Sự tiếp nhận văn học dân gian Nga

Ngày đăng 12/06/2023
1085 Lượt xem

          Có thể nói, thể loại văn học dân gian là nguồn cội của văn học viết. Đó là nơi phản ánh tiếng nói và nỗi lòng của nhân dân, quần chúng. Tìm hiểu về văn học dân gian của một Quốc gia chính là tìm hiểu về bản sắc dân tộc của quốc gia đó. Những tư tưởng và giá trị nghệ thuật trong các tác phẩm văn học dân gian chính là nội lực tiềm tàng của một dân tộc. Thông hiểu về những luân lý trên, nhiều nhà văn thời hiện đại dù tiên phong và tiếp nhận những trào lưu mới xuất hiện, nhưng cũng phải dành cho văn học dân gian một sự tôn trọng và trân quý nhất định.

          Trong văn học dân gian, sử thi anh hùng ca là một thể loại phản ánh rõ ràng hơn hết những sự biến động về chính trị, văn hóa, tôn giáo và đạo đức. Thể loại kể trên được nhà nghiên cứu I. P. Sakharov (1807 - 1863) đã dùng thuật ngữ bylina (điều xảy ra trong quá khứ) hay còn gọi là starinabylina, vào những năm 40 của thế kỷ XIX. Sử thi anh hùng ca là những tác phẩm được sáng tác dựa trên đại ý là những biến cố, hoàn cảnh đặc biệt có thật trong lịch sử. Có thể nhận xét, những tác phẩm sử thi Nga liên quan đến thời kỳ nước Nga cổ Kiev, cụ thể là dưới triều vua Vladimir. Tuy nhiên, vẫn chưa có quan điểm thống nhất cho việc định hình nguồn gốc của thể loại này.

          Các thể loại sử thi, anh hùng ca, hay các tác phẩm văn thơ dân gian gọi chung, đa phần đều gây khó khăn cho người nghiên cứu trong việc tìm ra câu trả lời về nguồn gốc xuất xứ. Chúng hiện hữu trong dân gian và được truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác một cách tự nhiên. Trong góc độ tiếp nhận văn học dân gian Nga, Gorky – một lá cờ đầu cho dòng văn Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, đã có những lời nhận xét như sau: “Nhân dân không phải chỉ là sức mạnh tạo ra mọi giá trị vật chất, họ còn là nguồn cội duy nhất và vô tận của các giá trị tinh thần. Thật không thể hiểu được lịch sử chân chính của nhân dân lao động nếu không hiểu được sáng tác truyền miệng của nhân dân”. Qua những dòng phê bình của một chiến sĩ cách mạng, ta có thể nhận thấy được lý tưởng cách mạng, ý thức thâm nhập vào đời sống nhân dân để hiểu và cảm được nhân dân của ông. Thực tế, cách mạng nước Nga chống lại chế độ nông nô, chống lại chính quyền phong kiến đàn áp nhân dân liên tiếp bị thất bại. Một phần nguyên nhân chính là các nhà tri thức chỉ cảm cho nỗi lòng của nông nô trên bình diện của một người khách quan. Nếu không trực tiếp ăn ở cùng với người lao động, thì khó để có thể hiểu được họ. Trong đó, công cuộc nghiên cứu tìm tòi văn học dân gian chính là hành trình đi tìm nguồn gốc sâu xa của những tư duy và hành động của quần chúng nhân dân.

          Gorky đã tôn vinh nhân dân lên tầm cao mới, bằng lý tưởng hướng để một xã hội không tưởng, xã hội dành cho nhân dân (vì nhân dân và phục vụ nhân dân). Gorky và những người như ông đã nhận định nhân dân chính là nguồn lực sản xuất “mọi giá trị vật chất” và “nguồn cội của duy nhất và vô tận của các giá trị tinh thần”. Chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa đã hun đúc ra một tinh thần lấy nhân dân làm gốc, ông đặt ra vấn đề hoài nghi về lịch sử chân chính, rằng khó để có thể hiểu được chúng nếu không tìm hiểu cặn kẽ về dòng văn học truyền miệng. Gorky đã vô cùng nhân đạo khi lấy yếu tố con người làm gốc để phân tích và bình luận những sự việc/sự kiện diễn ra trong đời sống. Từ đây, có thể thấy ông là một người có tinh thần nhân văn sâu sắc.

          Bên cạnh Gorki, những nhà văn ở thế kỉ trước đó như Pushkin – mặt trời thi ca Nga đã phát biểu: “Những câu chuyện này mới hay làm sao! Mỗi chuyện là một bài ca.” Thực tế, các tác phẩm văn học dân gian như Bài ca về đạo quân Igor được nhận xét là vô cùng thi vị, nhưng tính chất thơ ca của tác phẩm lại không làm mất đi yếu tố chính trị của tinh thần sục sôi ý chí đánh giặc của nhân dân. Đi kèm với những nhịp điệu của bài thơ là nhiệt huyết, lòng yêu nước và ngoan cường của một tập thể chiến binh.

          Có thể thấy, Pushkin khá quan tâm đến giai điệu và câu từ, hay còn gọi đó là vấn đề ngôn ngữ trong thơ ca. Được biết, vốn Pushkin là một người ham mê về ngôn ngữ. Ông được sinh ra trong gia đình quý tộc, cha ông lại thông hiểu về kinh điển. Nên cơ sở để Pushkin học tập vô cùng chắn chắn. Dẫu xuất thân trong gia đình địa chủ, sở hữu nhiều nô lệ, nhưng Pushkin không quan tâm đến vấn đề tài sản. Thậm chí ông còn tham gia cách mạng hòng lật đổ chế độ Nga hoàng, xóa bỏ chế độ nông nô. Từ nhỏ, Pushkin đã tập trung trong chuyện học các ngôn ngữ. Sau Lomonoxop – người có công trong việc định hình ngôn ngữ văn chương, giới hạn văn chương trong đời sống sinh hoạt và lượt bỏ một số những cổ văn khó hiểu. Lomonoxop đã hạn định lại ngôn từ dễ hiểu hơn so với một số ít giới quý tộc, Pushkin là người đi sau đã có một bước tiến mới. Ông định hình lại hệ thống ngôn ngữ nước Nga, khiến văn chương trở nên gần gũi, dễ hiểu đối với quần chúng nhân dân. Từ đó, ngôn từ văn chương nước Nga trở nên đa dạng và sinh động, thoát khỏi áp chế khuôn khổ, gây khó khăn cho người viết lẫn người đọc. Nhờ đó, Pushkin đã đưa văn học nước Nga lên tầm cao mới, đủ sức đối thoại với văn chương thế giới chỉ sau vài chục năm.

          Bởi khả năng ngôn ngữ của mình, Pushkin cũng nhận định văn học dân gian trên bình diện ngôn ngữ. Ông cho rằng mỗi tác phẩm như một “bài ca”. Cũng có thể hiểu, đó là những bài ca của tầng lớp nhân dân lao động, họ vừa lao động vừa hát, nhằm động viên/khích lệ lẫn nhau để vượt qua gian khó. Pushkin luôn tích cực tham gia cách mạng nhằm giải phóng nông nô, bởi thế nên nông nô đối với ông luôn có một vị trí đặc biệt. Cảm nhận được rõ ràng những thi vị trong cuộc sống khó khăn của tầng lớp nhân dân lao động, hay những sự hùng tráng của các bản sử thi anh hùng ca, Pushkin đã đem đến cho mai hậu góc nhìn về các tác phẩm folklore như những bài ca, những bài ca hát vang trong tiếng vọng của lịch sử.

          Bên cạnh Pushkin là một tác giả cũng cùng lập trường chính trị của ông là Gogol. Gogol là một nhà văn bắt đầu sự nghiệp bằng văn học dân gian, ông đã có phát biểu sau: “Những bài ca ơi! Niềm vui của ta, cuộc sống của ta, ta yêu các ngươi biết bao”. Trong các sáng tác của Gogol, nổi bật hơn hết là hình tượng con người nhỏ bé, có thể thấy, ông bắt đầu sự nghiệp bằng hình tượng dân gian và các tác phẩm sau này của ông cũng đa phần nói về những số phận người nằm trong diện đa số. Những con người hao hao giống nhau, những con người bình thường đến mức tầm thường được nhà văn thể hiện trong tác phẩm nhằm hướng tới một giá trị nhân đạo nhất định. Ông cũng tham gia cách mạng, thuộc tầng lớp muốn xóa bỏ chế độ nông nô nhằm giải phóng con người khỏi xiềng xích. Nên góc độ tiếp nhận của Gogol về những tác phẩm dân gian như cuộc sống của mình, ông yêu chúng và niềm vui, niềm hạnh phúc của ông đã đặt lên cái số đông ấy.

          Từ hai tác giả trong thế kỉ XIX là Pushkin và Gogol, có thể thấy góc độ tiếp nhận của họ là ở chỗ ca ngợi những thi pháp. Nhằm bày tỏ thái độ trân trọng đối với di sản dân gian. Nhưng họ vẫn đứng trên lập trường là những nhà quý tộc. Đến với thế kỉ XX, nhà văn Gorky là lớp người đã được dạy dỗ qua bao thất bại của những người đi trước, nên ông và những người như ông sẽ nhìn nhận những tác phẩm dân gian nói chung hay chính là nhân dân ở một góc độ “rất nhân dân”. Gorky ca ngợi nhân dân và bản thân ông là người đi sau và cũng nằm trong số đó. Từ đây, có thể thấy, tùy thời kì khác nhau ta sẽ có những góc độ tiếp nhận về những khía cạnh khác nhau. Nhưng tựu trung, văn học dân gian nói chung, chúng vẫn luôn là niềm tự hào cho các thế hệ mai hậu.

 

Tài liệu tham khảo

Trần Thị Phương Phương (2009), Sử thi dân gian Nga (Tráng sĩ ca), Khoa văn học, truy xuất từ: http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/van-hoc-nuoc-ngoai-va-van-hoc-so-sanh/670-s-thi-dan-gian-nga-trang-s-ca.html

Đỗ Hồng Chung & Nguyễn Trường Lịch & nhiều tác giả (2009), Lịch sử văn học Nga, Hà Nội: NXB Giáo Dục


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem