụ thể vào bối cảnh rộng lớn của trời đất để quan sát.

Thứ ba, là phương pháp thấu thị tán điểm: cho phép lấy hướng thị giác từ trên xuống dưới, từ trước đến sau, từ gần đến xa, căn cứ vào tình huống khác nhau mà vận dụng linh hoạt, vừa không có một điểm nhìn cố định, vừa không có một tiêu điểm cố định.

Nhìn chung, phương thức quan sát sự vật của họa gia Trung Quốc là sự quan sát ứng chiếu toàn phương vị; không gian mà họ ý thức được không phải là không gian thị giác, mà là không gian hư cấu vô hạn, luôn vận động biến hóa, và bố cục mà họ sử dụng là một bố cục động; nhằm thể hiện sức sống dồi dào của trời đất muôn vật và loài người, trên cơ sở tình và vật giao hoà lẫn nhau, con người và thiên nhiên thống nhất.

Thành tựu của hội họa Trung Quốc cổ trung đại

Thảnh tựu của hội họa Trung Quốc cổ trung đại gắn liền với từng giai đoạn lịch sử phát triển nhất định.

Thời Chiến Quốc (481-221 TCN), hội họa bắt đầu phát triển song song với sự nảy nở về văn hóa và tư tưởng. Tuy hội họa vẫn chỉ hạn chế trong việc trang trí các vật dụng hàng ngày, nhưng đã tương đối độc lập và có tính chất đặc trưng hơn.

Ðời Tần (221-207 TCN) và đời Hán (206 TCN – 220 SCN) hội họa đã tiến thêm một bước. Các họa sĩ phần lớn là các tiểu quan của triều đình được trả lương để trang trí nội thất, ngự dụng, cung điện, hoặc do các cơ sở tôn giáo mướn để tô điểm đền đài, miếu mạo. Bích họa chiếm phần lớn nhưng người ta cũng vẽ trên ngói và bia. Người ta cũng vẽ thần tiên do ảnh hưởng của Lão giáo. Suốt mấy trăm năm, hình người là chính yếu, súc vật, phong cảnh nếu có chỉ là để phụ thêm cho nhân dạng.

Tới cuối đời Hán, sử gọi là Tam Quốc (221-265) những hình vẽ về đạo Phật bắt đầu xuất hiện và vì ảnh hưởng của Phật giáo ngày càng sâu rộng hội họa cũng thể hiện khuynh hướng xã hội này. Ðời Nam-Bắc Triều (265-581) hội họa từ công tác “thành giáo hóa, trợ nhân luân” chuyển sang vẽ về sinh hoạt triều đình, đế vương, danh thần và các cảnh tượng ghi trong kinh sách, các vị bồ tát và chư Phật. Những họa gia nổi tiếng nhất thời này có thể kể Cố Khải Chi (Ðông Tấn), Lục Thám Vi (Nam Triều), Trương Tăng Dao (Lương) mà đời sau gọi là Tam đại gia thời Lục Triều. Ðây là những thủy tổ đặt nền móng cho phương pháp vẽ chân dung của hội họa Trung Hoa. Một số người khác không nổi danh bằng nhưng cũng xuất sắc là Vi Hiệp, Tạ Hách, Tào Trọng Ðạt, Dương Tử Hoa.

Thời Nam Bắc triều, ngoài tranh vẽ thuộc lãnh vực tôn giáo, đạo học và chân dung, tranh sơn thủy cũng bắt đầu hưng thịnh lên. Tinh thần nhàn tản Lão Trang cộng với sơn thủy kỳ tú đất Giang Nam trở thành đề tài phổ thông cho nhiều họa gia. Bức tranh Vân Ðài Sơn Ký của Cố Khải Chi đại diện cho khuynh hướng đó và thường được nhắc nhở cho tới tận ngày nay. Tuy người ta không còn giữ được di tích nào về tranh sơn thủy thời đó, nhưng bức tranh Nữ Sử Châm và bối cảnh của những bức bích họa tại Ðôn Hoàng cũng nói lên được phần nào loại tranh này. Ngoài tranh sơn thủy và vẽ người, họa gia thời Nam Bắc Triều còn vẽ các loại côn trùng chẳng hạn như tranh con ve và chim sẻ của Cố Cảnh Tú, trâu bò của Ðào Hoằng Cảnh, côn trùng của Cố Dã Vương khơi mào cho những miêu tả tỉ mỉ, nhỏ nhặt của đời sau.

Vào giai đoạn này, quyển, trục và phiến đã thấy xuất hiện. Họa quyển xuất hiện vào thời nào không ai rõ nhưng ngay từ đời Chu Tần, trên các đồ đồng khí đã thấy những trang sức theo kiểu này. Ðến đời Hán, những họa quyển mở theo lối ngang đã có nhiều và theo như “Trinh Quan Công Tư Họa Sử” thì quyển rất thông dụng trong thời Hán và Lục Triều và người ta suy luận rằng chính trục là từ quyển mà ra.

Sang đời Tùy họa gia thiên về sơn thủy, phát huy sở trường của đời trước. Ðời này có hai nhân tài là Triển Tử Kiền và Giang Chí. Triền đưa ra quan điểm “thu vạn dặm vào trong một thước” (chỉ xích thiên lý) còn Giang được đời sau gọi là tổ sư hội họa đời Ðường (Ðường họa chi tổ).

Ðời Ðường (618-906) có thể coi là một giai đoạn thịnh trị bậc nhất của văn minh Trung Hoa, cả trên mặt chính trị xã hội lẫn văn chương. Hội họa thời này cũng rất khởi sắc. Người ta chia tranh đời Ðường thành ba giai đoạn, tiền kỳ, trung kỳ và vãn kỳ.

 

- Thời Sơ Ðường (618-712), hội họa vẫn theo đường lối của Nam Bắc Triều. Những họa sĩ nổi tiếng có Diêm Lập Ðức, Diêm Lập Lâm, và họa gia người Hồi Úy Trì Ất Tăng. Chủ điểm vẫn là vẽ người, ngoài tranh đạo giáo, còn vẽ những sinh hoạt đương thời, đời sống giới quí tộc, thượng lưu và những hình ảnh đặc biệt như cảnh người man di sang tiến cống, chăn ngựa, cưỡi ngựa bắn cung.

- Thời Thịnh Ðường (713-755) là giai đoạn mà hội họa rất phong phú, có thể kể ba khuynh hướng chính.

+ Thứ nhất là vẽ người có Ngô Ðạo Tử, người sau gọi là Họa Thánh. Ông vẽ người hết sức có hồn, và vẽ Phật thoát được khuôn sáo đời trước, tạo cho hình ảnh mất đi tính ngoại quốc, du nhập từ ngoài vào như tiền triều, đời sau gọi cái tính đặc thù ấy là Ðường phong nghĩa là phong vị đời Ðường. Ðường nét của ông uyển chuyển, sinh động, thoát được khuôn phép của Cố Khải Chi khi trước.

+ Thứ hai là sự thay đổi trong lối vẽ sơn thủy do ảnh hưởng của Lý Tư Huấn và Vương Duy. Lý Tư Huấn và con ông là Lý Chiêu Ðạo sáng thủy ra lối vẽ viễn cảnh, nhiều màu sắc và chi tiết. Vương Duy vẽ bằng mực, ít dùng màu, pha trộn hai tuyệt nghệ họa và thi, tiêu sái, thoát tục được những họa gia như Lô Hồng, Trịnh Kiền, Trương Tảo, Vương Hiệp kế thừa. Từ lúc này họa phái Trung Hoa phân Nam Tông, Bắc Tông. Hậu thế tôn Lý Tư Huấn làm tổ Bắc Tông, còn Vương Duy làm tổ Nam Tông.

+ Thứ ba là sự đi vào chuyên đề và chuyên môn. Nhiều họa sĩ chỉ chuyên vẽ một thứ. Vẽ ngựa thì có Tào Bá, Hàn Cán, Vi Yển. Vẽ hoa điểu thì có Ân Trọng Dung, Biên Loan. Vẽ trâu bò thì có Ðái Tung, Ðái Dịch. Những người này đều đạt tới chỗ tuyệt diệu của nghệ thuật và Hàn Cán vẽ ngựa thì quả là không tiền khoáng hậu. Ðời Ðường việc binh bị được coi trọng nên người đời trọng lương mã, chính vì thế mà vẽ ngựa lại càng phổ thông.

- Thời Vãn Ðường (756-906) sinh hoạt văn chương cũng như các bộ môn văn hóa khác chuyển biến sang phong thái kiêu sa của một thời kỳ tàn lụi. Từ đường nét mạnh mẽ, hùng tráng thời sơ và thịnh Ðường, họa gia lúc này nặng phần chi tiết, nệ hình thức, qui luật hơn. Sinh hoạt triều đình, quyền quí là chủ điểm chính của vẽ người. Chuyên đề lại càng đi vào tiểu tiết, có người chỉ chuyên vẽ đá, vẽ hoa, vẽ cây, vẽ mây, vẽ thác nước, phi cầm, tẩu thú chỗ nào cũng có qui luật, có đặc thù. Vẽ nhân mã, rợ Hồ thì có cha con Hồ Tương, Hồ Kiền, vẽ hoa lá chim chóc thì có Ðiêu Quang Dận, Ðằng Xương Hữu, vẽ lửa thì có Trương Nam Bản, Tôn Vị, vẽ giới thượng lưu thì có Doãn Kế Chiêu. Sau đời Ðường, những đường nét của những người này vẫn còn được người sau theo đuổi, dùng làm khuôn mẫu.

Sang thời Ngũ Ðại, đề tài cũng vẫn như thời vãn Ðường nghĩa là nhân vật, sơn thủy, cây cỏ, hoa trái nhưng mỗi loại cũng có nhiều nhân vật nổi danh. Về sơn thủy có hai thầy trò Kinh Hạo và Quan Ðồng, kế thừa sự nghiệp thủy mặc của Vương Duy. Tranh của họ vẽ Thái Hàng sơn thật tuyệt vời đưa kỹ thuật kế thừa của tiền nhân như Vương Duy, Trương Tảo, Tất Hoành, Trịnh Kiền lên thêm một bậc. Ảnh hưởng của hai người rất lớn với các họa gia đời Tống. Về tranh hoa điểu thì thời kỳ này rất phong thịnh, đất Thục cùng Nam Ðường được coi như trung tâm. Ở đất Thục thì tranh hoa điểu do công của Ðiêu Quang Dận, Ðằng Xương Hữu thời vãn Ðường. Nổi danh thời đó có hai cha con Hoàng Thuyên, Hoàng Cư Thái, làm quan trong triều nên có dịp vẽ nhiều trân cầm dị thảo, đường nét hoa lệ, kỹ lưỡng chi li.

Khai Phong và Thành Ðô được coi như những trung tâm vẽ người. Họa gia có Quán Hưu, Chi Trọng Nguyên, Phạm Quỳnh, cha con Triệu Ðức Huyền, cha con Bồ Sư Huấn, anh em Khâu Văn Bá. Ở Nam Ðường thì có Chu Văn Củ, Cố Hoành Trung. Ngoài ra còn một số người chuyên vẽ các bộ tộc, phiên bang như Lý Tán Hoa, Vương Ân, Lý Huyền Ứng.

Ðời Tống có thể coi như thời kỳ cao đỉnh của hội họa Trung Hoa. Vì tình hình chính trị và biến chuyển kinh tế đưa đến những dị biệt to lớn, người ta phân ra làm Nam Tống và Bắc Tống.

- Thời Bắc Tống (960 – 1127) chỉ có hội họa tôn giáo là suy giảm, còn mọi lãnh vực khác đều lên cao. Ngoài xu thế nghệ thuật trên đà phát triển, còn được sự hỗ trợ của nhiều đời vua chúa. Họa Viện là cơ sở chính thức để huấn luyện và vun đắp nhân tài của Trung Hoa được thành lập từ thời đó. Nơi đây còn sưu tầm họa phẩm cổ cũng như kim nên càng khuyến khích, hun đúc nhiều họa gia. Thời này nổi tiếng hơn cả có Lý Công Lân, Văn Ðồng, Tô Thức (Ðông Pha), Mễ Phế. Mễ Phế đề xướng phương pháp thủy mặc và đề thơ lên trên các bức họa.

Ở thời kì này, việc vẽ tranh chim chóc, tranh sơn thủy, vẽ người và tranh thủy mặc cũng rất phổ biến với nhiều tên tuổi như: cha con Hoàng Tuyên – Hoàng Cư Thái, Tam Đại Gia vẽ tranh sơn thủy gồm Lý Thành, Phạm Khoan, Đổng Nguyên,…

- Qua thời Nam Tống (1127-1278), họa pháp thay đổi nhiều. Ðời vua Huy Tông (1101-1125), vì vua cuối cùng của Bắc Tống, Họa Viện được cải tổ, họa gia được trả lương để sáng tác. Nhiều người gia nhập như một thứ họa quan của triều đình. Mọi ngành đều được qui phạm, nguyên tắc hóa. Tới đời vua Cao Tông (1127-1161) Thiệu Hưng Họa Viện được thành lập ở Lâm An (Hàng Châu) và đưa ngành vẽ lên cao điểm của hàn lâm. Thế nhưng vì tình hình chính trị địa lý biến đổi, họa phong cũng đổi theo. Chỉ có một số họa gia lúc đầu như Lý Ðường, Chu Nhuệ, Lưu Tông Cổ, Lý Tòng Huấn, Tô Hán Thần, Lý Ðịch, Lý An Trung, Lý Thụy là những họa gia vốn từ thới trước đi theo xuống miền nam, những người sau này đều đổi qua cách giản dị, đặc trưng của thời Nam Tống.

Sang đời Nguyên (1279-1368), hội họa Trung Hoa gặp hai khó khăn chính. Thứ nhất là Nguyên triều vốn là dân Mông Cổ, văn hóa không cao, chuộng võ hơn văn chương. Thứ hai là vì qua một thời kỳ mà văn học, nghệ thuật lên thật cao như tiền triều, nay bị ruồng rẫy, giới văn nhân có khuynh hướng tìm thanh nhàn, lánh đời, hoài cổ.

Tuy nhiên, tranh mai lan cúc trúc sang đời Nguyên phát triển rất cao vì loại tranh này gắn liền với phép viết chữ. Vẽ tranh lại giản tiện, nhanh nhẹn nên thường là đề tài của văn nhân phóng bút khi nhàn tản, uống rượu. Nổi danh thời đó về tranh vẽ trúc có Lý Khản, Kha Cửu Tư, Dương Duy Hàn, Cố An, Phương Nhai, Tống Mẫn, Nghê Toản.

Sang đời Minh (1368-1644) thì lối vẽ vẫn còn ảnh hưởng nhiều của thời Nguyên, vẫn lấy sơn thủy là đề mục chính. Họa viện được tái lập, họa gia tuy đông nhưng lại không có thành tích nổi bật.

Các họa gia đời Thanh (1644-1912) gần như hoàn toàn đi theo những đường lối của đời Minh để lại. Tuy nhiên trong suốt triều đại dài lâu này, cũng có nhiều người theo những kỹ thuật mới.

Ðời Khang Hi, Ung Chính có lục đại gia là Vương Thời Mẫn, Vương Giám, Vương Huy, Vương Nguyên Kỳ, Ngô Lịch, Uẩn Thọ Bình. Sang đời Càn Long, Gia Khánh thì trong họa viện có Ðổng Bang Ðạt, Ðường Ðại, Trương Tông Thương,…

Ðặc biệt trong nhóm họa gia của cung vua có Lương Thế Ninh chuyên vẽ người hết sức đặc sắc. Lương Thế Ninh tên thật là Guiseppe Castiglione (1688-1766) là một tu sĩ giòng Jesuit người Ý. Năm 27 tuổi, ông sang Trung Hoa truyền giáo và được giữ trong cung để phục vụ triều đình. Ông có tài vẽ người, hoa điểu và đặc biệt là ngựa. Những bức tranh sơn dầu vẽ chân dung vua Càn Long và giới quí tộc rất nổi tiếng. Một điểm đáng lưu ý là bức họa ông vẽ vua Càn Long mặc nhung phục, cưỡi ngựa duyệt binh không hiểu tại sao đã bị nhiều sử gia Việt Nam nhận lầm là hình giả vương Phạm Công Trị khi sang sứ nhà Thanh nên cũng cho là chân dung vua Quang Trung. Dưới thời Ðệ Nhị Cộng Hòa, tiền giấy 200 đồng của Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam đã vẽ vua Quang Trung phỏng theo hình này. Nguyên bản bức tranh này hiện tàng tại Viện Bảo Tàng Bắc Kinh.

Đánh giá, nhận xét về lĩnh vực hội họa Trung Quốc cổ trung đại

Lĩnh vực hội họa Trung Quốc cổ trung đại đã được phát triển từ rất sớm, gần như song song với sự phát triển của quốc gia.

Hội họa Trung Quốc rất sáng tạo, đa dạng về thể loại, hình thức cũng như nội dung truyền tải trong tranh. Đây là một trong những yếu tố khiến hội họa của nền văn minh này phát triển nhanh chóng và đạt được nhiều thành tựu lớn.

So với hội họa phương Tây, trong khi phương Tây đặt nặng kỹ thuật vẽ chi tiết thì người Trung Quốc thiên về phong cách chấm phá. Con người là trung tâm điểm trong hội họa Âu Châu trong nhiều thế kỷ thì đối với người Trung Hoa lại chỉ đóng một vai trò đối với thiên nhiên toàn cục và thường bị lẫn khuất vào hình ảnh mênh mang. Rất nhiều nghệ thuật khác của Trung Quốc (thơ, văn,..) cũng mang cái ý nghĩa “thu vạn dặm vào trong một thước”. Đây là một điểm đặc sắc tạo nên cái riêng của nghệ thuật Trung Hoa.

KẾT LUẬN

Như vậy, qua những phân tích trên đây, ta đã nắm bắt được những đặc điểm cơ bản và thành tựu hội họa của Trung Quốc qua mỗi giai đoạn lịch sử nhất định với những lối vẽ, thể loại tranh phong phú và sinh động. Từ đó, ta khám phá ra được những nét đặc sắc trong hội họa Trung Quốc cổ trung đại với những giá trị ẩn sâu trong đó, là minh chứng cho một nền văn minh nghệ thuật, đặc biệt là hội họa phát triển mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng từ trong quá khứ cho đến tận ngày nay.


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem