QUY TẮC ĐẠO ĐỨC VÀ ỨNG XỬ CỦA LUẬT SƯ TRONG VIỆC NHẬN VÀ THỰC HIỆN VỤ VIỆC (TÀI LIỆU THAM KHẢO PHÁP LUẬT)

Ngày đăng 20/04/2023
2213 Lượt xem

QUY TẮC ĐẠO ĐỨC VÀ ỨNG XỬ CỦA LUẬT SƯ TRONG VIỆC NHẬN VÀ THỰC HIỆN VỤ VIỆC

KHÁI NIỆM TIẾP NHẬN VỤ VIỆC CỦA KHÁCH HÀNG

Nghĩa rộng

Là sự kiện pháp lý xác lập quan hệ pháp luật giữa LS và khách hàng là lúc LS thực hiện trách nhiệm xã hội – nghề nghiệp của mình.

Nghĩa hẹp

Dưới góc độ đạo đức: Giống như ngành y, bác sỹ phải cứu người, còn luật sư không phân biệt đối xử với mọi người, mọi đối tượng…khi tiếp nhận vụ việc của khách hàng,

CÁC QUY TẮC ĐIỀU CHỈNH MỐI QUAN HỆ GIỮA LUẬT SƯ & KHÁCH HÀNG

Luật sư là hoạt động nghề nghiệp cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng trên các lĩnh vực tố tụng, tư vấn, đại diện ngoài tố tụng, thực hiện các dịch vụ pháp lý khác. Công việc hành nghề của LS luôn gắn với khách hang và là quan hệ thường xuyên, phổ biến nhất trong các quan hệ liên quan đến nghề nghiệp LS. Do vậy qh giữa LS với khách hang là qh cơ bản nhất trong hoạt động nghề nghiệp LS .

Từ ý nghĩa đó Bộ quy tắc đã dành ra một chương (Chương II) được thiết kế thành 04 mục nhỏ.

Sở dĩ Bộ quy tắc chia Chương II thành 04 mục nhỏ là trên cơ sở tham khảo Bộ quy tắc của Liên luật sư Nhật Bản và căn cứ vào thực tế qh giữa LS với khách hang trải qua 03 giai đoạn:

Nhận vụ việc

Thực hiện vụ việc

Kết thúc vụ việc.

MỘT SỐ QUY ĐỊNH CƠ BẢN

NHÓM QUY TẮC NHẬN VỤ VIỆC

Tiếp nhận vụ việc của khách hàng1

Khi được khách hàng yêu cầu tiếp nhận vụ việc, luật sư cần nhanh chóng trả lời cho khách hàng biết về việc có tiếp nhận vụ việc hay không.

Luật sư không phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, tuổi tác, sức khỏe, khuyết tật, tình trạng tài sản của khách hàng khi tiếp nhận vụ việc. Trường hợp biết khách hàng thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí thì luật sư thông báo cho họ biết.

Luật sư chỉ nhận vụ việc theo điều kiện, khả năng chuyên môn của mình và thực hiện vụ việc trong phạm vi yêu cầu hợp pháp của khách hàng.

Luật sư có nghĩa vụ giải thích cho khách hàng biết về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của họ trong quan hệ với luật sư; về tính hợp pháp trong yêu cầu của khách hàng; những khó khăn, thuận lợi có thể lường trước được trong việc thực hiện dịch vụ pháp lý; quyền khiếu nại và thủ tục giải quyết khiếu nại của khách hàng đối với luật sư.

Khi nhận vụ việc của khách hàng, luật sư phải ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trong hợp đồng dịch vụ pháp lý phải xác định rõ yêu cầu của khách hàng, mức thù lao và những nội dung chính khác mà hợp đồng dịch vụ pháp lý phải có theo quy định của pháp luật.

Những trường hợp luật sư phải từ chối khi tiếp nhận vụ việc của khách hàng2

Khách hàng thông qua người khác yêu cầu luật sư mà luật sư biết rõ người này có biểu hiện lợi dụng tư cách đại diện cho khách hàng để mưu cầu lợi ích không chính đáng làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng.

Khách hàng yêu cầu dịch vụ pháp lý của luật sư mà luật sư biết rõ khách hàng có ý định lợi dụng dịch vụ đó cho mục đích vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc khách hàng không tự nguyện mà bị phụ thuộc theo yêu cầu của người khác.

Có căn cứ rõ ràng xác định khách hàng đã cung cấp chúng cứ giả hoặc yêu cầu của khách hàng trái đạo đức, vi phạm điều cấm của pháp luật.

Vụ việc của khách hàng có xung đột về lợi ích theo quy định tại Quy tắc 15.

NHÓM QUY TẮC THỰC HIỆN VỤ VIỆC

Thực hiện vụ việc của khách hàng3

Luật sư chủ động, tích cực giải quyết vụ việc của khách hàng và thông báo tiến trình giải quyết vụ việc để khách hàng biết.

Luật sư nhận và có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn tài liệu, hồ sơ mà khách hàng giao cho mình theo quy định của pháp luật hoặc thỏa thuận với khách hàng.

Khi thực hiện vụ việc, luật sư phải có thái độ ứng xử phù hợp, tránh làm phát sinh tranh chấp với khách hàng. Nếu có bất đồng giữa luật sư và khách hàng hoặc có khiếu nại của khách hàng, luật sư cần có thái độ đúng mực, tôn trọng khách hàng, chủ động thương lượng, hòa giải với khách hàng.

Trong trường hợp đang cùng thực hiện một vụ việc, nếu có sự không thống nhất ý kiến giữa các luật sư có thể gây bất lợi cho khách hàng thì luật sư phải thông báo để khách hàng thực hiện quyền lựa chọn.

KHÁI NIỆM LUẬT SƯ

Theo Điều 2 Luật luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2012

Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật này, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là khách hàng).

TIÊU CHUẨN CỦA LUẬT SƯ

Để trở thành luật sư thì cá nhân phải là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khỏe bảo đảm hành nghề luật sư4.

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA LUẬT SƯ

Nghề luật sư ở Việt Nam là một nghề cao quý, bởi hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm mục đích góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; góp phần phát triển kinh tế – xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp là nền tảng cơ bản của nghề luật sư. Do vậy, Luật sư được nhà nước và pháp luật bảo vệ, có những quyền và nghĩa vụ quy định cho luật sư tại Điều 21, Luật Luật sư 2015 – 03/VBHN-VPQH.

Luật sư có các quyền sau đây

a) Được pháp luật bảo đảm quyền hành nghề luật sư theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan;

b) Đại diện cho khách hàng theo quy định của pháp luật;

c) Hành nghề luật sư, lựa chọn hình thức hành nghề luật sư và hình thức tổ chức hành nghề luật sư theo quy định của Luật này;

d) Hành nghề luật sư trên toàn lãnh thổ Việt Nam;

đ) Hành nghề luật sư ở nước ngoài;

e) Các quyền khác theo quy định của Luật này.

Luật sư có các nghĩa vụ sau đây

a) Tuân theo các nguyên tắc hành nghề luật sư quy định tại Điều 5 của Luật này;

b) Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và các quy định có liên quan trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng; có thái độ hợp tác, tôn trọng người tiến hành tố tụng mà luật sư tiếp xúc khi hành nghề;

c) Tham gia tố tụng đầy đủ, kịp thời trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu;

d) Thực hiện trợ giúp pháp lý;

đ) Tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ;

e) Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này.

QUÁ TRÌNH TRỞ THÀNH LUẬT SƯ

Đầu tiên, tối nghiệp đại học chuyên ngành Luật để có được bằng cử nhân Luật. Phải trải qua 4 năm hoặc có một số trường 5 năm tại các trường đại học.

Sau khi đã có được bằng cử nhân Luật, nếu có nhu cầu trở thành Luật sư phải đăng ký khóa đạo tạo lớp Luật sư ở Học viện Tư pháp trong thời gian là 24 tháng. Trong đó 12 tháng đầu tiên là để đào tạo nghề. 12 tháng còn lại chính là khi đã qua tập sự.

Người có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư và người quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này được tập sự hành nghề tại tổ chức hành nghề luật sư.

Thời gian tập sự hành nghề luật sư là mười hai tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 16 của Luật này. Thời gian tập sự hành nghề luật sư được tính từ ngày đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư.

Tổ chức hành nghề luật sư phân công luật sư hướng dẫn người tập sự hành nghề luật sư. Luật sư hướng dẫn tập sự phải là người có ít nhất ba năm kinh nghiệm hành nghề luật sư và không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này. Tại cùng một thời điểm, một luật sư không được hướng dẫn quá ba người tập sự.

Người tập sự hành nghề luật sư đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư ở địa phương nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư mà mình tập sự và được Đoàn luật sư cấp Giấy chứng nhận người tập sự hành nghề luật sư.

Đoàn luật sư có trách nhiệm giám sát việc tập sự hành nghề luật sư.

Người tập sự hành nghề luật sư được giúp luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp nhưng không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa, không được ký văn bản tư vấn pháp luật.

Người tập sự hành nghề luật sư được đi cùng với luật sư hướng dẫn gặp gỡ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự, nguyên đơn, bị đơn và các đương sự khác trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính khi được người đó đồng ý; giúp luật sư hướng dẫn nghiên cứu hồ sơ vụ, việc, thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ, việc và các hoạt động nghề nghiệp khác; được tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo sự phân công của luật sư hướng dẫn khi được khách hàng đồng ý.

Luật sư hướng dẫn phải giám sát và chịu trách nhiệm về các hoạt động của người tập sự hành nghề luật sư quy định tại khoản này.

4. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định cụ thể việc tập sự hành nghề luật sư

Cuối cùng, khi đã có chứng chỉ hành nghề Luật sư, người đó phải gia nhập một đoạn Luật sư để bắt đầu làm việc cho đến khi đủ điều kiện để cấp thẻ Luật sư.

PHẠM VI HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ

Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự5.

Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật.

Thực hiện tư vấn pháp luật.

Đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật.

Thực hiện dịch vụ pháp lý khác theo quy định của Luật này.

- Các hoạt động dịch vụ pháp lý khác (soạn thảo HĐ, các giấy tờ pháp lý khác…)

  1. Quy tắc số 10 Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

  2. Quy tắc số 11 Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

  3. Quy tắc số 12 Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

  4. Điều 10 Luật luật sư năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2012

  5. Điều 22 Luật luật sư năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2012

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Luật luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2012

Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Giáo trình học viên Tư pháp phân hiệu thành phố Hồ Chí Minh


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem